Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Thời sự y học số 395 – BS Nguyễn Văn Thịnh

1/ TOXINE BOTULINIQUE : NGÔI SAO SÁNG CỦA THẦN KINH HỌC.
                        Phân tử này, độc ở liều cao, được sử dụng chống lại 50 căn bệnh.
MUSCLES. ” Toxine botulinique trong thần kinh học là loại thuốc có tỷ suất hiệu quả/những tác dụng không mong muốn tốt nhất”, GS Pierre Krystkowiak, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh ở CHU d’Amiens, đã nhấn mạnh như vậy. Thật vậy, sự sử dụng an toàn liên kết với những ích lợi to lớn là lý do chính của sự thành công của loại thuốc này, mà những chỉ định mới được xét đến mỗi năm. Những giấy phép thương mãi hóa đầu tiên, được cấp ngay cuối những năm 1970, đã cho phép sử dụng toxine botulinique (hay botulique) để điều trị những co thắt là nguyên nhân của chứng lác (strabisme), torticolis hay sự co quắp của mặt (crispation du visage), ngay trước khi những áp dụng thẩm mỹ làm cho nó được biết đến.Hôm nay, nó được sử dụng trong rất nhiều chỉ định y khoa, chủ yếu trong thần kinh học và trong y khoa tiêu hóa.
Toxine botulinique là một độc tố thần kinh (neurotoxine), mạnh nhất từng được nhận diện, do một vi khuẩn sản xuất, Clostridium botulinum. Độc tố này ức chế sự phóng thích của acétylcholine, cần thiết cho sự co cơ. Hiện diện với số lượng lớn trong cơ thể, nó gây một sự yếu cơ toàn thể, có thể lan đến các cơ cần thiết cho sự hô hấp. Vậy một hỗ trợ hô hấp phải được thiết đặt trong những trường hợp nặng nhất. Một kháng độc tố cũng có thể được sử dụng ở người trưởng thành. Trong tất cả các trường hợp, thời kỳ dưỡng bệnh kéo dài nhiều tuần : thời gian cần thiết để có thể phá hủy độc tố. Bệnh botulisme hiếm ở Pháp : dưới 10 trường hợp và dưới một trường hợp tử vong do botulisme mỗi năm. Thật vậy toxine botulinique là yếu ớt : nó dễ bị phá hủy bởi nhiệt và oxygène, điều này giải thích rằng đa số các trường hợp botulisme do nhiễm trùng-nhiễm độc thức ăn là vì những đồ hộp không được tiệt trùng và bị ăn lạnh.
Sự sử dụng một độc tố mạnh như thế tất nhiên gây nên một vài lo ngại ở những bệnh nhân mà điều trị này được đề nghị. Tuy nhiên hàng triệu mũi toxine botulinique được thực hiện và được lặp lại mỗi năm vì những lý do thẩm mỹ : chống những nếp nhăn chiếm tỷ lệ sử dụng lớn nhất của toxine botulinique. Nó cũng được sử dụng ở những trẻ em. Thật vậy, trong đại đa số các trường hợp, những tác dụng phụ rất hiếm,không nghiêm trọng chút nào, và chúng tan biến một cách tự nhiên khi cơ thể loại bỏ dần dần độc tố. Thường nhất những tác dụng phụ được liên kết với một liều độc tố quá mạnh hay do chích vào nơi không không đúng. Các thầy thuốc sử dụng siêu âm và đo sự co cơ để hướng dẫn và thích ứng động tác của họ.
Thần kinh học là lãnh vực áp dụng đầu tiên của toxine botulinique bởi vì nó cho phép chống lại tình trạng tăng hoạt cơ (hyperactivité musculaire), gây nên bởi nhiều thương tổn thần kinh-cơ liên kết với một chấn thương sọ, một tai biến mạch máu não hay những bệnh lý thần kinh như spina bifida (sự phát triển không hoàn toàn của cột sống) hay bệnh xơ cứng rải rác (một bệnh tự miễn dịch mãn tính làm thương tổn hệ thần kinh trung ương). Các cơ co lại và không đáp ứng với chỉ huy thần kinh (commande neurologique), ngăn cản bước hay sự vận hành chức năng của các bàn tay mà nhiên hậu đưa đến một sự co rút của các cơ và gây đau quan trọng. Toxine cho phép làm giãn các cơ để ngăn ngừa những co rút này và ngay cả tái phục hồi chức năng. ” Cơ giãn có thể học hoạt động trở lại với cơ đối kháng nó, với những tác dụng thần kinh liên kết với độc tố. Thật vậy nó cho phép cải thiện tính dẻo của cơ (plasticité musculaire) và tế bào thần kinh, nhất là khi ta kết hợp một phục hồi chức năng và tự phục hồi chức năng (autorééducation) “, GS Djamel Bensmail, chuyên khoa y khoa vật lý và phục hồi chức năng thuộc bệnh viện Raymond-Poincaré (Garches) đã xác nhận như vậy.
Khi loạn trương lực (dystonie) lan tỏa, không thể tiêm toxine vào trong các cơ bị thương tổn. Khi đó mỗi bệnh nhân sẽ phải quyết định với thầy thuốc của mình những vùng phải điều trị ưu tiên để tìm lại một sự thoải mái nào đó (giãn các bàn tay, giảm đau) hay vài chức năng, bước và/hoặc cầm nắm. Nhiều chức năng bị ảnh hưởng bởi những thương tổn thần kinh có thể được cải thiện bởi toxine botulinique : nuốt, tháo nước tiểu bàng quang, tiết nước bọt..
Vì lẽ được bài tiết bởi cơ thể, các mũi tiêm phải được lập lại đều đặn, mỗi 6 tháng đến một năm đối với loại những chỉ định này. Đối với các bệnh nhân, đó là cơ hội để sữa cho đúng những mục tiêu của họ tùy theo sự cải thiện của các triệu chứng và sự tiến triển của thương tổn thần kinh trong trường hợp những bệnh thoái hóa.
Nếu những thầy thuốc thần kinh đã là những người đầu tiên đề nghị sử dụng toxine botulinique đối với những rối loạn khác nhau này và nhận giấy phép thương mãi hóa đối với những chỉ định này, những áp dụng của nó từ nay mở rộng đến những lãnh vực khác.
(LE FIGARO 9/11/2016)
2/ TOXINE BOTULINIQUE CŨNG LÀM MỀM CÁC CƠ CỦA ỐNG TIÊU HÓA.
Toxine botulinique có thể được sử dụng trên nhiều cơ của ống tiêu hóa, mà chức năng của các cơ này là làm thực hoàn (bol alimentaire) tiến lên từ miệng đến hậu môn theo một nhịp cho phép tiêu hóa thức ăn và lựa chọn những yếu tố cấu thành nó. Toxine botulinique được sử dụng để điều trị bệnh són tiểu do một sự thiếu đồng bộ giữa cơ vòng niệu đạo (sphincter urétral) và sự co bàng quang hay do một tăng hoạt của cơ bàng quang.
Toxine bolulinique làm ngừng những co bóp của bàng quang, khi đó phải được tháo với một ống sonde tiểu, một động tác mà nhiều bệnh nhân bị những bệnh lý thần kinh đã phải chịu. ” Đó là một rối loạn thường gặp ở loại những bệnh nhân này nhưng vài dây thần kinh của bàng quang có thể bị biến thái và gây nên cùng những triệu chứng ở những người trên 75 tuổi, đàn ông và đàn bà”, GS Alain Ruffion, thầy thuốc chuyên niệu khoa ở hopital Sud de Lyon, đã chỉ rõ như vậy. ” Ngoài ra có thể bàng quang bị cáo buộc nhầm ở nhiều người đàn ông trong khi họ chỉ bị bàng quang tăng hoạt (vessie hyperactive), một rối loạn không dành cho phụ nữ.” Trong trường hợp này, những liều được sử dụng phải được giảm để cho phép bàng quàng co lại và tránh mọi nguy cơ ứ nước tiểu trong bàng quang khi sự tự thông tiểu (autosondage) không thể xét đến. Điều trị phải được lặp lại mỗi 3 đến 6 tháng.
Đối với những áp dụng tiêu hóa khác, phí tổn để có được một AMM (autorisation de mise sur le marché) để điều trị những căn bệnh quá ít gặp làm lùi bước các nhà công nghiệp. Tuy nhiên toxine được sử dụng không AMM, dưới sự kiểm soát của các chuyên gia không muốn bị tước mất một công cụ mà lợi ích được chứng minh bởi nhiều tài liệu xuất bản. ” Thí dụ, chúng ta có thể làm đỡ đau một cách nhanh chóng và dài lâu, những bệnh nhân bị co thắt đau đớn thực quản (spasme douloureux để l’oesophage), đối với họ chúng ta chỉ có những giải pháp ngoại khoa”, GS Véronique Vitton, thầy thuốc chuyên khoa tiêu hóa thuộc bệnh viện Bắc Marseille đã nhấn mạnh như vậy. Toxine botulinique cũng được sử dụng trên các cơ của thực quản trong trường hợp achalasie và trên cơ vòng môn vị (sphincter pylorique), ở đáy dạ dày. Hôm nay những áp dụng này ít thường gặp hơn bởi vì những kỹ thuật nội soi mới, dài lâu hơn, từ nay có sẵn để sử dụng.
ĐIỀU TRỊ CHỨNG BÉO PHÌ.
Toxine botulinique cũng được sử dụng để điều trị bệnh nứt hậu môn (fissure anale) kéo dài, với điều kiện cơ vòng hậu môn trong trạng thái tốt. Toxine botulinique cũng hữu ích trong trường hợp bón do những rối loạn thải hoặc khi sự chỉ huy của cơ vòng bị biến đổi, cùng với một phục hồi chức năng. Những thử nghiệm được thực hiện để điều trị chứng són ỉa (incontinence fécale) liên kết với một trực tràng tăng trương lực (rectum hypertonique). ” Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một mũi tiêm để giúp bệnh nhân trở lại, GS Vitton đã xác nhận như vậy. Nếu không, những mũi tiêm phải được lập lại mỗi 8 đến 9 tháng.”
Những áp dụng mới trong lãnh vực đường tiểu và tiêu hóa được dự kiến. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát, rồi từ bỏ sự sử dụng toxine botulinique trong phì đại tuyến tiền liệt. Một équipe de Montpellier hôm nay nghiên cứu lợi ích của nó trong điều trị chứng béo phì bằng cách tiêm toxine vào trong dạ dày.
(LE FIGARO 9/11/2016)
3/ NHỮNG TÁC DỤNG CHỐNG LẠI CHỨNG RA M HÔI VÀ SỰ TĂNG TIẾT NƯỚC BỌT.
Toxine botulique phong bế sự dẫn truyền acétylcholine, có liên quan trong sự điều hòa thần kinh của sự sản xuất mồ hôi và nước dãi. Vậy nó có vai trò trong điều trị chống lại chứng ra nhiều mồ hôi (hyperhidrose) và chứng tăng tiết nước bọt (hypersialorrhée).
Được tiêm vào trong lòng bàn chân, lòng bàn tay hay dưới nách, toxine botulinique làm giảm bớt sự chảy mồ hôi trong nhiều tháng và phải được lập lại với những khoảng thời gian ngày càng dài bởi vì nó ức chế sự mọc trở lại của sợi trục (repousse axonale). Cũng vậy, toxine có thể được tiêm vào trong tuyến mang tai (glande parotide), chịu trách nhiệm sự sản xuất nước dãi, để kiểm soát một cách dài lâu sự tăng tiết nước bọt ở những bệnh nhân bị vài bệnh lý thần kinh.
Những sản phẩm khác nhau được dùng ở Pháp, dầu dành cho sử dụng thẩm mỹ hay không, tất cả đều có tính hiệu quả tương đương. Hai chống chỉ định thật sự của toxine botulinique là thai nghén (do thận trọng), và bệnh nhược cơ (myasthénie). Đôi khi toxine phân tán ra ngoài vùng được nhắm đến, với những tác dụng không được mong muốn, nhưng biến đi trong vài tháng. Trong những trường hợp rất hiếm, toxine phân tán khắp cơ thể, gây một botulisme expérimental. Sau cùng, vài bệnh nhân dường như thụ đắc một sự dung nạp (tolérance) đối với toxine botulinique, khi đó mất tính hiệu quả của nó. Tình trạng allo-immunisation này là hiếm và thường bị chẩn đoán nhầm sau một mũi tiêm được thực hiện không đúng. Nó phải được kiểm tra bởi một mũi tiêm trong một nếp nhăn ở trán : sự dung nạp được xác nhận nếu nó không biến mất.Những sử dụng trong lãnh vực thẩm mỹ của toxine botulinique chiếm phần lớn nhất của doanh thu ở Pháp. Nó được sử dụng để làm giãn các cơ của trán và ngoài mắt để làm giảm những vết nhăn của phần cao của mặt. ” Sự đến của toxine botulinique đã làm biến mất lifting của trán ra khỏi thực hành của chúng ta từ 10 năm nay”, Sydney Ohana, chirurgien plastique đã nhấn mạnh như vậy. Toxine botulinique không được sử dụng đối với phần dưới của mặt nhưng nó cũng cho phép làm giãn các cơ của cổ để làm giảm bớt cou de dindon (cái cổ của gà tây)
(LE FIGARO 9/11/2016)
4/ SỰ TĂNG TIẾT NƯỚC BỌT : NHỮNG HY VỌNG CỦA MỘT ĐIỀU TRỊ BẰNG RADIOTHERAPIE.
BS Avi Assouline, radiothérapeute-oncologue của Centre clinique de la porte de Saint-Cloud và BS Pierre-François Pradat, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh, chercheur en neurosciences của bệnh viện la Pitié-Salpetrière, giải thích như thế nào, trong vài trường hợp, những liều bức xạ thấp đã giảm bớt phế tật này.
Hỏi : Sự công bố của một công trình nghiên cứu, được tiến hành trong đơn vị của ông ở bệnh viện la Pitié-Salpêtrière, thời sự hóa chủ đề mà ta ít nói này. Rối loạn này được biểu hiện như thế nào ?
BS Pierre-François Pradat : Đó là một sự ứ trệ của nước bọt bởi vì các bệnh nhân nuốt nó ít tốt hơn : Thật ra đó là một vấn đề nuốt. Mỗi ngày ta nuốt khoảng 1 lít rưởi mà ta không nhận thức điều đó, và ta cần đến nó. Không có nó, ta phát triển những bệnh nấm (mycoses) và những nhiễm trùng miệng khác.
Hỏi : Những nguyên nhân là gì ?
BS Pierre-François Pradat : Chủ yếu những bệnh gây trở ngại một hoạt động tốt của các cơ nuốt : chủ yếu những bệnh lý thoái hóa thần kinh như sclérose latérale amyotrophique, bệnh Parkinson hay những di chứng của tai biến mạch máu não, của chấn thương sọ (tất cả có thể gây nên những thương tổn của những dây than kinh vận động trong thân não).
Hỏi : Những rối loạn nuốt này có gây nên những phế tật quan trọng không ?
BS Pierre-François Pradat : Nhiều thể trầm trọng hiện hữu, đi từ một giai đoạn tăng tiết nước bọt vừa phải đến giai đoạn chảy nước dãi liên tục. Do sự kiện này, có những bất tiện khác nhau. Trong những trường hợp nặng, những tăng tiết nước bọt này gây nên một phế tật rất quan trọng của đời sống xã hội bởi vì chúng gây nên ở những người bị bệnh một cảm giác hổ thẹn khiến họ tự cô lập. Thậm chí dẫn đến một bệnh trầm cảm.
Hỏi : Cho đến nay, ta điều trị tình trạng ứ nước dãi này như thế nào ?
BS Pierre-François Pradat : Ta cho những loại thuốc (trong đó có atropine, nhằm làm giảm sự sản xuất nước bọt) hay những mũi tiêm toxine botulique trong các tuyến nước bọt. Thuốc, ít hiệu quả, không phải là không có những tác dụng phụ, như vài trường hợp khó đọc hay một hội chứng lú lẫn ở những người già. Những kết quả của toxine botulique thay đổi theo kinh nghiệm của thầy thuốc thực hành
Hỏi : Ý tưởng sử dụng radiothérapie để điều trị nảy sinh như thế nào ?
BS Avi Assouline : Lúc đầu, ý tưởng này xuất phát từ sự chứng thực những tác dụng phụ của phóng xạ liệu pháp, được cho để điều trị những ung thư tai mũi họng : sự khô miệng. Ta đã nghĩ rằng với những liều bức xạ yếu hơn nhiều, ta có thể làm giảm sự tiết quá mức ở những bệnh nhân bị chứng tăng tiết nước bọt rất nặng, như những bệnh nhân bị một bệnh thần kinh tiến triển : sclérose latérale amyotrophique.
Hỏi : Protocole nào đã được hiệu chính ?
BS Avi Assouline : Protocole nhằm bức xạ những tuyến nước bọt chính trong hai hay bốn buổi khoảng 10 phút, với những liều ít quan trọng hơn nhiều so với những liều được cho trong ung thư học.
Hỏi : Những kết quả nào của công trình nghiên cứu của ông, được công bố trong “International Journal of Radiation Oncology” ?
BS Avi Assouline : Công trình đã được thực hiện ở 50 bệnh nhân, được tuyển mộ ở bệnh viện là Pitié-Salpetrière, tất cả đều bị sclérose latérale amyotrophique và có một tăng tiết nước bọt nặng. Tùy theo trường hợp, những bệnh nhân này đã được điều trị bằng hai hay bốn buổi bức xạ liệu pháp, rồi được theo dõi từng chu kỳ sau một, ba và sáu tháng. Tất cả đã được một sự cải thiện tức thì. Ở 37 bệnh nhân, tác dụng có lợi được duy trì ở 6 tháng bức xạ liệu pháp.
Hỏi : Những tác dụng phụ được biểu hiện như thế nào ?
BS Avi Assouline : Những tác dụng phụ đã tỏ ra vừa phải và luôn luôn tạm thời. Vào cuối điều trị, 3 bệnh nhân kêu khô miệng. 4 bệnh nhân cảm thấy đau nhẹ ở miệng, ba bệnh nhân khác cảm thấy nước dãi đặc và khẩu vị bị biến đổi. Sau 6 tháng, những tác dụng phụ này đã biến mất, ngoại trừ ở một bệnh nhân có nước dãi đặc hơn.
Hỏi : Giai đoạn sắp đến sẽ là gì ?
BS Pierre-François Pradat : Chúng tôi đang tiếp xúc với những trung tâm ở châu Âu và ở Hoa Kỳ để tiến hành một công trình nghiên cứu quốc tế.
(LE FIGARO 9/11/2016)
5/ MỘT IMPLANT ĐỂ PHÒNG NGỪA BỆNH ALZHEIMER
Những tế bào được đóng nang (encapsulé) sản xuất những kháng thể trong nhiều tháng ở chuột.
NEUROLOGIE. Trong tương lai, những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có lẽ sẽ mang một implant dưới da với mục đích phòng ngừa. Thật vậy, một kíp của Trường bách khoa liên bang của Lausane, Thụy Sĩ, đã trình bày những kết quả đáng phấn khởi, ít nhất ở chuột.Implant gồm có những tế bào được biến đổi về mặt di truyền để sản xuất những kháng thể và được cất giấu trong một nang (capsule). Được tiêm dưới da, implant phóng thích những kháng thể trong nhiều tháng. Những kháng thể này đi đến não, ở đó chúng tập trung vào amyloide bêta, protéine não bất thường ngưng kết thành những mảng ở các bệnh nhân. Thế mà sự tích tụ này dẫn đến sự thoái hóa của các neurone, nguồn gốc của các triệu chứng (mất trí nhớ, mất định hướng, những rối loạn hành vi…). ” Trong sự chứng minh tính khả thi này, chúng tôi cho thấy rằng các kháng thể, được sản xuất bởi hệ thống này, đi vào trong não và liên kết với những plaques amyloides “, Bernard Schneider, đồng tác giả của công trình nghiên cứu đã xác nhận như vậy. Khi đó hệ miễn dịch của não dọn sạch những amyloide bêta, giảm rất nhiều. Các mảng amyloide thoái triển. Còn hơn thế nữa, bệnh lý không phát khởi trong hippocampe, cấu trúc đầu tiên thường bị thương tổn. Các nhà nghiên cứu hy vọng hiệu chính một kỹ thuật có thể sử dụng ở người từ nay đến 5-10 năm nữa.
(SCIENCES ET AVENIR 4/2016)
6/ LYMPHOME : TÍNH HIỆU QUẢ CỦA MỘT ĐIỀU TRỊ MỚI
GS Catherine Thieblemont, trưởng khoa huyết học-ung thư của bệnh viện Saint-Louis, Paris, giải thích tác dụng của một liệu pháp nhắm đích chống lại bệnh leucémie lymphoide chronique.
Hỏi : Những đặc điểm của những ung thư bạch huyết (cancer lymphatique) là gì ?
GS Catherine Thieblemont. Các ung thư của các hạch hay lymphome, phát triển từ những tế bào lympho (lymphocytes). Ta liệt kê khoảng 10.000 đến 12.000 trường hợp mỗi năm. Trong số chúng, leucémie lymphoide chronique (LLC) chiếm 3000 trường hợp mới mỗi nam.
Hỏi : Những triệu chứng nào khiến nghi ngờ sự phát triển của một Leucémie lymphoide chronique ?
GS Catherine Thieblemont. Ta nghi ngờ nó khi các hạch xuất hiện ở cổ, dưới cánh tay hay ở bẹn, liên kết với một sự gia tăng của số lượng các bạch cầu (bilan máu). Mệt nhiều, ra mồ hôi đêm, sốt cũng có thể hiện diện. Dạng ung thư này thường xảy ra nhất ở những người trên 65 tuổi.
Hỏi : Ta có được một chẩn đoán xác định như thế nào ?
GS Catherine Thieblemont. Chẩn đoán được xác lập với phân tích những tế bào lympho nhờ thử máu.
Hỏi : Có một tố bẩm gia đình trong sự xuất hiện của các lymphome không ?
GS Catherine Thieblemont. Trong trường hợp của leucémie lymphoide chronique, dường như hiện hữu một tố bẩm gia đình với một nguy cơ gấp ba nếu một thành viên trong gia đình bị bệnh. Với những loại khác, ta nghi một liên hệ với vài tác nhân vi trùng (thí dụ Helicobacter pylori đối với vài lymphome của dạ dày).
Hỏi : Một Leucémie lymphoide chronique tiến triển như thế nào ?
GS Caterine Thieblemont. Điều đó biến thiên. Ở vài bệnh nhân, bệnh tiến triển trong vài tháng ; ở những bệnh nhân khác, trong nhiều năm. Ở giai đoạn nghiêm trọng nhất, tủy xương bị xâm chiếm, kích thước của các hạch gia tăng và các máu tụ (hématome) có thể xuất hiện. Bệnh nhân khó thở, thiếu máu.
Hỏi : Điều trị quy ước là gì ?
GS Caterine Thieblemont. Thầy thuốc huyết học căn cứ trên số lượng của các hạch bạch huyết bị thương tổn và tỷ lệ những tế bào lympho. Protocole cổ điển dựa trên một miễn dịch liệu pháp (immunothérapie). Mục đích của hóa trị là gây nên sự chết của những tế bào ung thư ; mục đích của miễn dich liệu pháp (với một anticorps monoclonal) là nhận biết, trên bề mặt của màng tế bào, một protéine làm gia tăng tính hiệu quả của hóa trị. Điều trị này (cyclophosphamide, fludarabine và rituximab) được tiêm truyền.
Hỏi : Ta được những kết quả nào ?
GS Catherine Thieblemont. Protocole này cho phép một sự thuyên giảm ở khoảng 70% những bệnh nhân. Bất hạnh thay những tái phát là không thể tránh được.
Hỏi : Bà hãy nói cho chúng tôi về điều trị mới mang hy vọng ?
GS Catherine Thieblemont. Thuốc là một chất ức chế tyrosine kinase. Tác dụng của nó khác với hóa trị bởi vì nó tác động ngay bên trong tế bào ung thư.
Hỏi : Bằng cách nào ?
GS Catherine Thieblemont. Bằng cách làm ngừng tín hiệu sống sót (signal de survie) mà tế bào ác tính nhận được nhờ thụ thể B nằm trên lớp vỏ của nó. Tín hiệu này, một khi vào được bên trong tế bào, được làm lan tràn bởi những enzyme được gọi là “kinase”. Thuốc ức chế (inhibiteur) làm gián đoạn tín hiệu này, như thế gây nên sự chết tế bào. Đó là một điều trị bằng đường miệng (3 đến 4 viên mỗi ngày), ít độc hơn hóa trị.
Hỏi : Có những tác dụng phụ không ?
GS Catherine Thieblemont. Điều trị được dung nạp rất tốt.Ta đã ghi nhận một cách ngoại lệ những trường hợp ỉa chảy và máu tụ tạm thời.
Hỏi : Những công trình nghiên cứu có chứng tỏ tính hiệu quả của nó không ?
GS Catherine Thieblemont. Hai công trình nghiên cứu đã được thực hiện. Công trình thứ nhất đã được tiến hành trên 391 bệnh nhân bị leucémie lymphoide chronique. Ta đã so sánh thuốc mới với điều trị quy ước. Những kết quả đã chỉ thuốc mới có tính hiệu quả rõ rệt tốt hơn với một tỷ lệ cải thiện 85% so với 25%, điều này thể hiện một sự giảm 78% nguy cơ tiến triển của bệnh. Công trình nghiên cứu thứ hai đã được thực hiện trên 111 bệnh nhân bị “lymphome à cellules du manteau”. Thuốc mới đã cho phép có được tỷ lệ cải thiện 68% ở những bệnh nhân đã được điều trị, những kết quả được cho là tốt.
Hỏi : Sự nghiên cứu để đạt đến một sự chữa lành đến đâu rồi ?
GS Catherine Thieblemont. Một thuốc ức chế của một kinase khác vừa mới được giấy phép thương mãi hóa. Những công trình nghiên cứu khác nhau đang được thực hiện với những thuốc khác cũng nhắm vào những kinase khác và những thuốc biến đổi vi môi trường của tế bào ung thư.
(PARIS MATCH 31/12/2014-7/1/2015)
7/ THUỐC KHÁNG VIÊM VÀ TUỔI THỌCác nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Nga (Buck Institute de Novato, Californie, đại hoc Moscou…), chuyên môn về quá trình lão hóa, đã trắc nghiệm trên ba loài sinh vật (nấm men, giun và mouche drosophile) những tác dụng phụ của một lượng nhỏ của một thuốc kháng viêm : ibuprofène. Sự dùng ibuprofène này đã kéo dài 17 % đời sống của các nấm men và 10% đời sống của hai loài khác (thể hiện sống thêm 12 năm ở người). Cơ chế giải thích liên quan đến sự ức chế của một protéine có nhiệm vụ vận chuyển một acide aminé, tryptophane, trong các tế bào. Ibuprofène, do làm giảm 15%, nồng độ của nó nên làm chậm lại chu kỳ phân chia tế bào của chúng, vì vậy sống lâu hơn. Điều đó cũng có thể xảy ra ở người chăng ? Sự kiện ibuprofène tác động cùng cách trong 3 sinh vật khác nhau là thuận lợi cho một cơ chế phổ quát. Ta chờ đợi những công trình bổ sung.
(PARIS MACH 31/12/2014-7/1/2015)
8/ LEUCEMIE LYMPHOIDE CHRONIQUE : MỘT ĐIỀU TRỊ HỨA HẸN
BS Loic Ysebaert, thầy thuốc chuyên khoa huyết học thuộc Institut universitaire du cancer de Toulouse-Oncopole, trình bày những kết quả đáng phấn khởi của một chiến lược điều trị mới đối với những leucémie tái phát này.Hỏi : Những dạng khác nhau của leucémie là gì ?
BS Loic Ysebaert : Một leucémie là do một sự gia tăng bất thường của số lượng các bạch cầu trong máu. Chúng xuất phát hoặc từ tủy xương và ta nói là leucémie aigue ; hoặc từ các hạch bạch huyết và lách và khi đó ta nói là lymphome. Những tế bào ung thư của lymphome có tiến triển chậm hoặc nhanh. Leucémie lymphoide chronique (LLC) là lymphome không đau thường gặp nhất.
Hỏi : Những triệu chứng có thể báo động không ?
BS Loic Ysebaert : Nói chung ta khám phá chúng một cách tình cờ. Triệu chứng duy nhất khiến đi khám là mệt không giải thích được. 5% có nguồn gốc gia đình. Tuổi cũng can thiệp trong sự xuất hiện của những ung thư không đau này, được chẩn đoán một trường hợp trên hai sau 70 tuổi.
Hỏi : Căn bệnh được biểu hiện như thế nào ?
BS Loic Ysebaert : Leucémie lymphoide chronique có liên quan đến hệ miễn dịch, vậy có một nguy cơ gia tăng bị nhiễm trùng, thiếu máu và, liên kết với một sự giảm của các tiểu cầu, nguy cơ xuất huyết. Những biến chứng cần phải sợ khi lá lách và các hạch bạch huyết to lên : đau, rối loạn tiêu hóa, ăn mất ngon…Nguy hiểm lớn, đó là một nhiễm trùng nặng có thể, nếu không được điều trị, dẫn đến tử vong.
Hỏi : Hôm nay điều trị quy ước của leucémie lymphoide chronique là điều trị nào ?
BS Loic Ysebaert : Điều trị dựa trên một phối hợp thuốc : hóa trị, có bất tiện là phá hủy những tế bào lành mạnh, và một kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonal), chỉ tấn công những tế bào ung thư. Đó là một liệu pháp nhắm đích (thérapie ciblée).
Hỏi : Với protocole này, những kết quả là gì ?
BS Loic Ysebaert : Tỷ lệ đáp ứng rất tốt lúc bắt đầu. Bất hạnh thay, những tái phát rất thường gặp. Khi đó ta buộc cho một hóa trị mới, thường được liên kết với cùng kháng thể đơn dòng. Nhưng thời gian thuyên giảm và chất lượng sống của bệnh nhân giảm với mỗi điều trị mới. Vậy vấn đề là sự xuất hiện một tái phát.
Hỏi : Ông hãy nói cho chúng tôi điều trị mới được hiệu chính đối với những tái phát này ?
BS Loic Ysebaert : Đó là một chất ức chế men (inhibiteur enzymatique), idelalisib, tác động vào bên trong của chính tế bào ung thư và ức chế sự tăng sinh và sống còn của nó. Điều trị được thực hiện bằng đường miệng.
Hỏi : Đối với những trường hợp tái phát này, công trình nghiên cứu nào đã có thể chứng minh một tính hiệu quả tốt hơn của idelalisib so với những liệu pháp hiện nay ?
BS Loic Ysebaert : Trước hết loại thuốc này chỉ đã được trắc nghiệm trong một công trình nghiên cứu mà ta đã quan sát thấy những thuyên giảm chất lượng tốt. Một công trình nghiên cứu khác, trong đó idelalisib đã được phối hợp với một kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonal), đã cho phép có được những thuyên giảm còn lâu hơn với một chất lượng sống tốt hơn nhiều. Vấn đề còn lại là chứng minh tính hiệu quả của thuốc mới này khi phối hợp một hóa trị với kháng thể đơn dòng.
Hỏi : Tam liệu pháp (trithérapie) này phải chăng đã đưa đến một công trình nghiên cứu rộng lớn để xác nhận mối hy vọng này?
BS Loic Ysebaert : Vâng, một công trình nghiên cứu quốc tế đã được thực hiện trong 19 nước trên những bệnh nhân bị tái phát nặng, xuất hiện chưa đầy 3 năm sau lần điều trị sau cùng của họ. Ở Pháp, 10 trung tâm, trong đó có trung tâm của chúng tôi ở Toulouse, đã tham gia vào công trình này, en double aveugle và kéo dài 3 năm : 207 bệnh nhân đã nhận tam liệu pháp, 209 bithérapie hay một placebo.
Hỏi : Những kết quả có đáp ứng với mong chờ không ?
BS Loic Ysebaert : Những kết quả rất thỏa mãn. Ở những bệnh nhân đã nhận tam liệu pháp với idelalisib, thời gian thuyên giảm đã tăng gấp đôi ! Tiêu chuẩn này là quan trọng nhất vì lẽ nó chứng minh tính hiệu quả của thuốc ức chế phối hợp. Những kết quả cũng cho thấy một sự giảm hơn một nửa của kích thước của các hạch và của lách ở 96% những bệnh nhân.
Hỏi : Với tam liệu pháp này, những tác dụng phụ là gì ?
BS Loic Ysebaert : Giảm số lượng bạch cầu, ỉa chảy, nôn do hóa trị. Cần theo dõi bilan gan.
Hỏi : Sau công trình nghiên cứu rộng lớn này, giai đoạn kế tiếp sẽ là gì ?
BS Loic Ysebaert : Idelalisib được sử dụng với một kháng thể đơn dòng (bithérapie), đã được cho phép ở Pháp. Những kết quả của công trình nghiên cứu quốc tế lớn này có lẽ sẽ cho phép trong thời gian rất gần đây phối hợp với một hóa trị để bệnh nhân có thể hưởng được protocole mới này.
(PARIS MATCH 14/1-20/1/2016)
9/ GIÃN THÀNH ÂM ĐẠO : NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI
GS François Haab chirurgien urologue, bệnh viện Diacomesses, giải thích làm sao chữa một vấn đề thường cấm kỵ : những trường hợp há âm đạo (béances vaginales)
Hỏi : Những phụ nữ sau khi sinh thường đến khám ông vì những vấn đề nào ?
GS François Haab : Són tiểu (vấn đề thường gặp nhất), sa các cơ quan (bàng quang, tử cung, trực tràng) và giãn rộng bất thường xoang âm đạo. Trên 100 phụ nữ dưới 50 tuổi, 40% đã báo cáo một sự trở ngại liên quan đến vấn đề sau cùng này. Chẩn đoán giãn thành âm đạo chỉ dựa trên lâm sàng.
Hỏi : Các bệnh nhân có thường đề cập một cách dễ dàng sự khó chịu thường gặp này không ?
GS François Haab : Không, đó còn là một chủ đề cấm kỵ. Chính một cách ngẫu nhiên lúc khám bệnh vì những rối loạn khác mà bệnh nhân mới dám nói ra điều đó, và với điều kiện thầy thuốc đã đề cập đến bất thường này. Vài bệnh nhân nghĩ rằng vấn đề không thể chữa được, rằng đó là cái “giá phải trả” để có một em bé bằng đường tự nhiên.
Hỏi : Để giải thích với các bệnh nhân bất thường này, ông mô tả như thế nào với họ cơ thể học của xoang âm đạo ?
GS François Haab : Xoang âm đạo, đó là một hình thoi (losange) được khép lại bởi các thành cơ. Nhóm các cơ này nằm ở đáy chậu (périnée) cho phép nâng đỡ tất cả các cơ quan trong khung chậu. Trong trường hợp có vấn đề, sau khi sinh, các thành cơ giãn ra và hình thoi này vẫn mở một cách thường trực.
Hỏi : Những nguyên nhân gây giãn thường trực của các cơ thành âm đạo là gì ?
GS François Haab : Có nhiều nguyên nhân. 1. Khi sinh, lúc đầu đi qua, sự kéo giãn của các cơ mạnh đến độ làm rách chúng. 2. Dây thần kinh cho phép chúng co thắt đã bị tổn hại, do đó các cơ giãn ra. 3. Một đường xẻ, đôi khi cần thiết để cho đầu đi qua, đã gây nên một thương tổn sẹo (lésion cicatricielle) khiến cơ âm đạo co bóp kém. Ta có thể nhận diện những nguyên nhân này với thăm dò diện sinh lý (électrophysiologie) của đáy chậu. Thăm dò này ghi hoạt động điện của các cơ và những dây thần kinh của âm đạo.
Hỏi : Những hậu quả nào của sự giãn rộng thường trực của xoang âm đạo ?
GS François Haab : Phế tật đầu tiên liên quan đến những giao hợp. Vào lúc giao hợp, âm đạo mất khả năng thu hẹp lại. Âm đạo, bị giãn rộng, vẫn trơ ra, do đó thuật ngữ y khoa “béance” (sự há ra). Sự mở thường trực của xoang âm đạo gây nên, ở tư thế đứng, một cảm giác nặng được cảm thấy một cách không thoải mái. Khi tắm, nước đi vào trong âm đạo, hiện tượng rất khó chịu.
Hỏi : Ta điều trị những bệnh nhân dám nói đến vấn đề này như thế nào ?
GS François Haab : Họ theo những buổi phục hồi chức năng của đáy chậu (périnée) (cơ của âm đạo) với một kinésithérapeute trong nhiều tuần.
Hỏi : Những phương pháp điều trị mới là gì ?
GS François Haab : Mới đây, nhờ một sự tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin và một sự nghe ngóng lớn hơn của y sĩ đoàn, các phụ nữ bắt đầu biết có những giải pháp khác. 1. Ta đã cải thiện những phương pháp phục hồi chức năng bằng cách cho phép bệnh nhân theo đuổi tại nhà công việc được thực hiện với kinésithérapeute. Dành cho họ, những thiết bị (có hay không có ống thông âm đạo) đã được chế tạo một cách đặc hiệu để kích thích các cơ của âm đạo. 2. Những buổi laser (từ 3 đến 5 buổi) cho phép siết chặt lại xoang âm đạo. 3. Đối với những trường hợp giãn rộng quan trọng nhất, ta thực hiện một cuộc mổ. Phẫu thuật nhằm sửa chữa những vết rách cơ và các cơ của thành âm đạo. Cuộc mổ này, thời gian kéo dài khoảng 45 phút, được thực hiện ngoại trú.
Hỏi : Các bệnh nhân có thỏa mãn những phương pháp mới này không ?
GS François Haab : Nếu ta tôn trọng những chỉ định, những kết quả rất là tốt. Như thế, về ngoại khoa, nhiều công trình nghiên cứu trên hàng trăm bệnh nhân đã chứng minh một tỷ lệ thỏa mãn hơn 80%. Đối với những buổi laser, các công trình nghiên cứu đang được tiến hành, nhưng những kết quả đầu tiên đáng phấn khởi.
Hỏi : Để tránh những trường hợp há âm đạo thường trực sau một lần sinh, có một phòng ngừa không ?
GS François Haab : Phòng ngừa duy nhất là dự kiến, trong vài trường hợp, mổ lấy thai ở những phụ nữ có một khung chậu đặc biệt hẹp và có nguy cơ cao sinh rất khó.
(PARIS MATCH 30/3-6/4/2016)
10/ MỐI LIÊN HỆ GIỮA ZIKA VÀ TẬT ĐẦU NHỎ ĐƯỢC XÁC NHẬN
INFECTIOLOGIE. Một bà mẹ bị nhiễm bởi virus Zika vào tam cá nguyệt đầu tiên của thai nghén có 1% nguy cơ sinh ra đời một em bé bị tật đầu nhỏ (microcéphalie). Nguy cơ này 50 lần cao hơn so với lúc bình thường. Viện Pasteur đã là cơ quan đầu tiên, vào tháng ba 2016, chứng minh mối liên hệ này, được nghi ngờ ngay cuối năm 2015. Tuy vậy nguy cơ bị những biến chứng đối với thai nhi vẫn thấp hơn so với những nhiễm trùng khác như rubéole. Tuy nhiên, ” điều đó trở thành một vấn đề y tế công cộng “, Simon Cauchemez, tác giả chính của công trình nghiên cứu, đã tuyên bố như vậy. Tác giả này đã phát biểu vào lúc mà một trường hợp đầu tiên microcéphalie liên kết với virus được nghi ngờ ở Pháp (Martinique)
(SCIENCES ET AVENIR 4/2016)
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(18/4/2016)