CHỈ LÀ NIỀM NHỚ

Nguyễn Lương Tuân

(Thân tặng các bạn CHS trường Nguyễn Du để nhớ về một thời -  Quê hương, Thầy Cô, Lớp học, Bạn bè)
BÔNG TRANG

Cây bông trang gợi cho tôi kỉ niệm những ngày còn bé, tôi chơi đùa cùng chúng bạn trong sân nhà. Cái cảm giác nhẹ nhàng êm dịu khi tôi ngồi trước thềm, nhìn thấy cây bông trang khoe những đóa hoa màu đỏ, to, tròn như một vòng cung. Ôi đẹp đẽ biết bao, chân chất biết bao!
Cây bông trang thân cứng, không to lắm và tõa ra nhiều nhánh. Có cây, từ dưới đất đã vươn lên nhiều cành, người ta vẫn gọi là bụi bông trang. Lá bông trang dài bằng ngón tay, suôn và nhọn cuối lá, có giống lá to, có giống lá nhỏ. Giữa các kẻ lá trức ra nhiều chấm như hạt bụi màu xanh, nhưng ở đó là niềm hy vọng, là sự trông chờ của tôi. Một ngày từ các hạt chấm màu xanh trong các kẻ lá nhô lên những nụ hồng nhạt như những que tăm ngắn, gọn. Kể từ đó phát triển dần cho đến một hôm tôi bàng hoàng thấy bông trang, vươn lên thành một hoa như chiếc pháo bông mà mô hình của nó là những hoa nhỏ gồm cuống hoa đưa lên cao khoe những cánh hoa 4 cánh nhỏ xíu kết lại thành một bó hình vòng cung, rực rỡ nhưng không kiêu sa dưới ánh nắng mặt trời.
Người Trung Hoa gọi cây bông trang là hoa mẫu đơn. Tương truyền rằng, Võ Hậu, một hôm đã lệnh cho các hoa mẫu đơn phải nở đồng loạt qua đêm, nhưng mẫu đơn đã ngang bướng, không quỵ lụy trước quyền lực.
Không nở!
Võ Hậu nỗi giận đã đày ãi các hoa mẫu đơn.
Bông trang nguyên bản, có 2 màu: trắng, đỏ. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, người ta đã lai tạo nhiều màu. Có loại bông trang Nhật Bản, thân thấp, lá nhỏ, hoa nhỏ, người ta thường trồng từng bụi nhỏ theo đường viền để trang trí các bồn cỏ, thảm cỏ trong các biệt thự, các vườn hoa.
Ngày ấy, tôi thích bông trang màu đỏ nhưng tôi cũng mến bông trang màu trắng biết bao nhiêu.
Từ nhà, tôi nhìn qua bên kia, nhà của bạn, trong sân, chen lẫn giữa các cây hồng, dâm bụt, lựu, …thấp thoáng cây bông trang, hoa màu trắng đẹp tinh khiết, mộc mạc.
Một hôm, tôi đi thăm mộ mẹ tôi, băng qua đường Ôn Như Hầu, đến những cánh đồng lúa, bãi rau của làng Phú Hậu, thấp thoáng bên đường nhà ai, tôi lại thấy cây bông trang màu trắng. Lòng xúc động, tôi chẳng biết mình buồn hay vui. Bước chân đi men theo những lối mòn, lách qua những bụi cây hoa dại, hoa cỏ may, tôi vào đến chỗ mẹ nằm. Một cái mộ được đắp bằng đất sõi đỏ mà cha tôi đã lên lấy từ núi Ngự Bình mang về đắp cho mẹ tôi. Cỏ mọc nhiều trên mộ. Tôi ngồi xuống nhổ cỏ, lòng ngậm ngùi. Tôi hình dung bông trang với một sự níu kéo. Bông trang lúc này không có đây nhưng tôi lại nghĩ về nó như một người cho tôi niềm an ủi lúc cô đơn. Tôi nhớ mẹ.
Những khi buồn, tôi lại đến bên cây bông trang trước sân, đưa tay, tôi ngắt một cuống trong đóa hoa rực rỡ. Ngậm ngùi, tôi nút nhẹ, vị ngọt ngọt của cuống hoa đưa vào cổ họng tôi. Sự êm đềm, dịu dàng lắng đọng. Tôi quên hết mọi ưu phiền, lòng chợt lâng lâng, thanh thoát.
Tôi xuống cánh đồng xanh
Áo em màu trang trắng
Tôi ngồi trước sân nhà
Môi em cánh trang hồng
Tình yêu bây giờ chỉ còn là kỉ niệm và kỉ niệm rực rỡ nhất phải chăng là cây bông trang, một hôm nào anh ngắt một cánh hoa và nghĩ tới em.
Phải vậy không em? Bông trang, cuộc tình mong manh ngày nào.

BẾN ĐÒ

Bến đò - với tôi là biểu hiện của linh hồn. Linh hồn của một dòng sông. Đó là dòng sông Hương êm ã bao quanh thành phố Huế.
Đã là bến thì có đợi, có chờ, có hẹn hò, có sinh hoạt, … và có kỷ niệm.
Có những bến, đò không đậu, đó là bến của những ngôi nhà ở sát dọc sông Hương, những ngôi biệt thự sâu kín, dọc đường Chi Lăng Gia Hội, những ngôi nhà ở bên kia Đập Đá, Vỹ Dạ, Tây Thượng, Nam Phổ, ...
Kỷ niệm của tôi về những bến đò là ký ức của một thời hoa mộng, là dấu tích của những buồn vui, của hạnh phúc và ngậm ngùi.
Những bến là những nơi chốn, điểm hẹn, sinh hoạt của một hay nhiều gia đình. Nơi giặt rửa của các cô gái, nơi ngồi thả cần câu cá, mò tôm, bắt rạm của một thời thơ ấu,…
Bến nào cũng có cây sung, bụi tre, rũ bóng xuống dòng sông …
Tôi nhớ bến đò Doi ở cuối đường Ôn Như Hầu, ở đó dòng sông đi qua mà hai bên bờ rất hẹp, đường đi xuống bến đất đỏ nhô cao. Con nước lượn lờ.
Khi tôi đi thăm mộ mẹ tôi cùng với chị, tôi vẫn thường đi tiếp và qua một chuyến đò rất ngắn để đến thăm dì. Dì là hình bóng của mẹ cho tôi mong ước được nhìn ngắm để hình dung mẹ tôi. Bởi mẹ đã bỏ tôi ra đi mãi mãi khi tôi vừa 9 tháng tuổi.
Phải chăng vì, từ bên này của bến đò, tôi có thể phóng tầm mắt sang bờ bên kia, thấy thấp thoáng bóng dì lom khom nơi mấy vạc môn?
Và bến đò rất ít khách này cùng với hình bóng người chèo đò nhẫn nại đưa khách như một lực hút, tôi nhớ mãi.
Rồi Bến đò Cồn, ở đường Chi Lăng- Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bền đò Cạn ở Chi Lăng-Cao Bá Quát, Bến đò Chợ Dinh ở Chi Lăng-Ôn Như Hầu.
Làm sao tôi quên được bến đò Chợ Dinh. Nó gắn kết với ngôi nhà tuổi thơ tôi. Nó làm tôi nhớ lại từng ngày từng lúc, những sáng, những chiều tôi đứng chờ, mong ngóng một chuyến đò, chờ một bà gánh hàng bán thức ăn mà tôi khao khát như xôi bắp hay bắp nấu, đĩa bánh bèo, bánh ướt hay chén chè đậu ván nóng hổi, …
Làm sao tôi quên được một chiều Xuân nào, tôi cùng chị tôi đi chợ Gia Lạc, đứng giữa con đò tròng trành tôi đã lo sợ nếu đò chìm thì biết làm sao đây?
Làm sao tôi quên được có những khoảnh khắc mắt vẫn dõi theo, tìm kiếm trên chiếc đò cập bến một tà aó trắng nào quen thuộc mà mình để tâm ...
Mỗi Bến đò là một kỷ niệm, dấu ấn một thời.
Những bến đò lần lượt bị xóa, những cây cầu mọc lên thay thế, hiện đại, hoành tráng.
Đâu còn bến đò Thừa Phủ, đâu còn bến đò Chợ Dinh, đâu còn bến đò Doi, …
Thời gian đã và sẽ xóa mờ tất cả,
Dấu tích, … con người,
Và kỷ niệm cùng năm tháng.
CHỈ LÀ NIỀM NHỚ

Đà Nẵng, sáng nay trời mưa nhẹ, mát. Tôi đạp xe như mọi hôm, dọc theo con đường nối dài bờ sông Bạch Đằng, Như Nguyệt, ra NTT.
Nhìn ra bờ sông, nước phẳng lặng, xa xa những chiếc thuyền đánh cá, đường vắng hơn mọi khi, lác đác vài người đạp xe đạp như tôi. Không gian êm ắng. Ký ức tôi bay lượn vào khung trời thơ ấu, ngày ấy xa lắm, tuổi lên 8, lên 9 cha có lần chở tôi trên chiếc xe đạp để về làng. Cha ra đi lúc tờ mờ sáng. Tôi cảm nhận sự yên tĩnh của con đường, thành phố. Nhà nhà còn đóng cửa, lác đác người và xe cộ ngoài đường. Lúc bấy giờ cha trực chỉ ra Quốc lộ, đến An Hòa, rồi Hương Cần. Cha vẫn chở tôi đi, trên đường hai cha con không chuyện trò. Tôi thu nhận hết khung cảnh buổi dã ngoại về làng Hiền Lương. Tôi nhớ, lưu vào ký ức. cảnh vật, hình ảnh người cha, sự im lặng dấu kín, …
Rồi một buổi sáng, căn phòng ấm áp của lớp đệ lục B2 trường Nguyễn Du, giờ luận văn thầy Nguyễn Phúc đã cho đề: “Anh, chị hãy kể lại một kỷ niệm khó quên”.
Một kỷ niệm khó quên?
Ôi! Bài viết sáng hôm nào cách đây 55 năm, tôi đã dàn trãi trên trang giấy vở học trò, sự cảm xúc của mình về chuyến đi với cha đã được bộc lộ.
Thầy Phúc đã phê vào bài viết của tôi: “Đã tiểu thuyết hóa bài luận!” Tôi không rõ đó là lời khen hay chê nhưng bài luận của tôi đã được đọc cho cả lớp nghe, ghi một số đoạn làm văn mẫu cho HS chép trong giờ Tập làm văn.
Sáng nay, trời vẫn còn mưa nhẹ, không đủ ướt đường, một chút lành lạnh nhẹ nhàng và tôi, tôi ngồi trên ghế đá sát thành bờ biển Thanh Khê. Những đợt sóng đập mạnh vào bờ. Có cơn gió thì thào vỗ nhẹ bên tôi… Tôi nhớ thầy Nguyễn Phúc, tôi nhớ lớp học cách đây trên 50 năm. Tôi nhớ những khuôn mặt thân thương. Đôi mắt nào to tròn, ngây thơ quay lui bàn sau trao đổi chuyện trò với bạn.
Ôi! Đối mắt tím  than, mà mái tóc đen xõa kín ôm lấy, che một phần hai má hồng, ấn dấu sau những sợi tóc lòa xòa đó, tôi nhìn kỹ và quyết tìm, thấy cho rõ đối mắt, đôi mắt chứa cả một trời mơ ước, lãng mạn, ngây ngô, ẩn chứa một câu chuyện cổ tích nhiệm mầu!
Và rồi, bây giờ chỉ là khoảng trống. Đôi mắt ngày xưa ấy bây giờ không còn nữa. Thầy Nguyễn Phúc không còn nữa. Cha tôi không còn nữa, …
Phải! không còn chi nữa. Bây giờ chỉ còn mình tôi trên ghế đá này. Bờ biền sóng đập mạnh, gió thổi như tiếng thì thầm kỷ niệm bên tai tôi…
Dormez chéris! Dormez chéris!