Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Cây Đa Trường Luật Huế Của Tôi

Trần Đình Sơn Cước
 
Trong lời nói đầu của tạp chí Dòng Việt số 4 mùa thu năm 1997, số đặc biệt kỷ niệm bốn mươi năm Viện Đại Học Huế (1957-1997), có đoạn viết: “... trên bờ sông Hương thơ mộng cách đây vừa tròn bốn mươi năm (1957) một Đại học mang nhiều tính chất độc đáo đã được hình thành do nhiệt tình và ý chí sắt đá của một nhóm trí thức trẻ dưới sự lãnh đạo của một nhà giáo dục đầy kinh nghiệm và nặng lòng với đất nước.
Viện Đại học Huế là một biểu tượng.
... Nó (Viện Đại Học Huế) đáp ứng được nhu cầu hiếu học của một miền đất nghèo nhưng giàu truyền thống văn hóa, biết tôn trọng trí thức và tình người. Nó trấn đóng miền địa đầu, sừng sững như một tiền đồn, nói lên quyết tâm bảo vệ nhân phẩm, tinh thần dân chủ và những giá trị bất khả nhượng của con người trong một giai đoạn đầy khói lửa và đau thương của lịch sử Việt Nam...”.
Trường Đại Học Luật Khoa là một trong những trường đại học được thành lập ngay từ ngày đầu tiên khai sinh Viện Đại Học Huế. Trường nằm khiêm tốn trên một khuôn đất hẹp, giữa hai con đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ gặp nhau gần phía ga Huế, được cắt bởi con đường Lam Sơn chạy thẳng lên dốc Nam Giao. Trường gồm một ngôi nhà lầu hai tầng quay mặt ra phía đường Lam Sơn, sát hàng cây bàng thân cao thẳng, lá đỏ vào mùa thu. Lối vào ngôi nhà qua một cổng nhỏ vừa cho một xe đạp hoặc xe gắn máy. Các giáo sư thường đi bộ từ cư xá giáo sư chỉ cách trường ba bốn trăm thước để vào trường qua lối cổng nầy. Tầng trệt của ngôi nhà dành cho phòng hành chánh, văn phòng của ông Tổng Thư Ký; tầng trên là văn phòng giáo sư Khoa Trưởng, Thư Viện và phòng Giáo Sư. Phía đường Lê Lợi , đối diện với cổng chính, một dãy nhà dài, gác gỗ, chia thành nhiều phòng học của sinh viên. Giảng đường duy nhất của trường nằm trong sân phía trái. Phòng ghi danh và văn phòng Ban Đại Diện Sinh Viên chia nhau một ngôi nhà nhỏ, mái bằng, nằm bên cánh phải tạo nên sân trường hình chữ U nhỏ hẹp nhưng ấm cúng...

Nếu bao lớp sinh viên luật khoa của Sài Gòn nhớ về ngôi trường của mình với “con đường Duy Tân cây dài bóng mát....”, thì sinh viên luật khoa Huế không thể nào phai mờ trong ký ức với cây đa cổ thụ tỏa bóng trong sân trường nhỏ bé, sát ngay giảng đường mang tên một vị Khoa Trưởng Phan Văn Thiết. Gốc cây to lắm, đường kính dễ chừng hai tới ba người ôm không xuể. Rễ đa rủ xuống, to nhỏ khác nhau, tạo thành những sợi dây thừng buông lơ lửng từ trên cao trông rất đẹp... Một bờ gạch được xây tròn quanh gốc cây là chỗ ngồi chờ đợi giờ học, kết quả thi... của nam nữ sinh viên. Tôi có hỏi một số anh chị sinh viên những khóa đầu tiên nhưng không ai biết chính xác cây được trồng từ lúc nào. Ai cũng chỉ nhớ khi họ vào trường thì cây đa đã có. Khi họ rời trường, những khi trở lại thăm trường thì cây đa vẫn còn đó như giữ giùm họ bao kỷ niệm của một thời sinh viên tươi đẹp. Trong bốn trường đại học còn lại của Viện Đại Học Huế không có sân trường nào có cây cổ thụ như cây đa của trường Luật. Trường Đại Học Văn Khoa và Trường Đại Học Khoa Học chia nhau khu nhà Morin, chỉ có hàng cây muối tỏa bóng trên vệ đường Lê Lợi, hoặc bóng cây dầu trên góc đường Duy Tân phía cầu Tràng Tiền chạy về An Cựu. Trường Đại Học Sư Phạm và Trường Đại Học Y Khoa do xây dựng những năm sau khi thành lập Viện Đại Học nên sân trường không có cây nào đủ năm tháng để trở thành cây cổ thụ. Như vậy, cây đa trong sân trường Luật là một trong những cây cổ thụ hiếm, có thể có độ tuổi xấp xỉ với những cây cổ thụ được trồng lâu năm nhất của thành phố Huế...

hinh-1
Cây đa cổ thụ trong sân trường Đại Học Luật Khoa Huế cũ

... Tôi ghi danh vào trường Luật là theo ý thích của riêng tôi. Mẹ tôi mong tôi theo ngành dược hoặc nghề sư phạm như các anh chị tôi. Thế nhưng tôi không có duyên với nghề dược. Năm tôi vào đại học, chỉ học sinh tú tài ban A và ban B mới được dự thi tuyển vào trường đại học dược khoa. Tôi tốt nghiệp tú tài ban C nên mong ước của mẹ tôi không thành. Bạn bè cùng lớp năm đó của tôi phần nhiều ghi danh vào đại học Văn Khoa hoặc trúng tuyển vào Trường Đại Học Sư Phạm. Chính vì thiếu bạn quen thân lúc mới vào trường nên những năm tháng đầu tôi thường thích lui tới đại học Văn Khoa nơi có Võ Quê theo học để rồi cùng được rủ đọc thơ trong những đêm thơ nhạc do Ban Đại Diện Sinh Viên của anh Nguyễn Văn Phụng tổ chức...
Kỷ niệm đầu tiên của tôi ở trường Luật là buổi tranh cử ban đại diện sinh viên. Đây là một sinh hoạt hấp dẫn và mới lạ đối với một học sinh vừa xong bậc trung học lần đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đại học. Nếu bầu đại diện lớp ở bậc trung học chỉ giới hạn trong một lớp và đơn giản được các bạn trong lớp đó bầu ra, thì ứng cử và bầu cử ban đại diện sinh viên ở trường đại học được tổ chức như một cuộc bầu cử thật trong đời sống chính trị của xã hội. Có Ủy ban bầu cử, có ghi danh, vận động, có bích chương, biểu ngữ, có quảng bá chương trình hành động và áp dụng các kỹ thuật tranh cử được học trong các môn chính trị, xã hội. Chờ đợi và hấp dẫn nhất là buổi tranh luận trực tiếp của các liên danh tranh cử và phần chất vấn của sinh viên trong một buổi họp toàn thể sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Sau khi tranh luận, trả lời chất vấn, sinh viên sẽ bầu phiếu trực tiếp, kín. Cuộc kiểm phiếu được ban bầu cử tiến hành và ban nầy có thẩm quyền chuẩn nhận và tuyên bố kết quả bầu cử. ..

bichuong
Bích chương vận động tranh cử
do anh Bửu Chỉ trình bày và thực hiện (1972)

ungcu
Ứng viên Tổng Thư Ký một liên danh
phát biểu trong ngày tranh cử (1972)

hoitruong
Quang cảnh hội trường ngày tranh cử (1972)

Không hiểu vì sao năm đó, khi chân ướt chân ráo vào năm thứ nhất, chưa quen biết nhiều, tôi lại ủng hộ liên danh do anh Nguyễn An Chuyên (năm thứ ba) thụ uỷ, tranh cử với anh Hồ Đắc Vọng (năm thứ tư) làm chủ tịch. Tôi chỉ còn mang máng nhớ rằng liên danh anh Vọng có khuynh hướng thân chính quyền hoặc được sinh viên thân chính quyền ủng hộ. Trường luật là trường đại học ghi danh chứ không phải trường thi tuyển, nên sinh viên có hai thành phần: chuyên cần và miễn chuyên cần. Sinh viên miễn chuyên cần phần lớn là sinh viên vừa đi làm, vừa đi học. Họ có thể đang là công chức, quân đội, cảnh sát..., lớn tuổi và có thể đã có gia đình. Họ ghi danh nhưng không cần đến lớp thường xuyên như sinh viên chuyên cần, miễn sao họ học đủ và thi đậu các kỳ thi. Vì thành phần rộng rãi và không đồng nhất, nên được đa số sinh viên ủng hộ để đắc cử vào ban đại diện sinh viên ở trường Luật không phải là chuyện đơn giản. Nhất là khi cuộc chiến bước gần đến những năm kết thúc, các phe lâm chiến đều muốn nắm được hoặc gây được ảnh hưởng vào các ban đại diện sinh viên. Vì hoạt động sinh viên có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của xã hội nên chính quyền muốn được kiểm soát sinh viên, phe Mặt Trận Giải Phóng (thường được gọi là Việt Cộng) cũng có bộ phận trí vận để chỉ đạo việc khuynh loát các ban đại diện sinh viên... Hôm tranh luận của hai liên danh nói trên, tôi và một anh sinh viên năm thứ ba, ủng hộ liên danh anh Nguyễn An Chuyên, lên diễn đàn phát biểu và chất vấn liên danh bên kia. Lần đầu tiên được phát biểu trước cử tọa đông đảo, có lẽ do tâm lý phấn khích, nên chúng tôi phát biểu quá say sưa. Dĩ nhiên là chúng tôi được vỗ tay. Vừa bước xuống diễn đàn, đang chưa kịp lấy lại bình tĩnh đã nghe bên tai lời dọa dẫm “coi chừng bị đòn!”. Anh sinh viên năm thứ ba kia và tôi lách đám đông rút lui ra đứng một lúc dưới cây đa. Hai đứa nhìn nhau, ngầm hiểu nguy hiểm có thể xảy ra, nên cùng nhau mở khóa xe đạp và dắt xe ra khỏi cổng trường. Chúng tôi quặt ngược lại phía đường Lam Sơn để về đường Nguyễn Huệ. Anh sinh viên năm thứ ba, người nhỏ, thấp hơn tôi, nhưng đôi mắt anh rất sáng và thông minh, anh đạp xe sau tôi. Bỗng anh đạp nhanh lên, song song xe tôi. Anh giới thiệu tên anh và rủ tôi ghé nhà anh chơi. Tôi theo anh về nhà anh. Nhà anh là một biệt thự cũ, nằm trên đường Trưng Trắc. Chúng tôi không đả động chi về buổi tranh cử vừa qua. Anh đem sách hội họa bằng tiếng pháp cho tôi xem. Anh cho tôi coi mấy bức tranh tập vẽ của anh. Buổi ban đầu quen nhau chỉ qua đôi câu trao đổi về hội họa. Anh biết tôi là người có làm thơ, có thơ đăng báo… Chúng tôi chia tay nhau. Không ngờ anh với tôi còn nhiều dịp gặp nhau, gần gũi nhau và cũng có với nhau những kỷ niệm khó quên. Anh sinh viên năm thứ ba trong buổi tranh cử hôm đó chính là họa sĩ Bửu Chỉ. Liên danh anh Nguyễn An Chuyên năm đó đắc cử. Ban Đại Diện của anh hoạt động ngay. Phòng Ban Đại Diện mở cửa suốt ngày, tấp nập sinh viên ra vào, luôn luôn có tiếng nói cười, tiếng đàn ca rộn rã. Phần tôi, sau “biến cố” đó, tôi lại chăm chú vào việc học. Sau giờ học là về nhà, không màng sinh hoạt chi cả. Phải đợi đến khi qua được kỳ thi môn dân luật của giáo sư Nguyễn Toại (kỳ 1 chỉ có khoảng 20 sinh viên qua lọt!) tôi mới ghé lại phòng ban đại diện để cùng các anh Chuyên, Cường, Vịnh, chị An Nhàn, chị Tịnh, chị Sinh… và dĩ nhiên là cùng anh Bửu Chỉ sát cánh nhau trong các hoạt động cứu trợ nạn nhân bão lụt, trồng cây nêu đón Tết, “Đêm Luật Khoa”… Không hiểu vì sao, sau đó anh Bửu Chỉ và tôi lại tấp về Tổng Hội Sinh Viên số 22 Trương Định, xa dần các anh chị trong Ban Đại Diện của anh Chuyên, để dấn thân vào những hoạt động của anh chị em ở Tổng Hội Sinh Viên, cùng nhau chia xẻ vui buồn trong phong trào sinh viên tranh đấu những năm 1970. Không được ai “móc nối”, “giật dây”, tôi nghĩ chắc anh Bửu Chỉ cũng như tôi đến với “mặt đường khát vọng”, với “lửa đường phố” chỉ bằng trái tim và máu nóng tuổi đôi mươi. Gặp nhau thường xuyên ở trụ sở Tổng Hội Sinh viên, căn nhà có giàn hoa giấy phía sau, có phòng đánh cờ tướng, có cà phê thơm nóng của chị Giang, có mì gói thơm lừng của Mệ… Cùng nhau những ngày đêm anh vẽ tranh, bích chương, biểu ngữ, chúng tôi làm thơ, viết tin, xã luận, in ấn và xuống đường biểu tình, chiếm sân trường đại học… Anh cùng tôi và 3 anh em khác (anh Lê Văn Thuyên, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Duy Hiền) là 5 sinh viên cùng bị “hốt” tại sân trường Đồng Khánh, cùng bị ăn đòn ở Ty Thẩm Vấn, cùng bị nhốt ở Ty An Ninh Quân Đội ở Cầu Kho, cùng bị biệt giam ở nhà giam Thanh Bình (Đà Nẵng), cùng giam chung một lúc với các bạn học sinh thuộc Tổng Đoàn Học Sinh Đà Nẵng trước khi bị đưa về Huế để ra Ủy Ban An Ninh Tỉnh Thừa Thiên, cùng bị trục xuất ra khỏi Huế và bị chỉ định cư trú tại Sài Gòn. Anh và tôi lại cùng nhau (có thêm Nguyễn Duy Hiền) được ông bà Luật sư Bùi Chánh Thời, là một giáo sư thỉnh giảng của trường Đại Học Luật Khoa Huế, gởi vô trốn trong cô nhi viện Quách Thị Trang những ngày ký Hiệp Định Paris phòng lỡ có chuyện không may xảy đến cho bọn chúng tôi… Rồi anh bị bắt giam trở lại. Tôi vẫn tiếp tục mỗi tháng một lần phải lên Ty Cảnh Sát Quận 3 trình diện cho đến ngày “toàn thắng”.
Chúng tôi lại gặp nhau sáng mồng 2 tháng năm tại số 4 Duy Tân. Chúng tôi lại cùng nhau về 55 Duy Tân, cùng Lê Văn Triều, Lê Văn Nghĩa, Mạnh Tường, Lưu Hoàng Thao, Nguyễn Duy Hiền … làm bản tin Tuổi Trẻ. Qua sắp xếp của anh Huỳnh Tấn Mẫm, chúng tôi gặp anh Dương Văn Đầy để được “bồi dưỡng chính trị cấp tốc” trên căn phòng bỏ trống của tầng lầu ở số 4 Duy Tân. Chúng tôi bắt đầu tập viết theo những từ rất mới lạ: “nhất trí”, “hồ hởi, phấn khởi”, “khẩn trương”... Những ngày tháng đó, các anh Trần Mạnh Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Thanh Xuân… là những nhà thơ, nhà báo cách mạng đầu tiên mà chúng tôi được gặp. Theo một vài lời khuyên, chúng tôi lần lượt quay về Huế để “công tác”…

bon-nguoi
Từ trái: Nguyễn Duy Hiền, Lê văn Nghĩa, Bửu Chỉ, Trần Đình Sơn Cước
ảnh chụp vào tháng 5/1975 tại số 55 Duy Tân , Sài Gòn cũ.

Về lại Huế, chúng tôi không còn có dịp làm việc chung với nhau. Anh Bửu Chỉ về Hội Văn Nghệ. Tôi về Phòng Văn Hóa thông tin, cùng các anh Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ... lo chương trình phát thanh của Đài Truyền Thanh Thành phố Huế. Từ đó, trong không khí được gọi là “hồ hởi phấn khởi” của cuộc đổi đời, cả anh và tôi không ai còn muốn nhắc đến những kỷ niệm dưới ngôi trường đại học cũ của mình. Nhưng trường cũ đâu còn! Ngay sau ngày “toàn thắng”, trường Luật đã bị xóa tên. Số sinh viên đang theo học được cho chuyển đổi qua trường sư phạm hoặc chuyển vào Sài Gòn theo học ngành kinh tế. Cơ sở phòng ốc của trường Luật biến thành chỗ ở cho hàng chục gia đình. Những phòng học, phòng làm việc được họ che chắn, ngăn chia thành buồng ngủ, buồng ăn. Lối đi, sân sau, được ngăn thành chuồng nuôi heo, gà vịt. Số phận thương tâm của ngôi trường chính là số phận cay đắng của bao thế hệ sinh viên trường luật. Nếu anh Bửu Chỉ chọn hẳn con đường hội họa, có thể anh muốn quên đi hoặc muốn giấu nỗi đau một thời mình là sinh viên trường Luật. Riêng tôi, và còn biết bao nhiêu thế hệ đàn anh, bè bạn, tai còn phải nghe, lòng còn như muối xát, vì đã lỡ hấp thụ phải một thứ luật tư sản, một thứ công cụ đàn áp của giai cấp bóc lột… Từ những buổi họp ở tổ dân phố cho đến các buổi học tập thảo luận nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đâu đâu cũng rặt những lời kết án, miệt thị thứ luật tư sản, đế quốc đó. Trong khí thế cách mạng hừng hực của những năm tháng đầu sau giải phóng, (mà mãi mấy chục năm sau nhớ lại họa sỹ Đinh Cường chỉ muốn nhẹ nhàng gọi đó là “Huế những ngày nằng nặng”) quan điểm lập trường luôn luôn được lên dây cót. Một em bé trai chừng 5, 6 tuổi con của một cán bộ phó ban tuyên huấn tỉnh lúc được đi thăm ( “tham quan”) các lăng tẩm ở Huế đã không chịu gọi đó là lăng vua Tự Đức, Minh Mạng... vì đó là lăng mộ của những tên bán nước. Bố cháu tự hào khoe cùng các đồng chí bạn bè cháu chừng nớ tuổi mà đã vững vàng lập trường quan điểm. Biết đâu chừng em bé đó nay đang là chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban Festival Huế đang ra sức chỉ đạo phục hồi, phục chế đến cả cái chén ăn, chiếc giường ngủ của các “tên bán nước phong kiến” kia để vừa lòng khách du lịch muôn phương! Không kể những cựu sinh viên luật đã là thẩm phán, công chức, quân đội, trong các tổ chức đảng phái phản động, phải đi học tập cải tạo, những người một thời là sinh viên trường luật không có một chỗ dung thân dưới xã hội mới. Họ phải dấu kín mớ kiến thức luật tư sản của họ, làm bất cứ việc chi để nuôi sống gia đình và bản thân. Chạy chợ, bỏ mối hàng hóa, thuốc tây, mua bán ve chai, đạp xe thồ, đạp xe xích lô... Mồ hôi đổ xuống và chữ nghĩa tiêu dần theo năm tháng. Có ai còn nhận ra họ, những cô nữ sinh viên xinh đẹp đài các, những chàng sinh viên một thời tươi trẻ hào hoa...
Vào khoảng những năm 1988, 1989... khi một luồng gió gọi là đổi mới thổi qua đất nước, những nhà lãnh đạo ngành tư pháp có lòng ở thành phố Hồ Chí Minh chợt nhớ ra một lực lượng trí thức có kiến thức luật cũ đã bị bỏ hoang phế bao nhiêu năm, họ cho tập họp lại thành một lớp gọi là lớp bồi dưỡng 1 năm luật pháp xã hội chủ nghĩa cho trí thức luật cũ. Gần 200 người còn sót lại bao gồm hai nghành luật và Quốc Gia Hành Chánh cũ rải rác từ Huế cho đến tận Long Xuyên, Bạc Liêu, thêm một vài giáo sư tiến sỹ trường Luật Sài Gòn và trường Quốc Gia Hành Chánh cùng nhau miệt mài ngày hai buổi tại một hội trường chênh chếch Lăng Ông. Gặp lại nhau mà không nhận ra nhau vì mỗi con người như đã tàn tạ cả sức vóc lẫn tâm hồn. Có người hơn chục năm qua chỉ biết cuốc đất, làm rẫy tận Di Linh, Đức Trọng; có người đen đủi, chai sần vì làm ruộng, làm vườn tận Cà Mâu, Châu Đốc... Họ chịu trở lại lớp học không phải vì tha thiết được bồi dưỡng kiến thức luật pháp xã hội chủ nghĩa, nhưng vì mong ước được có cơ hội sử dụng cái kiến thức như đã thui chột của mình vào xã hội đang kêu gọi “sống, làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật”. Trước khi học các môn luật chuyên môn như luật hiến pháp, luật dân sự, luật hình sự... học viên phải học môn chính là lý luận chính trị và triết học Mác-Lênin. Trớ trêu là đến cuối khóa, trong kỳ thi tốt nghiệp, gần như cả lớp đều “trượt” môn chính trị căn bản này! Chỉ vỏn vẹn chừng hơn chục anh chị từng là cán bộ, đảng viên mới qua lọt. Không đậu được môn xương sống của lớp bồi dưỡng, tất nhiên gần 90% học viên không thể được cho mãn khóa. Vụ việc tới tai lãnh đạo Sở Tư Pháp, Mặt Trận Tổ Quốc, Bộ Tư Pháp. Họ cảm thấy có điều gì không ổn nếu kết quả được công bố, nên một kỳ thi môn triết học này được tổ chức lại và tất cả học viên cuối cùng cũng đều hoàn thành tốt đẹp khóa bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa và được Trường Đại Học Pháp Lý Hà Nội cấp bằng tốt nghiệp! Tôi là Trưởng lớp của lớp bồi dưỡng đó, được vinh dự thay mặt anh chị em lớp học đọc diễn văn mãn khóa. Anh Phan Công Trinh, bấy giờ đương chức Giám Đốc Sở Tư Pháp thành phố, có mặt trong buổi lễ, thay mặt lãnh đạo thành phố chúc mừng kết quả học tập của các học viên và mong những trí thức luật cũ sau khi được bồi dưỡng pháp chế xã hội chủ nghĩa ưu việt biết phát huy khả năng của mình trong công cuộc xây dựng một xã hội “sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp luật”. Tiếc rằng về sau tôi không có cơ hội sử dụng vốn liếng bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa này. Dù sao, ngẫm lại, tôi vẫn cảm thấy mừng vì hiện nay cũng có một số anh chị em trở lại được con đường phụng sự pháp luật (cho dù là pháp luật xã hội chủ nghĩa), bớt đi phần nào cay đắng của buổi ban đầu. Hiện nay, ở Huế, một số anh chị cựu sinh viên trường Luật trước 1975, không còn đi bộ lang thang thất nghiệp hay làm những nghề linh tinh, họ được hành nghề luật sư trở lại dưới các tòa án xã hội chủ nghĩa. Chắc rằng họ vẫn còn đi qua con đường Lê Lợi, ngang qua cây đa trường luật cũ, lòng bồi hồi nhớ lại ngôi trường xưa... Những cựu sinh viên trường luật trôi dạt khắp năm châu bốn bể nếu có lần quay về thăm Huế, chắc ai cũng có cùng tâm trạng như anh Nguyễn Phi Hoàn, cũng là một cựu sinh viên của trường những năm 70, khi đứng trước ngôi trường và cây đa cổ thụ xa xưa:
Có một lần ta trở lại Huế xưa
Đi giữa nắng trưa trời mùa hạ
Gió lao xao lùa trên cành lá
Đứng dưới sân trường: Trường Luật năm xưa
Dưới cây đa già bóng đổ lưa thưa
Cành vươn ra như muốn chào ta: cậu sinh viên ngày ấy
Ngày ta đi đất trời bão dậy
Ngày trở về tóc đã ngả màu mây...”
Anh Phi Hoàn ơi, không biết anh viết bài thơ trên lúc nào, khi cây đa cổ thụ còn tỏa bóng. Như thế anh vẫn còn may mắn hơn rất nhiều anh chị em khác vì từ nay cây đa cổ thụ của trường chúng ta đâu còn nữa để tỏa bóng, để giữ gìn kỷ niệm của chúng ta.
Cây đa cổ thụ đã bị đào trốc gốc.
Tôi xa Huế tính ra đã hơn 30 năm. Hơn một phần tư thế kỷ với biết bao thương nhớ vơi đầy. Năm xưa tôi đã chứng kiến ngôi trường của mình biến thành phòng tắm, chuồng heo. Nay nghe tin cây đa cổ thụ bị đào bới trốc gốc lòng buồn tan nát.
Trên một trang mạng dành riêng cho một nhóm cựu sinh viên Luật Huế, tôi đọc được thông tin về cây đa cổ thụ do chị H.T.L., một cựu nữ sinh viên của trường, cung cấp. Chị viết e-mail khoảng đầu năm 2013: “ Năm ngoái, khi L. chạy lên trường Luật cũ để dòm một tí thì cũng là lúc người ta đang đào rễ cây đa, và xe cần cẩu chuẩn bị nhổ lên như nhổ một cái răng sâu... L. xin họ dừng lại cho L. chụp một tấm hình làm kỷ niệm... và người chụp tấm hình cho L. là anh công nhân đang đào cây...
Bẳng đi một thời gian, L. lại có dịp ngang qua trường xưa, và lại thấy trước mặt tòa nhà đã được xây xong vẫn còn bóng dáng cây đa, nhưng cây nầy chỉ là nhánh con của cây đa cổ thụ trường mình, có lẽ: khi đào gặp chuyện chi đó... (vì cây đa có ma... nghe nói rứa!) nên người ta sợ phải trồng lại, nhưng cây chính đã bị chặt ngọn trước và tiêu rồi, nên trồng lại cây nhỏ (mọc ghép với cây cổ thụ trước đây)”.

cayda1
Ảnh chụp cây đa trường Luật đang bị đào trốc gốc (2012)

Nhìn tấm hình cây đa đang bị đào trốc gốc, nằm đổ xiêu trên mặt đất đang chờ thu dọn để biến thành củi đốt, không biết còn có ai động lòng thương tiếc như lũ cựu sinh viên chúng ta. Ở một đất nước nạn chặt cây phá rừng chưa được ngăn cấm triệt để thì sá chi một cây cổ thụ choán chỗ xây dựng những tòa dinh thự mới! Nhớ lại cách đây mấy năm (khoảng tháng 12/2006), trường đại học Berkeley ở California (Mỹ) khi muốn đốn mấy cây sồi để chuẩn bị mặt bằng xây dựng trung tâm huấn luyện thể thao sinh viên đã gặp phải không biết bao nhiêu là sự chống đối của dân chúng và sinh viên vì muốn bảo vệ những cây sồi đó. Nhiều người đã trèo lên cây, căng lều ăn ngủ lì trên cây để phản đối. Vụ việc đã phải qua 3 vụ kiện để cuối cùng số phận những cây sồi mới được quyết định. Cảnh sát phải được điều động tới để cưỡng chế những người cắm trại trên thân cây xuống...
Tôi không biết khi xây dựng ngôi nhà cao tầng mới, chủ nhân có được cấp giấy phép đào bới cây đa cổ thụ chừng đó tuổi hay không, nhưng tôi chắc có một người, dù nay đã là người thiên cổ, vẫn không thể nào ngăn được tiếng thở dài vì người ấy suốt một đời hiểu biết và trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ được trồng trong thành phố Huế. Người ấy là cụ kỹ sư thủy lâm Nguyễn Hữu Đính. Tôi cũng mang nỗi buồn nầy gởi tới các bạn tôi, có người một thời phụ trách công viên và cây xanh của thành phố Huế. ..
Tôi có thể tạm dừng bài viết ở đây để cập nhật thông tin mới nhất về cây đa. Đầu tháng 7/2013, để chuẩn bị hoàn tất bài viết và gởi đi, tôi viết email gởi chị H.T.L. để xin phép chị cho tôi sử dụng 2 bức hình của chị vào bài viết của tôi. Vì cả chị và tôi đều ghi tên trong cùng nhóm mails nên email của tôi đều cùng tới được các anh chị khác. Tôi viết : “... qua những thông tin của nhóm, tôi nhận được 2 bức hình về số phận cây đa trường Luật cũ của chúng ta. Trong một bức hình có hình chị đang đứng cạnh cây đa đang bị đào trốc gốc...”
Liền sau đó, tôi nhận được ngay email của anh Q.B.: "xin đính chính - cây đa bị cắt xẻn chứ không phải bị đào trốc gốc.”
Cũng liền sau đó, email của anh hoangtran_52 khẳng định: “Thưa các bạn cây đa trường luật Huế vẫn còn hiên ngang đứng trong sân trường luật cũ (ảnh chụp tháng 3/2013).” Nhìn vào bức ảnh, cây đa vẫn còn nằm sát một ngôi nhà nhiều tầng, một phần cành ngọn còn vươn ra ngoài, nhưng phần sát ngôi nhà thì bị cắt cụt đầu... Xin phép anh, cho tôi đăng bức hình nầy lên để thông tin được sáng tỏ.

hinh-7

Thật hú hồn, cây đa vẫn chưa hoàn toàn bị xóa sổ! Xin cảm ơn tấm lòng của tất cả các anh chị: chị H. T. L., anh Q. B., anh hoang_tran52. Thế mới biết chúng ta còn nặng lòng biết mấy với những kỷ niệm xưa, với ngôi trường cũ, với bạn bè muôn hướng, muôn phương...
Thật ra, cây đa cổ thụ của trường Luật chúng ta chỉ là một biểu tượng. Nó cũng có chung số phận cay đắng như ngôi trường, như mỗi cựu sinh viên chúng ta. Cây đa chính là mớ kiến thức đã được nhiều vị giáo sư khả kính truyền dạy, đã bám rễ vào tâm hồn, trí óc bao thế hệ sinh viên trường Luật. Bốn năm miệt mài dưới các giảng đường, lớp học của trường Luật, chúng ta đã được hấp thụ một tinh thần thượng tôn pháp luật, một tinh thần dân chủ trong tranh luận, học thuật, một tinh thần cạnh tranh giữa các tổ chức, đoàn thể, đảng phái, một tinh thần phục vụ vì công lý và lương tâm... Những gía trị đó như vẫn còn sống mãi trong tâm trí mỗi sinh viên trường Luật, ẩn hiện tùy lúc tùy hoàn cảnh. Cũng có giai đoạn, chế độ mới đã muốn đào tận gốc mớ kiến thức nói trên. Cũng có lúc họ chỉ muốn “cắt xẻn” để bồi thêm vào đó một thứ gọi là luật pháp xã hội chủ nghĩa. Nhưng cũng có lúc, như hiện nay, họ đang kêu gọi dân chúng góp ý sửa đổi Hiến Pháp. Những nguyên tắc “tam quyền phân lập”, “tư pháp độc lập”, “đa đảng, đa nguyên”... đang là những kiến nghị khó nuốt cho chế độ độc đảng hiện hành. Đọc Kiến Nghị và Dự Thảo Hiến Pháp do 72 vị nhân sĩ, trí thức khởi xướng với sự ủng hộ ký tên của đông đảo trí thức, dân chúng trong và ngoài nước, rõ ràng tôi thấy nội dung trong Kiến Nghị và Dự Thảo Hiến Pháp nầy cũng chính là những kiến thức mà những cựu sinh viên trường Luật Huế cũ được hấp thụ. Trong tinh thần đó thì cây đa cổ thụ của trường Luật Huế cũ của tôi, ở một chừng mực nào đó, đang đứng hiên ngang không những trong khuôn viên trường Luật đã bị xóa sổ, mà còn tỏa bóng khắp đất nước thân yêu. Vậy thì, nếu có bị đào trốc gốc, bị cắt xẻn, hay vẫn còn đứng hiên ngang, những cựu sinh viên trường Luật Huế cũ có thể tự hào cây đa cổ thụ vẫn luôn luôn bền vững trong ký ức và tâm thức chúng ta. ..
Tôi nhớ vào những năm 1976, 1977… Phòng Văn Hóa Thông Tin thành phố Huế đã phân công cán bộ về các phường xã để sưu tầm di tích cách mạng, chứng tích tội ác Mỹ Ngụy, vận động các nơi đó lập bảng lưu niệm, bảng ghi nhớ. Nên chăng, hôm nay, những anh chị em cựu sinh viên trường Luật cũ có nghĩ tới việc làm cách nào để có một tấm biển nhỏ khắc ghi dấu tích (hoặc là chứng tích…!): Nơi đây từ năm… đến năm… là trường đại học luật khoa Huế đã “… quyết tâm bảo vệ nhân phẩm, tinh thần dân chủ và những giá trị bất khả nhượng của con người trong một giai đoạn đầy khói lửa và đau thương của lịch sử Việt Nam…”. Giá mong ước trên trở thành hiện thực thì nơi cổng trụ rêu phong của lối vào trường Luật cũ, hoặc dưới gốc cây đa còn sót lại một phần như tấm hình trên, tấm biển nhỏ đó chắc cũng an ủi được chút gì cho bao thế hệ giáo sư, nhân viên, và sinh viên trường Luật cũ của chúng ta…

Trần Đình Sơn Cước

(7/2013)


Ghi chú: Về những bức hình từ trên xuống: số 1 và số 6 đã được sự đồng ý cho phép sử dụng của chị H.T.L.
Các hình số 2, 3, 4 và 5 là của người viết.
Hình số 7 của anh hoang_tran52 . Nhân đây xin gởi lời xin phép đến tác giả.

Các thao tác trên Tài liệu