Con đường mang tên Phan Bội Châu – Hàn Lan Anh
Xin phép chị Hàn Lan Anh cho chúng tôi được đăng bài này trên trang Web này. Hình như chị là chị của một đàn em Nguyễn Du của chúng tôi tên là Hàn Phúc? Không biết bây giở Hàn Phúc ở đâu?Tôi là dân Phan Bội Châu ( đối diện với Châu Anh, Mỹ Hoa và tiệm vàng Kim Phượng )
Giới thiệu bài viết của Hàn Lan Anh, hình của LocDP
Trời California trong xanh, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua là hàng cây phong lung linh trong gió như vẫy tay cười. Ở xứ nầy, cây lá xanh nhiều quá, từ những cánh đồng bát ngàn cho đến những con đường nơi phố thị. Nhớ về quê cũ với con đường Phan Bội Châu nơi tôi lớn lên không tìm thấy một bóng cây.
Đường Phan Bội Châu còn gọi là đường Ngã Giữa, nhắc nhở một quá khứ êm đềm, đây là một trong hai con đường chính của phố Huế. Lúc còn bé tôi thấy một vài tấm cartes còn sót lại của Ba tôi thì địa chỉ nhà tôi là 24 Rue Gia Long, đến thời đệ nhất Cọng Hoà là 46 Phan Bội Châu.
Con phố chạy dài từ vườn bông Ông Đốc Phước, trước mặt tiệm mè xửng Song Hỷ cho đến tiệm buôn Vĩnh Thái, đối diện với đồn cảnh sát Đông Ba. Lòng đường tương đối hẹp, xe chỉ chạy một chiều, hai bên là lối đi dành cho người bộ hành có lót những mảnh xi măng nhỏ vuông vứt. Căn phố lầu khiêm tốn, nằm ở quãng giữa đường, thơm lừng mùi hương quế là nơi tôi đã sống những ngày thơ ấu cho đến khi bước vào cuộc sống lứa đôi.
Như những con phố khác, phố Phan Bội Châu có những dãy lầu đối diện nhau, san sát là những cửa tiệm bán hàng. Ai đã từng làm thiếu nữ ở Huế mà không biết đến tiệm tơ lụa Anita silk house, Bombay, Xuân An, Quảng Hưng. Các tiệm sách thì có Nguyễn Du, Lê Thanh Tuân và nhà kinh sách Liểu quán. Những tiệm ăn nổi tiếng cũng nằm trên đường nầy, khoảng giữa có nhà hàng Quốc Tế, đi xuống chút nữa có tiệm cháo lòng Đồng Ý. Tiệm Bò Tái nằm gần nhà hát bội Đồng Xuân Lâu. Các tiệm bán xe đạp, xe gắn máy như Đồng Phát, Quảng Thịnh, Việt Hùng. Gần nhà là tiệm bán phụ tùng xe gắn máy của bác Hưng Sinh, bác là một trong số ít ỏi người Bắc sống trên con đường nầy, bác Sinh gái còn để hàm răng đen và vấn đầu, giống như những nhân vật trong Tự Lực Văn Đoàn.
Tiệm Đồng Phát thời Đệ Nhất Cộng Hòa khi đường Phan Bội Châu còn mang tên Gia Long.
… và hình ảnh tiêu điều của nó vào năm 2007, vì chỉ còn cảnh chứ không còn người.
Các tiệm bánh kẹo là những nơi hấp dẫn nhất của trẻ con khu phố, nào là tiệm Quảng Lai với những thẩu thủy tinh lớn đựng đầy ô mai và bánh kẹo sực nứt mùi vani. Tiệm Phúc Long, Hoàng Hưng có nhiều kẹo Tây, riêng tiệm Thuận Hưng có cả một lò nướng bánh. Mỗi buổi chiều hương vị bánh tràn ngập khu phố, đánh thức vị giác của lủ con nít chúng tôi, các tủ kính đầy ngập các loại bánh nuớng trông rất hấp dẩn. Những cửa hiệu tạp hóa như Phú Nghiã, Vĩnh Thái, Nam Hoa, Thuận Thành bán đầy đủ các mặt hàng cần dùng, ngoài ra còn có những tiệm mỹ phẩm sang trọng như An Vân, Mỹ Thắng. Tiệm Hòa Lợi với những kiểu TV mới lạ nằm trước mặt tiệm chụp ảnh nổi tiếng Mi Ly. Phía gần cuối đường là những tiệm bán len và đan thuê của một người đàn bà Bắc, giọng nói ngọt ngào và bà chính là mẹ của tay trống Bossu, người đã từng phụ trách chương trình nhạc trẻ tại đài phát thanh Huế. Đây là một chương trình đặc biệt của giới trẻ thập niên 60. Nhờ Bossu mà các thanh thiếu niên Huế biết làm quen với Sylvie Vartan, Francoise Hardy hay Charles Anazvous của Pháp, the Beatles, Simon va Garfunkel của Mỹ… Tiếc thay tay trống lãng tử nầy đã mất trong biến cố Mậu Thân.
Tiệm may Xuân An và tiệm bánh Hoàng Hưng, nhà của H Trọng (bên phải) năm 2007. Xuân An sau này đã đổi chủ.
Con phố chẳng có một bóng cây nên không có những lao xao của lá xanh vờn gió báo hiệu Xuân về, nhưng thế vào đó là những cánh én liệng qua lại trên những hàng giây điện hay trên những mái nhà. Ban đêm, dưới ánh đèn đường, một vài nhóm học sinh tụ tập để học bài cho những kỳ thi tới
Mùa Hè khi sách vở được xếp lại, lủ trẻ chúng tôi tụ tập chơi ù mọi, đánh vợt, đánh thẻ náo động cả khu phố. Dịp lể Phật Đản giống như một ngày hội lớn của thành phố Huế và đường Phan Bội Châu là nơi tâm điểm để mọi người đi xem đèn, nhà nhà nô nức treo đèn kết hoa làm sáng rực cả một con đường
Thu sang, chẳng thấy lá vàng rơi, chỉ thấy các đèn lồng nơi những cửa tiệm và những chiếc bánh trung thu láng lẩy, hấp dẫn nằm trong những tủ kính đầy ánh sáng. Các đội múa lân có dịp trổ tài, phần thưởng là những bao lì xì màu đỏ lớn treo trên các lầu cao.
Đông về hoà với những cơn gió lạnh từ phía Đập Đá là những cơn mưa không dứt, phủ trắng cả một con phố. Con phố cũng buồn vì thiếu vắng khách người mua.
Những ngày thanh bình trôi qua êm ả, cho đến khi chiến tranh tràn vào thành phố với trận chiến Mậu Thân, nhà cửa đổ nát điêu tàn, khu nhà hàng Quốc Tế và tiệm vải Bombay bị thiêu rụi, người bạn thân thủa nhỏ gạt lệ chia tay để trở về xứ Ấn Độ xa xôi.
Biến cố 75, bỏ Huế ra đi với sự sợ hải, hoang mang. Ngày trở về trên chiếc xe cyclo, từ đường Trần Hưng Đạo ghẹo trái về Phan Bội Châu mà không cần đứng lại, bác cảnh sát quen thuộc chuyên thổi còi cho ai đi ngược đường nay đã vắng bóng, cờ phủ rợp hai bên đường, tôi đi trong cái ngổn ngang, ngơ ngác, vô trật tự của cuộc sống mới, từ đấy mới cảm nhận được cái chua xót của Trần Dần khi bước về phố Hà Nội năm xưa.
Con đường từ nay không còn như củ, xóm giềng lần lượt ra đi, học tập cải tạo, vượt biên. Những tiệm buôn lần lần đóng cửa vì bị trưng dụng, quản lý, bị đánh tư sản mại bản. Tôi lại vẫn gỏ nhịp guốc trên khu phố, lòng không còn mang những mộng đời xanh cũ mà thay vào đó đã có những vết hằn, những suy tư. Tôi phải cố gắng hoàn tất năm học cuối cùng nầy với những giáo điều và lịch sử được viết lại bởi chế độ mới. Rồi tôi cũng mong ra khỏi nơi nầy, hướng về đại dương xanh thẳm, đợi một ngày đi tới bến bờ tự do.
Lăn lóc ở xứ người trên mấy mươi năm, rồi tôi cũng có dịp trở về thăm quê cũ, thăm lại con đường Ngả Giữa năm xưa. Trái tim cùng bước chân nhãy hụt nhịp, khi thực tế, một buổi hoàng hôn, đứng lại trên hè phố cũ. Ngày xưa lòng đường thấy rộng, từ bên nầy, qua đến bên kia, phải ngó trước, ngó sau, chạy ù cả chục bước mới tới, bây giờ thì thấy hẹp quá. Cảnh tượng buôn bán sầm uất không còn nữa, những lớp vôi cũ lở dọc các bờ tường. Đi bên lề phố, một vài ánh đèn thấp thoáng, những chiếc xe nhỏ chạy vụt qua, rồi mất đi, để lại khu phố buồn tênh. Hết rồi những dãy đèn sáng của các cửa tiệm năm nào. Ánh nắng hoàng hôn loáng thoáng, tôi ngỡ như nhìn thấy nụ cười thắm tươi của Mẹ tôi đang đứng nói chuyện với bác Đồng Phát, bác Hòa Thuận trước cửa nhà và kia là cái bao lơn nhiều song sắt uốn cong, mà chị em tôi cho là đẹp nhất vì vẫn còn mang hơi hướm như những tiệm cà phê đầy nghệ sỉ của Paris. Chiếc bao lơn nầy là nơi mà tôi và người bạn hàng xóm đã gói ghém những tâm sự vu vơ, những ước mơ cháy bỏng đầu đời. Tất cả chỉ là ảo vọng vì Cha Mẹ tôi khuất núi đã lâu, các người bạn nhỏ hiện đang ở bên trời Âu. Phố phường giờ đây là những người lạ, họ dùng những từ ngữ mới sau 75 và giọng Huế với những âm sắc nặng.
Nhà của LA vào năm 2007, đã đổi chủ và phân làm hai.
Người chủ mới mời tôi vào thăm nhà cũ. Một cảm giác quen thuộc khi nhìn thấy chiếc cầu thang, lối dẫn lên nhà trên mang những bước chân sáo của các chị em ngày nào. Mắt tôi mờ lệ khi nhìn vào góc tối, kia là nơi để chiếc bàn ăn đã ghi dấu những bữa cơm ấm áp cùng Cha Mẹ, khoảng trống phía trước là chổ để chiếc xe PC màu đỏ của cu Tí em tôi mà nay em cũng đã gởi nắm xương tàn trên nghĩa trang đồi Hồng ở xứ người. Người chủ mới hỏi thăm, đánh thức xúc cảm chìm đắm quá khứ của tôi để rồi nhận biết nơi đây không còn gì thuộc về mình nữa. Lúc bước ra đường thì Trời đả tối hẳn.
Một con đường cũ, một khung trời kỷ niệm, nhưng thoáng đâu đây có chút chạnh lòng, bởi vì mọi việc đả quá đổi thay. Con phố xưa chỉ còn mơ hồ hình dáng cũ, nay nó được mang một tên mới, nhưng đối với tôi mãi hoài, đó là con phố Phan Bội Châu của những ngày thanh bình xa xưa.
Discussion
9 thoughts on “Con đường mang tên Phan Bội Châu – Hàn Lan Anh”
Hay quá LA, tiếp tục nữa nghe.
Like
-
From: Tong Mai
Chị viết hay quá chị Lan Anh. Mặc dù em không biết chi về phố PBC, chỉ nhớ mấy tiệm sách, rạp ciné và tiệm Lộc Lợi của dượng em hồi xưa, bây giờ chị nhắc lại em mới mang máng những tiệm khác mà mình không để ý thời đó.
Em lại nhớ như in trại tị nạn Lemsing hơn.
Mai
Like
Posted by TongMai |
Tiệm Lộc Lợi chỉ cách nhà chị chừng 5 căn phố, đây là 1 nhà buôn rộng lớn trãi dài từ PBC cho đến đường Hàng Bè, bên cạnh có 1 con hẻm nhỏ cho người đi bộ và xe gắn máy đặt tên là kiệt Lộc Lợi.
Đọc chuyện “Áo núi lam” gợi nhắc cho chị căn nhà của Mai ở triền dốc Bến Ngự, con dốc ngắn, đả cao mà muốn lên thềm nhà lại phải bước thêm nhiều tầng cấp nữa, chị vẫn thường nói với Châu, chắc chẳng bao giờ biết lụt là gì. Sau 75, chỉ có Châu ở lại học cho xong năm cuối. Tụi chị gồm Phúc, Thu, Trì và Minh Tâm, thường hay tụ tập, ăn trưa và nói xấu bọn thành đoàn cho sướng miệng mà không sợ ai hết !!!
Mai rất tài hoa, những bài viết hay, đầy thi vị và phảng phất nét thiền. Chị củng thích những tấm hình mùa Thu. Hình đẹp, ngay khi mới nhìn lần đầu, độ sáng lại thích hợp với cấu trúc của phong cảnh. Hình tỉnh lặng, nhưng đâu đây có chút lung linh của lá vàng trong nắng, có chút thi vị như người chụp muốn viết nên 1 bài thơ.
Có tấm hình chụp nhân dịp Giáng Sinh 1979 tại trại Lemsing, sẻ tìm cách gởi cho Mai xem coi còn có nhận ra ai nữa không?
L.A.
Like
Posted by lananhhan |
From: Tong Mai
Dec 17, 2014
Em đã nhận hình trại ti nan Lemsing Lộc gởi rồi và em đã bỏ nó vào blog. Hình đầu tiên Lộc crop lại rất hay. Chị vào mục “Hình Xưa của nhóm Huế” (em có bỏ trong ngăn kéo của chị) xem có được không nghe. Em không nhận ra ai trong hình ngoài một khuôn mặt buồn và hiền như Đức Mẹ bên cạnh Su Su và anh Ngạc.
Em đợi để được đọc thêm bài viết của chị
Mai
Like
Posted by TongMai |
Bài viết hay. Xưa tôi nhớ có cô Hàn Hoa Anh và anh là Hàn Toàn thì phải, có bà con chi với tác giả không?
Like
Posted by tieuphidao |
Người viết là big sis. của 2 người đó, nhưng HT đã mất hơn 10 năm vì bạo bệnh.
L.A.
Like
Posted by l
Khi về thăm lại con đường cũ , ngôi nhà xưa ,tuy vẫn còn đó nhưng tất cả đã đổi thay quá nhiều và trở thành xa lạ chắc là Lan Anh đã rất buồn bả , ngậm ngùi .
Cám ơn Lan Anh đã viết một đoản văn rất hay và cảm động.
Lan Anh có nhắc đến dịp Lễ Phật Đản con đường PBC tưng bừng như hội với hoa ,đèn thắp sáng khắp mọi nhà người đi đông đúc làm Ng nhớ đến một đêm Lễ Phật Đản năm nào Ng cũng đứng trên balcon nhà người bạn thân thiết của thời mới lớn để cùng bạn xem đèn và chờ xe hoa chạy diễn hành ngang qua , tưởng như mới đó mà cũng gần 45 năm qua rồi !
MN.
Like
Posted by NguyenMinhNguyet |
Lan Anh ơi. Lan Anh viết về phố Phan ni mà quên mấy địa chỉ ni là có “tội” đa nghe:
1. Tiệm vàng ngay đầu đường của bác Cửu (là bà ngoại của ai trong nhóm mình rứa hè?),
2. Tiệm xe đạp Tân Thành, nhà của anh Trịnh Công Sơn, cách nhà này 2 căn có cái am lớn thỉnh thoảng tổ chức lên đồng.
3. Dưới cái am này một nhà, là tiệm Xuân Phát (ngay bên cạnh nhà in Nguyễn Du) nhà của một người – bác sĩ – cũng từng tham gia nhóm Huế mình những ngày đầu mới thành lập (không biết có còn tham gia không).
4. Dưới rạp hát Đồng Xuân Lâu (dân gian thường gọi là “rạp bàTuần, bà Tuần là bà nội mình, không phải vì ông nội mình tên Tuần mà là vì ông mình đã từng là quan Tuần phủ Quảng Ngãi) cách tiệm phở tái một căn là tiệm ảnh Lê Viêm (con gái bác LV trong nhóm mình đâu rồi, dơ tay lên điểm danh hí!).
5. Bên cạnh tiệm ảnh là nhà anh Hy (nay là nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu người được lấy tên đặt cho con đường hiện nay). Mình nhớ mấy ngày đầu, có đọc được mấy bài của Bác sĩ Hy viết cho nhóm (hay ai đó chuyển cho nhóm?), nhưng lâu ni không thấy nữa.
6. Sau 1975, nhà nước lấy nhà anh Hy làm nhà lưu niệm nên đổi cho gia đình anh Hy sang ở một căn của nhà ở xéo bên kia đường chính là nhà của Diệu Tường (Diệu Tường và Tường Khoa là anh em họ). Một căn khác của nhà Diệu Tường nay là Hợp tác xã Thêu.
7. Ngay bên trên nhà Diệu Tường là một căn nhà cổ, nhà của Điệp, học Sinh hóa.
8. Trên nhà Điệp mấy nhà, gần quán kem của o Thân là nhà Bùi Văn Dũng, học Tạo Tác (?).
9, Sát bên HTX, (nay là cơ quan công an) vốn là nhà của một người Việt gốc Hoa, chú Tư Đồ Minh (có bà con với Lan Anh thì phải?) có con trai học cùng lứa với tụi mình (hình như là Tư Đồ Tuệ).
9. Trước mặt nhà Diệu Tường là dãy nhà mang số 101, 101A, 101B. Nhà 101 trước là lò bánh mì của bác Huỳnh sau này anh Đặng Ngọc Tuấn, anh con bác mình, Giám học trường Quốc học ở), nhà 101 A trước cho bác Hồng Phúc thuê làm nhang, sau là phòng mạch của Bác sĩ Đặng Ngọc Hồ, anh con bác mình (anh Hồ là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa thời anh Ngạc học đấy Lan Anh ạ, sau này là đại biểu HĐND thành phố Huế). Nhà 101B là Phòng vẽ Ngọc Duy (cái tên ni mình nghe quen quen – hi hi). Trước mặt nhà mình là tiệm Hòa Bình, nỗi tiếng vì chuyên cầm đồ).
11. Cách nhà mình hai nhà (nhà chú Lộc và nhà ông Tàu – trước là tiệm guốc) là nhà của Phan Chánh Tuấn, Phan Chánh Kiệt (sau này chuyển nhà qua Chi Lăng bán lại cho anh Vinh mở tiệm xe đạp xe máy).
12. Từ nhà mình đi xuống đúng 10 nhà là tiệm may Thái Nghi (nhà của ai rứa Hồ văn Thái Huỳnh?)
13. Trước mặt nhà Thái Huỳnh là nhà chú Đặng Văn Nội, nỗi tiếng vì là người đứng ra tổ chức hội chợ Xuân Mậu Thân ở vườn bông bị pháo kích tả tơi trong tết Mậu Thân và bị VC xử chết ngay trong ngày đầu biến cố.
14. Dưới nhà chú Nội 2 căn là kho gạo của gia đình chồng Đoan Trang, sau 1975 bị lấy làm UB Phường Phú Hòa, bây giờ là nhà trẻ.
15. Dưới nhà Huỳnh có mấy nhà cũng cần nhắc đến nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử đường Ngã Giữa gồm tiệm bún bò Mai Lợi, nhà của các anh em Sắt, Đá, Gạch …, nhà chú Na, cảnh sát, chuyên làm đầu thiên cẩu và tổ chức múa lân cho xóm mỗi mùa Trung thu, tiệm cháo lòng Như Ý, phòng khám và nhà hộ sinh của Bác sĩ Thân Trọng Phước, nhưng dân chúng thường quen với tên nhà hô sinh Cô Lành hơn. Cô Lành là mẹ của BS Hiền, năm 1970 học dự bị KH, sau vào Y khoa, hình như cũng có sinh hoạt trong nhóm Huế. Cuối đường còn có 2 nhà đáng nhớ là tiệm mì Châu Anh và tiệm nước hoa của gia đình Đại úy Thọ. Em anh Thọ là anh Nhàn, giáo sư Quốc Học hay Nguyễn Tri Phương gì đó mình không nhớ.
Nhân vật Bossu mà Lan Anh nhắc đến là anh Lang Gù (anh bị gù lưng), con bác Hiệp người Quảng, còn người phụ nữ nói giọng Bắc đó là cô Đắc, mẹ của anh Thọ, cũng là thành viên trong nhóm phát thanh này. Người đứng tên là trưởng nhóm anh Lang, nhưng người chọn nhạc lại là anh Đặng Ngọc Tự Do.
Ngày còn nhỏ, cánh con trai tụi mình chia đường Phan Bội Châu ni làm 4 xóm: Xóm Buôn bán, từ rạp Richard đổ lên đầu đường, Xóm Côi từ hẽm Richard xuống hẽm rạp hát bà Tuần, Xóm giữa từ Rạp bà Tuấn xuống nhà thầy Hiến và xóm Dưới từ nhà thầy Hiến xuống vườn bông. (Thầy Hiến là y tá, chuyên đi chích thuốc cho cả xóm. Dù chỉ là y tá, nhưng cả khu phố đều xem như là một bác sĩ nên kính trọng gọi là Thầy vì kiến thức y học sâu sắc của Thầy.
Bài viết của Lan Anh nhắc nhiều đến xóm Buôn bán và xóm côi vì Lan Anh ở phía trên. Hôm trước uống cà phê với Thái Huỳnh, nghe Huỳnh nói cũng định viết về con đường kỷ niệm ni. Huỳnh chắp bút đến đâu rồi?
Like