Bác Siêu - Bồ Tát tại gia giữa đời thường



Bác Siêu

Bác là thuyền là bè
Đưa người qua bến mê
Bác là chuông là trống
Thức tỉnh bao lối về
Kẻ đói cơm lạnh giá
Có bác là ấm no
Kẻ tật nguyền ốm o
Bác đưa tay đón nhận
Bác không từ mưa lạnh
Thấm ướt thân ốm gầy
Gót Ta-bà đó đây
Nghe tiếng kêu đau khổ
Tìm phương thức cứu độ
Theo hạnh Quan Thế Âm
Sáng, tối, trưa âm thầm
Gieo rắc mầm giác ngộ
Giữa biển đời giông tố
Thuyền trưởng Phạm Đăng Siêu
Tôi muốn nói thật nhiều
Nhưng ngôn từ nghèo thiếu
Nói không được bao nhiêu
Chỉ biết có một điều
Rằng đời Bác thật Siêu !

Thích Nữ Như Minh ( trích Dấu ấn thời gian )

BÁC SIÊU
VỊ BỒ TÁT TẠI GIA

THÍCH TRƯỜNG SANH

 

Trong hạnh nguyện độ sanh, chư Phật, chư vị Bồ Tát trong quá khứ đến nay đã phát Đại Bi Tâm để cứu độ chúng sanh bằng những tâm nguyện của mình, mong làm sao chúng sanh có được an lành hạnh phúc đó là những ước mong của quý Ngài. Nhưng với bản nguyện ấy, các Ngài hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, khi thì hiện thân làm vị Bồ Tát xuất gia, và có khi làm vị Bồ Tát tại gia.                            
CÔNG HẠNH CỦA BÁC SIÊU 
       Bác Phạm Đăng Siêu sinh ngày 4 tháng 7 năm Nhâm tý (1912) tại Phú Hòa, kinh đô Phú Xuân, thành phố Huế. Nguyên quán thôn Tân Niên Đông, huyện Tân Hòa, phủ Tân Định, tỉnh Gò Công. Song thân Bác là cụ ông Phạm Đăng Nghiệp và cụ bà Tôn Nữ Thị Uyên, thuộc gia đình quý tộc giàu có. Khi lớn lên Bác lập gia đình, làm bạn đời với bà Nguyễn Thị Thừa, pháp danh Tâm Dư, quê làng Lương Quán, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, sinh hạ được hai gái, một trai : Cô Phạm Thị Cẩm Xuân, Phạm Thị Cẩm Du và cậu Phạm Đăng Lộc. Cậu Lộc mất sớm, hai cô con gái đã có gia thất.
Ở tại Thừa Thiên-Huế, không những trong giới Phật tử mà bên ngoài các tôn giáo khác, ai cũng biết bác Siêu từ thiện, bác Siêu có một dãy phố trên đường Phan Bội Châu (ngã giữa) trung tâm thành phố Huế. Bác có gia đình, nhưng gia đình bác ai cũng biết bác lo cho một người vợ không có duyên với đạo Phật. Bác Siêu là một người chồng, bác rất chu toàn với việc gia đình. Hằng ngày người vợ của bác bảo bác ra chợ Đông Ba ở Huế mua những con cá còn sống đem vào kho nấu cho bà ăn, vì bổn phận, bác rất đau lòng với việc làm như vậy nhưng phải làm. Sau những năm tháng, người vợ của bác qua đời, bác lo tang lễ xong thì bán dãy nhà trên khu phố và từ đó bác đi làm từ thiện để giúp đỡ  đồng bào đang sống trong cảnh nghèo nàn khốn khổ. 
ĐOÀN TỪ THIỆN CỦA BÁC SIÊU 
Những con đường trung tâm thành phố Huế, những ngôi chùa cổ nằm sâu trong núi đồi sâu thẳm, hay những nơi ruộng vườn xa xôi hẻo lánh, mọi người quen thuộc với đoàn từ thiện của bác Siêu với hình ảnh bác trong chiếc áo dài đen cũ kỷ, đầu đội chiếc mũ nhựa, thân hình gầy mòn ốm yếu, nhưng đôi mắt của bác rực sáng, với vành trán cao, cái đầu của bác giống như Ngài Ca Diếp, theo sau bác là một đoàn Phật tử thuần thành đều là Giáo sư, Bác sĩ... đi làm từ thiện. Quý vị nầy đạp những chiếc xe lẻn kẻng đi khắp mọi nơi để đem lại nguồn vui cho đồng loại. 
CHƯƠNG TRÌNH GẠO HỦ HẰNG THÁNG
 Hằng ngày trong mỗi gia đình, trước khi đong gạo vào nồi để nấu ăn, người trong gia đình đưa tay bốc một nắm gạo bỏ vào cái “Hủ” đã để sẵn, và đến cuối tháng phái đoàn của bác đi thâu gạo hủ đem về để giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Sau những lần mưa bão, nhà cửa hư hỏng, phái đoàn đi xin tranh tre để xây dựng sửa chửa lại, và vấn đề đau ốm thuốc than. v. v…Bác tìm mọi cách giúp đỡ tận tình mà trong đó không có sự phân biệt…Các chùa ở Huế, chư vị Tôn Đức Tăng Ni, cho đến quý chú Điệu, quý Ngài ai cũng quý mến bác Siêu và phái đoàn từ thiện của bác,. Sự quý mến đến với bác không chỉ đem đến cho các chùa một vài ký gạo, một vài thùng dầu ăn, dầu thắp…mà qua cử chỉ cung kính, mến mộ bằng câu niệm Phật, tiếng nói xưng “Con” của bác một cách chân tình đạo vị đến từng vị một, dù đó là một chú Điệu còn nhỏ tuổi.  
Năm tháng trôi qua, với bao chướng duyên nghịch cảnh của cuộc đời, mùa đông gió rét, hay mùa nắng cháy của xứ Thần kinh. Hình bóng của bác Siêu và phái đoàn của bác vẫn miệt mài trong hạnh nguyện mà trên nét mặt của mọi người trong đoàn từ thiện vẫn hằng chiếu tỏa và đem lại tình thương với mọi người trên đất Thừa Thiên Huế 
Đã hơn 23 năm qua, xa cố hương nơi vùng đất ươm mầm đạo vị. Người viết vọng về Thầy Tổ, nhớ lại một thời kỷ niệm dưới mái chùa xưa. Hình bóng rực sáng của bác hiện về trong tâm thức của mình như hiện thực những tháng ngày còn bên bác…và đã đón nhận những tia sáng từ đôi mắt trong xanh, lời nói đạo tình của bác đến cho đời, quả thật vị Bồ Tát đã đem tình thương bao la để hiến tặng cho trần thế đầy đau thương nầy…