Nguyễn Lương Tuấn
Nơi tôi ở, lúc nầy lạnh, mưa
lất phất, gần hết năm rồi!
Thời tiết làm tôi nhớ Huế.
Huế lúc này chắc là lạnh lắm, trời mưa dầm, mặt đất, sân nhà ướt sủng. Tự nhiên
tôi thèm cầm ổ bánh mì nóng nơi bàn tay lạnh và đưa vô miệng cắn. Thật thú vị!
Lớn lên và trưởng thành cho
đến khi ra đời, ổ bánh mì Huế trở thành một món ăn thân quen với những cảm giác
khó quên, Từ cảm giác nóng hổi khi cầm ổ bánh mì trong lòng bàn tay cho đến màu
sắc hấp dẫn của da bánh, độ dòn của vỏ bánh mì hay cảm giác mềm dẻo ngọt của ruột
bánh, … tất cả như một tổng hợp rất ấn tượng. và cho mãi đến bây giờ ổ bánh mì
nóng của Huế tôi vẫn thấy có một cái gì rất đặc biệt..
Ban đêm trời Huế lạnh như cắt,
bạn thử tưởng tượng đang ngồi học bài đến 11, 12 giờ khuya mà nghe tiếng rao:
- Mì nóng khôn?
Thì lòng mình sẽ thấy cồn
cào lên vì thèm muốn. Thích ổ bánh mì quá trời. Thế là chạy đến bố già năn nĩ:
“…- Chú ơi cho con đồng mua ổ
bánh mì!
Thế là tôi cầm tiền chạy vụt
ra ngoài, đứng ở cửa trước sân, gọi lớn:
- Mì! bánh mì!
Trời tối. Mưa phùn.Thằng bé
đi vội đến. nó mặc chiếc tơi đọt, bao bánh mì được che bởi vạt áo tơi. Nó mở rộng
thân tơi. Tôi thò tay vào lựa mì.
- Chao ơi nóng!
Tôi rụt tay về. thằng bé thò
tay vô lựa bánh giúp. Tôi cầm ổ bánh mì nóng hổi. U chao! ổ mì thơm lựng theo
hơi nóng. Thích quá, tôi cắn vội đầu dót ổ mì, chon rụm. Da bánh mì kêu rạo rạo
trong miệng cùng với ruột bánh mềm nóng. Cảm giác vị ngọt lan nhanh trong miệng.
- Ngon tuyệt.
Và … tôi ngồi học dưới ánh
sáng ngọn đèn néon nơi bàn bureau, vừa học bài vừa nhai bánh mì. Bên ngoài trời
mưa . Tôi nghe tiếng nước mưa giọt tí tách sau hè nhà, tiếng nước lộp độp trên
những tàu lá chuối bên nhà bác Cử. Thú vị thật!
Tiếng rao bánh mì đi qua tuổi
thơ tôi, dội vào hồn tôi, lưu giữ mãi trong ký ức tôi, như mới hôm qua…” (trích
“Tiếng rao hàng”)
Huế có rất nhiều lò bánh mì,
một số nơi mà tôi biết:.
Đường Chi Lăng, nơi tôi ở đã
có 2 lò bánh mì: Một ở chỗ gần Nhà chị Vân dạy học tư các lớp tiểu học, gần bến
đò Cạn, ngã ba Cao Bá Quát – Chi Lăng và một là tiệm Bảo Vân ở gần nơi đối diện
rạp ciné Châu Tinh. Lò bánh mì bến đò Cạn, tôi nhớ nằm trong một hẽm, những năm
học trung học, luyện thi tú tài bán, có tối đi gác Nhân dân Tự vệ nửa đêm mùi
bánh mì trong lò xông ra thơm sực nức, thế là bọn tôi vào tận lò mua bánh ăn
ngay tại chỗ, ngon không chịu được.
Ngoài hai lò mì ở Chi Lăng,
còn có lò mì Huỳnh Long ở đường Phan Bội Châu, gần sát cửa Đông Ba.
Và một lò mì khác nổi tiếng
là mì Sát - Ma – Rông (xin lỗi tôi phải Việt hóa thương hiệu này chứ viết đúng
tên là Chaffanjoni) ở bên Hữu ngạn.
Bánh mì Sát-Ma-Rông nằm ở chỗ
từ rạp ciné Nguyễn Văn Yến, tức Morin cũ, sau này là trường Đại học Khoa học đi
tới một đoạn. Vẫn nhớ trước 75, thời gian học Đại học, tôi thường bách bộ đến để
mua bánh Paté- chaud tại đây. Chỉ là một cái Kiosque bề ngang rất hẹp nhưng bế
sâu dài, Trời mưa lạnh, mưa phùn, bạn dừng lại, mua bánh, ngửi lấy hương bánh
thơm lựng xông ra rất dễ chịu.
Bánh mì ở đây nổi tiếng nóng
dòn, ngon "vô hậu"!
Lẽ cố nhiên Huế còn nhiều lò
bánh mì nữa mà tôi không nhớ hoặc không biết.
Nói gì đi nữa, bây giờ nhớ lại
tôi vẫn thấy bánh mì ngày ấy sao ngon quá cở. Tôi có chủ quan không?
Trước hết tôi tự hỏi, phải
chăng bánh mì chỉ có từ khi Pháp đô hộ VN, cũng như cà phê vậy. vì tôi nghiệm
ra trong tất cả các loại bánh Huế thì không có tên bánh mì. Mặt khác bánh mì phổ
biến trên toàn quốc. Như vậy bánh mì (pain) là do người pháp đem sang VN. Tôi vẫn
còn nhớ một kỷ niệm nhỏ, ngày xưa, khi tôi học lớp đệ lục Nguyễn Du, giờ Pháp
văn thầy Phấn (Nguyễn Ngọc Phấn) khi giải thích tiếng adjectif qualificatif, đi
với tiếng nom để làm rõ đặc tính của danh từ, thầy nói thường thì tiếng adjectif
đi sau nom nhưng một vài trường hợp thì ngoại lệ vẫn có. Thầy ví dụ như chữ
“pain” là ổ bánh mì, trời lạnh như cắt người bán bánh mì có thể la lên "chaud" cho hấp
dẫn, gợi sự chú ý của người nghe bằng cách rao to:
- Chaud pain! Chaud pain!
Bánh mì có nhiều loại: Có loại
mì dài như chiếc đũa người ta gọi là mì baguette (que), có loại mì dẹp, hai đầu
nhọn (gọi là dót mì) như thông thường ta hay ăn gọi là ổ mì, lại có loại bánh
mì dùng để ăn với paté hay với ca ry Ấn độ, ... người ta dùng mì hình khối
vuông dài gọi là mì gối. Rồi lại có loại mì ngọt, mì con voi, con cá, …
Nói chung bánh mì ngon là do
chất lượng và hàm lượng bột mì cùng với cách pha chế, nhiệt độ nướng bánh, …
Bánh mì dỡ có nghĩa là bánh
bị nguội, ruột mì bị rỗng, do bánh mì căng phồng quá nhiều, ruột bánh mỳ hầu
như không có bao nhiêu, …
Sau năm 1975, tôi nhận thấy
bánh mì hầu như bị biến dạng, không còn ra ổ bánh mì nữa. Huế là nơi ngày xưa nổi
tiếng với bánh mì, có thể do thừa kế bánh mì Pháp để lại thế nhưng bây giờ ra
Huế, ăn bánh mì tôi có cảm giác như ăn, (xin lỗi!) miếng giẻ rách, hình như
trong bột mì người ta trộn thêm bột gạo hay bột sắn nhiều, vì vậy khi mì để nguội,
mì bị xìu ăn vào ta có cảm giác như ăn cơm cháy bị nguội. Có một dạo tôi ra
công tác ngoài Hà Nội, ăn mẫu bánh mì tôi vẫn có cảm giác như thế.
Thời điểm hiện nay không biết
như thế nào, riêng tại Đà Nẵng, tôi thấy bánh mì đã ngon trở lại, lấy lại được
một thời vàng son. Tuy nhiên do hà tiện bột mỳ, mà lại có tham vọng làm cho ổ
bánh mì to lên, vì vậy ổ bánh mì ăn vào khi nóng ta có cảm giác ăn vỏ chứ không
có ruột. Còn nếu để nguội thì ổ bánh mì xìu lại, mềm nhủn, trông thật tội nghiệp,
ăn vào chẳng khác gì nhai giẻ rách!.
Một điểm ta cần lưu ý, tại
các siêu thị như Métro hay BC có bán các loại bánh mỳ, ngon, có chất lượng.
Tất nhiên với kinh tế thị
trường, có tính cạnh tranh, ổ bánh mì sẽ càng ngày càng ngon và lấy lại phong độ
một thời!
(29.12.2015)