Một
thiền sư Trung Hoa đã ẩn mình trong một tượng Phật trải qua hàng thế kỷ. Cho đến
tận bây giờ, nhờ máy chụp cắt lớp (CT scan) mới phát hiện được sự hiện hữu vị thiền sư này trong cuộc đời và tìm cách giải
mã bí ẩn về sự ướp xác này.
Vào tháng 2/2015, trên các trang mạng đã nở
rộ dòng tiêu đề “Có một xác ướp trong tượng Phật”. Trên các trang mạng đó đưa
ra 2 hình ảnh: một bức ảnh chụp một pho tượng Phật và bức ảnh kế cận là hình ảnh
bộ xương được phát hiện bằng máy chụp cắt lớp nằm trong pho tượng đó.
Các chuyên gia về khảo cổ học đã thấy sự hiện
hữu của xác ướp này kể từ năm 2013. Sở hữu chủ của pho tượng là một nhà sưu tầm
đồ cổ người Hà Lan, đã tiếp xúc với các chuyên gia để mong khám phá được bí ẩn
nằm trong pho tượng này. Bởi vì nhà sưu tầm các đồ cổ châu Á này đã phát hiện
được sự hiện hữu của một thân xác con người ẩn trong pho tượng đã từ lâu, chính
xác là từ năm 1997. Vào năm này, nhà sưu tầm đồ cổ đã đem pho tượng mới tậu được,
đến nhà của một chuyên viên phục chế. Đế bằng gỗ của pho tượng đã bị hư hoại nặng
đến nổi nó vỡ vụn ra khi chuyên viên này đụng chạm vào nó. Rất thận trọng,
chuyên viên phục chế bắt đầu thăm dò dọc theo sống lưng của pho tượng rồi nhẹ
nhàng nhấc đế tượng đã bị mục nát lên. Tức thì một nắm sâu bọ cánh cứng rơi lả
tả trên bàn. Thủ phạm là đây! Các con ấu trùng này đã “nhâm nhi” đế của pho tượng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi đế rơi thành bụi.
Tuy nhiên phát hiện
của nhà phục chế còn làm cho chúng ta kinh ngạc hơn nữa. Trước tiên, nhà phục
chế đưa ra ánh sáng một cái gối dựa nhỏ bằng gỗ lanh mà mép được bao phủ bởi
các ký tự chữ Hán. Tiếp tục công việc thám sát, nhà phục chế cất cái gối dựa
này đi và phát hiện ra pho tướng trống rỗng bên trong. Thật không thể tưởng tượng
được: ở bên trong, nhà phục chế đã tìm thấy rất chính xác các bộ phận của cơ thể
con người! Đó là xương và da đã khô…
THẬT
ĐÁNG KINH NGẠC
Trong hơn 15 năm,
không một ai nói gì về chuyên này. Cả nhà phục chế và nhà sưu tầm đồ cổ. Sau
cùng, cho đến tận năm 2015, họ mới quyết định khảo sát chi tiết thánh tích quý
giá này. Vấn đề hiển nhiên là không thể xẻ pho tượng ra được vì như vậy sẽ làm
hư hại “cái tồn tại” bên trong. Họ tham khảo ý kiến các nhà khoa học Hà Lan và
Đức và các nhà khoa học nhất trí chụp cắt lớp (CT scan) pho tượng này. Sau khi
chụp, các chuyên gia đã có được một tấm phim 3D về xác ướp trong pho tượng.
Điều nhận xét đầu tiên: họ phát hiện ra thân
xác vẫn còn nguyên vẹn và ngồi trong tư thế như của pho tượng, chân ở tư thế kiết
già, cánh tay để thỏng theo thân và bàn tay đặt trên đùi. Đây là tư thế thiền định.
Điều nhận xét thứ hai: có một thanh dài bằng
kim loại đặt dọc theo cột xương sống để giữ cho xác ướp ở tư thế thẳng.
Các khám nghiệm chi tiết về hình ảnh chụp cắt
lớp đã cung cấp những thông tin quý giá. Hình dạng của xương chậu hẹp, cho biết
đây là phái nam. Sau đó, để xác định tuổi, người ta khảo sát các khớp xương.
Người càng già thì lớp sụn của khớp được biến thành xương (gọi là hóa cốt). Theo
sự hóa cốt này, người ta có thể đánh giá sơ bộ tuổi của xác ướp. Kết quả: xác ướp
nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Khoảng cách độ tuổi quá lớn, chắc chắn là vậy,
bởi vì đây chỉ là thông số có được do tấm phim đơn giãn có được từ chụp X
quang.
XÁC ƯỚP
HƠN CẢ NGHÌN NĂM
Nhưng nhân vật này
là ai? Chính bản thân của nghệ thuật điêu khắc đã cho biết một vài thông số.
Đây là một tượng Phật tiêu biểu, được điêu khắc vào thời kỳ nhà Minh, kéo dài từ
thế kỷ XIV đến XVII. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, vì các nhà khoa học đã lấy một ít mẫu
xương và định vị bằng carbon14 thì cho thấy tuổi của xác ướp già hơn so với tuổi
của pho tượng! Xác ướp này phải sống ở
thế kỷ XI… như vậy di hài này đã được bảo tồn ít nhất là hai trăm năm trước khi
được an vị trong pho tượng. Điều này cho thấy xác ướp là một vị thiền sư rất được
tôn kính nên đã được bảo tồn sau khi viên tịch. Phát hiện sau cùng cho biết,
căn cứ vào những chữ tiếng Hán được ghi trên tăng bào thì nhà sư có tên là Liu
Quan, được xem là tổ sư của Thiền tông Trung Quốc. Đó là điều khẳng định của TS Bernard Faure,
chuyên gia nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc.
Điều gây thắc mắc
cho các nhà khoa học là vì sao người ta lại tìm cách bảo lưu thi thể và hơn nữa
lại đặt vào bên trong tượng Phật? Theo
TS Bernard Faure, có lẽ là để biến thành biểu tượng linh thiêng ở trong thiền
viện để cho tín đồ chiêm bái.
Để bảo quản nhục
thân của thiền sư Liu Quan trong môi trường nóng và ẩm của vùng Đông nam Á, thì
phải ướp xác. Phim chụp cắt lớp (CTscan) cho thấy xác ướp thiếu khá nhiều nội tạng.
Người ta đã phải lấy đi để phòng thối rửa. Thế nhưng, các “chuyên viên ướp xác”
lại còn đi xa hơn nữa: phim chụp CT cho thấy xác ướp được quấn trong những dải
bằng vải lanh được tẩm chất sơn mài. Loại nhựa độc này, thường được dung như
vec-ni, có khả năng diệt sâu bọ và ngăn chận vi khuẩn tiêu hủy phần mềm của xác
ướp.
TỰ ƯỚP
XÁC… KHI ĐANG SỐNG
Có thể nói rằng xác ướp của thiền sư đã được
chuẩn bị quá chu đáo để đương đầu với vĩnh cửu. Tuy nhiên điều làm cho các nhà
khoa học Hà Lan ngạc nhiên nhất là xác ướp chỉ là bộ xương khô, không còn thịt.
Giải thích ra sao đây?
Theo các nhà khoa học,
có thể nhà sư Liu Quan đã tự ướp xác: tức là nhà sư đã thực hiện một chế độ ăn
uống rất khắc nghiệt trước khi viên tịch. Điều kỳ bí này đã được xác nhận ở
Trung Quốc căn cứ vào các cổ thư. Theo cổ thư cho thấy có khoảng hàng chục cao
tăng đã “tự ướp xác” cách đây nhiều thế kỷ. Người ta biết được những chế độ ăn
uống khắc nghiệt mà các vị sư này phải tuân thủ để tự ướp xác, “kỹ thuật” này
đã tồn tại ở Nhật Bản cho đến đầu thế kỷ XX.
PHƯƠNG
CÁCH “TỰ ƯỚP XÁC”
Nhờ những công
trình nghiên cứu của nhà sử học Nhật Bản, Ando Kosei, mà ta biết được sự hiện hữu
của các thiền sư tự nguyện ướp xác mình khi đang còn sống. Sau đây là tiến
trình “Tự ướp xác”:
(1): Nhà sư bắt đầu bằng
chế độ ăn chỉ có bột ngũ cốc và quả hồ đào. Tập cho thân xác chịu đựng đặc biệt
bằng cách ngồi thiền dưới thác nước giá băng. Kết thúc giai đoạn đầu tiên này
kéo dài khoảng 1.000 ngày (gần 3 năm), nhà sư đã tiêu hủy phần lớn khối lượng mỡ
của cơ thể.
(2): Bắt đầu giai đoạn
2 còn khắc nghiệt hơn nữa. Nhà sư chỉ còn tự nuôi sống bằng vỏ và rễ của cây
thông. Như vậy, nhà sư đã tiêu hủy hết các chất mỡ và ngay cả cơ bắp cũng tan
chảy. Thân xác chỉ còn lại bộ xương. Kết
thúc giai đoạn hai này, cũng kéo dài khoảng 1.000 ngày, nhà sư bắt đầu uống một
loại trà được chế biến công phu với nhựa của cây urushi, được mệnh danh là
“vec-ni Nhật Bản”. Thức uống độc địa này giết chết dần nhà sư nhưng lại tẩm độc
thân xác, bảo vệ thân xác khỏi bị côn trùng tấn công thi thể sau khi viên tịch.
(3): Khi đã trở thành “bộ xương” sống, nhà sư bắt đầu nhập
thất, động thất chỉ có một lỗ thông hơi để lấy không khí. Nhà sư được trang bị
một cái chuông để gõ mỗi ngày. Khi tiếng chuông không nghe còn nghe nữa cũng có
nghĩa là nhà sư đã viên tịch. Tức thi các đồng đạo bít kín hoàn toàn hang thất.
(4): Một ngàn ngày sau, hang thất sẽ được mở ra và các nhà
sư ghi nhận xác ướp đã hoàn thành hay thất bại. Nếu thành công, xác nhà sư sẽ
được khoát tăng bào và được an vị trong hòm bằng kính đặt trong đại điện. Thánh
tích sẽ trở thành biểu tượng thiêng liêng cho các tín đồ chiêm bái.
BS.
NGUYỄN VĂN THÔNG
(Nguồn: Science & Vie Junior,
9/2015)
Đ/C: NGUYỄN VĂN THÔNG
120 đường Chi Lăng,
Huế
Email: DrThong007@gmail.com
Mobile: 0985.847.653