VẪN NHỚ MẤY THẦY DẠY Ở NGUYỄN DU


Nguyễn Lương Tuấn

Nhà văn Anatole France ngồi trước lò sưởi, nghe tiếng củi kêu lách tách, ký ức ông bừng dậy, ông thấy một cậu bé, cái cặp trên vai, con vụ trong túi, cậu đi ngang qua công viên Lu xemberg trong những ngày đầu tháng 10. Vừa đi cậu vừa nhảy nhót như một con chim sẽ. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho lòng cậu cảm thấy vui vui. Đó là hình ảnh của cậu bé và cũng là tác giả, cách đây 30 năm. ..
Tôi rất thích đoạn văn trên đây. Cũng vậy, Tôi nhớ mãi quãng đời đi học của tôi tại Huế, nơi tôi chào đời, cái nôi nuôi tôi khôn lớn thành người cùng với những người tôi yêu mến: Những thành viên ruột thịt trong gia đình tôi, cha tôi, bà nội, các anh chị tôi…những người hàng xóm tốt bụng của Xóm Chợ Dinh, Phú Hậu
Và các vị thầy, cô các bạn bè, những người đã cho tôi những kỷ niệm ngọt ngào, đằm thắm của quãng đời đi học.
Tôi đã đi qua những lớp học, ngôi trường: Lớp học trong xóm Chợ Dinh, kiệt Cây Gòn, do cô Bích giảng dạy rồi trường tiểu học Bồ Đề Thành Nội, trường trung học Nguyễn Du, trường trung học phổ thông Nguyễn Tri Phương và sau cùng trường đại học Văn khoa Huế.
Các thầy cô, những người tôi được dạy dỗ qua từng giai đoạn mãi mãi là những người thầy để lại trong tôi những hình ảnh tốt đẹp nhất: Sự tận tụy trong vấn đề giảng dạy, lòng ôn nhu của các người, sự thương yêu chăm sóc cho học trò là những điểm sáng chiếu dọi mãi trong ký ức mù mịt của tôi, làm tan biến những ô uế buồn nôn của Giáo dục ngày nay.
Hôm nay tháng giêng âm lịch, những ngày tết đã đi qua, mùa xuân vẫn còn và không khí, tiết trời đang rét buốt. Tôi đóng cửa ngồi trước computer gõ những dòng chữ nhớ về các thầy cô ngày ấy tại trường trung học Nguyễn Du những năm tôi được học với các người 1960-1964.
Tôi không phân biệt các năm học, tôi chỉ nhớ những khuôn mặt của các thầy đi qua đời tôi trong từng ấy năm. Tôi chỉ được học với một cô duy nhất, đó là cô Lê Thị Cổn dạy toán năm học lớp đệ thất. Còn các lớp sau này từ đệ lục cho đến đệ tứ và cả đệ thất tôi nhớ vanh vách từng thầy: Thầy Nguyễn Như Minh (Pháp văn đệ thất), thầy Nguyễn Ngọc Phấn (Pháp văn 3 lớp sau cùng), thầy Nguyễn Đình Chung (toán 3 lớp sau cùng) rồi thầy Nguyễn Phúc, thầy Vỏ Mai, thầy Tôn Thất Dương Tiềm, thầy Trần Trung, thầy Lê Lương Nguyên, thầy Lê Đức Tứ, thầy Hà Quý Phi (dạy sử năm đệ thất).
Mỗi thầy có một tính cách khác nhau nhưng tất cả đều rất tận tình, thương yêu, chăm lo cho học trò. Có thầy rất nghiêm, có thầy rất hiền, có thầy rất mềm mỏng, có thầy rất cứng rắn nhưng nói chung tất cả các thầy đều rất đàng hoàng, gương mẫu và xem học trò như con.
Trong 4 năm học tại Nguyễn Du tôi có nhiều kỷ niệm về các thầy. Mỗi thầy có một vài chuyện nhỏ thú vị, dễ thương làm tôi nhớ mãi. Hôm nay ngồi đây, đầu năm nhớ về các thầy tôi xin gợi lại vài kỷ niệm:
Thầy Hà Quý Phi
Tôi nghĩ rằng có thể nhiều bạn học Nguyễn Du không nhớ về thầy Phi. Thầy Phi chỉ dạy có một năm là môn Lịch sử lớp đệ thất hay đệ lục tôi không nhớ kỹ nhưng kỷ niệm về thầy thì rõ ràng tôi không quên vì bản tính hiền lành của thầy đối với học trò. Tôi nhớ ngày đó đi dạy bao giờ thầy cũng mặc áo veston  thắt cravate. Môn Lịch sử thầy dạy hình như Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ nhất với các cuộc khởi nghĩa của Tiền nhân ta, …Điều mà tôi ấn tượng nhất là có một lần làm bài thi đệ nhất lục cá nguyệt. Học sinh thấy thầy hiền, chép bài nhau rất nhiều. Thầy lại cho điểm rất rộng nữa. Hôm trả bài thi. Học sinh nào cũng được điểm cao. Có một bạn tôi còn nhớ là Hồ Văn Quýnh càm hai bài thi lên “kiện” thầy Phi vì bài của mình thua bài của bạn bên cạnh đến  …0,5 điểm.lựng
Quýnh nói:
-Thưa thầy bài của con và bài của bạn ni giống hệt nhau mà răng bạn ni được 9điểm mà bài của con chỉ 8,5 điểm ri?
Thầy Phi xem bài hai bạn, một chốc sau thầy nói:
-Đúng rồi!! bài ni so với bài ni bị thiếu một dấu phết. 8,5 điểm là đúng rồi!
Hồ Văn Quýnh xem lại thì thật quả đúng như vậy nên đành chịu trận, đi về.
Mới đây tôi kể lại với Võ Văn Đôn về kỷ niệm này. Võ Văn Đôn cười nói: “Ừ công nhận ông thầy Phi hiền thiệt mi hí!”
Đôn nói:
-Tau nhớ dạo nớ nhà thầy Phi ở mô nơi Ngã Giữa!
Điều mà tôi vẫn còn nhớ ở thầy Phi là cuối năm gần tết, thầy có hai cái thiệp chúc tết thật đẹp. Thầy thưởng cho hai đứa được điểm Sử cao nhất lớp. Trong đó có tôi. Tôi nhớ thầy có hai câu thơ chúc tết:
Năm mới thầy chúc cho các trò
Càng thêm một tuổi lại càng lo!
Thầy Nguyễn Đình Chung
Nhắc đến thầy Chung, tôi nghĩ rằng tất cả các bạn nếu là CHS Nguyễn Du Huế trước 1975 thì không ai là không biết đến thầy Chung. Với tôi ngày ấy, từ một học sinh lớp đệ lục 1961-1962 cho đến các lớp tiếp theo, ngũ và tứ thì tôi nhìn thầy Chung như là một biểu tượng cho cái gì hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất, nói cách khác thầy Chung là thần tượng của tôi. Từ nét mặt cho đến phong cách và phương pháp giảng toán của thầy toát ra một cái gì đó rất uy nghiêm và đáng kính . Tính cách ôn nhu của thầy khi thầy nói giữa lớp, nhất nhất tôi nhìn thầy và nể trọng thầy quá trời! Phương pháp giảng toán của thầy Chung có đặc điểm là thầy cho làm các bài tập ngay tại lớp, cho HS  lên bảng sửa ngay và trong bài thầy cho nhiều ví dụ: ví dụ1, ví dụ2, ví dụ3, …đi từ dễ đến khó. Mỗi ví dụ như vậy thầy cho HS làm ngay tại lớp với tính cách tự nguyện lên bảng trình bày. Nếu đúng thầy cho điểm tốt. Cứ đến cuối tháng HS đưa điểm tốt  mình có được để thầy cho điểm vô sổ.
Điều mà tôi thích nhất ở thầy Chung là thầy rất chú trọng đến vấn đề vở sạch chữ đẹp cũng như cách trình bày. Mỗi năm thầy chấm vở hai lần mỗi lần cuối kỳ thi lục cá nguyệt..Tôi thừa hưởng được điều này từ anh tôi. Vì ông anh cũng là HS giỏi của các thầy. Tôi được anh dặn là ở lớp nên viết nháp các bài thầy giảng rồi về nhà chép lại vào vở. Vở có giấy bao, có nhãn. Nhãn nằm góc trên phía phải. Trang 1 của vở: phía trên ghi trường, niên khóa. Giữa vở là tên môn học viết chữ in to và tô đậm, phía dưới ghi tên mình và và tên GS dạy bộ môn. Vào trang 3 chép chương trình. Trang 5 bắt đầu bài học 1, …
Ngày ấy có phong trào HS Nguyễn Du đua nhau viết bài bằng ngòi viết chấm mực hòa trong bình. Thế hệ của anh tôi và các bạn của anh , họ đều về nhà viết chữ bằng ngòi viết chấm mực (đen hay xanhm mua về hòa). Ngòi viết có tên gọi là serrent major. Do đó khi đi học Nguyễn Du thế hệ sau anh tôi, tôi cũng y thế mà thực hiện.
Tôi học môn toán mấy năm với thầy Chung không giỏi nhưng có thể nói thầy rất chú trọng đến tôi vì vở tôi viết thầy chấm, luôn được 10 hoặc 9. Vẫn nhớ mãi mỗi lần chấm vở thầy vẫn cầm vở của tôi đi từng bàn cho các bạn khác xem.
Gợi lại điều này mục đích là để thấy rằng thầy Chung rất chú trọng đến vở sạch chữ đẹp cũng như cách trình bày vở.
Những năm tháng tôi học với thầy Chung, hình như thầy vẫn chưa có gia đình nhưng tôi nhớ nhà thầy gần trường Bồ Đề Thành Nội. Nhà thầy rất đẹp, là một biệt thự có sân rộng, có mái che cho xe hơi vào đỗ. Lớp tôi học ngày ấy tôi nhớ có mấy bạn nữ sinh rất cao, lớn lại xinh nữa, nổi bật nhất là bạn Trần Thị Tô (mà tôi vẫn kêu là chị). Có lần thầy Chung gọi Trần Thị Tô:
-Chị Tô đứng dậy thầy coi
Khi ra chơi Hồ Văn Quýnh tinh nghịch vẫn nhắc lại với nụ cười thú vị:
-       Chị Tô đứng dậy thầy coi!
Chúng tôi vẫn nhớ mãi về Trần Thị Tô. Mới đây các bạn về nhà tôi nhân giỗ mẹ tôi, có bạn nhắc Trần Thị Tô và theo lời một bạn cho biết Trần Thị Tô có về VN thăm gia đình, sau đó đã qua đời vì bệnh ung thư.
Thầy Nguyễn Phúc
Thầy Phúc dáng cao cao, ốm, đi chiếc xe Vespa màu xanh mãi mãi tôi không thể nào quên. Tôi học Quốc văn với thầy 2 năm đệ thất và đệ lục, hình như tôi nhớ thầy có dạy một môn nữa là môn địa lý năm lớp đệ ngủ hay đệ lục gì đó. Nhưng nhớ về thầy Phúc thì tôi chỉ nhớ về thầy Phúc với những bài trích giảng ở môn Kim Văn, mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc mấy bài văn thầy đưa vào để dạy. Do cách thầy giảng hay để lại cho tôi ấn tượng, nên những bài trích giảng của thầy ngày ấy, ngày nay tôi vẫn còn nhớ những đoạn đầu.
Bài học mở đầu năm lớp đệ thất tôi nhớ “Tôi đi học” của Thanh Tịnh: “Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn tôi đi trên một con đường dài và hẹp …” hay  bài “Ký ức về ngày tựu trường” của Anatole France mờ đầu năm đệ luc: “Tôi sắp nói cho các bạn biết điều mà hằng năm, bầu trời rún rẩy của mùa thu, những buổi cơm chiều dưới ánh đèn, tôi sắp nói cho các bạn biết. …” hoặc bài “Làng Từ Lâm” của Nhất Linh: “Tôi đến một nơi gọi là làng Từ Lâm. Xa xa toàn là núi.  Núi ngọn nọ, ngọn kia không dứt. Núi màu lam buổi sáng buổi chiều mây bay sương phủ … “
Tuy nhiên có một bài trích giảng từ một bài văn xuôi của thi sĩ Đinh Hùng mà ngày nay tôi vẫn còn nhớ y bài. Đó là bài “Nhớ thu”:
“Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ. Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Đường này hiu hắt tôi đem lòng tôi để thương nhớ mùa thu cũ, nay cũng thấy thu về với mặt nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng ở đằng kia hay chỉ là gió thoảng mênh mông. Và gió nào vương vấn lòng tôi hay chỉ là dư âm của một ngày xa cũ. “.
Bài của thi sĩ Đinh Hùng nếu tôi nhớ không lầm thì thầy Phúc giảng rất hay, thầy để lòng mình hòa nhập vào tâm trạng của tác giả. Giọng thầy ồ ồ nghe lúc đầu chưa quen ta cảm nhận hơi buồn cười nhưng khi quen rồi tôi lại thấy quyễn rũ.
So với các thầy khác như thầy Chung, thầy Mai, thầy Tứ, tôi thấy thầy Phúc trẻ, tính cách nghệ sĩ. Không những thầy dạy kim văn hay mà cổ văn thầy dạy cũng rất hấp dẫn quyến rũ như truyện Nhị thập tứ hiếu, chuyện cổ tích Việt Nam hoặc ca dao tục ngữ , … Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mấy câu ca dao châm biếm mà thầy Phúc trích giảng:
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ vét chảo, thấy cha vét nồi
Thấy em tựa cửa liếm môi
Anh tưởng con chó anh liền tránh xa
Hoặc
Lổ mũi em những tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Hoặc
Bà già đi chợ cầu Đông
Bói xin một quẻ lấy chồng đặng chăng?
Ông thầy gieo quẻ nhủ rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn, …
Còn nhớ một kỷ niệm, ngày ấy tôi viết các bài giảng vào vở, thay vì mỗi hàng kẻ có 4 ô li, tôi dùng hai ô li để viết, nghĩa là các chữ tôi viết các hàng sít nhau, độ hở các hàng nhỏ lại bằng nửa. Do đó các chữ viết dày đặc. Có lần thầy Phúc xem vở của tôi và nửa đùa nửa thật:
-       Cái anh ni là sư tổ hà tiên!
Tôi mỉm cười, không vì thế mà buồn nhưng vui vì nghĩ rằng thầy Phúc chiếu cố tới mình. Tôi phục thầy và tôi nhìn thầy Phúc qua lăng chiếu của một con người nghệ sĩ. Sau này, tôi được biết thầy là một nhà văn, đã xuất bản tập truyện "Đêm không hết" và viết nhiều trên tạp chí "Bách khoa thời đại". Tôi nhìn thầy như một thần tượng và ước mong sau này mình làm thế nào để nối gót thầy.
Mười mấy năm sau, tôi ra đời vào dạy tại trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng, tôi gặp lại thầy, xiết bao vui mừng. Nhưng sau một vài lần trao đổi, tôi không nhìn ra được thầy Phúc ngày xưa của tôi. Thầy không còn dạy môn Quốc văn nữa mà dạy môn địa lý. Và khi nói chuyện với tôi thầy không có vẻ nồng nhiệt sôi nổi.
Tôi buồn và tự nghĩ "Đừng bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông"..
Sau này tôi được biết thầy hoạt động nằm vùng.
29 tháng 3 năm 1975, thầy Phúc không còn dạy học nữa và trở thành cán bộ cho đến ngày về hưu.
Những năm sau này (cách đây khoảng 6, 7 năm) tôi vẫn thường được hội kiến với thầy Phúc qua những buổi họp mặt CHS Bồ Đề Đà Nẵng.  Thầy Phúc lúc này đã mõi mệt, cả tinh thần lẫn thể xác. Lúc nầy gặp tôi thầy nói chuyện tự nhiên hơn, vui vẻ hơn. Tôi chú ý thấy thầy đeo máy trợ thính. Hỏi thăm, thầy bảo thầy bị điếc nặng.
Sau đó ít năm, gặp thầy Đặng Công Hanh, một người cùng dạy Bồ Đề với tôi, hỏi thăm thầy Phúc, tôi mới biết thầy đã qua đời, mặc dù hằng năm, họp mặt học sinh Bồ Đề Đà Nẵng, các em vẫn có mời tôi tham dự và gặp thầy Phúc, chuyện trò với ông, nhưng rất tiếc khi thầy qua đời, các em không thông báo để tôi thắp cho thầy nén hương.
Nhớ về thầy Phúc là tôi nhớ về kỷ niệm. Kỷ niệm cách đây hơn 50 năm, ngày ấy tôi là cậu học trò 12 tuổi, nhìn thầy, mơ ước được như thầy.
Các thầy dạy tôi học ở trường Nguyễn Du Huế ngày ấy và bây giờ tôi vẫn nhớ tính cách của từng thầy như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Phải chăng vì các thầy đã để lại cho tôi những kỷ niệm  tốt đẹp. Tôi vẫn không quên được thầy Lê Đức Tứ với nụ cười của thầy mỗi khi thầy làm thí nghiệm trong giờ Vật lý hay hóa học cho học sinh xem tại phòng đôi hai lớp đệ tứ học chung, thầy Nguyễn Như Minh với cây thước dài chỉ trỏ những học sinh không đưa tay để lên bảng làm câu thème mà thầy vừa cho. Thầy nói :” não đất sét mực xạ, não đất sét mực xạ!” Hay thầy Tôn thất Dương Tiềm với lối giảng bài quyến rũ, kể chuyện hấp dẫn của ông, ….
Đã trên nửa thế kỷ nhớ lại tôi thấy sao quá chạnh lòng. Trong bài “Nhớ trường trung học Nguyễn Du Huế” tôi đã trải lòng mình để ghi lại cảm xúc khi nhớ về ngôi trường yêu quý ngày ấy. Tâm hồn tôi như có tiếng gọi văng vẳng và tôi nghĩ rằng đó là tiếng gọi của kỷ niệm. Tiếng gọi của ngôi trường xưa, với sân trường, lớp học, những tà áo trắng, tiếng cười, giọng nói, từng khuôn mặt thầy cô, bạn bè.
Ôi! Tôi nhớ và nhớ, ngôi trường Nguyễn Du Huế ngày xa xưa ấy …