Thư Giản


Thực tập Hương Công 
Tập 1


Tập 2


Càn Khôn Thập Linh - Thầy Hằng Trường


Dịch Cân Kinh



5 Thế Tây Tạng


Hãy đến cơ quan và... thiền




Thiền đã được khoa học chứng minh có tác dụng giảm stress và củng cố năng lượng

Bạn có đọc nghiên cứu mới nhất về thiền định chưa? Có lẽ là chưa. Bởi vì ngay khi bạn đọc những dòng này thì đã có công trình nghiên cứu mới được công bố. Luôn luôn lúc nào cũng có các nghiên cứu mới và tin tức về lợi ích của việc thiền định và các cách quán niệm hơi thở.
Theo kết quả các công trình nghiên cứu này, việc thiền định giúp củng cố năng lượng, giúp tập trung, giảm căng thẳng và lo lắng, tăng khả năng thích nghi với sức ép của cuộc sống và giúp cải thiện cuộc sống và bộ não của chúng ta.

Không có thời gian?

Đương nhiên, không phải ai cũng tin vào sức mạnh của sự thiền định. Nhưng một khi đã thay đổi suy nghĩ thì rào cản lớn là làm sao dành thời gian cho thiền định trong thời khóa biểu của chúng ta. Chỉ cần cái ý nghĩ phải nhét một thứ nữa vào quỹ thời gian của mình cũng khiến chúng ta căng thẳng.
Đây là đề xuất mang tính cách mạng: hãy bắt đầu thiền định trong công việc. Vâng, công việc. Văn phòng. Tối mắt tối mũi, đầy áp lực – một môi trường khó mà thiền định được.
Người ta phát hiện ra rằng nơi làm việc thật ra là nơi lý tưởng để hành thiền bởi vì những đặc điểm kể trên. Trong phim The Razor’s Edge mà diễn viên Bill Murry đóng vai đi tìm ý nghĩa cuộc sống, có một lời thoại rằng: “Lên đỉnh núi tu hành dễ thành đạo hơn”. Do đó, hành thiền ở nơi làm việc khó hơn nhưng bạn sẽ thấy lợi ích nhiều hơn.
Không chỉ vì công việc là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn căng thẳng mà nó còn là nạn nhân của sự căng thẳng đó. Một nhân viên bị stress và tâm trạng không vui sẽ không làm việc hiệu quả.
Bạn có thể cân bằng lại mặt trái của nơi làm việc và thậm chí có thể khiến cho nơi làm việc trở nên bình yên, sáng tạo nơi mọi người làm việc chăm chỉ bằng tác động của việc hành thiền.


Công việc của bạn có quá áp lực?
Ngoài ra, nếu bạn khó có thời gian mà thiền định ở nhà nếu bạn có gia đình và con cái và chỉ có vài giờ đồng hồ để dành cho gia đình hay những sở thích khác thì giải pháp là hành thiền ở nơi làm việc - nơi chiếm hết năm ngày trong tuần của bạn và là nơi mà bạn cần thiền nhất.
Bạn không cần dành nhiều thời gian lắm đâu – chỉ cần 10 cho đến 15’ mỗi ngày đã là nhiều – và chậm chí chỉ một vài phút cũng là có ích. Điều then chốt là bạn phải thật sự tận tâm nếu không thì sẽ không hiệu quả.

Yêu cầu khác thường

Khi tôi còn sống ở San Francisco nơi tôi ở cách không xa lắm một Trung tâm Thiền rất nổi tiếng. Tôi đã thức dậy mỗi buổi sáng để ngồi thiền trước khi mặt trời mọc. Cách hành thiền này tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà Phật đến nỗi bước chân nào khi đi vào phòng cũng phải đúng.
Tôi rất thích hành thiền kiểu này và nhớ nó nhưng không bao giờ thực hành lại bởi vì rất khó để tôi tự mình thực hành.
Do đó thách đố đối với tôi là làm sao quay trở lại cách thực hành này mà không quá nặng nề khó khăn hay ảnh hưởng đến các công việc ưu tiên khác.


Nơi làm việc có thể là một nơi rất thích hợp để hành thiền
Người đầu tiên mà tôi chia sẻ ý định sẽ bắt đầu hành thiền nơi làm việc là người quản lý văn phòng.
“Đây có thể là một yêu cầu khác thường,” tôi viết trong email gửi ông ấy, “Nhưng tôi cần sự giúp đỡ của ông. Tôi cần một căn phòng không có kính 15’ mỗi ngày để ngồi thiền.”
Rất chuyên nghiệp nhưng có lẽ hơi bối rối, người quản lý đã dắt tôi đi xem một số phòng và phòng họp có kính nhìn xuyên thấu. Cuối cùng tôi chọn một căn phòng ít khi sử dụng. Đó là một lựa chọn hoàn hảo: nhỏ, yên tĩnh, hai chiếc ghế và không có điện thoại.
Mỗi ngày tôi đăng ký dùng căn phòng này trong 30’ mặc dù tôi không bao giờ dùng hết thời gian đó.
Đôi khi tôi đến muộn một tí. Tôi luôn luôn xong việc sớm. Đôi khi tôi phải hoãn lại một lúc. Nhưng nếu tôi có thể làm được thì tôi không bỏ lỡ. Dù tôi làm gì thì tôi cũng có thể hoãn lại 10, 15 phút mà không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Trường hợp của các bạn cũng giống như thế trừ phi bạn là bác sỹ cấp cứu hay đang trông trẻ.

Nhiều sách hướng dẫn

Ngay cả khi tôi cảm thấy căng thẳng về việc gì đó mà tôi cần phải làm xong ngay lập tức, tôi luôn cảm thấy tinh thần tốt hơn sau khi quán niệm hơi thở.
Bây giờ hãy hành thiền. Hãy làm một cách đơn giản và dễ dàng. Ông Chade-Meng Tan, người dạy phép tập trung ở Google, đề nghị rằng chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu ‘một lần quán niệm hơi thở’ mỗi ngày. Lý do ở đây là chỉ cần thực hành một ít thôi cũng tạo nên sự khác biệt.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết nhiều sách hướng dẫn Thiền
Dù là bạn chưa bao giờ hành thiền là bạn cần ôn luyện lại hay chỉ mới bắt đầu thì không bao giờ thiếu sách, các bài viết và video cho bạn tham khảo. Hãy bắt đầu tập từ đó. Tôi đã hành thiền trở lại bằng cách làm theo các sách sau:
Tìm về trong Thân (Search Inside Yourself) – tác giả: Chade-Meng Tan. Trong cuốn sách về sự tỉnh thức và an lạc này, Meng đã hướng dẫn các kỹ thuật thiền mà ông đã dạy ở Google từ cơ bản cho đến kỹ thuật bậc cao đòi hỏi bạn phải hình dung mình như là một lực cứu độ.
Ngừng nghỉ, Thở, và Suy nghĩ (Stop, Breathe and Think): tiện ích của Apple này ngày càng có nhiều bài tập thiền. Tất cả đầu bắt đầu giống nhau và lặp đi lặp lại trong khi giọng người dẫn thật êm ái khiến người ta buồn ngủ. Tuy nhiên cách hành thiền có hướng dẫn này có ích cho những người mới bắt đầu và tiện ích có thể theo dõi tiến bộ của bạn.
Phép lạ của Sự tỉnh thức (The Miracle of Mindfulness)– tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vị thiền sư nổi danh này đã viết nhiều sách nhưng tác phẩm kinh điển này có một chương tất cả về các phép thiền trong đó có những phép thiền kéo dài đến 10 hơi thở.
Thiền Trong Khoảnh khắc (One Moment Meditation)– tác giả: Martin Boroson. Quyển sách này bắt đầu với tiền đề rằng tất cả những gì mà bạn cần là một phút và sẽ giúp bạn sử dụng tối ưu một phút đó và áp dụng nó cho bất kỳ nơi đâu.

Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Capital.


**********************************



NGƯỜI CAO TUỔI TẬP ÐI BỘ: LỢI BẤT CẬP HẠI!!!
Trong chúng ta, nhiều người thường nhầm lẫn vấn đề phòng bệnh với chữa bệnh. 
 Phòng bệnh là các phương pháp được áp dụng cho những người khỏe mạnh hoặc có yếu tố nguy cơ của một bệnh nào đó. 
Còn chữa bệnh là những phương pháp được áp dụng để chữa khỏi các căn bệnh đã thể hiện ra. 
Ví dụ, người ta phòng ngừa loãng xương bằng cách uống sữa từ khi còn trẻ, chứ không phải đợi đến lúc bị loãng xương rồi mới tìm sữa để uống.
Ði bộ được xem là một phương pháp phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Nó tiện lợi vì bất cứ ai cũng có thể luyện tập được, không cần trang bị dụng cụ gì ngoài một đôi giày; không cần thể lực cường tráng cũng như năng khiếu. Vì thế được những người cao tuổi rất ưa chuộng.
NGƯỜI CAO TUỔI CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?
Giống như mọi môn thể thao khác, đi bộ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Nó thích hợp cho những bệnh nhân tim mạch vì không cần tốn nhiều sức lực, động tác đơn giản, có thể tự điều chỉnh cường độ và thời gian luyện tập. Tuy nhiên không phải ai tập đi bộ cũng cho kết quả tốt. 
Có nhiều người càng đi lại càng bị đau nhiều hơn, đặc biệt là những bệnh nhân đau khớp.

Với những khớp gối bình thường, khi duỗi gối, lực ép lên khớp chè đùi gần bằng 0. Khi đi bộ, lực ép này bằng 1/2 trọng lượng cơ thể, tức vào khoảng 25-40kg. Người càng béo thì tải trọng này càng lớn và lực càng tăng khi thời gian đi càng dài. 

Ðiều này giải thích nguyên nhân vì sao một số người cảm thấy đau gối sau khi tập đi bộ. Cơn đau này không giảm đi mà ngày một tăng dần, tỷ lệ thuận với thời gian đi bộ, trọng lượng cơ thể và mặt dốc, độ gập ghềnh của đường tập.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đau khớp dù thấy đau cũng cố gắng tiếp tục tập đi bộ, vì vậy có thể dẫn đến hậu quả là khớp ngày càng tổn thương nhiều hơn. Mà đau chính là dấu hiệu báo động của cơ thể, khi đó cần phải giúp cơ quan bị bệnh được nghỉ ngơi để hồi phục trở lại. 

Khớp xương cũng vậy, khi đau nhức là do bị viêm khớp, sự nghỉ ngơi lúc này rất cần thiết và cũng là phương pháp giúp giảm đau. Nếu cứ đi bộ trong khi viêm khớp gối, chắc chắn bệnh nhân sẽ bị đau hơn.

Ða số người cao tuổi ai cũng bị thoái hóa khớp gối (osteoarthritis). 

Thực chất của bệnh là tình trạng lão hóa của khớp gối qua nhiều năm; Các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong vào trong. Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. 

Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp thu lực đè ép. 

Nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi. Vì thế với những bệnh nhân này, người ta khuyến cáo phải hạn chế đi lại; Khi đi bộ, cần phải có nạng hay gậy nâng đỡ để giúp giảm tải trọng lên bề mặt khớp hư.

Với những lý do trên, các chuyên gia về xương khớp đã đánh giá đi bộ không phải là môn thể thao tốt đối với người cao tuổi.
TẬP LUYỆN MÔN GÌ THÍCH HỢP CHO NGƯỜI CAO TUỔI?
Những người cao tuổi không có triệu chứng đau gối vẫn có thể tập đi bộ, nhưng cần lưu ý đến cường độ và thời gian tập luyện sao cho phù hợp với cơ thể. Khi có triệu chứng đau nhức, cần giảm bớt mức độ tập luyện hay nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tập lại. 

Có nhiều người tập đi bộ từ thời còn trẻ không có vấn đề gì, nhưng một ngày nào đó khi tuổi đã cao bỗng thấy có vấn đề ở đầu gối. Ðó là vì họ không biết giảm bớt sự vận động cho phù hợp với tuổi tác. Chỉ cần đi ít lại, chậm hơn một chút sẽ giúp cơ thể dễ chịu ngay.

Người cao tuổi rất cần có sự vận động nhưng phải phù hợp với thể trạng. Nguyên tắc vận động ở người cao tuổi là nhẹ nhàng, chậm và liên tục. 

Tại sao phải như vậy? Vì cơ thể người cao tuổi như một cái máy cũ kỹ, quá trình lão hóa khiến các hệ thống cơ bắp, dây chằng không còn tính đàn hồi tốt nữa. Những cử động vừa nhanh, vừa mạnh có thể làm tổn thương các cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng, tính giãn nở đã yếu nhiều. 

Sự cử động chậm và nhẹ sẽ giúp co giãn từ từ các dây chằng và cơ bắp. Nếu luyện tập liên tục và đều đặn, nó sẽ giúp cải thiện rất nhiều sự dẻo dai của các khớp xương.

Với người cao tuổi, đi xe đạp tốt hơn đi bộ. Tốt nhất là tập võ dưỡng sinh

Ðặc điểm của các động tác trong bài quyền được thực hiện thật chậm rãi, phong thái nhẹ nhàng, đặt ý nghĩ và hơi thở đi theo động tác của tay chân. Nguyên lý này hoàn toàn phù hợp với thể chất của người cao tuổi. 

Thực tế cho thấy nhiều người tập đã cảm thấy cơ thể ngày càng khỏe hơn, ít bệnh tật đau ốm vặt. Tuy nhiên cần lưu ý môn võ dưỡng sinh hiện nay đã bị người ta cải biến rất nhiều. Mỗi người thêm thắt một chút khiến nó không còn giữ được cái thần khí nguyên thủy của người xưa. 

Ví dụ người ta cho các cụ ông, cụ bà tập những bài tập khởi động của các môn thể dục thể thao phương Tây như xoay gối, cúi gập người, bẻ lưng, thậm chí chạy nhảy tại chỗ. Những động tác này rất hại cho các khớp, đặc biệt là cột sống thắt lưng và khớp gối. 

Chúng chỉ thích hợp cho thanh niên luyện tập các môn thể thao mạnh mẽ, chứ không phù hợp với cơ thể người cao tuổi.
BỆNH NHÂN TIM MẠCH CÓ NÊN TẬP ÐI BỘ?
Với những bệnh nhân trẻ tuổi, hệ thống khớp xương gân cơ còn tốt, thì đi bộ là môn vận động hàng đầu được chọn lựa để luyện tập, có thể giúp nâng cao sức chịu đựng và sức làm việc của tim. 

Tuy nhiên, sự vận động quá mức cũng sẽ làm xấu thêm tình trạng suy tim và bệnh thiếu máu cơ tim. Ðã có những bệnh nhân tử vong trong khi đi bộ do cố gắng tập quá sức. 

Thời gian đi bộ và quãng đường đi cần được theo dõi và giám sát bởi bác sĩ.
Với người cao tuổi bị bệnh tim mạch thì sao? Sở dĩ bác sĩ khuyên những bệnh nhân tim mạch nên đi bộ vì đây là một môn vận động nhẹ nhàng, không tốn nhiều sức. Ai tập cũng được vì nó đơn giản, không cần sân tập và trang thiết bị kèm theo. 

Nhưng một khi đã có vấn đề xương khớp, tại sao bạn không chọn lựa những môn khác tốt hơn như tập võ dưỡng sinh, thể dục tay không, đạp xe đạp, bơi lội? 

Khi tập đi bộ, cần cân nhắc cường độ theo tuổi tác; 
Thời gian tập và quãng đường đi cần phải giảm dần theo thời gian (là điều căn bản khác với khi còn trẻ). 
Ði tập vào buổi sáng cần giữ ấm và mang giày thích hợp với bàn chân. 


Khi có triệu chứng đau gối hay đau lưng thì lập tức phải nghỉ ngơi hoặc giảm ngay thời gian đi.