Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

ĐÊM GIAO THỪA NHỚ TIẾNG PHÁO

(Bài viết này đã 3 năm)
 Nguyễn Lương Tuấn
Thoắt cái, mùa Xuân đã trở về.
Bây giờ là 22 giờ 50 phút tại Việt Nam, tôi đang chờ đón giao thừa. Thời tiết ấm áp, tất cả mọi nhà đang chuẩn bị đón năm mới.
Tôi tẩn mẩn nghĩ thầm mình đã đón bao nhiêu lần giao thừa?
Mỗi người chúng ta ai đã chẳng từng có những mùa xuân vui, buồn.
Cho dù chẳng mong đợi, mùa Xuân vẫn đến, mùa Xuân vẫn đi và nhân loại vẫn đón mùa xuân bằng nhiều phương cách, phong tục, tập quán khác nhau.
Một mùa xuân đi qua đời người, đánh dấu bằng một tuổi. Có bao nhiêu tuổi là có bấy nhiêu mùa xuân.
Đã có bao nhiêu mùa xuân đi qua đời tôi?
Một điều kỳ lạ, tuổi đời chồng chất, vậy mà mỗi lần xuân về, tôi vẫn rộn ràng, náo nức mong chờ ngày tết. Những sở thích, những thói quen vẫn không thay đổi.
Và nó trở thành những kỉ niệm, những kỉ niệm êm đềm nhất.
Nhớ lại những mùa xuân trước 1975, tôi thích nhất là tiếng pháo. Tiếng pháo mọi nhà, mọi người đốt, lan đi như tín hiệu báo tin mùa xuân đang bước vội đến. Ai ai cũng đều rộn ràng bởi tiếng pháo. Tiếng pháo vang từ xa rồi đến gần, đến gần và rồi bùng phát dòn dã, dữ dội, liên tục trong thời điểm giao thời. Năm cũ ra đi, năm mới kế tục.
Niềm vui lớn nhất, rộn ràng nhất với tôi là nghe tiếng pháo, và càng sướng khoái khi chính tiếng pháo đó mình trực tiếp đốt để góp phần tín hiệu mừng giao thừa.
Làm sao tôi quên được những phong pháo Từ Châu, Điện Quang. Những phong pháo màu đỏ, vàng xinh xắn, bao gồm nhiều loại, phong pháo đôi, phong pháo chiếc. Giá tiền phong pháo nhiều hay ít tùy vào thời lượng pháo đốt lâu hết hay mau hết. Mỗi phong pháo có khi lại được kết thêm bằng những cây pháo tống, nổ rất to để tăng tính trang trọng hay hoành tráng của thời khắc đáng nhớ.
Cây pháo nhỏ như những đốt ngón tay trẻ con màu hồng, có tim để đốt với tôi là những vật có sức lôi cuốn làm tôi mê say, có tiền là tôi đi mua pháo lẽ về đốt.
Hình ảnh trong cuốn sách Giáo khoa thư minh họa một cậu bé tay cầm cây hương đứng thụt ra xa, chồm mình về trước, đưa que hương tới cây pháo đốt. Gần đó một số mấy bạn nhỏ khác đứng xem, hai tay bít lổ tai vẫn ám ảnh tôi. Rất dễ thương và rất trẻ thơ.
Tôi nhớ cha tôi thời điểm năm 1974 hay 1975 gì đó, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn mê đốt pháo. Mỗi thời điểm cúng đều được ông cho đốt pháo. Cúng chiều 30 tết, cúng giao thừa, cúng sáng mồng một tết. Cúng tết nhà, cúng đưa ông bà. Tất cả đều có đốt pháo. Không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu hết trong xóm, trong phố, … đều y theo phong tục đó.
Do đó mà tiếng pháo vẫn rộn ràng không ngớt từ ngày 25 tháng chạp âm lịch cho đến hết ngày 5 hay 6 tết.
Tuổi thơ nào chã mê đốt pháo, mê tiếng pháo. Ngay cả người lớn còn mê huống gì trẻ con.
Mùa xuân năm 1974,lúc bấy giờ cha tôi đau nằm, không dậy cúng giao thừa được. Ngay lúc bấy giờ có tiếng pháo từ nhà nào gần bên nổ một tiếng lớn. Ông giật mình hỏi:
- Tiếng pháo nhà ai nổ dữ dội rứa?
Tôi trả lời:
- Là nhà bác Thông hơ pháo trên bếp bị cháy và nổ!
Cha tôi cười.
Kể vậy để bạn thấy rằng cha tôi mê pháo biết chừng nào.
Thế nhưng sở thích mê pháo, niềm mơ ước của trẻ con và phong tục truyền thống đốt pháo đón tết đã bị cấm hẳn, bị bóp chết vài năm sau đó kể từ từ năm 1975, khi Nhà nước CS đặt nền cai trị nước ta.
Lý do được nêu ra là tiết kiệm, đề phòng cháy nổ, bảo vệ trật tự trị an.
Sau năm 1975, người dân vẫn đốt pháo và tiếng pháo ngày tết trở thành những mẫu chuyện thú vị. Các thương hiệu pháo miền Nam bị mất dần và được thay bằng những phong pháo từ miền Bắc đưa vào, nhưng tiếng pháo nổ không đều, đang nổ bị tắc tị, … làm cho người dân miền Nam quen đốt pháo và ghiền nghe tiếng pháo trở thành bị cụt hứng. Thế rồi trong cái bí vẫn có lối thoát. Thương hiệu pháo Nam Ô ra đời và làng Nam Ô trở thành làng pháo.
Tại Nam Ô, nhà nhà làm pháo, người người làm pháo.
Người dân miền Nam quen đốt pháo Điện quang hay pháo Từ Châu, tiếng nổ không lớn nhưng nổ dòn và đều. Cây pháo bé, có thể cầm nơi tay và đốt, khi tim pháo bén sắp đến cây pháo, mấy đứa con nít nghịch hay mấy cậu trai thích chọc mấy cô gái ném pháo vào người đi đường làm thiên hạ xanh mặt, … Nhưng mà vẫn không sao cả.
Trái lại, pháo Nam Ô, do người làm pháo cạnh tranh nhau, họ làm cây pháo lớn, lượng thuốc súng nhiều hơn nên tiếng pháo nổ to và gây tác hại đáng kể. Cây pháo thường to bằng cây pháo tống trước kia và cây pháo tống to bằng lon sữa bò!
Cũng do ông nhà nước quản lí lỏng lẻo trong vấn đề tiêu chuẩn pháo mẫu trong sản xuất, vấn đề cấm tích trữ, đầu cơ để làm pháo nên các vụ cháy nổ, các sự cố chết người do làm pháo và đốt pháo đã xảy ra.
Thói quen, ngày tết người dân đốt pháo vẫn thích tiếng pháo nổ to, dòn, đều. Đây cũng là một tập tục có tính truyền thống với niềm tin: Tiếng pháo đầu năm nếu nổ tốt sẽ là tín hiệu cho thấy năm tới mọi sự sẽ tốt lành, … Do đó, mua pháo và chọn lựa pháo là một việc rất đáng quan tâm của người dân.
Đêm giao thừa, chiều 30 đón ông bà, tiếng pháo nổ làm mọi người ở sát nhà nhau, trong vùng đều lắng nghe và thường bình phẩm, pháo nhà này thế này, pháo nhà kia thế nọ, …
Tiếng pháo nhà ông X nổ to và rất dòn, đều. Nhưng ông Y, mĩm cười:
- Ăn thua chi!!!
Thế là ông treo phong pháo to, dài từ trên ô văng bê tông đến gần sát đất. Ông châm lửa và đốt. Tiếng pháo nổ một phát đầu tiên kêu “Ầm” mọi người hoảng kinh. Và rồi tiếng ầm ầm vang đều, chen lẫn tiếng “Ùm” làm ai nấy tái mặt. Và khi tiếng nổ kết thúc, một rừng khói xám dày đặc hôi mùi thuốc súng nồng nặc.
Tôi nhìn qua nhà ông X, xác pháo nhà ông đốt trước đó đã bị pháo nhà ông Y dọn sạch.
Ôi! Kinh hãi.
Cứ thế mọi người thi đua ra sức mua pháo thật tốt để đốt sao cho pháo nhà mình phải to hơn pháo nhà hàng xóm.
Đúng là hai con gà trống tranh nhau tiếng gáy.
Ông nhà nước khiếp quá, cấm pháo tiệt.
- Cho nó khỏe!!!
Nhưng mặt khác, có người nói: cấm đốt pháo để khỏi tái diễn vụ Mùa Xuân năm 1968!
Tiếng pháo đón giao thừa được ông nhà nước CSVN thay bằng tiếng pháo Quốc doanh, đó là pháo bông, tiếng pháo tập thể để cho người dân tập trung nghe chung, nhìn chung.
Dù sao thì đó cũng là cơ hội để người dân hoài niệm một thuở hoàng kim mà những giá trị thiêng liêng, những truyền thống tốt đẹp được bảo vệ và phát huy nay mỗi ngày mỗi mai một.
Giao thừa đã trôi qua.
Yên lặng.
Tôi đang nghĩ về một bài thơ của Đoàn Văn Cừ, bài “Chợ tết”. Rất sinh động và chân thực, bài thơ đã phản ảnh thật hấp dẫn chợ tết của một thôn miền núi. Đây là sinh họat truyền thống độc đáo của người Việt. Đọc lại bài thơ, có ai không bồi hồi nhớ lại những cái tết đi qua trong đời mình:
“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi. Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc. Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton. Vài cụ già chống gậy bước lom khom, Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ. Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ. Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu….”
Hình ảnh ấn tượng nhất đối với tôi là “Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton”. Phải, tôi cũng đã từng áo đỏ chạy lon ton đi chơi đùa cùng trẻ đầu xóm: nhặt pháo xì, đốt pháo lẽ, đánh bài vụ, chơi cua bầu hay theo cha đi chúc tết nhà bà con, lối xóm để rồi có những đồng tiền lì xì mới toanh, thơm mùi giấy bạc.
Đã qua rồi thời xa xưa ấy.
Mùa xuân ơi!...