Hai đứa tôi hợp lại thật là đẹp đôi, ai cũng bảo
thế. Tôi hăm tám, nàng hăm hai. Tôi cao thước bảy tám, nàng thước sáu, nếu thêm
giày dép phụ trợ nàng cũng chẳng thể qua được vành tai tôi. Tôi lưng thẳng, vai
rộng, mặt chữ điền, mày rậm, mũi cao, nếu không như Từ Hải cũng là một đấng nam
nhi không đến nỗi bị các bà, các cô nhăn mày hỉnh mũi khi phải đối mặt, đối
mày. Nàng thanh tao, cân đối với đầy đủ kích thước của một hoa khôi phối hợp với một gương mặt trong
sáng như một vầng trăng, vầng trăng có những nét chấm phá tuyệt vời của đôi mày
thanh tú không tỉa gọt, đôi mắt to dài sáng long lanh dưới hàng mi cong đen
tuyền, chiếc mũi thẳng, và đôi môi, ôi đôi
môi xinh đẹp ngọt ngào luôn mọng đỏ như trái chín đầu mùa, y như mấy ông
văn sĩ vẫn thường hay diễn tả các giai nhân.
Tôi phải dài dòng tỉ mỉ như thế về “dung nhan“ hai
đứa để mọi người hiểu rằng trời đã sinh ra nàng và tôi để phối hợp thành một
đôi tài tử giai nhân xứng đào xứng kép không chê vào đâu được. Trời lại còn
thương cho chúng tôi có rất nhiều tính tình, sở thích giống nhau. Chả thế mà
ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên tại tiệc mừng tân gia của một người bạn chung
giữa tôi và nàng, chúng tôi đã hợp nhau ngay bởi những điểm tương đồng đó. Cùng
trốn khói thuốc mịt mờ trong phòng khách, chiếc balcon hạn hẹp của nhà người
bạn đã trở thành tụ điểm đầu tiên cho tôi và nàng khởi đầu một chuyện tình mà
đoạn kết là một khoảng hư vô với lời chào hẹn gặp lại trong kiếp lai sinh.
Các bạn đừng vội ngừng đọc khi được biết kết quả
“thiên tình sử“ của chúng tôi. Chuyện tình nào rồi cũng có lúc hạ màn khép
cánh, tan vỡ hay thành tựu là do bàn tay của số mệnh. Nơi đây, tôi chỉ muốn các
bạn cùng tôi suy gẫm để xem đúng hay sai khi hai kẻ yêu nhau thắm thiết bằng
máu của con tim phải đành đoạn xa nhau vì danh nghĩa của các đấng tối cao vô
hình được gọi là tôn giáo.
Sau buổi chuyện vãn tại nhà Phương - bạn chung của
tôi và nàng - tôi đã đưa nàng về khi tan tiệc đúng với bài bản phải làm của một
gã si tình. Rồi những ngày kế tiếp, cứ đợi đúng giờ tan sở là tôi phóng xe chạy
bất kể đèn xanh, đèn đỏ - cũng may là chưa bị phạt vì phá lệ lưu
thông - chỉ để kịp đến đón nàng sau giờ dạy tại trường. Tiếp đó là những chiều
dạo phố, những buổi hẹn quán kem, rạp hát. Tình yêu của chúng tôi tăng trưởng
theo tỷ lệ thời gian, cho đến một ngày kia chúng tôi cùng quyết định phải làm
một việc gì đó trọng đại hơn. Và vì chúng tôi là những con người biết chữ thánh hiền, biết câu lễ nghĩa nên thay vì đưa
nhau vô khách sạn “tìm hiểu cá nhân nhau“ một cách cặn kẽ hơn, chúng tôi đồng ý
dẫn nhau về trình diện mẹ cha đôi bên cho đúng luật con nhà gia giáo.
* *
Sau khi thỏa thuận, tôi đưa nàng về ra mắt cha mẹ
tôi trước. Phải thành thật mà nói, kể từ khi mấy thằng bạn thân thường hay đến
nhà tôi chơi lần lượt rủ nhau “đeo gông vào cổ“ thì mẹ tôi cũng bắt đầu dòm chỗ
nầy, ngó chỗ kia để chọn vợ cho tôi. Mấy cô hàng xóm được mẹ tôi ngắm nghía đầu
tiên, rồi đến con gái các bạn của mẹ tôi, các cô bạn của em gái tôi cũng nằm
trong mục tiêu đó. Sự náo nức của mẹ tôi là mong “có được cháu nội để ẵm bồng
với người ta cho vui cửa vui nhà“. Tôi
cứ để mẹ tôi tha hồ chọn lựa cho thỏa ý và tôi tìm đủ mọi cách để thoát những
buổi trình diện vô tình hoặc cố ý trong sự sắp xếp của mẹ tôi. Vì vậy khi được
tôi báo tin đã chọn được người “trong mộng“ đem về ra mắt, mẹ tôi hớn hở đợi chờ, cả cha tôi và
các em tôi cũng nôn nao trông ngóng được biết cô dâu tương lai của gia đình.
Chiếc áo dài trắng làm nàng thêm rạng rỡ nét hiền
dịu đoan trang, tôi hài lòng ngắm nghía nàng trước khi nắm tay nàng bước qua
ngưỡng cửa vào nhà. Buổi gặp gỡ diễn ra hoàn toàn tốt đẹp như mong ước của
chúng tôi và tất cả mọi người trong gia đình tôi. Nàng vui vẻ, lưu loát chừng
mực trước những câu hỏi “điều tra“ của lũ
em tôi; ý tứ, lễ phép những “truy vấn“ khéo léo của cha mẹ tôi. Tôi thở phào
nhẹ nhõm khi thấy vẻ hài lòng của cả nhà khi nàng đứng lên từ giã. Nhưng khi
đưa nàng về, tôi thoáng thấy một chút ưu tư trong đôi mắt nàng. Hơi ngạc nhiên,
tôi hỏi nàng:
-
Có gì không ổn hả em?
Nàng cười khỏa lấp:
-
Chẳng việc gì đâu anh. Tại em xúc
động trước sự đón tiếp quá thân tình của gia đình anh đó thôi. A, bàn thờ Phật
nhà anh chạm trổ đẹp quá.
-
Trời, tưởng chuyện gì quan trọng
chứ… Em yên tâm đi, ba má cưng anh lắm, và dĩ nhiên em được thương mến là
chuyện thường. Em “đậu“ rồi đó, giờ tới lượt anh đây. Hy vọng ba má em sẽ không
đánh rớt anh.
Nàng ngập ngừng nhìn tôi dò xét:
-
Lỡ như vì một lý do nào đó ba má
em không “chấm“ anh thì sao?
Tôi cười hăng hắc đầy vẻ tự tin:
-
Anh như vầy mà rớt sao ? Mà rủi
bị rớt kỳ đầu thì thi lại kỳ sau, lo gì em. Miễn em nhớ “gò“ bài cho anh thiệt kỹ trước khi gặp “giám
khảo“ là được rồi.
-
Nhưng cũng có những bài thi ngoài
chương trình, anh liệu có qua được không?
-
Em cưng ơi, thương em năm bảy núi
anh cũng qua, chín mười sông anh cũng lội thì hà huống gì “một đề thi ngoài
chương trình“ hả em?
-
Anh nói thì nhớ giữ lời đó nghen.
Thấy vẻ mặt nghiêm nghị của nàng, tôi bỗng chột dạ,
dự phòng:
-
Núi sông gì anh cũng “chấp“ hết,
nhưng nếu gặp biển cả, đại dương thì để anh suy nghĩ lại chứ. Em làm anh “hoảng
vía“ rồi đó, mà chuyện gì vậy em?
Nàng không trả lời câu hỏi của tôi, nói bâng quơ:
- Hy vọng tình yêu chân thật sẽ
giúp chúng ta vượt qua tất cả mọi
khó
khăn. Em chỉ lo ngại xa xôi thôi, không có gì đâu anh, tính phụ nữ mà...
Và cái ngày “ứng thí“ đó cũng đến. Tôi được nàng
dặn dò đầy đủ các chi tiết những “môn thi“ đặc biệt trước đó cả tuần. Chẳng hạn
như với “nhạc mẫu“ tôi phải biết là bà rất thích bàn chuyện văn chương nghệ
thuật, người tình lý tưởng một thời của
bà là chàng tài tử đẹp trai kiêm ca sĩ nhạc Rock lừng danh Elvis Presley, giọng
ca ngọt lịm của nghệ sĩ Út Bạch Lan được bà nâng niu giữ kỹ trong các cuốn băng
video cải lương chất đầy các ngăn kệ, bà mê Chinh Phụ Ngâm hơn mê Kim Vân Kiều,
bà không ưa những gã đàn ông ba hoa chích chòe, nói cho nhiều mà làm chẳng được
bao nhiêu. Còn “nhạc phụ“ thì dễ dàng hơn, chỉ cần đứng về phía ông “ủng hộ“ cả
tay lẫn chân đội bóng Sở Công Nghiệp của ông là đủ “ăn điểm“ rồi.
Nàng đón tôi trước cổng nhà, trước khi dẫn tôi vào
“phòng thi“ nàng ngắm nghía tôi rồi bỗng phì cười:
-
Anh giống mấy anh học trò trung
học thường làm đuôi theo em hồi xưa quá, chỉ thiếu cái cặp da thôi.
Tôi ưỡn ngực, cười theo:
-
Anh đang đi thi mà.
Nhưng nụ cười tôi bỗng chợt ngừng lại khi bước chân
qua ngưỡng cửa vào phòng khách. Không phải tôi “khớp“ trước sự hiện diện của
nhị vị “giám khảo“ mà vì những hình tượng vô tri trên đầu tủ buffet ở góc phòng.
Trong một tích tắc đồng hồ tôi đã hiểu nguyên nhân nét ưu tư trên mặt nàng hôm
nào. Cả tôi và nàng khi gặp gỡ nhau, bị tiếng sét ái tình phang trúng nên
choáng váng để chẳng đứa nào bận tâm đến vấn đề quan trọng nầy. Giờ thì lỡ rồi,
đành “chờ xem con tạo xoay vần tới đâu“ mà thôi.
-
Chào cháu, nghe Thúy nó nói về
cháu hoài mãi đến hôm nay mới gặp.
Tiếng nói của cha nàng vang lên đưa tôi về thực
tại, như còn chưa định tỉnh, tôi ngập ngừng:
-
Dạ, Chào hai bác. Cháu đã định
đến thăm hai bác từ lâu, nhưng đến nay mới có dịp.
Chắc chắn là Thúy đã “kê khai lý lịch“ của tôi đầy
đủ cả rồi, nhưng hai ông bà vẫn “dượt“ lại lần nữa màn hỏi cung tôi về gia thế,
công ăn việc làm, tình trạng gia cảnh cá nhân. Tôi đã dần dần lấy lại phong độ
lưu loát cố hữu, vượt qua màn “khảo thí“ thật dễ dàng. Cho đến lúc tôi không
còn nhớ đến điều làm tôi lo ngại thì đột ngột mẹ nàng làm như vô tình, cất
tiếng hỏi tôi:
- Cháu đi lễ thứ bảy hay chủ nhật? Nếu đi
chủ nhật thì đến đi chung với
Thúy.
Tôi than thầm trong bụng “ôi thôi, giờ đã điểm“. Thực sự giờ đã điểm khi tôi bước qua ngưỡng
cửa vào nhà nàng và nhìn thấy chiếc thánh giá có hình chúa Jesus đóng đinh được
treo trên tường cạnh bức hình Đức Mẹ bồng chúa hài đồng để trên đầu tủ buffet.
Gia đình tôi theo đạo Phật, đạo thờ Tổ Tiên, ngoại tôi ăn chay trường suốt cả
cuộc đời, ông chú tôi xuất gia tu trì từ khi còn trai trẻ, không biết ba má tôi
sẽ phản ứng thế nào khi biết người tôi yêu “theo đạo Tây“. Và gia đình nàng sẽ
cư xử với tôi ra sao nếu tôi là một gã
“người Lương“. Trong một tích tắc đồng hồ tôi bỗng nghe bực bội với những đấng
thiêng liêng vô hình. Thôi thì cứ tình thật mà thưa, rồi chuyện gì tới hãy hay,
tôi tự nhủ và thẳng thắn trả lời câu hỏi ngoài “đề thi“ của mẹ nàng:
-
Dạ, cháu đạo Phật nên không đi lễ
cuối tuần, nhưng nếu được hai bác cho phép, cháu sẽ đến để đưa Thúy đi.
Mẹ nàng “A…” lên một tiếng trong lúc cha nàng
nhướng đôi mày rậm tỏ vẻ ngạc nhiên sau câu nói của tôi. Như vậy có nghĩa là
nàng đã không đá động gì đến vấn đề nầy trước với ông bà. Sự im lặng không biết
từ đâu chợt ghé ngang cắt đứt bầu không khí vui vẻ lúc đầu. Nhưng chỉ trong một
giây sau đó cha nàng trở lại điềm tĩnh, tự
nhiên:
-
Nếu cháu không bận việc gì thì
sáng chủ nhật đến đây đi với em nó.
Nhìn tình hình chung và đọc trong mắt nàng tôi biết
tôi đã qua được hơn nửa chặng đường, nhưng vào chung kết thì chắc phải còn gian
nan lắm.
Thế là từ hôm đó, trong thời gian đợi chờ “phán
quyết“ của cha mẹ hai bên, mỗi tuần cứ sáng chủ nhật là tôi quần áo chỉnh tề
đến đưa nàng đi viếng Chúa, tôi không nói điều nầy cho cha mẹ tôi biết dù tôi
hiểu rồi sẽ phải có một ngày mọi việc phải được tỏ tường. Cũng cần để các bạn
rõ quan niệm tôn giáo của tôi thế nào trước khi tôi tỉ tê tiếp “con đường tình
lận đận“ mà tôi phải đi qua.
Dù không là
một Phật tử thuần hành, má tôi vẫn cho cả nhà ăn chay một tháng 2 lần, ngày rằm
và mồng một; lúc nhỏ tôi vẫn thường theo ngoại tôi đi chùa vào những ngày Vía
lớn, tôi vì thế cũng ít nhiều chịu ảnh
hưởng của đạo cà sa. Tôi có một bà dì và
một người cô khi lập gia đình phải theo đạo Thiên chúa của gia đình chồng, tôi
chưa từng tò mò hay thắc mắc để hỏi cô và dì tôi nguyên nhân sự cải giáo đó: vì
lòng tin với đạo hay vì tình yêu với chồng? Bạn bè tôi cũng rất nhiều đứa là
con chiên ngoan của Chúa, tôi thân thiết với chúng bằng cái tâm bình đẳng không
chút biệt phân.
Tôn giáo
được gọi là đạo, đạo theo tôi hiểu còn có nghĩa là con đường, con đường trải ra
cho ta theo đó mà bước tới, mà hành xử trong đời. Tôi không phân biệt người
theo đạo nầy hay kẻ theo đạo kia vì tôi nghĩ phần lớn chúng ta mang mỗi người
một tôn giáo tùy theo nơi ta sinh trưởng, phân biệt làm gì khi đa số chúng
ta lúc mới sinh ra, chưa kịp hiểu biết
thế nào là cuộc đời chúng ta đã bị người lớn đặt để một con đường phải theo.
Chúa hay Phật gì cũng dạy ta làm lành lánh dữ, khác biệt chăng là những phân
định chiết giải trong cách hành xử nơi đời sống hiện tại và lúc ta về với cát
bụi mai sau. Điều quan trọng là khi ta khoác vào người danh xưng một tôn giáo hãy
chứng tỏ ta đến với tôn giáo đó bằng đức tin chân thật chứ không bằng một sự
trao đổi, ép buộc nào.
Bao nhiêu lần đưa Thúy đi lễ ngày Chủ nhật, tôi chỉ
đứng bên ngoài chờ nàng khi tan lễ chứ không cùng nàng vào trong thánh đường.
Tự trong thâm tâm tôi vẫn chưa nghe tiếng gọi thiêng liêng nào bắt tôi phải quỳ
trước tượng Chúa, không biết vì tự ái
của một gã đàn ông hay vì truyền thống đạo giáo gia đình đã ăn sâu gốc rễ vào
tận tâm hồn tôi nên tôi thấy ông Phật vẫn chưa có điều gì để làm tôi phải quay
lưng với con đường người đã tìm ra. Những ngày như vậy tôi thường gặp đôi mắt
thiết tha của Thúy, nàng nhìn tôi đằm thắm quan sát, không tỏ một vẻ gì. Thường sau buổi lễ, chúng
tôi dạo phố, ciné rồi cùng về nhà nàng, những buổi cơm thân mật đuợc trao đổi
thường xuyên giữa tôi và nàng qua gia đình của hai đứa. Ba má tôi đã bàn soạn
chuyện hôn nhân cho tôi với nàng và hối thúc tôi định ngày dẫn ông bà qua nói
chuyện cùng cha mẹ Thúy. Đến bước nầy tôi đành phải thưa thật chuyện khác biệt
tôn giáo giữa đôi bên. Vừa nghe qua, tôi
thấy ngay phản ứng của má tôi trong lúc ba tôi im lặng không nói gì:
-
Vậy đâu có được, con là trai duy
nhất trong nhà, phải lo chuyện thừa tự khói hương, lấy vợ đạo Chúa ai thờ
phượng Tổ tiên? Má coi bộ không được rồi
đó.
Cả nhà cùng nhau xúm lại bàn tán, các em tôi đứa
xui thế nầy, đứa định thế kia, chúng nó bảo “Anh cứ cưới đại đi, tụi em thích
chị ấy, vừa đẹp lại vừa hiền, xuất giá phải tòng phu, rồi chỉ cũng theo đạo
mình chứ có sao đâu”. Tôi không thích
lập luận đó vì không muốn thành một ông chồng chuyên chế trong gia đình, tôi
yêu Thúy thật lòng, không muốn nàng bị bó buộc bởi một khuôn khổ truyền thống
xưa cũ nào, vả lại chắc gì cha mẹ nàng bằng lòng cho nàng cải giáo để lấy
chồng. Tôi vẫn thấy những gia đình theo đạo Chúa khi cho con - dù trai hay gái
- lập gia đình với người ngoại đạo thường bắt ai muốn gia nhập gia đình họ phải
vô đạo mới được chấp nhận chứ ít thấy trường hợp ngược lại, ngay cả trong gia
đình tôi, cô và dì tôi đã trở thành công dân nuớc Chúa khi lấy chồng.
Tôi chạy đến
Hà, thằng bạn học cũ khá thân của những ngày còn ngồi ghế Trung học, để hy vọng
tìm một tia sáng khác lạ nào vì nó cũng từng ở trường hợp tương tự tôi bây giờ.
Nó vốn con nhà “tương chao“, gặp gỡ và đụng phải tiếng sét ái tình với Nguyệt,
thuộc giòng dõi “ba ngôi“. Để cưới được vợ, nó phải chịu phép rửa tội, mang tên
Thánh, làm lễ cưới tại nhà thờ. Gia đình
nó trước đó cũng phản đối dữ dội, nhưng chìu con nên cuối cùng phải nhượng bộ,
vả lại nó không là con trai duy nhất như tôi nên không có những rắc rối trong
chuyện khói hương thừa tự.. Khi nghe tôi cầu cứu, nó cười hì hì và hỏi tôi:
-
Tao đố mầy, sau ngày cưới đến
nay, tao đi lễ nhà thờ bao nhiêu lần?
-
Làm sao tao biết được chứ ? Mà ăn thua gì chuyện đó.
-
Sao lại không ăn thua, mậy. Nếu
chịu đi lễ tức là chịu vào vòng thực sự. Còn trái lại thì phải hiểu rằng “cúi
đầu lạy chúa ba ngôi, con cưới được vợ con thôi nhà thờ “. Nói thiệt với mầy,
từ ngày “đưa nàng về dinh“ đến giờ, tao chưa giáp mặt Cha, Chúa gì hết, tao thương bả chứ có thương Chúa đâu.
Tôi chưng hửng:
-
Vậy kể như mầy gạt bả rồi. Nguyệt
có phản ứng gì không?
-
Phản ứng gì? Tao vẫn để bả tự do với đạo của bả chứ có bắt
bả theo đạo mình đâu. Ái tình là ái tình, tôn giáo là tôn giáo, tao vì yêu nên
bị lợi dụng nhưng không muốn bắt buộc bả như gia đình bả đã bắt buộc tao.
-
Nhưng đức tin không phải là
chuyện để đùa.
-
Tao có đùa đâu. Trước khi nhận lễ
rửa tội, tao có nói với nàng, tao làm là vì nàng chứ không phải vì Chúa mà.
Tôi lắc đầu:
-
Tao không thể làm như mầy được.
Vậy là tráo trở, hạnh phúc gia đình khó giữ dài lâu.
Hà cáu kỉnh:
-
Thôi mầy, đừng có quân tử dỡm. Nếu không thì mất vợ, lựa chọn đi.
Thì đành lựa chọn vậy, tôi đã dự liệu tất cả để đối
phó với những gì sẽ đến. Qua buổi hẹn
gặp gỡ giữa cha mẹ tôi và nàng, đúng như tôi lo ngại, “điều kiện ắt có và đủ“
để chúng tôi ký “hợp đồng dài hạn“ với nhau là tôi trước khi thành con rể nhà
nàng phải cải giáo theo đạo Chúa. Má tôi
dẫy nẩy, ba tôi trầm ngâm, các em tôi phản đối, tôi đành đưa giải pháp thứ nhất
để dò ý đôi bên và cả ý nàng. Tôi đề nghị, cưới nhau xong rồi đạo ai nấy giữ,
hôn lễ sẽ cử hành theo thể thức gia đình
chứ không theo nghi thức tôn giáo. Ba má tôi thương tôi và cũng thương tính
hạnh, nết na của nàng nên chìu ý tôi với điều kiện con cái chúng tôi sau nầy
không được theo đạo mẹ. Ba má nàng lịch sự, khéo léo bảo chỉ muốn thấy trong
nhà đồng tôn giáo để đảm bảo hạnh phúc gia đình cô con gái cưng, tránh bất đồng
tư tưởng, và quan trọng hơn nữa, đạo Thiên Chúa không chấp nhận ly thân, ly dị.
Ông bà đã quên những cuộc ly dị rùm beng tốn đầy giấy mực của các cặp vợ chồng
danh tiếng ở châu Âu, châu Mỹ cũng như ở
khắp nơi trên thế giới, đa số những vị “danh nhân“ đó đa số là giáo dân nhà
thờ. Buổi gặp mặt chấm dứt trong sự ngượng ngập của cả đôi bên, ba má tôi ra về
với câu nói lửng lơ khi từ giã: “Chúng tôi sẽ bàn định lại rõ ràng hơn.”
Nhưng hơn ai hết, tôi đã biết quyết định của ba má
tôi dù không cần phải bàn định gì như lời đã nói, vì nếu cha mẹ Thúy khăng
khăng giữ đạo cho con thì ba má tôi cũng không muốn mất đi người khói hương
thừa tự. Ngày sau đó, tôi và Thúy gặp nhau tại quán kem quen thuộc nơi hai đứa
vẫn thường hay đến. Tôi nao lòng nhìn người tôi yêu ủ rũ, quen thấy Thúy vui
cười xinh xắn, tôi nghe tim mình như thắt lại khi trong màn mưa nước mắt nàng
nghẹn ngào:
-
Nếu anh không yêu em đến mức có
thể hy sinh tất cả để làm vừa ý cha mẹ em thì chắc tình chúng ta khó mong tiếp
tục mãi. Em khổ lắm, anh biết không?
Đưa khăn tay cho nàng chậm nước mắt, tôi suýt ngã
lòng buông xuôi, nhưng cũng trong tích tắc tôi ngạc nhiên khi nghe chính tôi
hỏi ngược lại nàng:
-
Cả hai chúng ta cùng yêu nhau,
nhưng tại sao chỉ có anh phải vì em, còn em, em
không thể vì anh sao? Vả lại anh đâu muốn em phải hy sinh bỏ đạo của em
bao giờ.
Bỗng dưng Thúy nhìn sâu vào mắt tôi và hỏi:
-
Nói thật cho em nghe đi, anh tin
có Chúa không?
Tôi trân trọng, chân thành:
-
Có, anh tin có Chúa cũng như anh
tin có Phật, có đấng Mohamet hay đấng Jehova gì gì đó. Tất cả những vị ấy đã
đến với thế gian này bằng hiện hữu, bằng sự toàn vẹn thiêng liêng, vì nếu
không, tên tuổi của các vị sẽ không tồn tại mãi đến ngày hôm nay để được người
đời tôn kính thờ phượng. Tùy nhân duyên và tùy tâm linh, ý thức cùng những ràng
buộc chung quanh mà chúng ta chọn một trong các vị để đặt để cho mình một tôn
giáo.
Thúy tươi lên trong mắt:
-
Như vậy Chúa và Phật có khác
nhau đâu, anh theo đạo em hay giữ đạo anh vẫn thế, tại sao anh không chọn con
đường chung cho hai đứa cùng đi?
Tôi buồn rầu nhìn người tôi
yêu, lắc đầu:
-
Vì nhiều lý do lắm: vì cha mẹ
anh, vì truyền thống gia đình, vì tự ái của một thằng đàn ông và nhất là vì anh
không thích mua bán trong chuyện tình cảm, trong đức tin tôn giáo. Anh không
thích bán đức tin của mình để đổi lấy tình yêu, vì cả hai thứ đều thiêng liêng,
đều đáng trân trọng chứ không thể khi
cần đem đổi chác, bán mua. Nếu anh vì chiêm nghiệm trong cuộc sống mà thấy đạo
anh đang theo có gì sai khuyết và đạo em có nhiều điểm hay hơn thì anh sẽ tự ý
chuyển đạo, nhưng anh không thể đánh đổi tôn giáo để có một người vợ, cho dù đó
là người anh thật sự yêu thương. Anh bỏ đạo anh được thì ngày nào đó anh cũng
có thể bỏ được em, em biết không?
Ngừng giây phút, tôi bất chợt
hỏi nàng:
-
Còn em, em tin có Phật chứ?
-
Người của Chúa chỉ biết có
Thiên Chúa mà thôi, và em, em là con của Chúa.
Bên ngoài quán kem, nắng chiều
tháng ba vẫn còn rực rỡ, nhưng tôi thấy trời đất như tối sầm lại. Vậy là đã rõ,
nếu nàng tin vào số mệnh, nàng sẽ hiểu kiếp trưóc chúng tôi chỉ hò hẹn nhau
chung một quãng đường tình trong kiếp nầy mà thôi, và đây là giờ phút chia tay.
Nếu còn chút luyến lưu, chúng tôi đành chờ đợi một kiếp mai sau nhiều may mắn
hơn, khi đó cả hai đứa không bị hàng rào kẽm gai của Chúa và Phật giăng ra để
chận đường bít lối như bây giờ.
Từ hôm đó chúng tôi không còn
gặp nhau nữa, thà cắt đứt một lần để
không làm khổ nhau dài lâu sau nầy. Một năm sau Phương báo tin cho tôi hay là
nàng sắp thành hôn cùng con một người bạn của cha nàng, chồng tương lai nàng là
chủ một tiệm may danh tiếng ở đường Phan
Đình Phùng lúc bấy giờ. Tôi đón nhận tin và vô tình buột miệng khe khẽ hát
“Lòng thật bình yên mà sao buồn thế…..”.
Việt Nam lúc đó đã thống nhất
sau ngày 30.04.75, những làn sóng di dân từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra hải
ngoại thi nhau luân chuyển theo lý tính phân chia để ổn định màn bi kịch nội
chiến sau ngày chung cuộc. Khoảng năm
79-80, ở miền Nam phong trào đào thoát
lên đến cao độ. Ba má tôi lo cho tôi ra đi trên một chuyến tàu vượt biên vào
thời gian đó. Thật tình mà nói, tôi không muốn ra đi trong lúc tất cả bao người
thân còn ở lại, nhưng má tôi từ năn nỉ
đến ép buộc tôi phải xuống tàu với lý do thật giản dị rằng tôi là trai duy nhất
của gia đình phải tìm một tương lai tốt đẹp hơn, nếu ở lại tôi sẽ không “ngóc
đầu lên nổi“ khi diện lý lịch nằm trong thành phần “Ngụy“ quá nặng nề vì ba tôi
là công chức khá cao cấp của chế độ cũ.
Sau bao ngày lênh đênh trên biển cả, lắm lúc
tưởng không qua khỏi bởi đói khát, hải tặc, phong ba thì không biết do số mệnh
an bài hay do sự linh ứng bởi những lời cầu nguyện của những thuyền nhân khốn
khổ, một tàu lớn của Ý dưới sự bảo trợ
của Tòa Thánh Vatican đã cứu vớt và đưa chúng tôi về định cư trên đất nước của
César. Chúng tôi với sự giúp đỡ tận tình của Giáo hội Thiên Chúa, được chu cấp
nơi ăn chốn ở vào giai đoạn đầu và một không ít nhiều người đã tìm được vài
việc làm khiêm nhượng chờ ngày thay đổi tốt đẹp hơn. Một số người để tỏ lòng
biết ơn nhà thờ, đã tình nguyện trở thành giáo dân của Chúa. Trước khi Cha Sở
địa phương làm lễ rửa tội cho những người đó,
họ phải qua một tiến trình học tập giáo lý, cha Sở có đến tìm tôi để
biết tôi có muốn gia nhập danh sách những người đó hay không. Nhìn vào mắt Cha
Sở khi hỏi tôi điều nầy, tôi bỗng như
thấy lại ngày nào đôi mắt Thúy thăm thẳm đợi chờ tôi trả lời cũng câu hỏi tương
tự như vậy. Không đắn đo suy nghĩ, tôi từ
tốn đáp lời Cha Sở:
-
Thưa Cha, con cám ơn Giáo Hội,
cám ơn Cha đã cho con có được sự an bình hôm nay, nhưng hình như chưa đến giờ
Chúa kêu gọi tên con, xin Cha để cho con cơ hội khác.
Cha Sở hiền lành không nói gì,
Cha đâu biết rằng trong thâm tâm tôi muốn nói với Cha sự cảm kích của tôi đối
với người, với Giáo Hội thật vô vàn to lớn, và chính vì vậy tôi không muốn đến
với đạo của người bằng sự hoán đổi nghĩa ơn. Tôi có thể trả ơn cho đời bằng
tiền của, bằng công sức, nhưng tôi không thể trả ơn cho đạo bằng một đức tin
trống rỗng với một buổi lễ rửa tội và một tên Thánh vô tri khoác lên người. Tôi
là tôi, nguời muôn thuở vẫn tin vòng vận chuyển của bao kiếp luân hồi, tin đời
sống vui, buồn, sướng, khổ hôm nay tôi có là do căn duyên những tiền kiếp của
tôi tạo thành như vậy làm sao tôi có thể đến với Chúa được khi giáo lý của Ngài
cho rằng mọi việc trên đời đều do Ngài phán quyết.
Tôi may mắn được một gia đình
người Ý thu nhận cho một chân làm vườn, thương tình người long đong, họ cho tôi làm việc nửa ngày còn nửa ngày còn lại tôi ghi danh đi học
tiếng Ý rồi dần dà theo thời gian tôi học lại chương trình Đại học nơi đây.
Cuộc sống tương đối khá cam go, nhưng chính vì vậy tôi thấy mình trưởng thành
hơn lúc còn ở với gia đình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhớ Thúy quay quắt
tôi lúc đầu, nhưng sau đó tôi không còn thì giờ để buồn nhớ nữa, vừa học vừa
làm, hết giờ tôi chỉ biết lăn ra ngủ để hôm sau còn sức tiếp tục chuỗi ngày sắp
tới.
Cuối cùng thì tôi cũng tốt
nghiệp, tìm được công ăn việc làm thoải mái, vững chắc hơn. Lúc nầy những đòi
hỏi của một gã đàn ông đẩy đưa tôi quen với Pierra, một cô gái Ý khá xinh, đồng
nghiệp với tôi. Ý là nơi mà dân số theo đạo Chúa hơn chín mươi phần trăm, dĩ
nhiên Pierra nằm trong số đó. Nhưng thật lạ, ngay trên quê hương xứ đạo, Pierra
lại tỏ ra khoáng đạt hơn Thúy ở VN, nơi mà giáo dân không phải là đa số. Chúng
tôi thành hôn sau một năm quen biết với sụ thỏa thuận đạo ai nấy giữ, con cái
sẽ tự chúng định liệu sau nầy khi chúng lớn khôn.
Pierra rất đảm đang, thứ đảm
đang của những phụ nữ miền Nam Ý. Hai đứa con tôi lần lượt ra đời, Marco Quang
và Annalisa Ngọc. Vợ chồng tôi thương yêu nhau bằng tấm lòng chân thật, không
tính toán, chẳng tỵ hiềm những khác biệt về chủng tộc, tôn giáo. Hai đứa con
tôi chẳng có đứa nào rửa tội, mang tên Thánh, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thưòng
chở Pierra và chúng đi lễ nhà thờ theo ý muốn của vợ tôi. Ngược lại, trong gia
đình, mỗi khi có dịp tôi luôn kể những phong tục tập quán của quê hương VN cho
cả nhà cùng nghe.
Còn đôi ba năm nữa hai con tôi
sẽ vào tuổi thành niên, khi cần chúng sẽ chọn một tôn giáo nào chúng thấy thích
hợp với chúng, và tôi, tôi chắc tôi cũng chẳng buồn phiền gì nếu chúng chọn con
đường của mẹ chúng để đi vì ít ra chúng đã chọn lựa bằng cái tâm chân thật của
chúng chứ không bằng một sự đổi chác, bán buôn nào. Trong thế giới tâm linh, sự
thật chỉ có duy nhất một con đường, chúng ta,
những đứa con của Phật, của Chúa chưa ai có thể chứng minh được con
đưòng đó có ánh hào quang của Chúa hay mây ngũ sắc của Phật thì tại sao ta phải
làm khổ nhau vì những “cái Tôi “ mông lung đó?
Chúng ta có thể tin tưởng, yêu thương con đường ta chọn, nhưng cũng đừng
tìm đủ cách để bắt ngưòi khác phải theo ta.
Cả Phật lẫn Chúa đều dạy rằng
“ mọi người sinh ra đều bình đẳng“, dĩ nhiên trong đó có cả sự bình đẳng tín
ngưỡng của tâm linh. Trong những cuộc tình khác biệt tôn giáo hãy còn rất nhiều
nước mắt của bao kẻ yêu nhau thì nhân loại giải quyết sao được các cuộc chiến
khốc liệt dai dẳng hận thù bằng danh nghĩa của Thích Ca, Jesu, Mohamet . . .
Chùa chiền, đền thờ bị phá hủy, tượng Phật ngàn năm trong vùng núi vắng cũng
chẳng được tha. Các đấng thiêng liêng khi ban khải tín điều dạy con người làm
lành lánh dữ, các Ngài chắc hẳn không muốn các tôn giáo đó là nguyên nhân để chúng
ta tự hủy diệt lẫn nhau, hoặc những kẻ yêu nhau vì các Ngài mà chia tay đôi ngã.
Hơn hai mươi năm đã trôi qua,
dù gia đình hạnh phúc nhưng tôi vẫn chưa quên người năm cũ, thư từ người thân
bên nhà gởi đến cho biết Thúy hiện đang sống bình an bên cạnh chồng và bốn đứa con
giờ đã trưởng thành. Tôi đã bao lần về thăm VN nhưng chưa lần nào tôi đến tìm
nàng, hôm nay chợt dưng tôi muốn gặp lại Thúy, chắc cũng chẳng tạo được gì mới
lạ, nhưng ít ra một lần trong tuổi cuối
đời chúng tôi còn có cơ hội mỉm cười thông hiểu cho nhau và cùng cám ơn cả Phật
lẫn Chúa đã cho hai đứa những bình an thanh thản sau ngày chia tay. Hè năm nay
tôi sẽ đưa vợ con tôi về thăm quê hương. Ngoài kia nắng đã lên cao, và muôn thuở chỉ xuất phát
từ một vầng dương chói lọi.
HUYNH NGOC NGA
Torino,
ITALY - 09.05.02