Tết Huế


Nguyễn Lương Tuấn


Tết Huế đối với tôi trở thành một kỷ niệm mà mỗi lần hồi tưởng tôi lại chạnh lòng, muốn quên, cũng khó lòng.
3 ngày tết tại Huế trở thành một cái gì linh thiêng, nổi bật là những sự kiêng kị, nên làm và không nên làm. Hiệu ứng là sự quan tâm đến người khác, trong mối liên hệ ràng buộc có tính gia đình rất chặt chẽ (familiale), liên quan không những đến những người trong gia đình cùng một mái nhà mà nối dài trong gia tộc, nội, ngoại, …rồi kế đến xóm, giềng, …
Như thế chính những quy định của tục lệ trở thành sự tuân thủ như là niềm tin một tôn giáo được xã hội hóa, trở thành phong tục tập quán.
Chúng ta hãy thử xem một số niềm tin, tập tục mà người mình vẫn thực hiện trong 3 ngày tết:
Chiều 30 tết: Cúng rước ông, bà, tiên tổ về nhà sum họp với gia đình. Buổi lễ cúng thường là chạng vạng tối. Người ta tin rằng linh hồn những người đã khuất chỉ về dương gian vào lúc trời chập tối. Cúng chiều 30 tết người ta còn gọi là cúng cộ “lên nêu”. Mục đích là mời ông bà Tổ tiên về ăn tết với gia đình.
Thuật ngữ “lên nêu” hình như được nhà văn Toan Ánh nói tới trong một cuốn sách về Làng xóm Việt Nam. Tôi nhớ hình như ông mô tả đó là một cây nêu bằng tre cao, trên đầu ngọn có một dãi giấy điều trên đó ghi lai những lời cầu chúc hay ước nguyện, ví dụ mong cho yêu quỷ, tà ma không quấy phá gia đình, … người ta còn cột thức ăn kèm theo để những linh hồn vất vưỡng quá vãng dùng bửa (?).
Trong những ngày tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết để về ăn tết với con cháu. Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết người dân còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.
Lễ cúng chiều 30 tết, gồm cúng trên bàn thờ tổ tiên trong nhà và cúng ngoài trời. Với người thuộc thế hệ cha tôi, lễ cúng rất nghiêm túc. Tôi nhớ trời dù có lạnh mấy, ông cúng tắm gội cẩn thận, y phục cổ truyền nghiêm trang, quần lãnh trắng, áo dài đen, đầu chít khăn đóng, quan sát từ đôi bàn tay ông chắp đến cái vái lạy và phủ phục khi quỳ xuống, tôi thấy toát ra ở ông cái uy nghiêm, lòng thành của lễ cúng. (Liên hệ thế hệ chúng tôi bây giờ, thì rất buồn cười. Lối ăn mặc khi làm lễ lôi thôi lếch thếch chẳng ra thể thống gì cả).
Giữa buổi cúng là một phong pháo được đốt lên, tiếng nỗ cùng làn khói thuốc pháo như chào đón ông bà, tiền nhân về tụ họp gia đình mang không khí rất trầm ấm, sum họp.
Như vậy sau buổi cúng rước ông bà tiền nhân, xem như những người quá vãng trong gia đình đã về sum họp cùng một mái nhà. Kể từ đây cho đến ngày mồng 3 hoặc mồng 4 tết, người trong nhà phải cơm, nước ngày 3 bửa nghiêm trang, dọn lên bàn thờ để cúng mời kẻ khuất mặt dùng bửa.
Vì vậy 3 ngày tết theo truyền thống, thì các gia đình thường lúc nào cũng bận rộn cúng coải, rất phiền phức. Tuy vậy nhiều gia đình lại xem chuyện ấy là niềm hạnh phúc, là sự báo hiếu, lòng báo ơn đấng sinh thành, ông, bà đã dày công tạo ra ta mà không còn ở với ta nữa.
Ngoài ra còn có lễ cúng ngày mồng 2 tết, nghĩa là cúng giữa nhà. Đây là bửa cúng xem như đãi tiệc cho toàn bộ người thân đã khuất trong gia đình và còn có bà con, láng giềng, bạn bè của người âm. Âm dương nhứt lý. Nếu lúc còn sống, ta đãi tiệc bạn bè, vậy thì lúc chết, biến thành người âm, họ cũng đãi tiệc như trên dương thế vậy.
Và một bửa cúng sau cùng là cúng đưa người âm về lại thế giới âm cảnh. Người âm của gia đình ta cùng sum họp với ta trong ba ngày tết có lúc rồi cũng phải chia tay về lại âm phủ. Người ta thường chọn ngày mồng 3 hay mồng bốn tết để làm cúng đưa. Đây là buổi lễ cúng để đưa tiển ông bà, cha mẹ, …những người đã chết về lại âm cảnh. Người ta thường cúng buổi chiều để người linh hồn người âm nương theo bóng đêm để về âm giới. Trong buổi lễ người ta cúng đồ mã hay tiền, vàng bạc bằng giấy để dưới âm phủ có đồ dùng. Người xưa chủ trương: “âm dương nhứt lý”. Lúc ở trên dương gian sao thì bây giờ dưới âm phủ vây.
Cúng giao thừa: Người nước ngoài đón năm mới theo đương lịch cũng đón giao thừa nhưng họ không cúng. Việt Nam nói riêng và một số nước Á Châu nói chung đón Giao thừa thường có cúng giao thừa.
Cúng giao thừa rất trang trọng. Đúng 12 giờ đêm, một mâm đồ cúng bao gồm trái cây, quả phẩm, mứt bánh, …được bày ra giữa trời cúng cho những linh hồn vất vưỡng ngoài trời, không có nhà. Trên bàn thờ tổ tiên thường chỉ thắp hương. Lúc chuông điểm giao thừa, tiếng pháo nổ ran, tiển đưa năm cũ, đón mừng năm mới. Tiếng pháo có ý nghĩa như xua đuổi đi những điều xui xẽo, những việc xấu xa mà ta phải hứng chịu. Sau khi cúng giao thừa xong, cả nhà quây quần sum họp, trên bộ ngựa hay quanh bàn để cha, mẹ hay ông bà lì xì tiền đầu năm, hiểu như một lời chúc tết tốt đẹp nhất.
Kỉ niệm đêm giao thừa, tôi nhớ mãi vẫn là những đồng bạc giấy đông dương mà cha tôi cất trong một cái hộp gỗ có khảm xà cừ. Ông lôi những tờ bạc có hình người gánh dừa còn mới toanh, nghe thơm mùi giấy và lì xì cho bà nội tôi rồi đến bọn chúng tôi.
Sáng mồng một tết là lễ cúng trên bàn thờ. Thường là cúng chay, nhà tôi luôn cúng xôi chè. Tôi nhớ ngày hôm đó nhà tôi ăn chay, do đó mà trong số anh chị em chúng tôi có anh H thường hay xuống tủ đồ ăn lục đồ ăn cúng chiều 30 ra trộn rồi hâm lại và ăn, bọn chúng tôi gọi là ăn đồ trộn.
Sáng mồng một tết, không khí trong nhà tràn ngập hương tết, sự linh thiêng. Tiếng pháo nổ dòn từng hồi từ nhà này sang nhà khác lan xa, lan xa và mất dần. Cha tôi dặn không được quét nhà, sợ quét đi niềm may mắn đến, lọc tới. Không được làm điều gì có lỗi, sợ sẽ bị có lỗi quanh năm và kị nhất là làm bể đồ, …
Sáng mồng một tết, bàn thờ hương đèn nghi ngút. Tôi nhớ năm nào cũng vậy, khoảng 6 giờ sáng là có tiếng xe gắn máy của ông dượng (chồng bà o của tôi) bên Bao Vinh qua đạp đất. Trước tiên, ông thắp hương và làm lễ cúng ông nội bà nội, cũng như cúng mẹ tôi, nhũng người đã khuất trong gia đình. Người Huế bảo đó là lễ mừng tuổi người đã khuất. Sau đó trong lúc uống trà, ăn mứt, bánh chuyện trò cùng cha tôi, ông lì xì mừng tuổi cho tôi.
Như vậy sáng mồng một tết nhà nào có người đến nhà đầu tiên, gọi là họ đi xông nhà hay gọi là đi đạp đất. Khi người nào đi đạp đất đầu năm mà suốt năm, nhà đó làm ăn khá giả, đạt được thắng lợi là người đó có vía tốt. ngược lại là người đó dạp đất nhà mình bị thế này thế nọ, vậy là họ vía xấu, …
Một tập tục khác mang tính cộng đồng xã hội, ấy là láng giềng, hàng xóm đi thăm chúc tết lẫn nhau. Tập tục này biểu tượng tính nhân văn, sự đoàn kết giữa mọi người chòm xóm, "nhứt cận lân, nhì cận thân".
Những tập tục ngày tết, những kiêng kị được cha tôi dặn dò tôi vẫn còn nhớ rõ. Vậy mà đã trên nửa thế kỷ.
Biết bao mùa xuân đi qua đời tôi. Tóc tôi giờ đã điểm bạc, nhưng tết đến tôi lại nhớ đến cha, đến anh. Nhớ gia đình sum họp ngồi đổ xăm hường đêm giao thừa. Nhớ anh tôi thường thích chơi cua bầu, chơi bài vụ, nhứt lục với các nhóm trẻ con, thanh niên trong xóm Chợ Dinh, ở ngã tư Chi Lăng – Bãi Dâu, Ôn Như Hầu - Bến đò.
Nhớ sáng mồng 2 tết, chị tôi rủ tôi cùng đi chợ Gia Lạc. Trên chuyến đò Chợ Dinh qua Tây Thượng đến Chợ Mai. Tôi hồi tưởng cảm giác lo âu khi tưởng tượng nếu chiếc đò bị chìm …?
Ôi! nhớ nhớ và nhớ, những người tôi yêu quý nhất đời đã không còn.
Ngày tết ơi!