Nguyễn Lương Tuấn
Năm học lớp đệ tứ (năm 1962-1963), GS Tôn Thất Dương Tiềm dạy môn Quốc văn, tôi mê cách giảng bài của ông, cụ thể là lối kể chuyện, hấp dẫn, lôi cuốn chúng tôi nghe. Chương trình Quốc văn lớp đệ tứ bao gồm mấy tác giả như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương. GS Tiềm dạy tác giả nào, tôi mê luôn tác giả đó. Nổi bật nhất, tôi không thể nào quên được mấy bài thơ của Nguyễn Công Trứ. Đọc thơ ông, nghe GS Tiềm giảng giải, ta bừng bừng khí thế của thanh niên. Nào chí làm trai, nào đạo lập thân, …
Bạn cũng như tôi đã học Nguyễn Công Trứ thì không thể nào quên được bài “Kẻ sĩ”:
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý…
Chúng ta biết rằng, thơ Đường luật, thường dẫn chứng các điển tích, các câu chữ Hán, các thuật ngữ rất nhiều. Đọc thơ Đường, muốn hiểu, phải biết rõ tường tận những câu chữ Hán, những điển tích được trích dẫn. Do đó giảng một bài thơ có khi kéo dài vài tuần lễ là chuyện bình thường.
Có lần trên diễn đàn Đặc Trưng, một thành viên tên là Như Liên đã trao đổi với tôi những kỷ niệm lý thú về tuổi học trò. Xin trích nguyên văn:
“Chẳng phải bài thơ Đường của NCT đã cho ta những ngọt ngào ...Này thơ, này rượu, này địch, này đàn. Đồ thích chí chất đầy trong một túi. Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới...
Cái tuổi học trò, thì hầu như ai cũng đã có được cái hạnh phúc để thực hiện câu viết tưởng chừng thơ dại của thời áo trắng viết nhật ký "Dù cho tấm ảnh có phai mầu, tình bạn chúng ta mãi mãi không phai mầu bạn nhé! " Có lẽ trong tất cả mỗi người trong chúng ta, ai cũng một lần viết trang nhật ký cho nhau! Khi rời mái trường với nhiều điều chờ đón lấy chúng ta, rồi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau... trang nhật ký ngây thơ của tuổi học trò chẳng còn giữ chữ ký tô mầu hoa lá cành to đùng, dán những tấm hình 4x6 với khuôn mặt non chẹt đó! Không ai biết về tương lai và định mệnh của từng khuôn mặt ngây thơ của thời tuổi học trò xa xưa đó!
Đấy anh xem chỉ có một câu " Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch " Nguyễn Công Trứ, nếu chúng ta không có cơ may được các thầy giảng giải thì đố các bạn và cả hai chúng ta biết rõ câu " Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch " anh nhi?
Xem bài Kẻ Sĩ không đơn giản chút nào cả! Còn trong Kinh sách thì sao? Càng đọc thì Liên càng biết mình ngu dốt đấy anh à!”. (Hết trích)
Trở lại với GS Tiềm,
Ngày đó GS Tiềm khi giảng ngang đoạn:
Nước nhà yên thì sĩ được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn …
ông cắt nghĩa "Hoàng Thạch" bằng cách kể chuyện Trương Lương, Hàn tín. Và cả lớp trố mắt, chỏng tai, im lặng như tờ nghe ông kể chuyện ...
Trương Lương, Hàn Tín đều là những nhân vật kiệt xuất, ôm mộng lớn, và vì thế cả hai đều lấy bài học “nhẫn nhục” làm đầu.
Hàn Tín có thể quật một cái, thế là đi đời tên bán cá. Nhưng không Hàn Tín vẫn bình tỉnh nhẫn nhục chui qua trôn người bán cá giữa hàng trăm cặp mắt và nụ cười chế riễu của kẻ bàng quan.
Và Trương Lương, vì ôm mộng lớn đã mong gặp được người thầy học đạo để thỏa chí bình sinh “tầm sư học đạo” và ông đã đi lang thang tìm kiếm…
Một hôm, Trương Lương rảnh rỗi, tản bộ đến đầu Cầu Hạ Bì trông thấy cụ già cởi giày và làm rơi xuống cầu. Cụ già quay lại gọi Trương Lương :
- Này chú, hãy nhặt giúp giày cho ta!
Cứ thế ông lão làm bộ rớt giầy ba lần, lần nào cũng nhờ Trương Lương xuống nhặt. Trương Lương vẫn kiên nhẫn nhặt giúp cụ già.
Ông lão nhìn Trương Lương và nói:
- Thằng nhỏ này dạy được đây!
Rồi lão nói:
- Năm ngày sau, sáng sớm mày đến nơi đây gặp ta!
Lương lấy làm lạ, vội quỳ xuống đáp:
- Dạ!
Các bạn hãy tưởng tượng, mùa đông, tiết trời Hạ Bì rất khắc nghiệt, cơn rét đậm, buốt xương, tuyết rơi từng mãng. Thế nhưng, năm ngày sau, sáng sớm Lương đến chỗ hẹn, đã thấy lão đứng sẵn ở đó rồi. Lão giận nói:
- Đã hẹn với người già cả, mà đến sau là sao.
Lão lại dặn:
- Năm ngày nữa sẽ gặp ở đây thật sớm!
Năm ngày sau lúc gà gáy Lương đến nơi hẹn, đã thấy lão đến trước. Lão giận, nói:
- Sao lại đến trễ?
Lão ra đi dặn tiếp:
- Năm ngày sau đến cho sớm!
Năm ngày sau chưa tới nửa đêm Lương đã tới điểm hẹn đứng chờ. Một lát lão cũng đến, lão đưa ra quyển sách, nói:
- Đây là quyển "Thái công binh pháp". Đọc quyển này sẽ làm thầy bậc vương giả. 13 năm sau ngươi sẽ gặp ta. Hòn đá màu vàng ở chân núi Cốc thành phía Bắc sông Tế là ta đó!
Lão nói rồi bỏ đi. Lương đem sách về miệt mài nghiên cứu.
Sau này, hai người Trương Lương, Hàn Tín đều theo phò Lưu Bang gây nghiệp lớn. Hàn Tín là một võ tướng, Trương Lương là một quân sư, vạch đường đi nước bước, là chiến quốc sách cho Lưu Bang.
Nghiệp lớn đã thành. Vua tôi vinh hiển, Lưu Bang đánh bại Hạng Võ.
Thế nhưng sau khi công đã thành thì “thân phải thoái”. Trương Lương từ quan, trở về vui thú điền viên, ngao du ngày tháng:
Nước nhà yên thì sĩ được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Dăm ba đứa tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn …
Hàn Tín vẫn ham công danh, để rồi sau đó bị mưu hại, phải mang tội tru di tam tộc. Trước khi bị chém, Hàn Tín ngẩng đầu lên trời than rằng:
“Khôn thay Trương Lương, dại thay Hàn Tín”!
Đã 52 năm kể từ ngày tôi học với GS Tiềm, tôi vẫn nhớ dáng dấp của thầy, người thấp lùn, mập, bộ đi của thầy hơi giống Charlot, nhìn rất ngộ. Nhớ về thầy là tôi nhớ đến bàn cờ tướng bởi một lẽ, thầy rất mê chơi món này. Những giờ dạy của thầy, sau khi xong, thầy giao bài giảng cho một HS viết chữ đẹp, rõ lên bảng, cứ thế HS đứng cặm cụi chép bài và GS Tiềm cứ thế, xuống văn phòng ngồi chơi cờ tướng với mấy thầy khác! (nhắc đến kỷ niệm này, tôi không thể nào quên được anh Hoàng Trọng Cam, trưởng lớp, viết bảng rất đẹp), Tuy vậy khi thầy giảng bài thì không thể nào chê được, từ giọng nói cho đến điệu bộ diễn tả, rất tuyệt!.
Chỉ tiếc một điều là thái độ chính trị của thầy. Sau này tôi mới nghe một số bạn bè kể lại rằng, thầy được kết nạp vô đảng CS đã lâu và hoạt động nằm vùng. Sau năm 1975, người ta kể lại rằng thầy bị thất sủng, bị bỏ rơi và đến những ngày cuối đời, cuộc sống của thầy rất thê thảm, thầy qua đời trong sự túng thiếu …
Tôi viết những dòng này để nhớ về GS Tiềm, một người thầy đáng kính nhưng tiếc thay sự nghiệt ngã của bánh xe lịch sử!