Đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước
tại Stuttgart – Germany ngày 31-10-2015.
Trần Đan Hà
Trong căn phòng khá rộng rãi nhưng rất ấm cúng của Katholisches
Gemeindezentrum
Padua Stuttgart (Plieningen). Gần 200 đồng hương Stuttgart và vùng phụ
cận đã đến tham dự một buổi sinh hoạt văn hóa đặc biệt nói trên. Với sự
trợ giúp của Cộng đồng Việt Nam Stuttgart (Vietnam Community
Stuttgart-VCS) và những thân hữu của hai anh Dương Hồng Ân và Dương Hồng
Trạch tổ chức.
Thư
mời vào lúc 16 giờ nhưng ban tổ chức có nhã ý dành cơ hội cho đồng
hương hàn huyên tâm sự trong buổi hạnh ngộ hiếm có nầy. Đến 18 giờ mới
thực sự bắt đầu, qua lời giới thiệu của MC Sông Lô đã khiến cho thính
phòng trở nên yên lặng.
Sự
chờ đợi đã đến khi nghe tiếng nhạc dập dìu vừa trổi lên và giọng ca của
Tuyết Dung (đến từ Paris) lướt đi với nhạc phẩm Tiếng Xưa :
Hoàng hôn lá reo bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu, sương mờ…
Tâm
cảnh ấy như trùng hợp với hiện tại đau buồn đang dâng ngập cõi lòng của
khách ly hương đang nghìn trùng xa nhớ. Tâm cảnh ấy như đang dìu lòng
viễn xứ về với cảnh xưa để giao thoa cùng mùa thu Stuttgart. Nơi đây
cũng có lá vàng rơi bay cùng sương mờ trên từng ngọn cây và gió lạnh.
Như hiện tại đang đưa thính giả bềnh bồng trở về, với âm thanh đang rơi
theo chiều gió tâm thức lướt đi trên muôn dặm, để dong chơi với thiên
đàng của quê hương yêu dấu. Nơi ràng buộc những ý thức về tâm linh mầu
nhiệm. Nơi nẩy mầm cho hạnh phúc và hy vọng đang vươn lên nguồn thắm
thiết của nỗi nhớ nhung về muôn trùng…
Tiếp theo là tiếng hát của Thụy Uyển (đến từ Hannover) qua nhạc phẩm Bóng Chiều Xưa:
Một chiều ái ân, say hồn ta bao lần…
Đôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng, nào thấy đâu sầu vương…
Là
một hoài niệm đẹp não nùng về một khung trời xa xưa dấu ái, một thời
của tuổi ngọc đang đong đầy những ước mơ. Nó đã làm say đắm lòng người
không phải bằng men rượu, mà bằng đôi mắt em lặng nhìn… say đắm mơ màng.
Khiến cho lòng yêu dậy sóng, cho mơ ước lên ngôi, cho nỗi sầu không còn
vương trong mắt biếc… Thế nhưng định mệnh bắt phải chia xa, tơ duyên
đành cùng dứt… Để rồi…
Một chiều gió mưa, em về thăm chốn xưa.
Non nước u buồn nào, đâu bóng cố nhân lòng xót xa tình xưa…
Khiến cho nỗi chờ phải tắt, nỗi đau phải nghẹn, lòng buồn phải hiu hắt niềm riêng…
Tiếng hát Ngọc Ánh (đến từ Paris) với nhạc phẩm Bến Xuân Xanh:
Ngày xuân êm ấm nắng xuân tưng bừng,
hoa tô màu thắm, bướm bay quyến luyến hoa dịu dàng…
Như
đang gợi lại hình ảnh mùa xuân quê nhà trong thời thanh bình, có nắng
xuân tưng bừng reo vui trên ngàn hoa. Đang tô thắm cho lòng người dậy
dàng mơ ước, đắm cảnh thanh xuân như trang hoàng cho một mùa lễ hội. Xôn
xao đến nức lòng khi thấy hoa khoe sắc và bướm đùa vui trên cung bậc
dịu dàng của tiếng ca thánh thót. Đã thắp lên một mùa xuân hy vọng, đã
cho thấy cái vóc dáng của mùa xuân được tưới tẩm bởi hương hoa, của
đường mật. Thắp sáng một lạc quan và tin tưởng đến tương lai, để xoa dịu
một uẩn cảnh buồn đau vì cõi lòng xa nhớ…
Đến
đây thì nỗi nhung nhớ như đang ngân lên trong lòng xa, một hình ảnh của
quê hương thân yêu nhưng chỉ ghi lại một vài nét chấm phá qua nhạc phẩm
Đêm Tàn Bến Ngự:
Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng.
Nhớ chăng non nước Hương Bình…
Qua
tiếng hát của Usha như một nguồn xanh đang trôi ngược về bến bờ của một
hồn thiên cổ. Như lòng hoài niệm về một nơi chốn mù xa của xứ Huế mộng
mơ. Chỉ vài nét thôi, thế mà hình bóng cố đô với cung thành diễm lệ của
một thời vang bóng, đang hiện về trong tâm thức của người xa. Thật sừng
sửng nguy nga như hai dấu ấn muôn đời không phai màu ký ức… Tương hợp
với ngày xưa cố thi sĩ Bùi Giáng cũng chỉ vẽ lại với hai nét ấy khi nhắc
đến xứ Huế:
Dạ thưa xứa Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Hai
nét ấy vẫn còn muôn đời hiện diện, khi nỗi nhớ của lòng vẫn còn hoài
réo gọi nơi miền xa. Hai nét ấy hình như là quà tặng của tạo hóa đã dành
cho người xứ Huế, để tô thắm cho một quê hương thơ mộng.
Bản nhạc Chiều, được phổ từ thơ Hồ Dzếnh cũng dâng lên một nỗi buồn man mác, của lữ khách đang bâng khuâng trước chiều:
Trên đường về nhớ đầy.
Chiều chậm đưa chân ngày.
Tiếng buồn vang trong mây…
Với
điệu nhạc rơi chậm giữa một không gian buồn mênh mông, qua giọng ngâm
thơ của anh Đăng Châu và tiếng hát của Tuyết Dung, đang hòa quyện một
nhịp nhàng cho cõi hồn bâng khuâng khơi thoáng. Chợt nghe lòng vắng như
mây, buồn đầy lên mắt mà tưởng chừng như đang đi lạc giữa rừng hoang,
lòng quạnh hiu giữa nỗi sầu vạn cổ đang chất đầy lên chiều…
Thụy Uyển trở lại tiếng hát với nhạc phẩm Đêm Ngắn Tình Dài:
Còn một tối gần bên nhau.
Rượu hoàng hoa xóa ưu sầu.
Màn sương xuống ướt đôi mái đầu.
Nào biết chi giờ trôi mau…
Rồi
người lại ra đi theo tiếng gọi non sông ngoài muôn trùng sóng gió,
không biết người còn nhớ đến tình xưa. Hay dòng thời gian cứ trôi đi
trong vô tình, mà tin xưa cũng biền biệt. Để trên bước sông hồ, không
biết người xưa còn nhớ một đêm trăng nào với hai mái đầu cùng lời hẹn
ước… và để đêm nao khi bóng trăng dần tàn, sương mờ còn phủ ướt hai mái
đầu và ngồi mơ đến ngày mai thanh bình ?
Nhạc phẩm Ngọc Lan, như tiếng hát liêu trai của một thời sương khói, như nhân cách hóa một cánh hoa huyền thoại, rất kiêu sa, thật lãng mạn mà thực
hư không biết ra sao ? (Ngọc Lan là tên một một loài hoa vương giả hay
tên của một thiếu nữ dịu hiền? Không ai biết đích xác, cho nên hình như
đây là nét quyến rũ của nhạc phẩm Ngọc Lan…)
Ngọc Lan, giòng suối tơ vương mắt thu hồ dịu ánh vàng.
Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng nghiêng tà mấy cánh phong nắng thơm ngoài song…
Ngọc Lan, giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bông là.
Ngọc Lan, trầm ngát thu hương.
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đờn hờ phím loan...
Ngỡ
tưởng như người đẹp trong tranh bước ra với xiêm y dịu dàng, lụa là rực
rỡ được ướp bằng ngàn hoa khoe sắc, phô hương. Đã một thời làm ngất
ngây của những khách đa tình. Và hình như mỗi khi nghe lại bản nhạc nầy,
thường có cảm tưởng như lạc vào một thế giới mộng lung huyền ảo. Một
thế giớ mà ai ai cũng phải đắm mình trong mê cung. Nơi chốn đã rung lên
tiếng nhạc và lời ca như thôi miên cảm giác. Trong bối cảnh thực hư ấy,
mấy ai có thể không vướng vào để chịu chung hệ lụy của một cám dỗ kiêu
sa ?.
Nhạc phẩm Khúc Nhạc Dưới Trăng:
Dưới ánh vầng trăng bóng ngà.
Một trời mát êm trong sáng…
Thấp thoáng ngày cây bóng lòng.
Một bầy thiếu niên ca múa.
Khúc hát nhịp theo tiếng đàn.
Chập chờn dưới trăng…
Được
anh Lê Hữu Ái dìu tiếng hát bay về thăm lại ngày thơ của khung trời
tuổi nhỏ. Một vùng thôn quê thanh bình của một thời xa xưa, giờ nhắc lại
nghe như một huyền thoại. Những ai đã từng sống với một thời ấy mới
thấy thiết tha mới thấy nhớ nhung đến nao lòng. Nên trong hiện tại lữ
khách chợt nhớ về bên mái nhà xưa. Mặc dầu ký ức hiện tại không còn đong
đầy những kỷ niệm. Thế nhưng có ai đó nhắc lại thì chắc chắn cõi lòng
sẽ bâng khuâng…
Đến đây Ca đoàn Stuttgart (có cả anh Dương Hồng Ân) với một liên khúc “Ân Nghĩa Sanh Thành…” như một phôi dựng cho chủ đề: “Uống nước nhớ nguồn…” (…
làm con phải hiếu. Ai ơi hảy nhớ năm xưa những ngày còn thơ công ai
nuôi dưỡng. Công Đức sinh thành người ơi đừng quên. Công cha như núi
thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người ơi là người ở
trên đời nhớ công người sinh dưỡng đó mới là hiền nhân. Vì đâu anh nên
người tài ba hảy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta…) để tưởng nhớ
một Nhạc sĩ tài hoa của một thời và muôn đời. Một con người tiên phong
đã sống và đã cống hiến cho đời suốt một chiều dài âm nhạc. Và tiếp theo
là lời tâm tình giữa MC Sông Lô và những nét riêng tư về đại gia đình
cố Nhạc sĩ. Anh Dương Hồng Ân tâm sự: Tôi chỉ được sống với bố tôi từ
nhỏ cho đến mười tuổi, thì phải di cư vào Nam. Nơi vùng đất mới, bố với
những công việc phải xa nhà, nên tuổi trưởng thành không có cơ hội để
gần bố. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhớ về những kỷ niệm về tuổi thơ cũng
đầy ắp dấu ái, cũng ngan ngát hương lòng của gia đình đầm ấm. Tuy sinh
ra trong một dòng họ vọng tộc có năng khiếu về nghệ thuật như cụ cố
Dương Khuê là một thi gia, đến bố là nhạc sĩ nhưng đến đời anh thì lại
theo ngành khoa học. Anh tự nhận là không có khiếu về lãnh vực văn nghệ,
nhưng mỗi lần họp bạn thì anh lại mở bản nhạc tủ của mình ra giới thiệu
với thân hữu bạn bè, và anh hát lên với một niềm tự hào là đang hát bản
nhạc nầy của bố mình, bản nhạc Chiều…Anh kể thêm về nét đặc biệt của
dòng tộc của họ Dương cũng theo từng dòng như vua chúa ngày xưa. Từ Cụ
Dương Khuê… đến dòng kế là Dương Tự… rồi đến Dương
Thiệu…và đến đời anh là Dương Hồng…Ngoài ra phía nữ giới thì có trường
hợp ngoại lệ như các dòng Dương Nguyệt… nên Khoa học gia Dương Nguyệt
Ánh cũng là bà con gần gủi thuộc dòng dõi họ Dương.
Còn
anh Dương Hồng Trạch thì tâm sự là anh cũng chỉ sống gần bố đến tám
tuổi, rồi sau đó sống với mẹ, còn bố thì vì sự nghiệp phải đi xa… Và anh
kể lại một chuyện rất dễ thương: “Một lần nọ có người bạn hỏi: Mầy có
bao nhiêu anh em ? Anh Hồng Trạch trả lời là có cả thảy mười một anh chị
em. Người bạn ồ lên một tiếng và nói thế là bố mầy “sản xuất và sáng
tác đều sung mãn như nhau cả”.
Sau
cùng anh Dương Hồng Ân mời tất cả Ca Nhạc sĩ và những người trong ban
tổ chức lên để trao tặng đóa hồng, cùng với lời cám ơn chân thành mọi
người không quản đường sá xa xôi từ Paris và Hannover cũng như anh chị
em tại Stuttgart, đã bỏ công sức tổ chức một buổi sinh hoạt văn hóa để
hoài niệm và cám ơn một Nhạc sĩ tài hoa, đã để lại cho đời những tác
phẩm âm nhạc, mà tiếng hát từ hơn nửa thiên niên kỷ qua vẫn còn làm rung
lòng người thưởng lãm.
Chấm
dứt phần một của chương trình hát những bản nhạc của nhạc sĩ Dương
Thiệu Tước trong chủ đề tưởng niệm. Nghỉ giải lao 30 phút để dùng bửa
chiều nhẹ cũng như ăn bánh uống cà phê do ban tổ chức khoản đãi.
Trở
lại phần hai chương trình với những bài hát tự do, để phụ họa cho thêm
phần phong phú. Nhưng hình như cũng mang một chủ đề về mùa thu như những
bản nhạc sau đây: Mùa Thu Không Trở Lại (nhạc Phạm Trọng Cầu) qua tiếng
hát Usha. Giọt nắng bên thềm (nhạc Thanh Tùng) với tiếng hát Thụy Uyển.
Bài Hát Mùa Thu (thơ Hàn Mặc Tử) giọng ngâm Lâm Đăng Châu. Thu Hát Cho
Người (nhạc Vũ Đức Sao Biển) tiếng hát Tuyết Dung. Giọt Mưa Thu (nhạc
Đặng Thế Phong) tiếng hát Ngọc Bích. Thu Ca (nhạc Phạm Mạnh Cương) tiếng
hát Thu Thủy. Phôi Pha (nhạc Trịnh Công Sơn) tiếng hát Hương Lan. Hương
Xưa (nhạc Cung Tiến) tiếng hát Hà Chi Mai Anh Tuấn. Động Hoa Vàng (thơ
Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy) tiếng hát Usha. Mình Ơi (nhạc Diệu Hương)
tiếng hát Thụy Uyển. Gửi Nhau Lời Quan Họ (nhạc Nguyễn Minh Châu) tiếng
hát Tuyết Dung.
Đã
khép lại chương trình sinh hoạt văn hóa hôm nay, cũng như đến giờ bùi
ngùi chia tay trong tiếc nuối dòng thời gian qua mau. Mọi người ra về
mang theo một cảm xúc với âm hưởng của mấy giờ qua như một kỷ niệm đẹp.
Cảm giác rất ngọt ngào khi được nghe lại “tiếng xưa” như trở về tắm lại
dòng suối mát của quê hương, ngỡ tưởng như lòng dịu lại sau những phút
giây thương nhớ về một quê mẹ giờ đây đã nghìn trùng. Nỗi nhớ quê tuy đã
dằng dặc, nhưng mỗi khi có nhân duyên nhắc lại thì hình như thác lũ đã
trôi về tràn ngập cả cõi lòng…!
Đôi nét về Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:
Dương Thiệu Tước (1915–1995) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định.Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, trong thập niên 1930 ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa Lưu Ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh... Dương Thiệu Tước cũng là người có sáng kiến soạn nhạc "bài Tây theo điệu ta", những nhạc phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc. Trong một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền".
Ông vào miền Nam sinh sống từ năm 1954. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy Lục Huyền cầm/Tây Ban cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Sau ngày nước Việt Nam thống nhất năm 1975, nhạc của ông bị cấm đoán và ông cũng bị mất chỗ dạy học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Cuộc sống gia đình
Vợ chính thất cũng là vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần có 5 người con, ba người chị hiện sinh sống ở Hoa Kỳ, đến anh Dương Hồng Ân và em kế là anh Dương Hồng Trạch hiện sinh sống tại Đức. Vợ sau của ông là bà Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao.
Ông bà sống hạnh phúc trong 30 năm, cũng có với nhau 5 người con là:
Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh (ca sĩ hải ngoại), Vân Dung, Vân Hòa, Vân
Khanh. Ngoài ra ông còn có thêm một đứa con với bà thứ ba tên là Dương
Hồng Đức.
Nguồn: http://quangduc.com/a57509/uong-nuoc-nho-nguon