Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Cấp cứu sản phụ khoa số 21 – BS Nguyễn Văn Thịnh



NHỮNG RỐI LOẠN ĐƯỜNG MẬT LÚC CÓ THAI (BILIARY TRACT DISORDERS IN PREGNANCY)
Jennifer Gunther, MD Assistant Professor Department of Obstetrics & Gynecology University of Colorado Health Sciences Center Denver Colorado
Những rối loạn đường mật thường gặp trong số những phụ nữ ở tuổi sinh sản ; tuy nhiên tỷ lệ bệnh sỏi túi mật gia tăng hơn trong thời kỳ thai nghén do sự sản xuất gia tăng những tinh thể cholesterol và sự bài xuất không hoàn toàn của túi mật gây ứ trệ mật. Mặc dầu sỏi mật có thể được nhận diện trong 2,5 đến 5% những thai nghén và bùn mật (biliary sludge) có thể được thấy ở 26% những thai nghén, tỷ lệ bệnh mật triệu chứng là 0,16 % trong thai nghén. Viêm túi mật và sỏi ống mật chủ là những rối loạn túi mật thông thường nhất trong thai nghén, và bệnh cảnh có thể biến thiên từ không triệu chứng đến sepsis do viêm đường mật hướng thượng (ascending cholangitis)
Nhiều triệu chứng của viêm túi mật cấp tính có thể được gặp trong thai nghén bình thường : nôn, mửa, khó tiêu, và đau bụng. Đau bụng có thể ở vùng thượng vị hay ở hạ sườn phải và có thể xảy ra sau bữa ăn. Một cách cổ điển, đau của viêm túi mật cấp tính đã được mô tả như là bắt nguồn từ vùng thượng vị và lan ra vùng hạ sườn phải, lưng, hay vùng xương bả vai. Lúc thăm khám, bệnh nhân có thể sốt và sự hiện diện của đau thượng vị hay hạ sườn phải thường được xác nhận, nhạy cảm đau dội ngược (rebound tenderness) gợi ý bệnh ở giai đoạn tiến triển hơn với viêm phúc mạc do áp xe hay thủng. Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ; tuy nhiên, nếu một chuyển trái được nhận diện hay một số lượng những bạch cầu không trưởng thành được nhận diện, chẩn đoán viêm đường mật (cholangitis) phải được tán thành. Một nồng độ phosphatase alkaline gia tăng nói chung được xem là bình thường trong thai nghén.
Siêu âm là công cụ để chụp hình ảnh đường mật trong thời kỳ thai nghén và nên được thực hiện ở những bệnh nhân với đau vùng thượng vị hay hạ sườn phải gợi ý bệnh túi mật. Trong khi sự hiện diện của các sỏi mật hay bùn mật (sludge) trong túi mật là những dấu hiệu lâm sàng gợi ý bệnh đường mật, sự giãn ống mật chủ và phù túi mật cũng được nhận thấy ở những bệnh nhân với viêm túi mật và sỏi ống mật chủ.
Xử trí ban đầu của viêm túi mật cấp tính không biến chứng là nội khoa, gồm nothing by mouth, cấp nước tĩnh mạch, điều trị giảm đau, và hút mũi-dạ dày nếu cần. Điều trị nội khoa thành công trong 82 đến 85% các trường hợp và can thiệp ngoại khoa có thể được trì hoãn cho đến thời kỳ hậu sản. Sự tái phát các triệu chứng là thường gặp trong thời kỳ thai nghén, với hơn 50% phụ nữ có thai với viêm túi mật bị những tái phát và hơn 25% nhập viện ít nhất hai lần. Can thiệp ngoại khoa được chỉ định trong thai nghén khi bệnh nhân nhập viện đã thất bại điều trị nội khoa hay bị nhiều đợt đòi hỏi nhập viện. Những biến chứng như sỏi ống mật chủ (choledocholithiasis), viêm đường mật hướng thượng (ascending cholangitis), áp xe, và thủng đòi hỏi can thiệp ngoại khoa nhanh. Ở những bệnh nhân với viêm túi mật không biến chứng, một phương pháp nội soi có thể được thực hiện trong những tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Cắt túi mật bằng mở bụng (open cholecystectomy) cũng có thể được thực hiện một cách an toàn trong thai nghén và nói chung là thủ thuật lựa chọn nếu những biến chứng được nghi ngờ hay nếu tuổi thai nghén loại trừ một phương pháp nội soi. Soi ống mật chủ có thể được xử trí với chụp mật tụy ngược dòng (ERCP : endoscopic retrograde cholangiopancreatography), đặc biệt bởi vì mở thăm dò ống mật chủ được liên kết với sự gia tăng biến chứng ở người mẹ và mất thai.

Reference : Obstetric & Gynecologic Emergencies
Đọc thêm : Cấp cứu sản phụ khoa số 13

BS NGUYỄN VĂN THỊNH (8/2/2016)