Nguyễn Lương Tuấn
Người dân VN vẫn nhớ:”Tháng
giêng là tháng ăn chơi.Tháng hai trồng đậu, tháng ba hội hè, …” Như vậy tháng
giêng trở thành thời gian nối dài của tết.
Và nhất là tại Huế.
Với tôi thì kỉ niệm ấu thơ về
mùa Xuân tháng giêng thật hạnh phúc. Bấy giờ vạn vật cỏ cây, nhà cửa, con người,
tất cả như một bức tranh sống động, lộng lẫy sắc màu mà âm thanh là tiếng cười,
giọng nói như có một sức hút làm tôi yêu đời, yêu người hơn bao giờ hết.
Không gian tết sau 3 ngày là
sự yên tĩnh. Ngôi nhà vắng người. Xưởng làm đóng cửa và nhất là …bánh mứt vẫn
còn.Tôi có cái thú, những ngày tháng giêng, thích đi lục các thẩu đựng mứt bánh
xem còn sót lại mẩu thức ăn nào để giữ lấy như lưu dấu chút níu kéo ngày tết.Tôi
thích những cái bánh hột sen còn sót lại trong thẩu, những hột dưa núp đâu đó
trong túi quần và nhất là chén chè đậu xanh đánh bị bỏ sót trên trang thờ.
Tuy nhiên có một thực phẩm
mà tôi quý nhất. Nó là chiếc phao níu giữ tết, có thể nói là bánh tét, dưa món.
Với bánh tét thì kí ức về nó
không đơn giản là đòn bánh với những sợi lạt cột chặt bao quanh thân bánh mà
màu lá xanh như màu áo của mùa xuân. Bánh tét còn làm tôi gợi nhớ hình ảnh bà nội
tôi tóc bạc, da lấm tấm đồi mồi ngồi trên bộ ngựa gỗ trắc cặm cụi gói từng đòn
bánh.
Với cha tôi thì bánh tét là
trọng tâm của ngày tết. Ông nói rằng không gì thích thú và tiện lợi cho bằng
ngày tết dùng bánh tét thay cơm.
Bánh tét tiện lợi cho các lần
cúng bửa trên bàn thờ cũng như ăn nhanh. Nó giãi quyết vấn đề tiết kiệm thời
gian, để tiếp khách, đi thăm nhau, chúc tết nhà bà con, bạn bè, …
Do vậy mà cha tôi đã sưu tầm
đâu một cái nồi bằng nhôm dày, nặng. Hai người khiên nó mới nổi. Tha hồ cho
anh, chị tôi phụ cùng bà nội quây quần gói bánh để kịp sáng mồng một tết có
bánh kịp cúng ông bà.
Kí ức sâu đậm về đòn bánh
tét đã cho tôi gợi nhớ từng chi tiết nhỏ: Những sợi lạt anh tôi đã cẩn thận chẻ
và tước nhỏ để gói bánh, những lớp lá chuối sứ màu xanh tươi nằm rãi trên mặt
ván của bộ ngựa từng xấp như những xấp vải và thúng nếp ruộng đã được vút sạch,
ủ qua đêm mà trong nếp có một lượng nhỏ muối để bánh có độ mặn mà và cũng để chống
thiu.
Tôi thích nhất là nhụy đậu xanh
dùng để đưa vào làm nhân cho bánh, vì tôi được cái thú thỉnh thoảng bốc một cục
nhụy, lén bỏ vào miệng. Đậu xanh này đã được nấu chín, giáo đặc, sau đó đậu được
rãi trên một cái trẹt thành một lớp dày. Trên đó bà nội cẩn thận cắt đậu thành
từng dong để mỗi lần đong nếp đưa vào lá thì đậu xanh được lấy ra theo từng
dong, vo hình viên trụ và cho vào giữa nếp. Một việc khác nữa, sau khi cho nhụy
đậu vào bà nội lại dùng đũa gắp thịt ba chỉ bỏ vào nhân đậu để bánh có vị béo của
thịt mỡ. Lá gói bánh được cuốn tròn, hai đầu lá bẽ quặt. Rồi một lớp lá nữa lại
bao quanh đòn bánh. Khâu cuối cùng là cột bánh. Những sợi lạt được cột quanh
theo bánh làm thành từng lóng, rất duyên dáng.
Điều quan trọng nhất trong
khâu gói bánh là tuyệt đối bánh gói chặt và đòn bánh lăn thật tròn, nhất là lá
gói xong phải kín, không để nước chui được vào đòn bánh.
Phải nói là công việc gói
bánh tét diễn ra suốt đêm và khi hoàn thành để đưa vào nồi, tôi đếm có đến 30
chục đòn bánh dài từ 30 đến 35 cm. Ngoài bánh tét, anh chị tôi còn lo gói bánh
chưng nữa. Gói bánh chưng đơn giản hơn vì có khuôn để cho nếp vào, cũng như
bánh tét, nhân đậu xanh và thịt mỡ được cho vào giữa. Mấy lớp lá chuối quặp lại
ôm lấy nếp nhưng vẫn theo hình vuông của khuôn bánh.
Khi nồi bánh đã được đưa vào
lò mà ngọn lửa làm bừng sáng cả gian nhà xưởng thì cũng là lúc tôi còn ngủ lăn
quay trên giường do mất ngủ ngồi xem cả nhà gói bánh để rồi đêm giao thừa nồi
bánh tét, bánh chưng đã được nấu xong kịp cúng.
Tiếng pháo giao thừa nổ dòn
dã đón năm mới cùng với niềm hân hoan của tôi: Bà nội dúi cho tôi một chiếc
bánh tày, là một loại bánh được gói nhỏ hình lép như một loại bánh tét thu nhỏ.
Tôi chỉ cảm nhận vị ngon của
bánh tét khi 3 ngày tết trôi qua. Đó cũng là lúc tôi phát hiện sự liên kết giữa
bánh tét và dưa món.
Với bánh tét, khi đang còn
chín, mềm, dẻo người ta dùng sợi lạt nhỏ để cắt. Những lát bánh tét xanh màu lá
hấp dẫn, có nhân đậu xanh giữa màu vàng làm kích thích vị giác mọi người, trong
mỗi lát bánh rãi rác vài miếng thịt mỡ như điểm nét duyên.
Có người thích ăn bánh tét với
đường cát. Tôi ngạc nhiên, nghĩ thầm: Họ thật tài, không ớn hay sao? Với tôi
thì bánh tét càng ngon khi có bên cạnh đĩa dưa món xanh, vàng, đỏ, tím của từng
củ hành , từng miếng đu đủ, miếng cà rốt cắt nhỏ theo hình thể như hoa thị, hoa
lài hay những trái ớt thiểm nhỏ kích thích vị cay làm ta ấm lòng. Chưa hết bên
cạnh còn có củ cải cắt miếng hay hay đậu phụng đã rang chín đưa vào nước mắm có
vị ngọt, ….
Làm dưa món là một công việc
không kém phần công phu. Tôi nhớ từ những ngày đầu tháng chạp, bà chị dâu đã cất
công mua nào đu đủ trái, cà rốt, hành tím, dưa kiệu, củ cải, … Bà chị gọt vỏ, cắt
nhỏ theo hình thể có hoa, lá để tạo tính thẩm mĩ cho thẩu dưa món. Sau khi đã
phơi nắng, nếu trời mưa thì phải sấy cho khô, hay héo. Công việc sau cùng ngâm
vào nước mắm có vị ngọt trong một cái thẩu bằng thủy tinh trong suốt.
Thẩu dưa món màu sắc tươi
mát làm tăng thêm vẻ hấp dẫn của thức ăn mùa xuân.
Ăn bánh tét với dưa món là
nghiền ngẫm ngày tết qua từng kẻ răng, từng hơi thở. Vị dẻo, béo của bánh tét
hòa lẫn với vị ngọt, mặn của dưa món làm ta cảm giác mùa xuân đang theo ta qua
đường lưỡi, vào từng huyết quản, từng tế bào.
Điều quái lạ, trong 3 ngày tết,
tôi chẳng màng đụng tới bánh tét, dưa món. Tôi hiểu là do các thức ăn ngọt, các
thức ăn thịt, cá, đồ chiên làm tôi xa lánh bánh tét. Hình như nó dị ứng với thức
ăn mang hàm lượng đạm cao.
Nhưng qua 3 ngày tết thì
bánh tét, dưa món trở thành món ăn tôi ưa thích. Phải chăng vì ngày tết đã hết,
chỉ còn lại nó với một chút hoài vọng về những ngày vui.
Ngày hôm nay, tôi vẫn dùng
bánh tét dưa món, có khi là bánh tét chiên.
Có một chút ngậm ngùi, một chút xúc
động…
Tôi nhớ bà nôi, nhớ cha …