Hồi ký Nguyễn Lương Tuấn
Khi
tôi lên 6, 7 tuổi cũng là lúc đoàn quân
viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam. Tôi nhớ trên bến đò Chợ Dinh, có một lô cốt
cao sừng sững. Kí ức tôi ghi đậm, thỉnh thoảng
có một vài người Pháp, nhớ tiếc một thời vàng son, khi đến bến đò, họ
vào lô cốt, mang theo máy ảnh. Có lẽ họ vào trong đó, leo lên cao để chụp ảnh
lưu niệm trước khi về nước?
Đó
là thời điểm mà những chiếc xe GMC chở từng toán lính Pháp đi ngang qua nhà
tôi, khi thấy bọn trẻ con chúng tôi, họ quăng xuống nào kẹo, bánh và có cả những
gói thuốc lá hiệu MIC với hình bà đầm trên gói thuốc.
Cha
tôi khởi nghiệp bằng nghề rèn khi ông từ giả làng Hiền Lương về lập nghiệp tại
thành phố, nơi đầu tiên ông đến là Bao Vinh để học nghề. Bao Vinh là một làng
rèn, đa phần đều xuất phát từ làng Hiền Lương.. Nhờ sự cần cù, chịu khó, cha
tôi đã được cảm tình một khách hàng đến đặt làm một bộ dao kéo. Đất ở Chợ Dinh,
ngày nay của gia đình tôi chính là nhờ sự giúp đỡ của vị khách ấy.
Đó
là thầy Tôn Thất Chương.
Thời
gian vật đổi sao dời. Năm 1979, sau khi cha tôi qua đời. Hôm ấy tôi có mặt tại
Huế để tham dự cúng tuần cho cha. Một buổi chiều, một người đàn ông mặc áo dài
đen, quần lảnh trắng, đạp xe dừng lại, vào nhà tôi. Tôi cúi đầu chào. Người đàn
ông nói:
-
Cho phép tôi được vô thắp hương cho thợ!
- Dạ,
con mời thầy!
Hôm ấy
nhà chỉ có bà chị dâu và anh tôi ở bên An Cựu qua. Anh tôi nói thầy Tôn Thất
Chương đó, mi nhớ không? Tôi trả lời là dạ em nhớ.
Điều
tôi ghi nhận và lấy làm ngạc nhiên là những cử chỉ của thầy Chương khi làm lễ
cúng cho cha tôi. Ông thắp hương, vái 3 vái xong, kéo một cái ghế ngồi trước
bàn thờ, tư thế thẳng lưng, quyển kinh để trước mặt, ông đọc kinh. Tôi ngạc
nhiên, lấy làm lạ, sao ông không tụng như bình thường các nhà sư khác. Ông nói
chuyện với cha tôi như là cha tôi đang ngồi với ông, nghe ông chuyện trò. Chốc
chốc ông lại gõ một tiếng chuông.
Cứ
như vậy chiều, đúng tuần là thầy Tôn Thất Chương cũng đến ngồi nói chuyện với
cha tôi, tiếng rất nhỏ. Tôi không dám đến gần để nghe.
Tôi
vẫn tự nghĩ: Thầy Chương đã hòa nhập được với tâm linh của cha tôi. Có thế ông
mới nói chuyện hằng giờ với cha như thế cha đang còn sống.
Tôi
vẫn còn nhớ mơ hồ, những kỷ niệm với khuôn hội An Lạc. Khuôn hội An Lạc lúc khởi
đầu được tạm thời sinh hoạt trong khu vườn bạt ngàn của mấy anh em nhà Tôn Thất:
Ấy là nhà của các thầy Tôn Thất Chương, Tôn Thất Lưu và Tôn Thất Hàn. Dạo đó mỗi
khi có lễ Phật giáo như Vu lan, Phật đản hay các ngày vía Phật, khuôn hội An Lạc
thường hay tổ chức các buổi thuyết pháp. Thường là các thầy, các Thượng tọa, đại
đức từ trên chùa Từ Đàm hay Bảo Quốc về. Và cha tôi luôn dẫn tôi theo không bỏ
sót một buổi nào, Những câu chuyện như mục Liên Thanh Đề, Cây dao trong tâm, …toi
nhớ được là do các thầy thuyết pháp tại khuôn hội An Lạc, thời gian Khuôn hội
còn ở phường Phú Hậu..
Mãi
thời gian sau, khuôn hội An Lạc mới có cơ ngơi, tọa lạc trên đường Hồ Xuân
Hương (Chùa Bà) và thầy Tôn Thất Hàn là Hội trưởng.
Chúng
ta hẳn biết chị Tôn nữ Trai cũng như bác sĩ Tôn Thất Chiểu là con của thầy Tôn
Thất Hàn. Chiểu, Trai đều là học sinh của trường Nguyễn Du Huế. BS Tôn Thất Chiểu
rất nổi tiếng trong giới y khoa, hiện nay thỉnh thoảng BS Chiểu vẫn về VN và có
những bài giảng cho sinh viên y khoa Huế. Chị Tôn nữ Trai là HS học cùng khóa với
tôi (1960-1964), Trai học Anh văn còn tôi học Pháp văn. Nguyễn thị Hảo, cô bạn
láng giềng học cùng lớp vẫn cho tôi biết Trai vẫn thường về VN và làm từ thiện.
Lẽ cố nhiên, quy luật cuộc sống, các thầy Tôn Thất Chương, Tôn Thất Hàn, Tôn Thất
Lưu đã không còn tại thế nhưng với tôi, các thầy mãi mãi để lại cho tôi những kỷ
niện sáng ngời, đẹp đẽ.
Ngôi
nhà đầu tiên của cha tôi ở Chợ Dinh là một nhà ba căn hai chái, xây bằng vôi
Long Thọ (ngày ấy chưa có ciment), lợp ngói. Nhà có xưởng làm, đối diện với đường
Chi Lăng, nhìn xuống bến đò Chợ Dinh. Đó là nhà rèn, có chái bằng tranh thay cửa.
Ban ngày chống lên để làm nghề. Ban đêm sập xuống để ngủ.
Ngôi
nhà cũng thay đổi dần cùng với tuổi thơ của tôi, khang trang hơn, rộng rãi
hơn. Đó là một tiểu thế giới đầy ắp tiếng
cười, giọng nói. Nơi tôi lớn khôn theo từng năm tháng với môi trường chung
quanh, với những người hàng xóm thân thiện.
Mãi
đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ từng ngôi nhà, sân vườn, đâu đâu tôi cũng đều
tìm thấy dấu tích kỉ niệm.
Đi
thẳng, là về bãi Dâu, con đường với lối đi gập ghềnh, nhà cửa hai bên, rộng
rãi, thoáng mát. Sân vườn, cây cối xanh tươi, nhiều cây ăn trái.
Đường
này, nhiều gia đình thân quen với gia đình tôi.
Nhà
ông Thị Vinh với hai chị em xinh xinh,
Túy, Vui. Ngôi nhà của ông Thị Vinh lọt thỏm trong một khu đất rộng lớn,
với vườn cây tõa bóng mát. Mỗi lần hai chị em chúng tôi đến chơi, lúc nào cũng
được ăn trái cây, ngôi ở bến, nhìn nước sông Hương và nghe ba bà chị nói chuyện
huyên thuyên…
Tôi
nhớ những chiều đi tắm Bãi Dâu.
Dòng
sông ở đây nước cạn và trong, nhất là buổi sáng mùa hè, tôi thích thú ngắm nhìn
những đàn cá lượn, lại có cả những con nuốt hay sứa. anh tôi vẫn bảo, đụng vào
sứa là ngứa lắm!
Bãi
Dâu hấp dẫn dân thành phố đổ về nườm nượp, nhất là những chiều thứ bảy, không
thua gì biển Thuận An. Có lẽ đặc điểm của nó là nước cạn, trong và có rất nhiều
bến để tắm, không dơ, sạch.
Tuy
vậy vẫn có người đi tắm bị chết đuối. Do lội quá xa, bị vọp bẻ và không bơi được.
Mỗi lần có người chết đuối là xóm Chợ Dinh – Bãi Dâu ồn ào hẳn lên, tấp nập người
đi xem. Có một điều tôi vẫn khó hiểu là, tại sao người chết đuối nằm đó nhưng
khi có người thân đến thì bỗng nhiên nước mắt chảy, máu trào ra ở khóe miệng?
Bãi
Dâu còn là nơi tập trung làng nghề trồng tĩa, bốn mùa rau trái. Mùa hè, bọn
chúng tôi sau khi tắm xong, trời chạng vạng tối, chúng tôi len lõi vào trong
các bãi trồng dưa gan, khoai lang, chúng tôi hái trộm dưa, khoai, mang về nhà,
cả bọn dùng chung, hoặc để tổ chức trò chơi buôn bán, rất thú vị.
Trên
đường đi về Bãi Dâu, ngang qua nhà cô Tư tôi lại ngước nhìn hai cây đào trước sân, mùa ra trái, đào rụng
lộp bộp. Tôi vẫn thường dừng lại để nhặt những trái đào vương vãi trên sân.
Chuyện
về nhà cô Tư gợi cho tôi nhiều kỉ niệm còn nóng bỏng như vừa mới xảy ra. Vườn đất
nhà cô Tư rộng. Mặt tiền hướng ra đường về Bãi Dâu, vườn sau lại ăn thông qua
đường Ôn Như Hầu, tiếp cận với nhà bác Giai.
Nói
đến vườn sau nhà cô Tư, tôi nghĩ đến cái giếng, cây khế to, tõa vòm lá, che phủ
giếng, trái rụng đầy trên sân. Cô Tư vẫn thường hay ra rửa ráy tại giếng nước
trong này. Có lần, bọn chúng tôi từ bên nhà bác Giai, ở vườn sau cầm đá ném những
trái khế đỏ chín trên cây. Mấy đứa định chui qua nhặt, bỗng nhìn qua bên giếng,
thoáng thấy cô Tư, kéo quần, kỳ cọ rửa ráy. Cả bọn bấm nhau đỏ mặt, mắc cở.
Trong nhà có anh Bửu Chiêm, Bửu Ngô là bạn anh Hiền. Hai anh vẫn thường hay lên
nhà, trao đổi chuyện học hành, chuyện linh tinh với anh Hiền.
Đối
diện nhà cô Tư, phía bên kia đường là khu xóm gồm nhà ông Vạy chuyên cung cấp
cát sạn cho dân trong vùng làm nhà, rồi nhà ông Bát, nhà ông Thạc, ... sát sông
Hương. Ở đó có Thanh, Lu, Xẹp, Em, Ghe, ...bạn anh Cự. Nhà ông Bát, chuyên đi tụng
kinh, cúng cho các gia đình có tang, có đám giỗ. Con trai của ông Bát là anh
Thơm, bạn các anh tôi. Có một câu chào rất độc đáo, mỗi lần gặp nhau, đó là :
“Hòm!”. Anh Thơm đang đi ngoài đường, thấy anh Hiệp đứng trước cửa ngõ. Thế là
anh Thơm cất tiếng:
-
Hòm!
Anh
tôi mĩm cười chào lại:
-
Hòm!
Ở dưới
Bãi Dâu, sát trên bờ sông, bãi tắm, có nhà bác Mau, kéo xe ba gác thường xuyên
cho cha tôi. Mỗi lần cha tôi lên mua sắt để làm cửa kéo, cửa bông ở đường Huỳnh
Thúc Kháng, dọc bờ sông để chở về là gọi bác Mau. Đó là người đàn ông cao, khỏe
mạnh, da đen sạm, tính tình vui vẽ, hiền lành. Một bữa, cha tôi đang la các anh
tôi, vừa lúc bác Mau kéo xe hàng về. Cha tôi oang oang:
- Đồ
quỷ chứ con! Đúng là ngủ quỷ! (ý ông ám chỉ 5 anh em trai chúng tôi).
Bác
Mau mĩm cười nói:
- Mô
rứa!, ngủ hổ đó chớ!
Rẽ
phải là bến đò Chợ Dinh, đường xuống bến khoảng 40, 50 mét, đường rộng, hai bên
là nhà dân, nền cao, để tránh lụt. Dưới bến, có người ngồi trong chòi tranh để
thu tiền qua đò. Chợ Dinh lưu lượng khách qua về tấp nập. Họ là những người ở
các làng như Tây Thượng, Ngọc anh, Dưỡng Mong, Cổ Bi, Vỹ Dạ, …qua bên này, buôn
bán, đi làm công chức, học sinh đi học , …
Khi
chuyến đò ngang vừa cặp bến. Khách số đông gánh hàng sang bán ở Chợ Dinh. Vài học
sinh đi học. Thấp thoáng vài tà áo trắng nữ sinh.
Từ
ngã tư, bác Em thu thuế đã chực sẵn để dán thuế. Cách phục sức của bác Em rất
đơn giản, y phục truyền thống. Quần lảnh trắng, áo bà ba màu nâu hay đen. Chân
đi dép có quai sau. Đầu đội nón lá. Đặc biệt bác đi chiếc xe đạp bằng duralumin
sáng loáng, chiếc xe đạp này tôi nghĩ là xe của Pháp nguyên chiếc.
Khi
người bán hàng gánh hàng bước xuống từ trên đò, thì bác Em đã chờ sẵn, bác đưa
tay bảo họ ngừng. Bác xem hàng, rồi lôi ra một cuộn giấy thuế màu, xanh, vàng,
trắng, đỏ. Mỗi màu ghi một loại tiền. Bác xé giấy thuế và dán vào chiếc dóng của
người đi bán. Người đi bán căn cứ vào số tiền đã ghi sẵn trên giấy để trả tiền.
Có khi người bán không đồng ý vì số tiền theo họ quá cao. Thế là có một cuộc
cãi vã to tiếng và tiếp theo là một tràng chưởi rất có bài bản. Lúc khởi đầu là
do người đi bán chưởi. Bác Em phản ứng chửi trả, không những thế, bác vừa chửi
vừa dở nón người bán hàng lên để họ tiếp nhận chửi cho rõ, cho tường tận!. Thế
là một trận thư hùng chửi rất nhuần nhuyển, có bài bản, lớp lang.
Tôi
không hiểu tại sao ngôn ngữ chưởi họ thu nhặt ở đâu mà nhiều và phong phú thế.
Ai
dám bảo chửi là không có văn hóa!
Nghe
họ chưởi, tôi có cảm giác rất thú vị. Thường người thua cuộc bao giờ cũng là
người bán.
Ở
ngã tư Bến đò Chợ Dinh có hai cái quán, phên tre, lợp tranh, đâu mặt nhau, trên
đường đi về Bãi Dâu. Đó là quán mụ Liên và quán cô Tư.
Chủ
quán là hai bà già, lưng còng, tóc bạc. Cô Tư trông trẻ hơn chút và khuôn mặt
sáng sũa, tinh anh hơn. Hai quán đều bán hàng bánh kẹo lẽ, rượu trắng cho khách
và một số đồ lặt vặt cho gia đình như kim, chỉ, hương, đèn, ….
Thường
là trẻ con mua kẹo hay bánh để ăn vặt. Người lớn ra quán làm một cốc rượu đế, …
Quán
Mụ Liên ở góc vườn rộng bạt ngàn của nhà ông Nho, sát bên ngôi miếu đi xuống bến
đò của xóm Chợ Dinh. Ngôi miếu trông hơi y chùa một cột ở Hà Nội, nhưng từ dưới
lên mái đều thẳng. Mỗi năm khi xóm Chợ Dinh cúng tế cụ Chằng đều quét dọn và
mang đồ ra cúng. Ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm, người ta cũng thường ra miếu
thắp hương cúng, bái khi gặp chuyện hay cầu phúc, ….
Ngôi
miếu là dấu tích của một nền văn hóa truyền thống, kế thừa với những nếp sống
và suy nghĩ mà trong từng khoảnh khắc luôn có sự hiện diện của những người đã
khuất.
Ngôi
miếu nay đã không còn. Trong thời kỳ bao cấp, ngôi miếu đã chịu chung số phận của
những đợt đập phá am miếu, mệnh danh là bài trừ mê tín dị đoan...Để rồi đã trên
ba thập niên, nghề làm đồ mã bỗng chốc phát triển mạnh như cơn bão. Nhà nhà khi
cúng đều đốt đồ giấy. Người người khi cúng đều cầu phúc cầu lộc: Mong sao chóng
giàu kếch sù, tuổi thọ vượt trên 100 tuổi. Người ta đặt làm đồ giấy: biệt thự,
xe hơi xịn, có luôn bằng lái để đốt cho người âm, bất kể giá tiền tốn lên hàng
chục triệu đồng. Đại diện cho tầng lớp này là ai? Những cán bộ cấp cao, những đảng
viên CS. Một thời họ hô hào, tôn giáo là liều thuốc mê hoặc, ru ngủ con người.
Trở
lại quán Mụ Liên, diện tích của quán khoảng đâu được 16m2, vuông vức, đây là một
không gian nho nhỏ ấm cúng. Sau quầy dọn đồ bán là một chiếc phản gỗ, về đêm, mụ
Liên ngủ luôn ở đây. Quán có bếp, có ảng nước trông ra vườn ông Nho bằng một cửa
sau, cũng cửa chống, bên cạnh chỗ ngủ, có kê bàn để khách ngồi. Mùa đông ấm cúng,
mùa hè thoáng mát, bởi gió bờ sông Hương lồng lộng. Các vách của quán, lưu ý nửa
vách từ mặt đất trở lên, là xây bằng tập lô, nửa bức còn lại lên tới mái là
phên tre, trét đất sét. Một phần vì vậy mà quán mát mẽ, ấm cúng.
Tôi
nhớ mãi, mỗi khi có được một đồng là vù một cái, tôi qua mụ Liên mua miếng kẹo
đậu phụng. Mụ Liên bán đủ các thứ bánh kẹo, cung cấp cho người mua quà ăn vặt,
nào kẹo gừng, kẹo que, kẹo đậu phụng, kẹo mè xững, …Bánh thì bánh quy, bánh
tráng nướng, ngoài ra còn có chuối bán lẽ treo từng nãi như chuối mật, chuối bà
lùn, và cây kim, cuộn chỉ.
Quán
cô Tư thì nằm trên góc vườn nhà bác Thông, hai mặt, mặt hướng ra đường Ôn Như Hầu
(Phú Hậu), mặt ngó qua quán mụ Liên (hướng đi về Bãi Dâu). Cũng y như quán mụ Liên,
quán cô Tư có cửa sau thông ra góc vườn nhà bác Thông. Nhưng quán cô Tư đơn giản
vì cô Tư chỉ bán ban ngày, chiều tối, cô sập cửa, về nhà. Quán bán các mặt hàng
giống như mụ Liên. Tôi thấy quán cô Tư đông khách đến ăn và mua đồ ăn vặt, ngồi
chơi chuyện vãn nhiều hơn. Còn quán mụ Liên thì bán rượu đế cho mấy ông sồn sồn
giãi quyết cơn ghiền nhiều hơn.
Bác
Tri chiều nào cũng ra quán mụ Liên uống một cốc rượu đế đâu khoảng 50 xu. Thế
là thỏa mãn “cái chơn dơn”, câu này bác Tri hay dùng khi nói chuyện với cha
tôi.
Ngoài
ra còn có bác Bút.
Bác
Bút, sau mỗi chiều chèo đò xong, thế là đến quán mụ, kề cà vài ly rượu trắng.
Thế là say, lè nhè nói đủ chuyện trên trời dưới đất mà hậu kết là hình ảnh một
người đàn ông nằm lăn quay giữa đất chẳng biết trời trăng gì nữa. Có khi say
quá, ông cởi luôn áo quần tồng ngồng, làm mất công mấy ông cảnh sát đến hốt đem
về đồn Gia Hội.
Thỉnh
thoảng có cụ Chằng em bác Tri qua quán mụ Liên làm một cốc. Thế là về. Cụ Chằng
cũng chèo đò ở bến chợ Dinh nhưng cụ trẻ hơn bác Bút và tĩnh táo hơn, ít uống
rượu. Có uống cũng không say.
Một
số khách khác, sau làng Phú Hậu, dưới Bãi Dâu. Đặc biệt có ông Đội Xếp mặt thường
đỏ ửng khi uống vào, và gặp ai cũng chửi mắng lung tung, nhưng biết là ông say
nên mọi người chỉ cười thây kệ.
Gọi
là ông Đội xếp có thể là vì ngày trước ông là lính của Pháp làm đến chức đội
trưởng chăng. Ông theo đạo Thiên Chúa, nhưng đối với chúng tôi, đặc biệt là anh
tôi biết nhiều về gia đình ông phải chăng là vì ông Đội xếp có hai cô con gái.
Còn quá nhỏ nhưng nhìn hai cô gái tôi cũng biết là đẹp. Cả hai chị em đều có
nét lai. Nhưng có thể vì người cha hung dữ, hách dịch quá, mọi người đều ngán
nên chẳng có ai nghĩ đến chuyện tán tỉnh, chinh phục người đẹp?
Tuy
nhiên, quán mụ Liên sau này lại cho vợ bác hớt tóc ở tuốt sau đường Võ Tánh,
Phú Hậu thuê chèn vô để bán bún khô.
Tôi
ăn tô bún thịt nướng lần đầu tiên trong đời phải nói là từ quán mụ Liên.
Ấn
tượng đầu tiên là tô bún thịt nướng quá ngon, đậm đà. Tôi thích nhất là những củ
hành hương chua ngọt, những cọng rau xanh như cải con, rau ngố, sa lách, … lẫn
trong bún.
Khi
chan nước lèo vào, trước khi ăn, tôi trộn đều tô bún. Cảm giác ngon miệng lan
nhanh. Tôi thích thú tận hưởng vị ngon của bún qua thịt bò nướng, hành chua ngọt,
và cảm giác dịu nhẹ khi răng mình nhai đều vị rau xanh một cách ngon lành, thỉnh
thoảng nhai trúng củ hành hương hay củ kiệu chua ngọt thì thích thú làm sao! Tô
bún đã hết lúc nào mà tôi không hay. Nhìn cái tô trống rỗng, lòng hơi tiếc rẽ,
nhưng thôi đành vậy…
Đã gần
nửa thế kỷ trôi qua. Tóc tôi đã đốm bạc, vậy mà kỷ niệm vẫn rạng rỡ trong tôi mỗi
lần trở về chốn xưa.
Tất
cả đều đã không còn. Quán mụ Liên bây giờ đã được thay thế bằng một quán bán cà
phê cốc, không còn mái tranh vách đất mà xây vách, lợp tôn.
Nhìn
qua bên trái, quán cô Tư đã xóa sổ. Bây giờ đã rào chắn. Ngôi nhà bác Thông đã
đổi chủ. Vẫn như ngày nào nhưng cửa đóng, vườn xưa hoang tàn, không người coi
sóc. Tất cả không thấy có dấu vết sinh hoạt.
Chủ
mới mua nhưng vẫn chưa đến ở.
Và …
Bến đò chợ Dinh nay đã vắng bóng người chèo. Một chiếc cầu đã bắc ngang nối dài
bên này với bên kia. Không còn xa vời vợi như ngày xưa, mỗi lần nhìn dòng nước
lạnh lùng. Chiếc cầu nằm sừng sững sát nhà dân xóm Chợ Dinh ở gần. Có lẽ vì để
tiết kiệm tiền bồi thường giải tỏa.
Người
ta đã so sánh chiếc cầu như một ngôi nhà không có sân, không có không gian chứa.
Nó trở nên xơ cứng đến độ vô duyên chưa kể về vấn đề bảo đảm an toàn cho người
dân sống gần cầu. Và … Bến đò chợ Dinh vẫn còn nhưng đã vắng chiếc đò ngày nào
với hình bóng người chèo. Bến đò cũng không còn như ngày xưa. Bến bị thu hẹp lại
nhỏ như con hẽm do người dân hai bên lấn đất bởi lòng tham vô độ.
Tất
cả đều đã không còn!
Rẽ
trái là đường Ôn Như Hầu, con đường tráng nhựa, nhưng đã xuống cấp từ lâu, trước
1975, chẳng chính quyền nào tu sửa. Đây là đường dẫn đến làng Phú Hậu. Địa bàn
rộng lớn, tập trung phần nhiều dân định cư, từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm,
có những trại tập trung gọi là trại tế bần. Người dân làm đủ nghề, nhưng đa số
trồng trọt, nguồn rau trái, hoa của thành phố một phần được cung cấp từ làng
Phú Hậu. Phú Hậu cũng là nơi xuất phát một số thành phần thuộc dạng đặc biệt, dân bán Chợ trời , bọn lưu manh côn đồ. Có
gia đình ông Gái, bán chợ Trời, ở sát ngôi vườn nhà bác Giai.
Một
lần, tôi qua vườn nhà bác Giai hái trái cây, tôi bỗng nghe tiếng bà vợ ông Gái
gọi hai đứa con về ăn cơm:
- L.
C. ơi! về ăn cơm! L. C. ơi! về ăn cơm!.
Tôi
bật cười không ngờ mấy cái từ đó vẫn có người đặt tên để gọi con cái.
Ông
Gái làm nghề bán thuốc quảng cáo tại chợ trời, trước rạp ci né Tân Tân. Ông có
người con trai đầu tuổi đã lớn chã học hành gì, chỉ biết lêu lỏng, cậu này sắm
một bàn quay kẹo kéo, để trên xe đạp, đi bán kẹo rao cùng khắp. Tuy nhiên có một
điều lạ là cậu ta lại kiêm thêm nghề bán ảnh dạo. có một hôm, tôi kêu kẹo kéo
vào để quay số. Quay xong, Trường kéo kẹo trao cho tôi rồi bỗng hỏi:
- Mi
có mua ảnh ni không?
Tôi
tò mò:
- Ảnh
chi rứa mi?
Trường
lôi ra đưa cho tôi một xấp ảnh đen trắng 4x6. Ôi! Nhìn vào, tôi hoảng kinh: thì ra là Trường đang làm
tình với một cô gái mô đó, đủ các kiểu. Khuôn mặt nhăn nhó của cô gái, hai mắt
nhắm tít lúc lên cơn hay miệng hả rộng để lộ cả răng của Trường, tôi đỏ bừng mặt.
Ảnh quá lộ liểu, chẳng có chút chi nghệ
thuật.
Tôi
nói:
-Tau
mua làm chi mấy cái ảnh ni? Ôi! Mà mi tự chụp lấy mi há? Coi chừng! Không chừng
liên lụy?
Trường
nhe răng cười nham nhở: Sợ chi. Sướng lắm mi ơi!
Ngày
đó làm chi có phim ảnh sex phổ biến như bây giờ. Trường muốn có ảnh bán như vậy
nó phải tự biên, tự diễn. Như vậy vốn nó bỏ ra cũng khá bộn. Chưa kể nếu bị bệnh
giang mai thì ôi thôi!
Một
hôm tôi trở về lại Huế, ra Phú Hậu muốn
tìm lại nhà ông Gái, mấy đứa con của ông
nhưng tôi hoài công. Gia đình ông Gái đã bỏ đi sau 1975.
Chẳng
ai hay biết.
Tuy
nhiên đường này, có những ngôi nhà quen thân với gia đình tôi. Gia đình bác
Giai, gia đình ông Cháu điện, ...
Bác
Giai, có một thửa vườn rộng đến cả hecta đất, phía đối diện nhà Bác. Nhờ thửa đất
này, hai bác đã trồng trọt, hoa, trái, nuôi 2 người con trai đi học và là niềm
hy vọng của bác. Ngoài ra bác có một người con trai đầu của người vợ trước, đi
làm xa, tận Nha Trang. Hai người con trai là bạn với hai anh em chúng tôi, anh
Phước, anh Đại.
Phước,
Đại là hai anh em rất vui tính, thường tổ chức các trò chơi như cắm trại, nấu
ăn, đánh trận, mà địa bàn là khu vườn nhà anh và vườn kinh doanh, hoa trái,
phía bên kia đường. Trong vườn nhà của bác Giai, phía trước sân có hai cây trứng
gà, mỗi lần qua chơi, tôi không quên tìm nhặt những trái rụng, có trái chin
trên cây, còn tươi, lột vỏ, nhai rất ngon, vị ngọt của trái lắng vào cổ nghe ngọt
ngọt, béo béo. Ở vườn sau, có hai cây chay, to, sum suê, tõa nhiều cành um tùm.
Mùa ra trái, trĩu nặng, chúng tôi thường leo lên cây, tha hồ hái quả, ăn thoải
mái. Có khi anh Phước tổ chức trại trong vườn, nấu ăn.
Cả bọn
gồm hai anh em tôi (Tuấn, Cự), Thảo, Thú, Phước, Đại. Chúng tôi thường sinh hoạt ngoài trời, tập
tễnh làm người lớn. Nhớ nhất là những lần chia làm hai phe, đánh trận du kích
mà chiến trường là khu vườn nhà bác Giai, đạn để bắn là những cọng ngô bẽ đôi.
Mà rừng lau, sậy là những bụi bắp, chuối,
ổi, sắn để bọn chúng tôi ẩn núp.
Vườn
nhà bác Giai rộng, anh Đại tổ chức sân tập thể thao, luyện tập thể hình, những
quả tạ để cử, cổng pacific để luyện xà đơn, xà kép. Tại sân tập này, chúng tôi
trãi qua nhừng thời khắc luyện tập thể hình, mà những người tham gia hầu như bọn
trẻ các gia đình mấy nhà quanh đây, trong đó có
các anh của tôi.
Ngày
ấy, gia đình nào có một cái radio là sang quá rồi.
Cứ mỗi
chiều thứ ba hàng tuần, tôi không thể nào không qua nhà bác Giai để chờ nghe
Chương trình xổ số kiến thiết Quốc gia, tổ chức tại rạp Quốc Thanh Sài Gòn,
trong đó có chương trình phụ diễn Văn nghệ.
Làm sao quên được bài hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch: “Kiến thiết Quốc
gia giúp đồng bào ta giúp nước giúp nhà mà ta có lời…”
Chính
qua chương trình xổ số kiến thiết chiều thứ ba mà tôi biết được một số nghệ sĩ
nỗi tiếng như Trần Văn trạch, ca sĩ Túy Phượng, ban nhạc AVT, …
Với
Nghệ sĩ Trần Văn Trạch thì không thể nào chê được tài diễn hài của ông. Câu
chuyện “Chuyến xe lửa ngày mông 5” ông kể, vừa buồn cười, vừa rơm rớm nước mắt.
Tuyệt nhất là khi ông diễn tả tiếng xe lửa chạy với âm thanh “A, b, c, k; A, b,
c, k; A, b, c, k; …”, ông phát âm nhanh với một thanh âm nghe y như tiếng xe lửa
đang chạy.
Ôi!
Kỉ niệm thân thương, mới ngày nào. Vậy mà giờ đây cảnh cũ còn đây nhưng người
xưa đâu tá! Hai vợ chồng bác Giai qua đời đã lâu, sau 1975. Anh Đại bị giết
trong khi CS tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Anh Phước đã đi qua Mỹ theo diện HO. Chỉ
còn thằng con trai của anh Đại từ Sài Gòn tìm về, thừa kế.
Vườn
đất bên kia, nó đã bán.
Chỉ
còn lại ngôi nhà ngày nào, bây giờ trở thành nhà thờ hương hỏa.
Sát
vườn nhà Bác Giai là nhà bác Cháu Điện. Bác Cháu có con là anh Hai xe Lam. Gọi
tên như vậy vì ông chạy xe Lam đưa khách từ bến đò Chợ Dinh lên Chợ Đông Ba.
Nhà
anh Hai, sát nhà bác Giai, cách nhau một hàng rào. Nhà của hai cha con có sân
vườn trước và sau. Sân trước sâu ngút. Phía trước nhà có trụ cổng, cửa thường
đóng. Khi cánh cửa mở, Ta thấy có một lối đi lát gạch rộng, giữa sân vườn bát
ngát màu xanh của lá, sắc màu của hoa. Đi hết lối đi, trước mặt là chái,nền
cao, hai trụ vươn lên đỡ lấy mái ngói, lối đi hai bên, mối bên có nhiều bậc cấp.
Mỗi sáng, tôi vẫn thường thấy, bác Cháu điện ngồi uống trà với mấy người bạn
trên đó, dưới chái hiên.
Nói
chung, kết cấu các nhà vườn tại Huế thường theo lối kiến trúc truyền thống. Nhà
có hàng rào già tàu bao quanh, và vườn trước, vườn sau tạo thành một quần thể
màu xanh bao quanh lấy ngôi nhà. Mặt tiền của nhà có hai trụ cổng, với cửa cao,
khép kín. Giữa sân có bể cạn hay bồn cây, hoặc một đỉnh lư to bằng ciment, có
nơi người ta xây một bình phong. Mục đích, cản bớt tầm mắt của khách khi bước
vào gian nhà chính.
Tôi
ít khi nghe cha tôi nói về ông Cháu điện. khi tôi hỏi sao lại gọi là Cháu điện
thì anh tôi nói rằng, vì trước đây ông làm nghề điện. Nhưng với anh Hai thì bản
thân tôi biết nhiều vì ông là chủ hai chiếc xe Lambretta 3 bánh chở khách đi từ
bến đò Chợ Dinh lên chợ Đông Ba và vì tôi đi xe của ông thường xuyên, ngày nào
tôi cũng có cuốc xe lên Chợ Đông Ba rồi
từ đó, tôi đi dọc theo hướng Chợ, ngang qua quán cà phê Phấn, Lạc Sơn, qua cầu
Trường Tiền và đến Đại học Văn khoa Huế.
Có lẽ
anh Hai mua xe giai đoạn ông Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung
ương, chủ trương dùng xe Lam thay thế xe đò. Tôi ở ngay bến đò, mỗi sáng lúc 5
giờ, anh Hai đã bắt đầu cho xe chở khách. Tiếng xe Lambretta rồ máy vào thời điểm
ấy, chỉ có kẻ nào bị đánh thuốc ngủ mới không bị đánh thức. Quanh năm suốt
tháng, anh Hai, không bao giờ có một bửa ăn thoải mái. Ông ăn cơm trên xe để kịp
chở khách. Sáng ngày mồng một tết, lúc 5 giờ, tiếng nổ xe Lam “bành bạch” của
anh Hai đã đánh thức người dân trong xóm, cho dù đã qua một đêm thức trắng đón
Giao thừa.
Cuối
đường Ôn Như Hầu, đi qua các khu dân cư, các bãi rau, làng hoa, nghĩa địa, là bến
đò Doi. Đây là bến đò nhỏ, một khúc sông rất hẹp (nó là một nhánh của sông
Hương, đi qua cầu Gia Hội, tạo thành một nhánh sông lượn lờ từ đường Huỳnh Thúc
Kháng, qua Cầu Đông Ba, chảy về Bao Vinh).
Khách
qua đò thường chỉ mất vài phút là đỗ bến.
Bến
đò Doi trở thành một nơi chốn thân quen của tôi. Làm sao tôi quên được cảm giác
đần ấm cùng chị Chanh sau khi đến Cồn Mồ thắp hương cho mẹ, đã đi thẳng đến bến
đò doi, chờ chuyến đò ngang đưa qua bên kia sông. Ấy là nhà dì Quế. Có khi đứng
trên bến chờ đò, tôi đưa mắt nhìn qua, là vườn sau nhà Dì, dáng dì lưng còm,
đang lom khom bên mấy vạc môn, hay lúi húi cho bầy gà ăn.
Khi
qua nhà, dì bao giờ cũng mở đầu:
-
Răng? bọn mi còn bị đánh nữa không? Và rồi
dì ôm lấy tôi hôn lên má mà nước mắt ràn rụa. Tôi biết dì nhớ mẹ tôi, người em
út bé bỏng của dì đã không còn nữa. Có chăng dì chỉ gặp được trong giấc mơ. Như
tôi đã nhiều lần ban đêm thấy mẹ vẫn đứng tần ngần bên cửa sổ, nhìn tôi nước mắt
ràn rụa trên má. Tôi làm sao quên được cái áo dài nối tay màu nâu mẹ mặc, cái
nón mẹ đội đã rách vành. Có lúc tôi đưa tay muốn ôm mẹ nhưng không được, mẹ
ngoài cửa sổ, mẹ thụt lui dần và biến mất ngoài màn đêm.
Bến
đò Doi soi này đã vắng chiếc đò ngang đưa khách qua về. Ngày ấy, từ thời chiến
tranh, người Mỹ đã xây dựng một cây cầu bắc qua sông, gọi là cầu Mỹ. Từ Phú Hậu,
qua cầu, là đến địa bàn Bao Vinh, từ đây có thể xuối đường, về làng Minh Hương,
một địa danh nỗi tiếng tập trung người Hoa.
Trở
về lại ngôi nhà tôi ở với những người hàng xóm thân thiện. Tôi vẫn không quên,
những ngôi nhà chung quanh cho tôi trải qua thời thơ ấu êm đẹp. Xóm nhà bên kia
hàng rào là mấy ngôi nhà của anh em nhà bác Tri: như bác Tư, bác Thứ, cụ chằng,
bác Cử. Ngoại trừ bác Tri làm nghề mộc, cụ Chằng chèo đò, vợ bán cháo lòng. Các
nhà còn lại đều buôn bán hàng bánh kẹo hay bán đồ gia vị tạp hóa trên chợ.
Mùa
hè ở Huế thường có những trận mưa rào. Mưa xối xã, mưa kèm theo tiếng sấm. Gió
lùa mạnh, đánh ập những cánh cửa sổ.
Và
trong cơn mưa đầy cuồng nộ, tôi không thể quên, nào Tú, nào Thảo, nào Phước,
nào Đại con của mấy nhà lân cận, nhà bác Tri, nhà bác Cử, nhà bác Giai. Chúng
tôi cởi hết áo quần giơ chim tồng ngồng chạy ra mưa. Chúng tôi tắm thoải mái,
sung sướng, hạnh phúc.
Khi
cơn mưa bắt đầu nhỏ hạt dần, âm thanh tiếng mưa nhẹ êm, chúng tôi dùng những
con nhựa, được dồn từ những lần ăn kẹo que như con voi, con cá, con chim, chiếc
tàu, … cả bọn chúng tôi chạy ra cống ở đường Chi Lăng trước nhà, nước đang chảy
cuồn cuộn trong đó. Mỗi đứa mỗi con nhựa, bắt đầu thả xuống, đứa nào cũng chạy
theo để xem con nhựa đứa nào về trước. Sung sướng biết bao nhiêu khi một trong
mấy đứa nhảy cởn lên vì con nhựa của mình về đầu, bất chấp mình mẫy ướt đẫm,
tóc rớt xuống trán, mắt ràn rụa nước ... trời mà miệng vẫn cười khúc khích.
Chiếc
cầu đưa tôi về với các bạn cùng xóm, đã quá lâu rồi, trên nửa thế kỷ, một trong
những khuôn mặt tuổi thơ ấy, sáng rực chân dung Thảo.
Thảo
đẹp trai, thông minh, học giỏi, khéo tay làm bất kỳ việc gì cũng thành công. Thảo
là con trai độc nhất, con bác Tri. Thảo có hai bà chị đầy yêu thương, một bà mẹ
hiền lành và người cha tần tảo làm nghề mộc.
Nhớ
Thảo những mùa xuân vui vẻ đi nhặt pháo rơi, những đêm ngồi đổ xăm hường say
máu. Bàn tay Thảo như có phép màu. Có người đổ ra ngủ hường lượm luôn ba trạng
nhưng vẫn bị Thảo tung hột thả xuống tô, và thật kinh ngạc, 5 con tứ mặt tam
trong khi người đổ trước lại 5 con tứ mặt nhì. Thảo cướp luôn 3 trạng.
Bàn
tay Thảo như có năng lực kỳ diệu. Thảo vẻ thủ công luôn điểm đầu và tất cả cá
môn học Thảo hầu như không thua bạn nào.
Nhớ
Thảo là nhớ về tuổi thơ yêu thương, những ngày chúng ta bên nhau chơi đùa vui vẻ
bạn ơi!...
Chúng
ta lớn lên, học các lớp cao, Thảo thi đổ tú tài bán ban B, rồi tú tài toàn. Thảo
đều đổ cao hạng bình, bình thứ.
Tương
lai của Thảo, chân trời đang mở rộng trước mắt. Thảo có thể chọn bất cứ một đại
học nào để học, kể cả những đại học khó vào ngày ấy như Kỹ sư Phú Thọ hay Y
khoa, …
Nhưng
Thảo đã chọn con đường binh nghiệp, Đại học Võ bị Đà Lạt.
Năm
cuối cùng Thảo được phân công đi gác thùng phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống
trên cao nguyên Đà Lạt, và Thảo đã nằm xuống khi bị đạn pháo kích.
Nhớ
về Thảo là nhớ về một sự hoàn mỹ, một vẻ đẹp từ tinh thần đến thể xác.
Vẻ đẹp
ấy như một vì sao rơi rụng quá sớm.
Và
hình như tôi cảm nhận được điều ấy như một chân lý: Người ta thường bảo người
tài hoa thường bạc mệnh.
Kỉ
niệm…như ánh sáng của ngọn nến, lung linh, lay động đẩy ý thức tôi đi đến những
bờ bến xa. Ở đó là ngày, là đêm, là những nơi chốn thân thương.
Tuổi
13 của tôi là những đêm thao thức, với những hình ảnh gợi dục, những tấm ảnh mà
Trường đưa xem, là bức tranh khỏa thân sống mà một lần tôi chiêm ngưỡng khi đi
ngang qua cửa sổ sát hàng rào nhà bác Sáu.
Đó
là những đợt sóng nhỏ lăn tăn âm ĩ mà sức tàn phá không kém phần mãnh liệt.
Tâm
hồn tôi, giòng ý thức phẳng lặng, chuyển biến nhẹ nhàng mà những giấc mơ là sự
khao khát trá hình, cho đến khi, giữa đêm khuya, âm thanh tiếng kinh cầu xen lẫn
tiếng chuông, mõ từ ngôi nhà vườn bác Dẫn
vườn sát Chợ Dinh thẩm thấu vào từng tế bào và,…