Hồi ký Nguyễn Lương Tuấn
1
Nhớ dạo đó, sau khi chờ dài cổ ở Ty Tiểu học, đường Yên Báy để xem mình có trúng tuyển, nghĩa là được đi dạy lại hay không? kết quả: tôi dính, nghĩa là được đi dạy lại với quyết định là giáo viên lưu dung (lưu ý dung ở đây là dung tha), cấp 2, dạy tiếng Pháp. Tôi được lãnh lương mỗi tháng 50 đồng, cọng thêm tem phiếu tiêu chuẩn hàng tháng tôi được mua với giá rẽ như đường thuốc lá, dầu hỏa, vải, ... Cuộc sống cay nghiệt. Tôi chỉ còn biết tìm vui ở mấy đứa bạn cùng số phận.
Có những chiều, thèm cà phê quá. Tôi cùng đứa bạn đi uống chui.
Tại sao lại gọi là uống chui?
Vì lúc đó người ta cấm tiệt cà phê, bảo rằng đây là loại hàng do nhà nước quản lý.
Ngã tư đường Hùng Vương, Yên Báy Đà Nẵng, có một tiệm may, tên là nhà may V, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, nhà may đóng cửa. Thế mà thằng bạn dẫn tôi đến. Nó gõ cửa. Một người thanh niên xuất hiện. Bạn tôi giới thiệu xong. Nó nói:
- Cho hai cốc cà phê đen đá nghe!
Tôi nhìn quanh, không có bàn, không có ghế. Chỉ là một bộ ngựa, gỗ đen bóng. Tôi thấy có một thanh niên đang xếp bàn ngồi nhâm nhi cà phê, với điếu thuốc trên tay. M, bạn tôi nói:
- Mình ngồi đây!
Thế là chúng tôi cũng leo lên ngồi xếp bàn trên bộ ngựa, trông y như dân Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Và hai ly cà phê được mang ra. Chúng tôi nhâm nhi cà phê như “trà đạo”. Kể cũng hay:
- Cà phê đạo!
Sau này, khi nghỉ dạy, về Huế chơi tôi cũng đi uống cà phê chui trong những biệt thự, có vườn xanh, vòm lá, tỏa bóng mát ở đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, khu vực gần nhà ga, chúng tôi cũng ngồi trên bộ ngựa và được nghe rất nhỏ, văng vẳng những bản nhạc của Phạm Duy, của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Thái Thanh, Khánh Ly, …
Thật tuyệt vời khi được uống cà phê chui, nghe nhạc chui!
Nghe nhạc cũng là chui tuốt, vì nhạc trước 75 của miền Nam bị liệt vào văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Nói tắt là nhạc vàng!
Như tâm lý của con người, cái gì vụng trộm cũng thú vị hơn là được công khai, cho phép. Như thuở bé, cầm sào hái trộm quả ổi nhà bên cạnh, ăn vào thấy ngon, ngọt, thích ghê. Nhưng chị đi chợ mua cho ăn, chẳng thấy thích bằng! Tôi có tâm trạng như thế và tôi lấy làm thích thú được sống với những cảm giác vụng trộm đó.
Nghe nhạc cũng là một sự vụng trộm, vì đã bị cấm.
Nhưng điều này thì dễ thực hiện.Trước 1975, tôi có máy cassette, có băng nhạc với nhiều bài hát giá trị. Nhiều lần tôi được biết cán bộ ở tổ dân phố kêu gọi ai có nhạc vàng đồi trụy, phản động thì phải đem nộp, hoặc thì tự hủy. Nếu không thì sẽ chịu trách nhiệm lấy, … Nhưng tôi thây kệ, liều. Tôi cất giữ kỹ một số băng mà tôi ưa thích.
Lúc bấy giờ, thường là ban đêm, tôi nằm nghe, điều chỉnh volume, tầng số nhỏ, tiếng hát Thái Thanh với tình khúc vượt thời gian. Tiếng hát Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 9, băng nhạc Ngô Thụy Miên, …Tha hồ nghe! Và không những tôi nghe một mình, tôi còn rủ thêm hai thằng bạn Y khoa Huế, bây giờ vào làm tại bệnh viện Đà Nẵng, cả hai ở nội trú, ban đêm mò về ở lại với tôi trên cái gác xép ọp ẹp.
Ba đứa nghe nhạc như nghe tiếng người yêu thủ thỉ bên tai. Bây giờ nhớ lại thời kỳ ấy thật là thú vị.
2
Những ngày đi dạy tại trường Cấp 2 Hòa Phát, rồi trường Cấp 2 Khuê Trung, những ngày tháng lộn xộn trong ký ức tôi. Có điều tôi vẫn nhớ rất rõ là cuộc sống của tôi với đồng lương tháng 50 đồng và những tờ tem phiếu cất kỹ để mua hàng. Gạo mua được 13 kg, rồi 1 kg đường rồi dầu hỏa, rồi bột ngọt rồi thuốc lá, …
Dạo đó, độc thân, tôi không giữ tem phiếu làm gì. Tôi giao hết cho bà chị dâu. Chỉ riêng phiếu mua vải thì tôi giữ lấy. Mục đích, mua xong bán lại cho người khác để lấy tiền đi uống cà phê. Mỗi tháng tôi được nhà trường phân phối 5 gói thuốc lá Vàm cỏ hay Đà Lạt theo sổ mua hàng tập thể. Mua trong cửa hàng mậu dịch quốc doanh đâu có đồng rưởi nhưng đem ra chợ bán thì được 5 đồng. Thuốc lá này nhà trường mua rồi về phân phối lại cho các nam giáo viên. Cứ mỗi tháng một lần. Thế nhưng rồi sau này tôi nhớ không nhầm thì nhà trường, cụ thể là trường cấp 2 Khuê Trung đã họp bộ tứ nhà trường để bình chọn những đối tượng được phân phối thuốc lá. Kết quả, chỉ những người ghiền thuốc lá mới được phân phối. Còn như tôi thì không được vì công đoàn nhà trường theo dõi để ý tôi không phải là đối tượng ghiền. Và như thế là đi tong. Trong khi đó số thuốc lá này lại chuyển qua cho các đối tượng khác được gọi là ghiền và ghiền thuốc lá đều nằm trong phe ta hết cả!
Chính từ quyết định này mà có một số GV trước đây đã không hút thuốc lá, bây giờ họ đâm ra hút thuốc lá liên tục và hút trước mặt bá quan văn võ (Hội đồng nhà trường, các GV) để đợt tới họ bảo chính họ cũng ghiền thuốc!
Nhớ lại thời kỳ ấy, tất cả cái gì liên quan đến chế độ qua hình thức phân phối đều được mọi người quan tâm bám sát. Con người trở nên bần tiện.
Có lần, GV được phân phối mấy tờ giấy quyến để vấn thuốc lá nữa mới độc đáo. Tôi cầm chục tờ giấy quyến định cho một bà GV, bất ngờ một GV nam khác thì thào bên tai tôi:
- Ê! đem ra Chợ Cồn bán có tiền mi ơi!
Tôi chưng hững:
- Có bao nhiêu mô!
- 3 đồng đó tề, đi uống cà phê được cả 5, 6 lần đó mi!
Tôi nói:
- Vậy chiều ni, mi tau ghé Chợ Cồn. Mi vào bán giúp tau nghe!
Chiều đó, hai đứa ghé vô chợ và quả thật mỗi đứa được 3 đồng (các bạn nhớ là cà phê ngày đó một phin sửa đá có 50 xu thôi)
Nhà trường có sổ mua hàng tập thể. Tôi thấy lâu lâu ông Hiệu trưởng lại ôm sổ lên cửa hàng Mậu dịch quốc doanh để mua. Ông nhân danh tập thể để mua có khi là áo thun, có khi là khăn lau. Ông mua một lần 20 chục cái rồi sau đó ông cho bà vợ đem ra chợ bán lại. Hình như cha hiệu trưởng làm việc này liên tục nên ông có biệt danh là hiệu trưởng mua hàng.
U chao! dạo nớ cái lốp xe đạp răng mà quý như rứa! một hôm trường thông báo là tập thể GV được phân phối 4 cái xăm lốp xe đạp. Hiệu trưởng nói là ưu tiên cho người nào đi xe đạp xa. Tôi thầm nghĩ, mình được chọn là cái chắc. Vì từ nhà tôi đạp xe đạp "sặc gạch" lên Khuê Trung tính luôn vòng về mất 15km. Nhưng sau khi họp bộ tứ để bình chọn đối tượng được mua thì lại vẫn là "phe ta"!
Tôi nhớ một kỷ niệm vui, gần hè tôi được thông báo là cửa hàng mậu dịch quốc doanh đang bán vải theo phiếu cho cán bộ, GV. Một buổi chiều, tôi đi xe Honda lên tận dốc Hòa Cầm mua vải. Tôi đưa phiếu cho cô bán hàng. Sau đó tôi trả tiền và ra về. Vải được phân phối thời đó là cheviotte, mà mọi người vẫn gọi là sơ vi ốt soạt soạt bời vì khi may xong mặc vào, tiếng động do vải cọ xát nghe soạt soạt!
Nhưng có một điều, hôm ấy tôi thật là không biêt vui hay buồn. Trên đường về, tôi ghé nhà bạn là Ái ở đường Lê Đình Dương để khoe vải vừa mua. Tôi đem vải ra cho bà cụ xem, bất ngờ tôi phát hiện cô bán hàng quên cắt ô nơi phiếu. Như vậy là tôi có quyền đi mua thêm một lần nữa. Tôi nói với bà cụ:
- Bác ơi! cô bán hàng quên cắt phiếu rồi. Con phải đem lên cho họ cắt phiếu. Nếu không cô này bị đền, tội nghiệp!
Bà cụ cười:
- Mi đừng có ngu. Con bé đó nó thấy mi đẹp trai, nó ham nhìn mà quên cắt phiếu. Vã lại đôi khi nó muốn tặng mi mà không nói đó thôi. Đừng có dại!
Ha! Bà cụ cho mình một lời khuyên quá thực tế nhưng hơi phủ phàng rồi.
3
Tôi vẫn nhớ những người bạn một thời cùng tôi chia sẻ những buồn vui của nghề "giáo viên nhân dân"...nhớ những buổi học tập chính trị tại trường cấp 3 Hòa Vang, tại trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Những khuôn mặt cách mạng 30 vênh vênh, chân đi dép nhựa, áo bỏ ra ngoài quần trông thật buồn cười.
Nhớ những lần thảo luận nội dung các chủ đề mà mấy ông cán bộ báo cáo. Nhớ không khí ồn ào náo nhiệt của hội trường. Nhớ những lời phát biểu nói xấu, mạ lỵ “Ngụy quyền, tay sai đế quốc Mỹ”. Nhớ những bàn tay rụt rè đưa lên để phát biểu tố cáo chế độ cũ. Nào là phi lao đông, nào là đồi trụy như ăn mặc hở hang, chiếc áo dài trắng mỏng. Rồi nền kinh tế miền Nam là phồn vinh giã tạo. Tất cả đều là do bọn tư bản đem vào, …
Nhớ những chủ đề chính trị quen thuộc: Chúng ta phải tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng Khoa học và kĩ thuật, cách mạng văn hóa và tư tưởng và cách mạng …. gì đó mà tôi quên mất tiêu, hình như là quá độ tư bản chủ nghĩa, giai cấp vô sản sẽ làm cuộc cách mạng lật đổ tư bản để tiến lên XHCN. Có người cắc cớ hỏi : Thế sao tui thấy cuộc cách mạng lật đổ tư bản không xẩy ra ở các nứơc tư bản quá độ như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật mà lại chỉ diễn ra ở các nước chưa quá độ như VN mình hay Lào? Ngang đây hình như cha cán bộ hơi lúng túng, hình như ổng nói rồi cũng sẽ xảy ra thôi …
Cho đến bây giờ có những cụm từ mà nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn cười, gì mà “như sợi chỉ đỏ xuyên suốt…”
Ngày còn bé tôi chỉ nhớ là mỗi lần xâu kim là bà nội lại kêu tôi nói:
- Cu em, mi xỏ sợi chỉ vô lỗ kim cho tau với nà!
Bây giờ học chính trị tôi lại nghe như sợi chỉ mà lại đỏ nữa, không được trắng nghe, xâu nhưng lại xuyên suốt. Mà xâu kim thì phải xuyên suốt còn không xuyên suốt thì làm răng mà xỏ vô!
Nhớ những buổi học tập chuyên môn, các chủ đề giáo dục. Nhớ những tiếng đại từ danh xưng lạ tai: Thằng Gia Long, Thằng Minh Mạng. Nhớ bài giảng mẫu với 4 bước lên lớp: Ổn định lớp, kiểm ta bài cũ, giảng bài mới, củng cố bài. Nhớ lời căn dặn có gạch dưới: Giáo án là pháp lệnh, không được nói khác. Có người thắc mắc: Ngộ nhỡ bị sai rất rõ, cụ thể như sai số thì làm sao? Câu trả lời là phải trình lên ban Giám hiệu để duyệt.
Nhớ những lần ngồi viết bài thu hoạch kiểm điểm. nào là nhận thức bản thân, nào là ưu điểm, nào là khuyết điểm, nào là phát huy, nào là hướng khắc phục, ôi! túi bụi lùng bùng.
Nhớ những ngày chờ đợi kết quả xem mình có được đi dạy lại không. Nhớ mấy thằng bạn cùng ngồi bên ly cà phê ở quán cà phê Lộng Ngọc đường Phan Đình Phùng, cùng lo âu không biết số phận mình thế nào?
- Mi dạy triết học, bây giờ tau nghĩ cũng khó rồi. Là có tội đó, phổ biến truyền bá thứ triết học duy tâm phản động!
Mạnh nói xong cười văng bọt mép.
Nhớ lần đầu tiên gặp D. Ch, khi cầm tờ quyết định về dạy Vật Lý tại trường Hòa Phát. Nhớ cặp mắt sáng trong, tròn xoe khi tôi cười chọc nàng:
- Người như rứa mà về dạy ở đây thì tội quá!
Nhớ những người bạn thân thương tại trường cấp 2 Hòa Phát: Lê Thị Hồng Yến, Phan Thị Thọ, Nguyễn Thị Thanh, Đào Văn Long, … Và những ngày xất bất xang bang vì tố cha Hiệu Trưởng tham ô, cửa quyền…
Nhớ gì nữa, nhớ những buổi học tập chính trị hè tại Hội trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, giờ phụ diễn văn nghệ, hai giọng ca tuyệt vời của Hồng Yến và Diệu Châu đã làm Hội trường im phăng phắc. Diệu Châu hát bài "nhớ bác", nghe có cảm giác như nhớ người tình và Hồng Yến hát dân ca Nam bộ không thua chi người Nam.
Nhớ có lần Hồng Yến theo tôi ra Huế thăm nhà và thăm D. Ch. Chiếc xe lửa khởi hành từ 1 giờ chiều đến 9 giờ đêm mới tới. Nhớ khi Hồng Yến bước xuống đường ray tại nhà gare Huế, lúc bấy giờ cúp điện tối om, giai đoạn ấy, điện cứ 1 đêm đỏ là 3 đêm tắt,
Hồng Yến la lên:
- Tuấn ơi, tau đạp trúng vàng dẻo rồi!
Nhớ khuôn mặt D. Châu nước mắt lưng tròng vì không chịu nổi không khí phê bình trong buổi họp kiểm điểm cuối học kỳ. Nhớ những lần đưa Ch về với lời khuyên: Tại sao Ch lại như vậy? Ch khóc là Ch đã rơi vào quỹ đạo rồi. Hãy bình thường, cóc cần. Nếu không Ch sẽ làm việc đến chết. Hãy hành động theo lương tâm!
Nhớ những lần đón nàng đi dạy tại một biệt thự ở đường Thống Nhất (bây giờ là Lê Duẫn). Nhớ khi dừng xe lại để đổ xăng lẽ bên lề đường, nàng đã nhanh nhẫu đến trả tiền. Và bàn tay tôi chận lại:
- Không, T có đây rồi. Khi mô hết T sẽ nói với Ch nghe!
Nhớ những lần ngồi nghe nàng hát nhạc Pháp. Bản nhạc “Oui devant Dieu” nàng cất giọng làm tôi buồn muốn chết.
Nhớ lần làm báo tường nhân ngày 8/3. D. Ch ôm tờ croquis, tôi theo nàng về nhà D. Ch.
Đêm ấy tôi ở lại với D. Ch trong cái appartement của nàng. Tôi phải thức trắng mắt để viết luôn cho 10 nữ GV mỗi người một bài có chủ đề về ngày phụ nữ. Tôi viết bài, D. Ch viết lại trên Croquis vì nàng viết chữ quá đẹp, riêng chữ lớn tiêu đề thì tôi viết.
Cả đêm không ngủ bao nhiêu, sáng ngày mắt tôi cay sè. D. Ch. pha cho tôi ly cà phê sữa. Vừa uống tôi nhìn Diệu Châu, đôi mắt Châu đắm đuối, tôi đọc thấy niềm hạnh phúc long lanh. Hai tay tôi vòng qua khuôn mặt ướt đẫm khao khát. Chúng tôi hôn nhau.
Ch thì thầm:
- Miệng nghe toàn mùi cà phê!
Nhớ buổi sáng ôm tờ báo lên trường. Nhớ nụ cười vui của các nữ GV
Và D. Ch, có nỗi buồn nào lớn hơn tôi đã mang lại cho nàng. Nàng đã bỏ thành phố biển để trở về Huế.
4
Chứng kiến cảnh lưu lượng xe hơi, xe gắn máy tràn ngập đường phố trong giờ cao điểm, tôi lại nhớ đến hình ảnh thành phố sau năm 1975. Ngày ấy, xe hơi, xe honda đang phát triển rầm rộ, bỗng nhiên sau 30/4, xe đạp dành ngôi vương miện.
Người người xe đạp. Nhà nhà xe đạp.
Văn hóa xe honda nhường chỗ cho văn hóa xe đạp. Xe hơi, honda vắng hoe. Thành phố mang bộ mặt buồn bã đìu hiu.
Lúc bấy giờ, tôi với nghề GV nhân dân cao quý dường nào, là kỹ sư tâm hồn đó các bạn ạ. Do đó mặc dù lương tháng 50 đồng VN nhưng tôi vẫn cố gắng. Như tôi đã từng phê học bạ cho học sinh: “Cố gắng lên rồi sẽ khá!”.
Nghiệp vụ thì cao quý nhưng rồi tôi cũng không trụ lại được. Từ một GS dạy môn triết học, sau 75, tôi làm Gv dạy môn Pháp văn nhưng môn này lại bị phụ huynh, học sinh chê. Phụ huynh chỉ muốm con mình học Anh văn. HS chỉ muốn học Anh Văn. Nhưng mỗi khối lớp, nhà trường chủ trương tối thiếu phải có một lớp Pháp văn. Tôi nhớ mỗi lần vào lớp học, chẳng có em nào thích học môn Pháp văn. Có nhiều em đến lớp lại bỏ trốn. Rồi một ngày, tôi được giấy triệu tập về phòng Giáo dục. Tại đây họ thông báo cho tôi hay là QĐ đưa tôi về làm quản thủ thư viện tại trường cấp 2 Thanh Bình, đường Ông Ích Khiêm Đà Nẵng. Nếu với một GV khác, tôi nghĩ họ sẽ vui mừng lắm, vì đang dạy xa nhà được về thành phố lại làm thư viện thì quá tuyệt. Nhưng không hiểu sao tôi lại chẳng ưa cái nghề này. Hay là tôi chán quá nên đây là cơ hội để tôi “vạch”.
Thế là tôi trình bày với phòng GD là tôi xin được nghỉ công tác vì nghề thư viện không hợp với năng lực của mình.
Lẽ đương nhiên họ đồng ý. Và thế là tôi được nhận 3 tháng gạo tức là 36 kg với tờ QĐ cho nghỉ việc, không kèm theo một quyền lợi nào khác!
A ha! Thế là từ đó tôi trở thành một anh thợ hàn, làm và sửa khung xe đạp.
Tôi tiếp xúc với dủ loại người, từ anh sửa xe đạp vào nhờ tôi hàn cái ông fourche bị gãy, hay cái múi hàn bị hỏng, … cho đến chú bộ đội nhờ tôi làm cái khung xe mới, và các anh GS, các anh “ngụy” hết đường đặt cái sườn để đi xe thồ, …
Người thì khung xe Peugoeut, người khung xe Diamant, người khung xe nam, … có khi là mấy ông làm nghề cá ở dưới bến cá Thuận Phước hay bên Thanh Bồ đem mấy cái “ơ lit” qua nhờ tôi hàn mấy cánh quạt bị gãy, nứt hay mòn, …
Dần dần tôi trở thành một anh thợ hàn chuyên nghiệp và …nổi tiếng.
Một thời làm nghề hàn khung xe đạp cho tôi những kỷ niệm thú vị.
Lẽ cố nhiên ai đặt làm khung xe đạp cũng mong muốn khung xe phải tốt. và một trong những tiêu chuẩn khung xe tốt là ống xe đạp (mấy ống lớn) phải “gin”, gin ở đây có nghĩa là ống được hàn qua công đoạn bằng máy chứ không phải bằng tay. Điểm đặc biệt để nhận biết, là nhìn vào ống ta thấy đường hàn khép mí có một đường gờ thẳng hàng, đều chứ không lồi lõm như hàn thủ công. Mấy chú bộ đội khi kiểm tra ống ‘gin” thường đưa mắt nhìn kỹ điểm này, có khi lại đưa tay rờ để xem có đều không. Có khi có chú bộ đội đem luôn mấy cái ông nước tới để đặt làm sườn. Nhưng họ đâu có biết rằng, ống nước quá dày, độ ngấm múi hàng từ ống nước qua nồi (boite) khung sẽ khó bén, do đó rất dễ bị long ống.
Tiêu chuẩn thứ hai là khung xe đạp phải có chốt an toàn. Chốt an toàn ở đây có nghĩa là các ống đưa vào boite trước khi hàn phải đóng chốt từ boite xuyên qua các ống để ngộ nhỡ khi múi hàn bị bứt thì có chốt làm cho ống khỏi tụt ra.
Mấy ông cán bộ hay bộ đội khi nhận khung, họ thường kiểm tra bằng cách đưa tay thò vào boite để xem có chốt hay không? Thế nhưng họ đâu có biết rằng để qua mắt được việc này, người thợ hàn khung chỉ cần đóng chốt giả trước, không xuyên qua boite rồi mới hàn thì cách kiểm tra của mấy ông trở thành vô ích!
Trở lại chuyện ông “gin”. Có lần, có một ông cán bộ mang đến cho tôi một bộ ống mà ông gọi là ống “gin” để đặt làm một cái khung xe kiểu Diamant, sơn luôn. Sau khi đặt tiền cọc, tôi hẹn ngày lấy.
Bất ngờ khi đến lấy hàng, ông xem kỹ khung một hồi, ông nói rằng tôi đã tráo đổi bộ ống “gin” của ông. Cho dù tôi thuyết phục thế nào, cam kết hết lời, ông vẫn không tin và cương quyết bảo rằng tôi đã đánh đổi, để dùng ống “lô” làm khung cho ông.
Cuối cùng chẳng biết làm thế nào, tôi hỏi ông:
- Rứa chừ bác muốn răng đây? Không lý tui cưa khung ra cho bác dòm cái ống?
Ông cán bộ suy nghĩ một chốc, rồi ông nói:
- Thôi, thôi anh cho tui nhận tiền cọc lại, còn bộ ống xem như tui cho anh!
Tôi sững người một chốc:
- Thì ra bác vẫn không tin tôi?
- Anh thông cảm! tui lấy khung về mà vẫn lo ngai ngái thì làm răng đây?
- Thôi được! vậy tui trả tiền cọc lui cho bác.
Ông cán bộ cầm tiền đi ra mặt mày hậm hực không vui. Tôi cũng sững người, không hiểu tại sao có người lại mất niềm tin đến thế.
Tôi nhìn cái khung xe đạp Diamant sơn màu xanh da trời xinh xắn. Tôi nghĩ thầm, thằng cha này ngu thì ráng chịu. Khung này nếu cần mình sẽ ráp xe đạp cho mình cũng được.
Thế nhưng, khoảng một giờ sau, có một anh ở ngoài đường Đống Đa thường đứng trước kho gạo để chờ mối thồ khách, vào chơi và muốn đặt làm một sườn xe đạp. Tôi chỉ cái khung xe đang còn để đó, sát tường. Anh đặt khung hỏi giá tiền. Tôi kể chuyện lai lịch cái khung xe cho anh nghe. Thích quá, anh xe thồ trả tiền ngay cái khung không cần trả giá.
Hôm đó tôi bán được cái khung với giá tiền khung ống ngoại.
Hi! Hi! Đúng là xui, may khó lường!