ÐÔI MẨU CHUYỆN VỀ BÙI GIÁNG
Tác giả: NGUYỄN THUỲ
Ai đã
gần Bùi Giáng ít lâu cũng đều có thể ghi lại đôi sự việc khác thường dần dần
được xem như là giai thoại trong cuộc sống của ông. Bùi Giáng và tôi thân nhau
trước tiên do cùng đồng hương xứ Quãng, tiếp theo do thời gian thuê nhà ở sát
bên nhau vào những năn 1959-1961 tại một hẽm đường Trương Tấn Bửu. Sau nầy, Bùi
Giáng thường đến nhà tôi ở Chung Cư Minh Mạng đường Sư Vạn Hạnh, có lúc ở luôn
cả hai ba tháng. Có nhiều sự việc kỳ lạ nơi anh nhưng tôi không nhớ hết, chỉ
xin kể đôi việc do chính tôi chứng kiến.
Những
người nữ Việt Nam mà anh hay nhắc đến là: Ni cô Trí Hải, Nam Phương Hoàng Hậu
và Kim Cương (thỉnh thoảng có Hà Thanh và Thu Trang). Với Nam Phương Hoàng Hậu,
anh không có lời nào bông đùa, vô lễ, có lẽ anh quí trọng nét phúc đức hiền
hậu, nét thiên hương quốc sắc mà cũng có thể do anh nhớ lời Jésus qua câu nói
bí hiểm: “Trong cuộc xét đoán Nữ Vương Nam Phương sẽ đứng lên với dòng dõi nầy
mà định tội nó…” (ma:12-42). Thử nghe một đoạn anh nói về Hoàng Hậu Nam Phương:
“…
Nhưng tại sao từ Cổ chí Kim, chỉ riêng nhịp bước khoan thai của Nam Phương
Hoàng Hậu là nhu mỳ, kiều diễm mà thôi? Thậm chí đôi phen Nam Phương Hoàng Hậu
vội vàng cuống cuồng hấp tấp, thiên hạ nhìn vào vẫn cứ thấy là rất mực kiều
diễm du dương? Thế thì? Nếu như quốc sắc thiên hương có riêng thể lệ ẩn mật của
thiên tài thiên hương quốc sắc thì Thiên Tài Thi Nhiên kinh thiên động địa há
chăng chẳng thể nào có riêng thể lệ thiên tài của nó dựng lập lên từ bờm xờm
ngổn ngang gò đống dâu biển hay sao? “
Với
Ni cô Trí Hải, thường anh gọi là mẫu thân và cũng không lời nào xúc phạm vì là
một nữ tu và anh xem như là hình ảnh một nhân vật võ hiệp trong tiểu thuyết
“Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung. Riêng với Kim Cương, anh thường gọi là mẫu thân,
kỳ nữ, tiên nương, nương tử và hay đùa cợt. Một lần tôi theo anh đi ngang qua
nhà Kim Cương nơi đường Trương Minh Ký, anh đi qua, đi lại và la lớn: “Cô Kim
Cương có mấy cái…cô Kim Cương có ba cái…; một cái tròn, một cái vuông, một cái
tam giác…”. Kim Cương trong nhà bỗng mở cửa gọi lớn: “Anh Giáng, anh lại đây…”.
Anh đang do dự, Kim Cương lại gọi: “Anh đến đây, Kim nói điều nầy cho nghe…”.
Anh vừa bước đến, Kim Cương lôi cả anh và tôi vào nhà rồi năn nỉ: “Anh Giáng,
Kim van anh, anh đừng nói thế nữa. Anh cứ oang oang như thế, bọn trẻ thấy Kim
nơi đâu cũng réo như vậy, Kim chịu sao nỗi…”. Anh xin lỗi, hứa không nói nữa,
rồi uống xong hai chén trà, lại ra đi, Kim Cương giữ lại ăn tối, nhất định
không chịu.
Thấy
anh nhiều tình cảm và thương mến Kim Cương, một hôm tôi đề nghị: “Cô Kim, hay
là cô lấy anh Giáng làm chồng đi. Biết đâu cô có thể giúp anh ta bớt khùng và
sẽ viết lách đường hoàng, chĩnh chạc, dễ hiểu hơn”. Kim Cương bảo: “Không chịu
nỗi ảnh đâu, anh Thuỳ ơi! Ảnh sống kỳ cục lắm. Với lại, ảnh đâu có yêu Kim đâu.
Ảnh chỉ thương thôi. Anh xem, ảnh chỉ ngồi nói chuyện nhiều lắm là 5, 10 phút
rồi lại chạy ra đường múa may một hồi rồi mới trở lại tiếp tục như thế. Anh ta
không bao giờ ngồi với Kim hay với cô gái nào được lâu đâu. Kim cũng muốn giúp
anh Giáng nhiều nhưng anh ấy vẫn chứng nào tật nấy”.
Tôi
không rõ, anh để ý Kim Cương có do tên cô trùng hợp với nhan đề Kinh Kim Cang
của Phật Giáo hay không… Điều Kim Cương nói có thể đúng, Giáng chỉ thương người
chứ không yêu ai cả theo nghĩa mối tình nam nữ.
Ngày
anh và vợ chồng tôi thuê nhà ở sát cạnh nhau, anh còn chĩnh chạc lắm, đi dạy ở
các trường Tân Thịnh, Tân Thanh (do Phan Thuyết và Phan Út, người Quãng Nam, có
bà con xa gần với anh, làm hiệu trưởng), anh nuôi cô em đi học.
Lúc
nầy, anh viết khảo luận văn học, vẽ tranh và làm thơ. Tranh anh vẽ, chẳng ai
hiểu gì, chẳng thuộc một trường phái nào cả, nội dung theo anh là minh hoạ lại
các huyền thoại, thần thoại Hy- Lạp.
Thơ
anh lúc nầy chưa “kỳ cục” như sau nầy. Anh thường kéo tôi vào những lùm cây
đường Nguyễn Huỳnh Đức, ngồi hết gốc cây nầy đến gốc cây khác và anh làm thơ dù
nhiều lúc trời tối mịt, anh vẫn cứ viết trên một cuốn tập nhỏ. Một lần kiến cắn
anh, anh phủi tùm lum cả người rồi la lên: “Kiến cắn thơ tao”.
Một
buổi chiều, Nguyễn Đức Quỳnh đến chơi, vợ tôi mời anh qua ăn cơm. Tôi phải đi
dạy tối, lúc về vợ tôi thuật lại là anh và Nguyễn Đức Quỳnh cãi nhau đến thế
nào đó, anh quơ tay hất hết cả thức ăn, chén đĩa xuống đất. Hầu như, từ lâu,
anh không mấy thiện cảm với các nhà học giả, các giáo sư Đại Học, các nhà phê
bình.
Trong
“Con Đường Ngã Ba” (An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1972), Bùi Giáng cho đấy là
“những đạo thính đồ thuyết” (nghe ngoài đường và nói ngoài đường) là hoạt tinh
thể của con người mạt hậu. Nó thông minh một cách thô thiển, nó vễnh tai ở
ngoài đường và bi bô ăn nói ngoài đường để tàn phá mọi ngã ba đường của bước
chân đi từ nội tâm, nội mật. Nguyễn Bách Khoa là lãnh tụ bọn chúng… phó lãnh tụ
là Đặng Thai Mai. Tổng Thư Ký là Vũ Ngọc Phan”. Cũng thế, Bùi Giáng công kích
Jean Wahl, giáo sư Đại Học Sorbonne, Jean Paul Sartre khi nhà văn, nhà triết
nầy viết “Giảng Luận về Kẻ Xa Lạ” (Explication de L’Étranger) của Albert Camus,
công kích Giáo Sư Trần Thái Đỉnh, học giả Phùng Hữu Lan, Thiền Sư Daisets
Teltars Suzuki,…
Ngày
tôi về chung cư Minh Mạng, anh thường đến tôi, có lúc ở liền hai ba tháng, ban
ngày “thiền hành” với bộ quần áo “cái bang”, đêm về lăn kềnh ra sàn xi măng ngủ
hoặc đọc thơ, nói oang oang những gì khiến người các nhà kế bên không ngủ được.
Một lần
anh xách một con mèo chết, cẩn thận treo nơi sợi giây thép phía sau nhà, tôi
dùng để phơi quần áo. Hai ba ngày sau, mùi hôi thối không chịu nổi, tôi năn nỉ
mấy anh cũng không chịu xách quăng đi. Cuối cùng hàng xóm la ó quá, tôi nhân
lúc anh đi vắng, xách ném vào đống rác; lúc anh về biết rõ sự việc, chỉ lắc đầu
nhưng rồi lại bảo: “Chú mày làm được lắm!”.
Sau
năm 1975, anh không làm thơ cũng không viết lách gì; thỉnh thoảng ngồi nơi chân
cầu thang ở chung cư tôi ở, anh có làm ít câu nhưng rồi không tiếp tục và
thường trùng với những câu trong các tác phẩm trước.
Anh
đi vào cuộc điên nhiều hơn. Những lần “được điên”, anh vui lắm như được sống
trong một thế giới nào khác thường, thật hạnh phúc. Những lần không đi được vào
“cuộc điên” anh dã dượi, tê liệt, nằm suốt cả mấy ngày hay hằng tuần liên tiếp
như một lần ở chùa Long Vân Gò Vấp; mấy thầy trong chùa và tôi đến lay anh dậy
ăn cơm, anh đều nằm lỳ bất động. Lúc đó, đọc thơ hay nói chuyện tư tưởng nào
Phật, Chúa, Heidegger, Nietzche, Nguyễn Du,… anh đều khoát tay không nghe và
không cho nói.
Lúc
vào cơn điên, anh chạy, nhảy múa may, chọc ghẹo đủ mọi hạng người từ trẻ con
đến ông già, các bà bán hàng, các cô bán thuốc lá. Tôi khổ nhất là phải theo anh,
nghe anh chửi bới lung tung, mượn tôi làm đòn kê để chửi thiên hạ, rồi nói tục
hết sức tục, bắt tôi phải cúi lạy các cô bán thuốc lá lẻ, bảo đấy là thánh nữ,
tiên nương, là Quan Thế Âm Bồ Tát.
Anh
cứ bảo tôi là bỏ dạy, bỏ hết mọi thứ theo anh, điên như anh mới thấy vui, mới
cứu được đời. Phải nói rằng anh làm khổ tôi rất nhiều nhưng không hiểu sao, cứ
có anh là tôi lại thấy vui ra, một niềm vui không thể phân tích được, một cái
vui kín nhiệm, bàng bạc lạ kỳ; vì thế mà tôi chịu khó với anh. Có tôi đi với
anh, anh càng dễ điên hơn, vui hơn và thấy yên ổn hơn. Anh bảo tôi là thầy
giáo, hiền lành nên nếu có ai “trận thượng” với anh, tôi can thiệp, người ta sẽ
bỏ qua.
Nhiều
khi có một cô gái nào đó, mến anh, đi theo anh “thiền hành” dọc đường, anh thấy
vui và yên tâm lắm. Cô bồ tôi là Hoàng Hải Thanh Vân, sinh viên Đại Học Sư Phạm
ban Anh Văn thường theo anh và uống cà phê với anh. Quàng vai anh giống như một
nhân tình, anh thấy vui và thú vị lắm. Năm 1976, lúc cô phải tiếp tục năm học
sau cùng, anh thường đến Đại Học Vạn Hạnh (Việt Cộng chuyển Đại Học Sư Phạm về
đó), đứng dưới réo to lên: “Cô Thanh Vân ơi! Bồ Tát Thanh Vân ơi! Xuống đây,
đưa tôi đi uống cà phê, học làm gì nữa, bọn dốt nó biết gì mà dạy cô. Cô phải
dạy chúng nó chứ…”.
Một
buổi tối, tôi đi vắng, ở nhà, anh đưa mấy bài thơ tiếng Anh cho cô dịch, anh
khen cô thông minh, rồi bảo cô hãy đặt chân lên đầu anh. Cô không dám, anh liền
nâng chân cô đặt trên đầu mình rồi lảm nhảm những gì đó. Sau nầy, vào những năm
1982, 1983, cô ĐNLH một giáo viên cấp ba, hình như là cháu bà Tôn Nữ Hỷ Khương
cùng một cô nữa (tôi quên tên) hình như là cháu của nhà văn Cung Giũ Nguyên
(theo cô bảo) bỗng xách đồ đạc đến nhà tôi ở. Một tháng sau, cô nầy bỏ đi, cô H
còn ở lại những mấy tháng nữa. Bùi Giáng đến, hai cô nầy hoảng quá, nhưng sau
thấy Bùi Giáng “đường hoàng” nên lại cảm mến. Cô H lại chịu khó theo anh “thiền
hành” qua các ngã đường, vào quán cà phê, quàng tay, ôm hôn Bùi Giáng khiến mọi
người rất ngạc nhiên. Trong thời gian cô H ở nhà tôi, nhiều lần nhà họa và điêu
khắc Phạm Văn Hạng cũng có đến và gặp Bùi Giáng. Có cả Giáo Sư Nguyễn Văn Trung
đến, nghe cô H ngâm thơ nhưng ông Trung không gặp Bùi Giáng. Lại có cả nhà thơ
Trần Đới và sau nầy thêm nhà thơ Lê Nhược Thuỷ và chính Lê Nhược Thuỷ đã đem cô
H đi nơi khác. Có một cô gái trẻ mà anh không biết, không quen, theo anh suốt
một tuần trong các cuộc điên của anh, anh thấy lạ hỏi tôi: “Có phải chúng nó
cho cô ta theo dõi tao không?”.
Còn
nhớ trước 1975, Bùi Giáng quen với Huệ Nhật giúp việc cho Hội “Đất Lành” (Terre
des hommes) của Đức. Một bà Tiến Sĩ người Đức thuộc cơ sở nầy đến ở ngay nơi
nhà Huệ Nhật, phía dưới cầu Tân Thuận. Bùi Giáng rủ tôi cùng đến nhà Huệ Nhật
gặp bà đó. Nghĩ rằng bà ấy chắc biết nhiều về Triết, về tư tưởng, Bùi Giáng nói
huyên thuyên về thơ văn, về Nietzche, về Heidegger, về Holderlin…nhưng bà ta
nào có biết gì về tư tưởng, lại thêm giọng Đức, giọng Anh của Bùi Giáng chẳng
ra hồn gì mà bà lại không biết tiếng Pháp nên mặc cho Bùi Giáng nói, bà chỉ
nghe thôi, nhưng bà rất kính trọng Bùi Giáng, mỗi lần anh và tôi đến, không có
Huệ Nhật thì chính bà nấu trà và đem bánh ra đãi.
Sau
năm 1975, vào những năm 1982, 1983 gì đó, Huệ Nhật ở chung với cô Nguyễn Thị
Muộn. Hai người lập một quán cơm Xã Hội ở một đường vùng Chợ Lớn. Bùi Giáng
thường đến. Tôi có đến giúp việc. Chính quán cơm xã hội nầy, một buổi chiều
mưa, anh Giáng ngồi, mượn tôi chửi đổng thiên hạ cho đến tối mịt. Vừa hết mưa,
tôi giục anh về; đến nhà thờ Ngã Sáu, lại mưa, cả hai chui vào căn lều bằng tấm
bạt của một ông già (hình như trốn vùng kinh tế mới về). Anh lại la to và nói
tục không thể tưởng tượng được, khiến ông già đuổi đi. Cả hai lại đi trong mưa,
về đến Chung Cư, tôi thay đồ, bật đèn ngồi viết còn anh thì cứ để nguyên quần
áo cái bang ướt át, lăn kềnh ra nhà ngủ. Một ít lâu sau, do Huệ Nhật nói sao
không biết, thêm đứa học trò cũ của tôi là Phạm Đình Thành, nhà ở Chung Cư Ấn
Quang rủ rê thế nào, giới thiệu anh tiếp xúc với đôi Mục Sư Tin Lành từ quận 8
sang nhà Huệ Nhật, anh Giáng lại ngã theo Tin Lành. Huệ Nhật và Phạm Đình Thành
sắm sửa áo quần, giày dép, cà vạt và đưa anh đi nhà thờ. Các vị Mục Sư cũng vui
lắm, được Bùi Giáng theo đạo thật vô cùng quí. Nhưng chỉ chừng hơn nữa tháng
sau, anh đến nhà tôi với quần áo cái bang như cũ. Tôi hỏi: “Sao, Chúa bỏ anh
hay anh bỏ Chúa?”. Anh trả lời: “Ông Chúa, ông Phật có bỏ ai đâu; tao bỏ các
ổng. Mà lạ quá! Tao khoái các ổng, mà theo thì… khó chịu quá. Các ổng điên khác
tao. Cũng giống như Tô Đông Pha không chịu làm thiền sư để chỉ làm thơ thôi”.
Anh tiếp xúc nhiều với các tu sĩ Phật Giáo, nhờ anh mà tôi biết được các Ngài
Huyền Quang (tại chùa Kim Cương đường Trương Tấn Bửu), Thích Minh Châu ở Đại
Học Vạn Hạnh, Thích Đức Nhuận (tại đường Phan Thanh Giản), sư Viên Minh (chùa
Theravada đường Phan Đình Phùng), các thầy ở chùa Long Vân Gò Vấp. Anh cũng gặp
và nói chuyện với đôi Linh Mục, Mục Sư. Anh luôn luôn thiện cảm, ca tụng và đề
cao nữa nhưng không thể theo một Giáo Hội nào.
Đi
với tôi, anh chỉ đọc thơ, nói oang oang những gì đâu đâu, chẳng bao giờ giảng
tôi nghe về Phật, Chúa, Khổng, Trang cũng chẳng giảng gì về Nguyễn Du,
Heidegger,… tôi bảo anh phải nói sao chứ cứ lối điên điên, khùng khùng ấy, làm
sao tôi hiểu. Anh bảo là: “Chú mày chỉ nghe, không cần hiểu”. Anh nói là tôi có
cái Tâm tốt, có chút thông minh, và thường nhìn tôi lúc tôi thiu thỉu ngủ như
muốn tìm xem nơi tôi có nét gì đó mà chưa hiện ra. Sau nầy, từ 1979, tôi lại có
hứng làm thơ, viết lách, những gì anh nói lối phiêu bồng phiêu hốt đó bỗng
nhiên mơ hồ đến với tôi và tôi hình dung ra là anh đã gián tiếp “giáo dục” tôi
theo lối “giáo ngoại biệt truyền”.
Nửa
tháng sau, trước khi quyết định vượt biên (năm 1988), tôi ngỏ ý rủ anh. Anh
trầm ngâm không nói gì. Ít hôm sau, anh bảo: “Tao không đi được. ở bên nầy còn
có các bà già, bọn trẻ con với bạn bè như chú mầy cho tao ăn, chứ qua bên đó,
người ta nhốt tao vào nhà thương điên đến rục xương, tao sống sao được”. Ít hôm
sau nữa, anh bảo: “Hay là mầy đừng đi, ở lại vào cuộc điên với tao. Mầy đi, tao
buồn đến chết thôi”. Ít ngày sau, anh lại nói: “Mà mầy đi cũng được lắm. Mầy ở
lại chẳng làm được gì. Mầy có cái Tâm tốt, bây giờ đã vào đại hải, qua bên đó
biết đâu sẽ làm được cái gì”. Trước ngày tôi đi, tôi gởi tặng anh một bài thơ,
anh xem xong chỉ trầm ngâm gật đầu, không nói lời gì nhưng xem ra anh buồn lắm.
Bùi
Giáng là người đức độ lớn. Anh thương tất cả mọi người. Anh nhìn ai cũng như
thấy cái tâm hồn thánh nhân và anh muốn khơi động tấm lòng nhân thánh đó qua
lối điên khùng của anh. Anh lại rất tin người. Có một kẻ bảo với anh: “Anh
không biết, chứ bác Hồ trước đây đọc thơ và sách anh, khen anh lắm”. Anh tin
ngay và hí hửng nói với tôi, tôi chỉ cười. Một lần, một người bạn bên Pháp về,
bảo anh: “Brigite Bardot đi tắm biển, nằm trên ghế xích đu đọc sách anh, thích
thú lắm”. Anh hỏi lại: “Cô có biết tiếng Việt đâu mà đọc sách tôi?”. Người bạn
đáp: “Cô ta đọc quyển Dialogue trong đó có bài anh viết cho René Char ấy”. Thế
là anh tin và kể với tôi. Để anh vui tôi bảo: “Có thể lắm”. Một lần, anh kể với
tôi và sau nầy, hình như anh viết lại trong “Ngày Tháng Ngao Du” chuyện sau
đây:
“Một
hôm, Brigite Bardot chạy tới ôm chầm Bùi Giáng rồi bảo:
– Anh
yêu ơi! Hôm nay, em mới rõ là anh yêu em, nhiều, thật nhiều, hơn cả chị Monroe.
– Sao
cô biết?
– Thì
đây nầy. Thư anh viết cho em dở ẹc, còn anh viết cho chị Monroe thì văn hoa,
bay bướm không thể tả.
– Thư
tôi viết cho cô dở ẹc, sao cô bảo tôi yêu cô hơn Monroe?
– Anh
còn giả vờ nữa. Thư viết dở ẹc thì tình mới thật, mới chân; còn thư viết bay
bướm thì chỉ là tán tỉnh chứ tình đâu có thật”.
Một
chuyện nữa giữa anh và tôi. Một hôm, vừa chạng vạng, trời mưa lâm râm, anh đến
tìm tôi nơi nhà anh Lê Đình Duyên nơi tôi trọ (Lê Đình Duyên lúc này dạy học ở
trường Tân Thạnh, sau nầy làm Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin, Bộ Trưởng là Phạm
Thái thời Nguyễn Khánh, sau đó làm Dân Biểu), đọc mấy câu thơ của Nguyên Sa:
Anh
sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày mai hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay.
(không rõ tôi nhớ có đúng nguyên văn không)
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày mai hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay.
(không rõ tôi nhớ có đúng nguyên văn không)
Rồi
anh hỏi tôi: “Mầy thấy hay không?”. Tôi đáp: “Kể ra thơ tình tuổi sinh viên,
học sinh, như thế cũng có thể xem là hay”. Anh hỏi tiếp: “Thế, theo mầy, Truyện
Kiều có hay không?”. Tôi bảo: “Hay là cái cẳng rồi”. Anh bỗng nỗi sùng, mắng
tôi: “Khả năng như mầy mà dám bảo Truyện Kiều hay? Mầy phải nói “Truyện Kiều dở
như … c… Truyện Kiều đáng đem chùi đít; như thế ông Nguyễn Du sẽ cười ha hả,
cho rằng trên thế gian có kẻ hậu sinh hiểu ông. Mầy mà khen Truyện Kiều là mày
làm nhục ông Nguyễn Du, dưới suối vàng ông không nhắm mắt được đâu”.
Nói
xong anh bỏ đi ngay. Bực mình nhưng tôi nín thinh.
Trước
nay, đi dạy, tôi giảng Truyện Kiều cũng chỉ theo các sách giáo khoa đã có, chứ
chưa để ý đào sâu. Câu mắng của anh ám ảnh tôi mãi cho đến năm 1983, tôi bắt
đầu viết cuốn “Đoạn Trường Tân Thanh: Tiếng Vui Trong Lời Buồn” mới phát hiện
được những độc đáo thâm sâu của Nguyễn Du và nhận ra rằng “Đoạn Trường Tân
Thanh” là một tác phẩm tư tưởng không riêng của dân tộc ta mà chung cho cả nhân
loại.
Trên
đây là những điều có thật về Bùi Giáng mà tôi được chứng kiến. Tôi kể lại trung
thực, không hoa hoè, thêm bớt. Còn một số chuyện nữa nhưng đã quá dài. Có thể
phần nào, tôi tự xem là kẻ “chịu chơi” với cơn điên của Bùi Giáng nhiều nhất,
chịu khổ với cơn điên của anh cũng nhiều nhất (tôi lãnh anh ra khỏi nhà thương
Chợ Quán hai lần và một lần tại Phường 1 Cảnh Sát Quận 10 ngày 29 tháng 4 năm
1975), chịu nghe anh mắng chửi nhiều nhất và cũng nhận được nơi anh nguồn vui
tin lạ kỳ mỗi khi được ở bên anh.
Tôi muốn
viết một tác phẩm về “Tư Tưởng Bùi Giáng” nhưng chưa có thời giờ và hiện chẳng
có một tác phẩm nào của anh.
Bài
thơ đặc sắc nhất, tiêu biểu và làm cơ sở cho khuynh hướng tư tưởng của anh,
theo tôi là bài “Chào Nguyên Xuân”, bài thơ đầu trong tập “Mưa Nguồn”.
NGUYỄN
THÙY
(Bài
viết cho buổi nói chuyện “Bên Trời Tưởng Nhớ” do Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam
Paris tổ chức ngày 15-06-2002)