Nguyễn Lương Tuấn
Hôm trước về Huế,
ngồi uống cà phê với 2 người bạn ở đường Chi Lăng. Trước mặt chúng tôi là rạp
ciné Khải Hoàn, rạp chiếu bóng một thời nay tồi tàn, xập xệ chẳng ai buồn
sửa sang, ngó ngàng đến. Nó là chứng tích của một thời, biểu tượng một nét văn hóa bị phá sản.
Nhìn
rạp Hoàn Mỹ, những ai đã từng một thời đi ciné với bạn, với tình nhân, sẽ hoài
niệm - một chút ngậm ngùi, một chút nhớ tiếc. Bà Huyện Thanh Quan đã từng sống
tâm trạng ấy: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương".
Nhớ
về các rạp chiếu bóng tại Huế là nhớ về một phần đời sống tuổi trẻ của tôi của
chúng ta và cũng là của các bạn trẻ sinh viên, học sinh cùng thế hệ thời đó. Bởi
vì đời sống tinh thần ngày ấy, phim ảnh chiếu tại các rạp chiếm một vị trí quan
trong trong sinh hoạt của giới trẻ.
-
Đường Chi Lăng (Gia Hội) có 2 rạp: Hoàn Mỹ (trước đó là Gia Hội, Li Đô, Khải
Hoàn) và Châu Tinh.
-
Đường Trần Hưng Đạo có 2 rạp: Tân Tân và sau này Hưng Đạo
-
Góc đường Lê Lợi - Lý Thường Kiệt tức Morin cũ có rạp Nguyễn Văn Yến (sau 1956,
rạp bị xóa bỏ, nhường chỗ cho khu đại học)
Chưa
hết, theo bạn Lê Tất Đạt trong “Huế trong tôi” thì còn có thêm 2 rạp nữa: một
là ở thôn Vỹ Dạ và một ở Ngã Giữa, tức Phan Bội Châu có rạp tên là Richard.
“Ở thôn Vĩ Dạ cuối thập niên năm mươi hay đầu
thập niên sáu mươi có một rạp chiếu bóng ngay chợ. Chủ rạp là Lê Hoàng Hoa.
Theo những điều ông nói trong tạp chí Thông Tin Hoa Kỳ thời đó thì ông qua Mỹ
chữa bệnh lao, sau thời gian lành bệnh ở Mỹ ông lân la ở các phim trường xuất
hiện trong các phim cao bồi kiếm tiền mưu sinh. Nếu bị bắn mà ngã lăn đùng ra
chết không cục cựa thì lãnh được 3 đô, nếu còn gượng dậy rồi quỵ xuống thì được
trả 5 đô. Đại khái càng thêm được giây nào thì được trả thêm chừng đó. Ông cho
biết chỉ học chụp ành một thời gian ngắn
vậy mà sau này cũng trở thành đạo diễn. Rạp Vĩ Dạ khai trương với phim
Ivanhoe(1952), phim này mấy năm trước đó đã chiếu tại rạp Tân Tân, là một phim
khá nổi tiếng và quy tụ hai tài tử lừng danh đương thời Robert Taylor và
Elizabeth Taylor. Không ai ngạc nhiên khi thấy rạp đóng cửa chỉ sau chừng nửa
năm vì trước đó các rạp Richard ở đường Ngã Giữa và rạp Nguyễn Văn Yến ở khách
sạn Morin cũng đã bị bức tử.”
Thập
niên 60, (trước đó tôi còn quá nhỏ không nhớ) phong trào thanh niên, sinh viên,
học sinh đi xem chiếu bóng rất mạnh. Thành phố Huế nhỏ, dân ghiền ciné có thể
nhớ mặt nhau, thích nhất là chiều thứ bảy hay chủ nhật đứng chờ đến xuất vào
xem. Trai thanh gái lịch tha hồ nhìn nhau, ngắm mãi người mình thích, ngưỡng mộ,
ngày ấy có danh từ gọi là "nghễ".
Vào
rạp, trước khi chiếu phim chính, còn chiếu dạo, nghĩa là chiếu, giới thiệu một
số phim sắp chiếu. Những cảnh đưa ra quảng cáo trước là những cảnh
"nóng", gay cấn, sôi động, ... xem rất thú vị.
Tôi
vẫn nhớ vé bán trước tại quầy, có 4 hạng: Hạng chót giá 10 đồng, hạng nhì giá
15 hay 20 đồng gì đó, và tiếp đến giá hạng nhất, sau cùng giá vé đặc biệt trên
lầu, Sở dĩ tôi nhớ giá vé hạng chót vì tôi chỉ chuyên đi xem giá chót. Xem phim
giá chót là giá ngồi sát màn hình.
Một
kỷ niệm nhỏ, có lần, tôi nhớ là sau tết, khoảng mùng 6, mùng 7, tôi theo cha
tôi lên nhà bác Quảng Ngô làm “chầu rìa sư” vì cha tôi vẫn có cái thú sau tết
hay đi đánh bài hay đánh cờ giải trí. Địa điểm cha tôi vào sòng vẫn là tại nhà
mình, các nhà hàng xóm hoặc có khi qua tuốt bên xóm rèn Bao Vinh. Hôm ấy tại nhà
bác Quảng Ngô (nhà này số 285 Chi Lăng Huế, nhà tôi 289) cha tôi lên chơi bài
cát tê với mấy ông trong xóm đến khuya mà vẫn chưa về. Tôi ngồi cạnh ông buồn
ngủ quá, ngáp liên tục. Thấy vậy, ông nói:
-
Tau cho mi chơi một tay đó!
Thế là mắt tôi sáng lừng.
Tôi ngôi đặt tiền bắt bài và không ngờ tôi thắng liên tục. Sau khi về nhà, kiểm
điểm thắng lợi, tôi có được 300 đồng. U chao! 300 đồng cách đây 50 năm to quá cở.
Thế là trưa hôm sau, tôi quyết định dừng chân bên rạp ciné Châu Tinh mua vé xem
phim. Lần đầu tiên tôi quyết định mua vé hạng nhì 20 đồng. Tôi vừa cầm tờ
prgram và móc túi lấy tiền mua vé. Các bạn biết không? Túi tôi rỗng không! Thì
ra tôi bị móc túi!
-
A ha! Của Tây trả lại cho Tàu!
Xem
ciné ngày ấy, khi vào mua vé, người ta phát cho một tờ program để lược tóm
chương trình chiếu phim, trong đó giới thiệu các diễn viên đóng phim, sơ lược cốt
chuyện, ... rất thú vị. Các tờ program này tôi xem phim xong đều cất xem như
sưu tầm thành bộ sưu tập rất đẹp vì màu sắc của các tờ xanh vàng đỏ trắng,
...Sau 1975, tôi vẫn còn giữ nó nhưng rồi dòng đời trôi đi, thời gian quá bận rộn
lo đủ thứ chuyện, tôi đã lỗi một lời ước, không còn giữ được các tờ program này
được. Sorry!
Dạo
đó sao tôi mê phim Pháp, Mỹ thế! Vẫn nhớ mãi các cô đào nổi tiếng: Brigitte
Bardot với phim "Et Créa la femme" hay phim "The blood and
Roses". Hai phim này đạo diễn là Roger Vadim, người đạo diễn này tôi nghiệm
thấy ở ông như có một chút gì đó hơi “bay bỗng”, một chút sex, một chút bị lệch
lạc tâm lý mà mỗi khi xem phim của ông tôi cứ suy nghĩ mãi. Với phim
"Cartouche" mà vai diễn chính là Jean Paul Belmondo và Claudia
Cardinal thì quá ư ngoạn mục, sôi động và đầy vẻ tài tử. Ngoài ra một số phim
tình cảm trẻ trung lãng mạn như La Lecon particulière mà diễn viên trẻ có môi
trên hơi trề ra sao thấy thích quá trời đó Nathalie Delon. Trong phim này hình
như có Charles Bronson hay Omar Sharif?. Phim có nội dung nói về một người đàn
bà lớn tuổi có chồng thế nhưng một chàng sinh viên miệng còn hôi sữa lại lẽo đẻo
theo tán người phụ nữ. Chàng thanh niên này tôi nhớ là Renaud Verley đi chiếc
xe Honda PC nhỏ bé chạy theo chiếc xe hơi bóng láng, trong đó chồng bà ta đang
lái và được một cái cười nhếch mép của ông chồng ném về cậu bé miệng lẩm bẩm:
“đồ con nít!”, ...
Cuốn
phim trên rất được bọn trẻ như tôi ngày ấy thích thú và sau đó là phong trào đi
xe Honda PC phát triển.
Thanh
niên đi xe Honda PC và nghĩ thầm mình là Renaud Verley!
Một
phim khác tôi nhớ xem ở rạp Châu Tinh, tên phim là “Les dimanches de viiie d ‘
Avray”. Cuốn phim này nửa thập niên đầu sáu mươi đã làm xôn xao khán giả trẻ khắp
thế giới. Hình ảnh cô bé Cybel, anh chàng phi công Pierre trẻ tuổi mất trí và
con gà trống bằng kim loại trên tháp cao một giáo đường bỗng chập chùng trở về.
Cô
bé trong vai Cybel là Patricia Gozzi, 12 tuổi, bị bố ruồng bỏ đưa vào một cô
nhi viện. Chàng thanh niên tên Pierre (Hardy Kruger) là một cựu phi công Pháp
trên chiến trường Việt Nam, anh bị mất trí vì bị ám ảnh tội lỗi đã giết chết một
em bé gái Việt Nam khi phi cơ của anh bị rơi đụng phải. Do sự liên tưởng đến nạn
nhân thơ ngây vô tội của minh anh tìm cách kết thân với Cybel khi anh bắt gặp
đôi mắt u sầu do bị bố mình từ bỏ . Kể từ đó chàng giả vờ đóng vai bố cô bé và
lãnh cô ra khỏi cô nhi viện mỗi ngày chúa Nhật. Họ trải qua những ngày chủ nhật
tại thị trấn nhỏ tên Ville d’Avray ở ngoại ô Paris.
Mặc
dù có nhân tình, người nữ y tá chăm sóc chàng, nhưng chàng vẫn chới với, hoảng
hốt với những cảnh tượng hải hùng của chiến tranh. Người yêu của chàng chỉ biết
âm thầm chịu đựng mà không làm gì được. Trong lúc đó, một vị Bác sĩ, vì mê say
cô y tá xuyên tạc sự liên hệ giữa Pierre và Cybel là có liên quan đến dục tính,
mục đích là để mong gạt bỏ chàng ra khỏi tâm trí người mình đeo đưổi.
Và
ông BS này đã làm một báo cáo gửi đến cảnh sát nói lên sự nguy hiểm của chàng.
Giáng
Sinh năm đó Pierre đã trèo lên đĩnh ngọn tháp cao ngất của một giáo đường để gỡ
con gà trống bằng kim loại như một món quà đầy bất ngờ cho Cibel, vì trước đó
cô bé đã thách thức đùa Pierre. Trong khi Cybel thiếp đi khi ngồi chờ chàng xuất
hiện để cùng đón Giáng sinh trong một nhà vòm trống trãi, đầy tuyết phủ. Pierre
đã vất vã mang được con gà trống xuống. Trên đường tìm đến công viên thì bị cảnh
sát bao vây. Cuối cùng thì tiếng súng nổ, cảnh sát viện lý do bảo vệ Cybel đã bắn
chàng ngã gục trước đôi mắt bàng hoàng, thảng thốt của cô bé Cibel.
Phát
súng bắn chết Pierre là phát súng nhân danh những tiêu chuẩn luân lý, đạo đức,
phát súng của xã hội, không chấp nhận mối quan hệ của hai người.
Ngày
ấy phim Hồng Kông và Đài Loan tràn ngập qua VN, chiếu tại Huế cũng đã nhiều.
Nhưng tôi vẫn chưa ghiền lắm. Thích nhất là phim Tần Thủy Hoàng, đây là một
phim Hồng Kông hay Đài Loan tôi không còn nhớ chắc nhưng là phim dàn dựng rất
công phu, thuộc loại màn ảnh đại vĩ tuyến cinéma scope. Có một cảnh, tôi nhớ
không thể quên, chàng thư sinh nhìn trộm cô gái đang tắm bên bờ suối. Đến lúc bị
cô gái bắt gặp, chàng nho sinh hết đường chạy trốn và cuối cùng chàng ta bị cô
gái bắt buộc phải ...lấy cô ta.
Phim
Hồng Kông võ thuật bấy giờ đã tràn ngập nhiều với các diễn viên Lý Tiểu Long,
Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Trần Tinh, Phùng Bửu Bửu, Trịnh Phối Phối, ... Tuy nhiên nổi
tiếng nhất vẫn là Lý Tiểu Long với lối đánh quá đẹp và gương mặt có tính cách.
Các phim như Đường Sơn Đại Huynh, Mãnh Long quá Giang, ...quá tuyệt. Vẫn nhớ
mãi khuôn mặt của Miêu Khả Tú bên cạnh Lý Tiểu Long, ...
Nhớ
các rạp ciné thường cho vẽ Paneau quảng cáo một scène chính của phim rất ấn tượng.
Phải nói là chỉ đặc biệt tại Huế mới có lối vẽ y như thật trong phim, nét vẽ mềm
mại, thu hút như Lê Vinh hay sau này có Thành (người ta bảo Thành là học trò Lê
Vinh)
Sau
năm 1972, vào dạy học tại Đà Nẵng, nhìn các hình vẽ giới thiệu phim trước các rạp,
tôi buồn cười vì vẽ quá xấu, mà hình như không chỉ Đà Nẵng mà tại Sài Gòn cũng
vậy!