Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

NÚP MƯA

Nguyễn Lương Tuấn

Buổi sáng, tôi dắt xe đạp, quyết định lên chợ Tam Giác mua 2 cây gỗ nhỏ khoảng 1m để sửa mặt bàn ăn. Xui quá, lên đến nơi, người xe thồ đứng trước rạp mộc bảo:
- Chủ đi bốc gỗ rồi.
Tôi nói:
- Là mấy cây gỗ nhỏ đây này. Tôi cần về đóng nẹp bàn. Anh bán giúp không được sao?
- Tôi biết chi mà bán! Cái ông ni nữa!
Trời bỗng nhiên đổ mưa ào ào. Tôi cười nói:
- Trời lại mưa lớn rồi. Thôi! Tôi núp mưa chờ luôn thể!
Một bà bán vé số bước vào, nước từ áo mưa chảy xuống nhễ nhại. Bà mời tôi mua số, tôi mĩm cười khoác tay từ chối. Anh xe thồ coi hàng giúp rút tiền mua 2 cái vé. Chốc sau, bà vé số đến ngồi trên đống gỗ chất dưới tấm bạt che làm mái hiên. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Tiếng dội của mưa lớn làm tôi sốt ruột. Mình thiệt bậy, khi nãy ra đi lại không chịu mặc áo mưa. Tôi nhìn màn mưa, lờ mờ công viên trước mặt, trước đây là chợ Tam Giác. Bây giờ xe cộ đi thong thã không còn ách tắc như ngày trước. Bà bán vé số mặc dù có áo mưa tiện lợi nhưng bà vẫn chưa rời sạp gỗ vì mưa lớn quá. Tôi buồn tình đến đứng cạnh bà hỏi chuyện:
- Mệ năm ni bao nhiêu tuổi rồi?
- 75!
Tôi buột mồm:
- Mệ 75 mà trông rất khỏe, da dẻ có vẻ cứng chắc. Nhờ đi bán vé số đó!
- Trước đây tôi ốm yếu lắm cậu ơi! Cách đây 3 năm, tôi bị té một cái, nằm ngay đơ, may mọi người đến bế đưa tui vào bệnh viện. Tui nằm luôn cả tháng, tốn tiền thuốc quá trời. Tội nghiệp thằng con đi xe thồ, kiếm tiền không ra!
Tôi ái ngại:
- Mệ có mấy con?
- Chỉ một thôi cậu, thằng con trai đi thồ đó!
- Rứa chồng mệ còn chứ?
- Mô nữa, chết cách đây đã 48 năm, còn đúng hai năm nữa là nửa thế kỷ!
Tôi chắt lưởi:
- U chao! Chồng chết như rứa là khi nớ mệ còn quá trẻ. Rứa mà mệ không tái giá. Giỏi quá! Chồng mệ khi nớ làm nghề chi rứa?
- Biệt Động quân!
Tôi bị lôi cuốn bởi nghe đơn vị này.
Tôi hỏi tiếp:
- Mệ này! Rứa chồng mệ chết là vì đánh trận hả mệ?
- Anh chết trong trận đánh ở Hà Lam, Tam Kỳ.
Tự nhiên tôi cảm thấy thương xót người phụ nữ bán vé số này. Tôi đưa tay vịn vai người bán vé số, nói như an ủi:
- Mệ giỏi quá! Hoàn cảnh như rứa, vẫn tồn tại, khỏe mạnh đến ngày hôm ni. Rứa con trai của mệ học đến lớp mấy mà không kiếm được việc làm lại phải đi xe thồ?
- Nó học đến lớp 9 trước 75 rồi nghỉ học, làm đủ thứ nghề, không ra chi, bây giờ cũng con cái đầy đàn nhưng nghèo lắm. Cậu thử nghỉ xem, bây giờ đâu phải dễ sống!
Tôi ngậm ngùi nhìn bà:
- Ừ đúng rứa mệ. Lúc ni người giàu thì quá giàu nhưng người nghèo thì lại quá nghèo. Khổ lắm!
Mệ bán vé số nhìn tôi, cảm nhận nơi tôi một sự tin cậy:
- Cậu biết không, bán vé số tôi thấy có ai mua bao nhiêu mô. Người giàu, người có tiền, họ không mua. Người mua chỉ là người nghèo, lao động chật vật. Họ mua để cầu may, mua niềm hy vọng. Tôi đi bán đã gần 3 năm chưa thấy ai trúng số. Nếu mà trúng thì tôi cũng nhờ được, xin họ được một ít tiền. Nhưng mà có ai trúng mô.
Tôi đồng tình với người bán vé số:
- Mệ nói đúng đó. Người nghèo họ mới mua vé số. Do đó đã nghèo lại nghèo thêm. ở Mỹ, có một bà Giám đốc một công ty vé số, bà đã từ chức với lý do là bà không nhẫn tâm khi phải dính líu một hành động mà theo bà vì những tờ vé số mà những người nghèo lại càng nghèo thêm.
Mệ bán vé số chép miệng:
- Tui tin rằng ở Mỹ người ta xổ số không có vấn đề lươn lẹo. Chứ VN mình thì tôi nghi ngờ, như đã xẩy ra năm nào ở công ty xổ số Long An.
Tôi hỏi tiếp:
- Mệ bán như rứa mỗi ngày thu nhập được bao nhiêu?
- Ngày mô nhiều nhất là khoảng 40 cái. Có ngày chỉ vài chục cái. Kiếm trung bình từ 50 đến 80 chục ngàn đồng.
- Trời! Như rứa thì mệ sống răng được?
- Cũng rán đắp đổi qua ngày. Cậu thấy đó, người đi bán quá nhiều. ở mô cũng gặp người mời mua vé số. Biết làm răng để sống đây? Chỉ cầm mấy cái vé số là yên chuyện, khỏi lo lỗ lả!
Trời mưa đã ngớt, chỉ còn lất phất. bà bán vé số nói:
- Thôi tui phải đi đã cậu nghe!
- Dạ chào mệ, tui cũng về thôi!
Tôi đạp xe đạp ra về, mặc cho mưa ướt đẫm vai áo. Hình ảnh người bán vé số, nửa thế ký trôi qua vẫn ở vậy, cho dù cuộc sống cơ cực… vương vấn mãi trong đầu.