Nhớ trường ND Huế

Nguyễn Lương Tuấn 1959-1963
Học sinh




NHỚ TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN DU HUẾ
1
Quãng đời đi học của tôi, từ thời tiểu học cho đến khi tốt nghiệp đại học ra trường năm 1972, tôi vẫn không bao giờ quên được 4 năm tôi học tại trường trung học Nguyễn Du Huế.
Tôi vẫn nhớ, anh tôi cũng trải qua 4 năm học tại đây, chị tôi cũng học tại đây. Và nhiều thế hệ đàn anh, thế hệ sau tôi cũng trải qua những ngày tháng cắp sách đến đây,
Trường trung học Nguyễn Du Huế là một trường nổi tiếng trong việc dạy học. Có được vậy là nhờ đội ngủ giảng dạy. Các thầy cô giáo ngày ấy rất chuẩn mực về kiến thức cũng như đạo đức, mãi mãi là những hình tượng cho nhiều thế hệ học trò kính nể.
Và mỗi lần nhớ về ngày tháng cũ, tôi lại để cảm xúc dâng trào.
2
Hãy trở về nơi đó, để một lần được tắm gội trong giòng suối mát  tuổi thơ.
Hãy để kỉ niệm thời đi học được chắp cánh bay lên cùng bạn.
Hãy thả hồn theo ngôi trường Trung học Nguyễn Du Huế mà mỗi giọng nói, tiếng cười, mỗi tà áo, mỗi mảng tường của lớp học cùng bụi phấn, bảng đen, bục giảng, mãi mãi sống lại cùng bạn theo tháng năm.
Ôi! Những kỉ niệm thời cắp sách đến trường, như vừa mới hôm qua, cùng bạn bè chơi đùa trong sân trường. Những lúc ngồi học bài, soạn bài cùng cô bạn láng giềng dưới ánh đèn đêm.
Làm sao quên được con đường Chi Lăng hay Võ Tánh quen thuộc mà hằng ngày tôi vẫn rảo bước đi bộ đến trường: Những ngôi nhà hai bên đường, những hàng cây, những quán xá, những gánh hàng rong, những khuôn mặt quen thuộc vẫn gặp hằng bữa trở thành lệ thường.
 Làm sao quên được cảm giác xao động, bước chân cố đi chậm lại để mắt được đậu trên mái tóc cô bạn. Nhìn mãi tà áo, dáng uyển chuyển, và thả hồn mơ mộng.
Làm sao quên được những lần vào nhà V.V. Đôn, chờ cùng đi học, vừa đi vừa nói chuyện đủ thứ trên đời để rồi khi vào lớp, mấy thằng quỷ sứ la to: “Ê bây ơi, Đôn lò kìa” và rồi từng tràng cười dòn dã thoải mãi vang lên.
Làm sao quên được giờ học Việt văn với thầy Tôn Thất Dương Tiềm mà mỗi lần nghe ông kể chuyện Trương Lương-Hàn Tín là cả lớp học yên lặng như tờ vì lối kể chuyện hấp dẫn của ông
Làm sao quên được giờ vạn vật học với thầy Lê Lương Nguyên. Ông mãi ham giảng bài, nghe tiếng học trò nói chuyện, ông phạt oan tôi điểm gậy, mà không khiếu nại được để rồi ấm ức trong lòng biết bao nhiêu ngày vì niềm hy vọng tháng này mình sẽ có bảng danh dự đã tiêu tan theo mây khói.
Làm sao quên được giờ Pháp văn với thầy Nguyễn Ngọc Phấn, mà thường mỗi lần đầu giờ học, luôn mở đầu bằng câu:
- Monsieur Tuấn, conjuguez ce vebe…!
Và bài texte với câu mở đầu : “Thu Vân n’ est pas jolie et cependant on aime à la voir”.
Làm sao quên được giờ Quốc văn bao gồm kim văn và cổ văn với thầy Nguyễn Phúc năm đệ lục mà giọng giảng bài của thầy ồ ồ như bị khàn tiếng nhưng nghe riết rồi cũng thành quen và lại thấy hấp dẫn duyên dáng nữa. Nhớ một lần, năm học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) đang giảng bài , thầy bị ngất đi, rớt cái rầm trên bục, làm cả lớp hoảng kinh.
Nhớ giờ tập làm văn, với những bài làm được trả và những bài luận hay được thầy đọc cho cả lớp nghe và những câu văn, bài văn được trích đọc và cảm giác hạnh phúc khi có bài văn của mình trong đó.
Nhớ giờ học Hán tự với thầy với các danh từ tiếng Việt. Có lần thầy giảng chữ Cảm hoài. Thầy cho thí dụ rất ấn tượng: “Lòng tràn ngập cảm hoài mỗi lần nghe hồi còi tàu rúc trong đêm vắng”.
Vẫn nhớ bài giảng: “Nhớ Thu” của cố thi sĩ Đinh Hùng mà thầy trích để giảng, quá hay: “Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này, nghe từng chiếc lá khô rơi trên bờ cỏ …”
Tôi phục thầy và tôi nhìn thầy Phúc qua lăng chiếu của một con người nghệ sĩ. Sau này, tôi được biết thầy là một nhà văn, đã xuất bản tập truyện "Đêm không hết" và viết nhiều trên tạp chí "Bách khoa thời đại". Tôi vẫn còn nhớ, thầy Phúc dáng người cao ốm, đi chiếc xe Vespa màu xanh. Tôi nhìn thầy như một thần tượng và ước mong sau này mình làm thế nào để nối gót thầy.
Mười mấy năm sau, tôi ra đời vào dạy tại trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng, tôi gặp lại thầy, xiết bao vui mừng. Nhưng sau một vài lần trao đổi, tôi không nhìn ra được thầy Phúc ngày xưa của tôi. Thầy không còn dạy môn Quốc văn nữa mà dạy môn địa lý. Và khi nói chuyện với tôi thầy không có vẻ nồng nhiệt sôi nổi. Tôi buồn và tự nghĩ "Đừng bao giờ tắm hai lần trong một dòng sông"..
Sau này tôi được biết thầy hoạt động nằm vùng.
29 tháng 3 năm 1975, thầy Phúc không còn dạy học nữa và trở thành cán bộ cho đến ngày về hưu.
Cách đây hơn năm, gặp thầy Đặng Công Hanh, tôi mới biết thầy đã qua đời, mặc dù hằng năm, họp mặt học sinh Bồ Đề Đà Nẵng, các em vẫn có mời tôi tham dự và gặp thầy Phúc, chuyện trò với ông, nhưng rất tiếc khi thầy qua đời, các em không thông báo để tôi thắp cho thầy nén hương.
Nhớ về thầy Phúc là tôi nhớ về kỷ niệm. Kỷ niệm cách đây hơn 50 năm, ngày ấy tôi là cậu học trò 12 tuổi, nhìn thầy, mơ ước được như thầy.
Nhớ thầy Võ Mai, dạy công dân, văn nghị luận năm đệ ngủ, mà bài giảng luôn có cụm từ quen thuộc “đau thương”, nghe nhiều quá hóa buồn cười.
Nhớ thầy Lê Đức Tứ, giáo sư dạy lý hóa, người cao lêu khêu, mà những giờ thí nghiệm là những giờ học chung giữa hai lớp đệ tứ B1 và đệ tứ B2 (tương đương lớp 9 bây giờ), được xem các phản ứng hóa học rất thú vị nhưng coi chừng bị kêu lên bảng mà đứng như trời trồng là bị xách lổ tai như chơi!
Buồn cười nhất là giờ âm nhạc, thầy Lê Đức Tứ, thổi cây kèn Clarinette, hai má thầy chúm vô, phình ra, người ưỡn về phía trước trông rất buồn cười. Có Lần Trịnh Ngọc Lạc, nhìn thầy rồi cười, bị gọi lên lớp, thầy đọc nốt nhạc , để bạn điền vào khuông nhạc nhưng không được, bị xách lổ tai, mặt đỏ kè.
Nhớ về thầy Lê Đức Tứ thì tôi không thể nào quên được chiếc xe traction màu đen của thầy. Một hôm vui vẻ thầy đã nói về chiếc xe yêu quý của thầy mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn rất ấn tượng và không nín được cười. Thầy nói: Chiếc xe của tôi mỗi lần đi đám cưới hay đám tang mà đường xa là mấy bà rất thích, nguyên nhân vì sàn xe lủng nhiều lổ, nhìn xuống mặt đường thấy rất rõ. Mỗi lần mấy bà mắc tiểu thì rất thích vì khỏi cần phải xin ngừng xe, mấy bà tự động ngồi xuống sàn và  … tè thoải mái!
Nhớ thầy Hà Quý Phi, dậy môn sử lớp đệ lục, thầy quá hiền, bài kiểm tra của thầy, HS làm xong, đến khi thầy trả lại bài, người nào cũng 8, 9 điểm trở lên. Bạn  Hồ Văn Quýnh cầm bài của Trần Phúc lên khiếu nại: “thưa thầy hai bài làm đều viết giống nhau như rứa, răng thầy cho em 9 điểm, mà bạn Phúc lại 9,5 điểm lựng?”. Thầy Phi cầm hai bài lên xem, chốc sau, thầy nói: “bài ni của em thiếu dấu phết nì, 9 điểm là đúng rồi”.
Nhớ nhất là cuối năm tất niên, thầy tặng 5 học sinh có điểm thi đệ nhất lục cá nguyệt môn sử cao nhất mỗi người một cái thiệp chúc tết rất đẹp, trong đó thầy viết hai câu thơ:”Năm mới, thầy chúc cho các trò. Càng thêm một tuổi lại càng lo”.
Nhớ thầy Nguyễn Như Minh dạy Pháp văn năm học lớp đệ thất, khi thầy ra mấy câu exercice để học sinh lên bảng làm, học sinh nào không đưa tay, thầy chỉ từng đứa và bảo: “nảo đất sét, mực xạ hết cả”. Vui nhất là con của thầy, Nguyễn Tri Phát, mỗi lần vào phát bảng danh dự, thầy chỉ bạn Phát và lẩm bẩm: “Nảo đất sét, mực xạ! Nảo đất sét mực xạ!”.
Nhớ Hoàng Trọng Cam, trưởng lớp, viết chữ đẹp, luôn được thầy Dương Tiềm gọi lên bảng viết bài giảng của ông cho cả lớp chép. Nhớ dáng đi ẻo lã của anh khi anh lách mình qua góc bàn nữ sinh để lên bục.
Nhớ Nguyễn Văn Năm, học trò xuất sắc của lớp, đậu hạng ưu kì thi TH đệ nhất cấp (bằng diplome) để rồi 4 năm sau, ngậm ngùi thương tiếc khi nghe người bạn bị chết trong cơn tai biến Mậu Thân.
Nhớ Hoàng Ngọc Đủ, con ông Hoàng Ngọc Hoài, ở garage ông Hoài, đường Chi Lăng, chặng Chùa Bà bị thầy Lê Đức Tứ, gọi lên kiểm tra Lý, đứng như trời trồng, bị thầy xách lổ tai đến chảy máu.
Nhớ Mộng Hoàng và Thanh Yến, hai người đẹp, lớn nhất lớp, nhưng học không được, bị thầy Tứ vẫn gọi lên bục giảng với giọng đay nghiến: “Mộng Hòa – Thanh Yến!”
Nhớ Trần Thị Tô, người đẹp của lớp, có lần thầy Nguyễn Đình Chung dạy toán năm lớp đệ lục, gọi phát biểu bài với câu: “Chị Tô đứng dậy thầy coi!”.
Thầy Chung dạy Toán dễ hiểu nhờ phương pháp thầy cho ví dụ các câu tập rất nhiều (ví dụ 1, ví dụ 2, ví dụ 3, ví dụ 4, ...), mỗi câu thầy cho học sinh làm tại chỗ. HS nào lên bảng làm đúng sẽ cho điểm tốt. Thầy rất chú trọng cách trình bày bài làm, rõ ràng, chữ viết đẹp, sạch. Thầy cho chấm vở, sau mỗi ký thi lục cá nguyệt. Học sinh nào viết chữ đẹp, vở sạch được thầy cho điểm 10 hoặc 9 hay 9.5. Tôi nhớ mỗi lần vậy thầy cầm quyển vở 10/10 đi từng bàn cho HS xem để biểu dương và khuyến khích và trong đó có tôi.
Tính cách của thầy hơi ẻo lã như con gái, nước da trắng, thầy phát âm theo giọng Bắc. Tôi nhớ nhà thầy ở gần trường Bồ Đề Thành Nội. Đó là một ngôi nhà theo lối kiến trúc biệt thự (Village moderne), sân vườn rộng, có mái ô văn đưa ra che xe hơi vào đậu được. Thời kỳ ấy (năm 1960) mà có một cơ ngơi như thầy Chung thì quá hách xì xằng rồi! Thầy Chung những năm ấy vẫn độc thân. Sau này nghe đâu thầy lập gia đình với một cô học trà nhưng hình như không con.
Riêng Trần Thị Tô dạo ấy bọn tôi vẫn gọi là “chị Tô” vì quá lớn, dáng cao, thân hình rất chuẩn, khuôn mặt trái soan, da trắng hồng, mắt tròn, sâu rất ư gợi cảm. Tôi nhớ hè đến Tô viết lưu bút cho tôi, trong đó có câu: “quả đất tròn chúng ta có ngày gặp lại”. Nhưng kỳ thật dòng đời đưa đẩy, tôi không bao giờ gặp lại Tô. Chỉ có một lần trong dịp nghỉ hè năm đó, tôi có đến nhà Tô chơi. Thì ra nhà Tô ở trong hẽm, chỗ bán nem chả ông Sạn, từ cầu Đông Ba đỗ xuống. Và gia đình Tô cũng sinh sống bằng nghề này. Mới năm kia trong dịp kỵ mẹ tôi, nhân nhắc kỷ niệm xưa, có một đứa nói: Tô ở nước ngoài, có về Huế thăm một lần. Sau đó nghe tin Tô đã qua đời vì bệnh ung thư.
Nhớ Hồ ngọc Soạn với câu hỏi vui: “thưa thầy tại sao mỗi lần khi mình đi tiểu xong thì rùng mình một cái.” Và thầy Lê Đức Tứ đã cười, không trả lời câu hỏi.
Nhớ bác Cai trường với câu chuyện truyền tai, bửa trưa ở lại, có hai nữ sinh, bị mất ổ bánh mì, nghi bác nghịch giấu, hỏi mãi không được. Sau cùng, một nữ sinh đã lục túi quần short của bác, nhưng khi thò tay vào để lục, thì nữ sinh đỏ mặt, mắc cở. Thì ra túi bác cai bị rách không có đáy, tay của nữ sinh lại đụng khẩu súng nước của bác.
Làm sao quên được những chiều mùa đông Huế, khi đi học về thì trời đã tối. Cơn lạnh như cắt, co ro trong chiếc áo mưa, mắt đảo nhìn các ngôi nhà đèn đã sáng, cửa đóng. Lòng chợt thoảng thốt một nỗi buồn man mác vô cớ không rõ lý do.
Làm sao quên được những lúc cùng Hảo ngồi làm thuyết trình những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn. Thời gian lúc ấy sao trôi nhanh đến thế. Thoảng trong không gian, hương tóc của cô bạn hàng xóm quyện theo ánh sáng ấm của ngọn đèn vàng.
Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của suy nghĩ viễn vông, của những bài thơ tình tiền chiến mà hàng ngày, hàng giờ bỏ công ngồi chép trên những tờ giấy pelure xanh vàng, đỏ trắng, giữ cẩn thận trong hộc bàn, lâu lâu lấy ra đọc để cảm nhận và rung động theo từng bài thơ.
 “Khi tôi ngồi xuống ở bên em.
 Giở tập thư xưa đọc trước rèm.
 Vẫn ngọn đèn mờ, trang giấy lạnh.
 Tiếng mùa thu động, tiếng mưa đêm.
Bốn câu thơ của Đinh Hùng đưa tôi lạc vào một không gian yên tĩnh, êm đềm.
Rất nhẹ nhàng, rất dễ thương. Hãy ước mơ, hãy để lòng mình chìm đắm những phút giây như thế.
Tất cả , tất cả xin được gởi về ngôi trường trung học Nguyễn Du 4 năm trời tôi đã được học tập tại đó.
Nhớ cổng trường quét vôi vàng, mỗi khi ngang qua, lách xe đạp vê phía phải, đi thẳng đến nhà xe, tại đó mỗi lần có lễ, tất niên, tổng kết, phát thưởng đều được dựng lên sân khấu mà bài hát "Đành quên sao" do Nguyễn Thị M hát tôi không thể nào quên. Nhớ dãy hành lang rẽ lên cầu thang của lớp học đệ tứ B1 ngày nào, bây giờ còn không? Nhớ ô cửa sổ lớp học, thỉnh thoảng phóng tầm mắt ra ngoài, nhìn ngắm phủ ông nghè Mười, những chậu cây, sân  vườn bát ngát. Nhớ hai anh em người bạn học cùng lớp Lê Hồ, Lê Hữu Khanh ở bên đó, học hành không được giỏi nhưng thật thà,  hiền lành.
Và nhớ thành phố Đà Lạt, những ngày bị xất bất xang bang một cuộc tình, gặp lại bạn Lê Hữu Khanh, được bạn an ủi, dẫn đi chơi. Nếu không có bạn thì ha! chắc đã bị khủng khoảng nặng…
Ôi! Những kỉ niệm vui, buồn như những viên ngọc,  lóng lánh mãi trong hồn tôi.
Thân gởi các bạn học cùng niên khóa 1960 -1964, tại trường trung học tư thục Nguyễn Du Huế. Các bạn ngày đó, tôi còn nhớ và hình dung rất rõ, dáng đi, giọng nói, nụ cười, …trước hết xin giới thiệu tôi - tác giả bài viếtL Nguyễn Lương Tuấn, tiếp đến là các bạn Dương Thị Hồng Huệ, Nguyễn Thị Lý, Ngô Thị Cam, Nguyễn Thị Hảo, Nguyễn Thị Thúy Hồng, Huỳnh Thị Phương Chi,  Trần Thị Tô, Lý Nguyệt Thường, Nguyễn Thị Mộng Hoàng, Lê thị Thanh Yến, Lương Thúc Anh, Ngô Thị Năng, Nguyễn Thị Hy Hiền, Hoàng Trọng Cam, Hoàng Ngọc Năm, Nguyễn Văn Năm, Trần Phúc, Trịnh Ngọc Lạc, Võ Văn Đôn, Lê Hồ, Lê Hữu Khanh, Tôn Thất Huyên, Hồ Ngọc Soạn, Đỗ hữu Thạnh, Lê Ngọc Hối, Phan Văn Phát, Nguyễn Tri Phát, Nguyễn Trí Thứ, Trương đình Khiêm, Đoàn Thống, Nguyễn Văn Thông, Lê Khắc Phước, Trần Sanh, Nguyễn Thị Duyến, …
Bổ sung thêm một số bạn mà theo thời gian tôi chợt nhớ cũng như sự cho biết của các bạn HS Nguyễn Du, trong đó một số bạn học sinh ngữ là Anh văn. Cụ thể như sau:
Hà Văn Hiệp, Hồ Xuân Chạy, Huỳnh Thanh Đạm, Nguyễn Sáu, Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Bách, Lê Văn Long, Võ Đại Cường, Châu Quý Dung, Diệp Ba, Hàn Chiêu Quang, Lâm Khánh Sanh, Trần Châu Trạt, Nguyễn Thị La, Nguyễn Thị Như Nguyện, Tôn nứ Thị Trai (em Tôn Thất Chiểu, con của thầy Tôn Thất Hàn khuôn trưởng khuôn hội Phật Giáo An Lạc), Trần Thị Liên, Hồ Thị Bích, Hoàng Dũng, Nguyễn Lai, Nguyễn Phúc Thạch …
Xin lưu ý vì nội dung bài viết nên chỉ liệt kê các bạn học cùng niên khóa (1960-1964) chứ không thể kiệt kê tất cả các niên khóa của trường Nguyễn Du được.
Kính gởi các thầy, cô giáo đã giảng dạy tôi niên khóa 1959-1963 tại trường trung học tư thục Nguyễn Du Huế, những người tôi sẽ không bao giờ quên được, mãi mãi nhớ ơn sự giảng dạy, dìu dắt tôi trong chặng đường học tập đầy gian khó của những năm tháng học trung học đệ nhất cấp từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ.
Các thầy: Nguyễn Như Minh: Hiệu trưởng (thầy đã qua đời tại Canada), Thầy Nguyễn Ngọc Phấn: Giám học (thầy đã qua đời tại TP. HCM), thầy Tôn Thất Dương Tiềm (thầy dã qua đời tại Huế), thầy Nguyễn Đình Chung, thầy Nguyễn Phúc (đã qua đời tại TP. Đà Nẵng), thầy Võ Mai  thầy Lê Lương Nguyên, thầy Trần Trung, thầy Lê Đức Tứ, Cô Lê Thị Cổn, thầy Hà Quý Phi, …
Sau này khi tôi rời trường 1964 để qua học đệ nhị cấp tại trường Nguyễn Tri Phương thì được biết trường Nguyễn Du cũng mở rộng thêm các lớp đệ nhị cấp và tuyển thêm một số GS vào giảng dạy như thầy Nguyễn Ngọc Minh dạy Toán, thầy Phạm Liễu dạy Quốc văn, thầy Trần Mậu Tư, …
Các thầy cô, chắc hẳn đã qua đời gần hết vì tính niên kỷ đã quá cao.
Các bạn bè, có bạn còn sống, có bạn đã qua đời. Tôi mong sao những bạn còn sống đọc được những dòng này cùng tôi hoài niệm, ngậm ngùi, nhớ tiếc những năm tháng chúng ta vui vẻ bên nhau …
Các bạn đã qua đời, kính cầu mong linh hồn các bạn thanh thản chốn vĩnh hằng!
Đã trên 50 năm rồi!