Nguyễn Lương Tuấn
Nhà tôi sát cạnh nhà một
gia đình Thiên Chúa giáo, cách một hàng rào già tàu xanh biếc. Tôi vẫn còn nhớ ngôi
nhà của đại úy Biên, số 287, đường Chi Lăng, còn nhà tôi là 289.
Gia đình đại úy Biên chỉ
có một người con trai độc nhất, anh Châu, cùng tuổi với ông anh thứ ba của gia
đình tôi. Anh Châu học trường trung học Nguyễn Du, trước tôi 4. 5 lớp. Anh thứ
ba của tôi học chung lớp với anh Châu nhưng là lớp đêm. Nhà đại úy Biên có một
cái quán, sát hàng rào phân cách, thuộc nhà dưới của ông. Quán này dùng cho bà
vợ bán đồ gia vị, hàng tạp hóa, thuốc lá, bánh kẹo, rượu, …
Đại úy Biên, người cao,
to. Ông là lính Bảo An, ông đi làm ngày hai buổi, hình như thuộc đơn vị văn
phòng, hậu phương. Ông có khiếu vẽ rất đẹp. Dạo đó, tôi vẫn thường thích thú
say mê đứng hàng giờ xem ông vẽ những bức chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Đại úy Biên đi làm bằng
chiếc xe gắn máy Zundap, thời điểm 1958 - 1959, mà có xe gắn máy đi là hách quá
rồi. Nhà tôi, dạo ấy tuy là nhà ngói, 3 căn hai chái, sân vườn khá rộng nhưng
tôi nhớ chỉ có mình cha tôi là có được một chiếc xe đạp dàn gọi là xe demie – courbe.
Xóm Chợ Dinh, chung quanh
chỗ tôi ở đủ thành phần, công chức, quan lại về già, khất sĩ, tu sĩ Phật giáo,
buôn bán, ... Nói chung là thuộc nhiều giai cấp, nhưng những người hàng xóm
láng giềng quanh tôi đều hiền hòa, sống chân thật, giúp đỡ nhau.
Dưới mắt tôi ngày ấy, Chợ
Dinh là một đại gia đình mở rộng của tôi. Cuộc sống sao êm đềm quá! tôi còn quá
nhỏ, ký ức tôi có thể chưa ghi đậm hình ảnh, kỷ niệm nhưng với tôi ngôi nhà của
người họ đạo ấy đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp.
Tôi còn chưa nhắc để bạn
biết là người anh đầu của tôi, dạo ấy là lính của đại úy Biên. Một, hai lần ông
anh nầy bỏ đi chơi theo bạn. Đại úy Biên nể tình cha tôi nên chỉ qua nhà, kể
chuyện cho cha tôi. Đôi lần cha tôi đã xin lỗi nhưng rồi chứng nào tật nấy, ông
anh tôi vẫn làm cho ông mất mặt. Cho đến một hôm, tôi nghe tiếng xì xào giữa
cha tôi với một người phụ nữ lạ mặt. Tôi chẳng biết chuyện gì, nhưng mang máng
hiểu rằng, anh tôi đã bỏ đi, lần này, không về nữa.
Sau này lớn lên, hiểu chuyện,
tôi biết rằng, anh tôi tập kết ra Bắc.
Cuộc sống êm đềm qua đi
theo ngày tháng. Tôi có nhiều kỷ niệm với gia đình đại úy Biên. Những kỷ niệm
mà tôi vẫn nhớ mồn một.
Tôi không quên những mùa
Nô En ấm áp trong ngôi nhà đại úy Biên. Tôi không quên nụ cười thân ái của ông,
không quên sự săn sóc trìu mến mà anh Châu đã dành cho tôi. Có lẽ ngày ấy tôi
còn quá bé, chỉ là một cậu bé lên 7, lên 8 ham chơi, thích ăn quà vặt, …
Mùa đông ở xóm Chợ Dinh lạnh
lắm. Ngày ngắn đêm dài. Tâm điểm của gia đình tôi vẫn là cái lò rèn mà ngọn lửa
hồng đỏ rực đã hấp dẫn mọi người sà vào ngồi chung quanh sau mỗi chiều khi chạng
vạng tối. Và đại úy Biên, khi nào cũng vậy, thói quen, đi làm về, không có việc
gì, ông qua chơi nhà tôi, ngồi hơ lửa bên bếp hồng. Ông kể chuyện chọc cười.
Cũng có khi ông tranh luận với cha tôi về một vấn đề nào đó liên quan đến hiện
tình đất nươc. Ông ca ngợi Tổng thống Ngô Đình Diệm với chính sách canh tân miền
Nam VN, mặc dù phải lo đối phó với CS nhưng vẫn lấy nhân trị làm đầu , …
Dạo ấy, cuộc tranh đấu của
Phật giáo bùng nổ. nguyên nhân bắt đầu là có lệnh cấm treo cờ Phật giáo nhân dịp
lễ Phật đản. Hôm ấy đại úy Biên qua chơi, rôi ông kể chuyện Phật giáo đi biểu
tình. Cha tôi và ông lại cãi nhau một trận vì ông đứng trên quan điểm chính quyền.
Mặc dù vậy, đại úy Biên
lúc nào cũng cười vui, ông nói với tôi:
- Bửa mô, Nô en nhớ qua
nhà chơi để xem hang Bê Lem nơi Chúa Zê Su chào đời.
Tôi mỉm cười gật đầu.
Sau biến cố năm 1963, với
phong trào bài trừ đảng Cần lao nhân vị mà ở Huế là các vụ xuống đường do sinh
viên HS Huế tổ chức, thực chất đứng đàng sau là nhóm “Lập Trường” do Lê Tuyên
khoa trưởng đại học sư phạm đứng đầu. Nhóm Lập trường là nhóm trí thức khuynh
tã do các GS đại học Huế chủ trương như BS Lê Khắc Quyến, Giám đốc bệnh viên
trung ương Huế, GS. Tôn Thất Hanh, đại học Khoa học Huế, …
Và đại úy Biên cùng chung
số phận theo trận cuồng phong chụp mũ “Cần lao ác ôn”.
Dạo ấy đại úy Biên có nuôi
một con bé giúp viêc tên Lai, để lo mấy việc lặt vặt trong nhà. Người ta đồn rằng,
đại úy Biên đã hãm hiếp con bé rồi giết chết phi tang. Khu vườn của đại úy Biên
với cây ăn trái, cây xanh như khế, cam, chanh, đu đủ, mãn cầu, ổi và những cây
cau, bụi chuối, …bị đám đông tràn vào phá tan hoang, mục đích để tìm xác con bé
Lai.
Vô ích, bé Lai vẫn biệt
tích.
Mọi người chán nãn bỏ đi,
để lại bãi một “chiến trường” tan tác, thê thảm!
Sau cùng không chịu đựng nổi,
đại úy Biên phải bán nhà lên ở Phú Cam.
Cách đây 2 năm, tôi về Huế
kỵ giỗ mẹ tôi, nhìn khu xóm Chợ Dinh, tôi bùi ngùi quá đổi. Ngôi vườn xưa không
còn nữa. Một ngôi nhà mọc lên, bức tường cao che kín tầm mắt tôi.
Tôi qua thăm nhà bác Oanh,
phía bên kia đường, sát bến đò Chợ Dinh. Vào bàn thờ thắp hương viếng ông. Nhìn
hình bác Oanh ngày nào tôi ngỡ như mới hôm qua, thắm thoát đã gần 40 năm, Tôi
nói chuyện với Ky, người con trai, hỏi thăm xóm, trong câu chuyện, tôi được Ky,
cho biết là Lai hiện đã 60 tuổi, chồng con, cháu chắt đầy đủ. Tôi hỏi:
- Răng ngày ấy, ai cũng
nói là Lai bị ông đại úy Biên giết chết phi tang!
Ky cười buồn:
- Miệng thế ác nhơn, là
nhóm người chống Cần Lao hại người đó.
Thời gian trôi qua, vật đổi
sao dời, mới đó mà đã nửa thế kỷ, một hôm trở về Huế, tôi hỏi anh tôi về gia
đình đại úy Biên.
Anh tôi nói:
- Sau năm 1975, có lần tau
gặp ông Biên ngồi xe lăn bán vé số. Tau chạy đến hỏi thăm, ông bảo do một cơn
tai biến mà bị liệt nửa người. Ông nở nụ cười với tau nhưng tau buồn quá, hỏi
thăm bà vợ thì được biết bà qua đời đã lâu, do phiền muộn sinh bệnh.
- Còn anh Châu?
- Châu đi học tập về, có lần
tình cờ tau thấy ông đi ngang qua trước nhà, tau kêu lớn, mời Châu vào chơi
nhưng Châu chỉ đưa tay chào mà không nhìn lui.
Tôi nghĩ rằng anh Châu bây
giờ đã qua Mỹ theo diện HO. Cuộc sống anh thế nào, gia đình anh ra sao? Tôi
hoàn toàn mù tịt.
Tôi vẫn không quên chiếc
áo chemise chim cò màu xanh trắng anh đã tặng cho năm tôi học lớp đệ tứ. Chiếc
áo ấy tôi vẫn giữ kỹ như một kỷ niệm cho đến hơn 10 năm sau, tôi vẫn còn giữ và
mặc nó để đi dạy học sau năm 1975!
Cách đây 1 năm, tôi liên lạc được với Thú, người bạn
láng giềng ngày xưa ở sau đường Ôn Như Hầu, hiện ở Mỹ, thì được biết: Anh Châu
qua định cư ở Mỹ, gia đình không hạnh phúc, ly dị vợ. Năm 2006 anh đã qua đời
vì bệnh ung thư.
Tất cả qua đi, không còn
gì.
Trên 50 năm rồi!
Và mỗi mùa Nô En, tôi lại
nhớ Đại úy Biên, cùng với ngôi nhà ấm áp, linh thiêng như nhớ về một câu chuyện
cổ tích.