Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Cấp cứu chấn thương số 54 – BS Nguyễn Văn Thịnh

CHẤN THƯƠNG ĐẦU Ở TRẺ EM (HEAD TRAUMA IN CHILDREN)
Sara A. Schutzman, MD Assistant Professor Department of Pediatrics Harvard Medical School Boston
1/ NHỮNG LOẠI CHẤN THƯƠNG ĐẦU NÀO THƯỜNG ĐẾN PHÒNG CẤP CỨU ?
Hơn một nửa triệu trẻ em đến khám phòng cấp cứu mỗi năm vì chấn thương đầu, bao gồm các thương tổn ở da đầu, xương sọ, và các cơ quan trong sọ. Mặc dầu các thương tổn không quan trọng nhưng mức độ biến thiên từ đụng giập đơn thuần đến thương tổn não chết người. Những vết rách và các đụng dập là những thương tổn thông thường ở da đầu. Những chấn thương vòm sọ gây nên vỡ xương sọ : những thương tổn trong sọ bao gồm chấn động não (concussion), giập não (cerebral contusion), máu tụ (ngoài màng cứng, dưới màng cứng, dưới màng nhện, và trong não), và phù não cấp tính. Đại đa số những chấn thương đầu là những chấn thương kín (blunt trauma). Các vết thương xuyên hiếm xảy ra nhưng có thể được gây nên bởi đạn, răng (ví dụ chó cắn), hay những vật sắc nhọn khác (mũi tên, đạn súng hơi, cây bút chì).
2/ ĐỊNH NGHĨA CHẤN THƯƠNG ĐẦU NHẸ (MINOR HEAD TRAUMA)
Không có định nghĩa chuẩn. Nhiều định nghĩa chấn thương đầu nhẹ được căn cứ trên điểm số của GSC (Glasgow Coma Scale) của trẻ em, nhưng không có sự thống nhất. Những nguồn khác nhau gồm có những trẻ với các điểm số GCS 13-15, 14-15, hay 15. Gần đây hơn, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ đã định nghĩa chấn thương đầu nhẹ (minor head trauma) như là trạng thái tâm thần bình thường vào lúc khám ban đầu và không có bằng cớ vật lý của vỡ sọ. Ngay cả những trẻ tỉnh táo, với một điểm số GCS 15, cũng có thể mang những máu tụ có tiềm năng đe dọa tính mạng ; do đó, thầy thuốc lâm sàng nên xem những đứa trẻ như thể là có chấn thương đầu “ có vẻ ” nhẹ.
3/ VỀ CHẤN THƯƠNG ĐẦU CÁC NHŨ NHI KHÁC VỚI CÁC TRẺ LỚN THEO NHỮNG CÁCH NÀO ?
Các trẻ dưới 1-2 tuổi khác với các trẻ lớn hơn theo nhiều cách, vì vậy cần thận trọng cho chụp hình ảnh rộng rãi hơn.
– Các nhũ nhi có tỷ lệ vỡ xương sọ và các thương tổn trong sọ cao hơn, đặc biệt do các cơ chế va chạm có cường độ thấp hơn.
– Các nhũ nhi khó đánh giá về mặt lâm sàng hơn. Chúng không thể báo cáo những gì đã xảy ra hay mô tả những triệu chứng như mất nhớ (amnesia), chóng mặt hay đau đầu.
– Các nhũ nhi có thể là những nạn nhân của những chấn thương cố ý hơn (intentional injuries).
– Các nhũ nhi có tỷ lệ bị những thương tổn trong sọ không triệu chứng hay ẩn (asymptomatic or occult injuries) cao hơn. Trong hai công trình nghiên cứu đánh giá tất cả các trẻ em dưới 2 tuổi bị chấn thương đầu đến phòng cấp cứu, 2-3% được nhận thấy có những thương tổn trong sọ nhưng không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra các công trình nghiên cứu đã nhận thấy rằng 20-48% của tất cả các nhũ nhi được chẩn đoán với những thương tổn trong sọ, đã không có triệu chứng (nghĩa là không có bất tỉnh, nôn mửa, co giật, ngủ lịm, trạng thái tâm thần suy sút, hay bất thường thần kinh).
4/ TỶ LỆ NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM Ở CÁC NHŨ NHI VÀ TRẺ NHỎ BỊ CHẤN THƯƠNG ĐẦU
Mặc dầu phần lớn chấn thương đầu là do tai nạn, có đến 5-10% các trẻ em được mang đến phòng cấp cứu với thương tổn do chấn thương là những nạn nhân của chấn thương cố ý (intentional injury). Chấn thương đầu do ngược đãi trẻ em (child abuse) là nguyên nhân thông thường nhất của tử vong do chấn thương ở trẻ em.
5/ TẠI SAO VỠ XƯƠNG SỌ LÀ QUAN TRỌNG ?
Vỡ xương sọ là những chỉ dấu tiên đoán thương tổn nội sọ (sự hiện diện của vỡ xương sọ làm gia tăng khả năng bị thương tổn nội sọ khoảng 20 lần). Ngoài ra, những gãy xương đôi khi dẫn đến các biến chứng và có thể là bằng cớ quan trọng của ngược đãi trẻ em.
6/ MÔ TẢ NHỮNG LOẠI VỠ XƯƠNG SỌ KHÁC NHAU.
Vỡ xương sọ được mô tả tùy theo vị trí và các đặc điểm. Chúng có thể xảy ra ở xương trán, xương đỉnh, xương chẩm, và xương thái dương của mũ sọ (skullcap : calvarium). Đáy sọ bao gồm các phần của xương thái dương và đỉnh, cùng với các xương hàm, xương bướm (sphenoid) và xương khẩu cái (palatine). Những gãy xương trong vùng này được gọi là những vỡ đáy sọ.
Các gãy xương có thể theo đường thẳng (linear), lún (depressed) (nếu bản trong của sọ bị xê dịch bởi hơn bề dày của toàn bộ xương), hoặc lỏng khớp (diastasis: sự phân tách do chấn thương của các xương sọ ở một hay nhiều đường khớp). Những gãy xương phức tạp (compound fractures) thông thường với các vết rách, và những gãy vụn (comminuted fractures) và những gãy xương với nhiều mảnh.
7/ TỪ KHI CÓ CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH (CT SCANNER), PHIM SỌ CÓ CÒN ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH KHÔNG ?
Các phim sọ chỉ có giá trị hạn chế. Chủ yếu chúng phát hiện các bất thường về xương, cho ít hoặc không cho những thông tin về các thương tổn trong sọ. Bất cứ trẻ nào mà các thương tổn nội sọ là một mối quan tâm đáng kể nên được chụp CT scan. Tuy nhiên những phim sọ vẫn còn có một vai trò nhỏ trong những trường hợp chọn lọc để đánh giá sau đây :
– Những bệnh nhân trước đây đã được mở sọ (craniotomy) (ví dụ shunts).
– Những nhũ nhi tỉnh táo, không có triệu chứng với những máu tụ da đầu có nguy cơ ẩn chứa những thương tổn nội sọ ẩn (occult intracranial injuries). Các gãy xương là một trong những chỉ dấu tiên đoán tốt nhất của những thương tổn như thế. Chụp phim sọ có lợi thế không đòi hỏi an thần. Nếu một gãy xương được phát hiện, CT được chỉ định để đánh giá thương tổn nội sọ liên kết.
– Khả năng thương tổn không do tai nạn. Phim sọ đôi khi phát hiện những gãy xương bị bỏ sót bởi CT và do đó được chỉ định (như là một phần của thăm dò khung xương) để đánh giá khả năng ngược đãi trẻ em.
– Nghi ngờ gãy lún, vết thương sọ, hay vật lạ.
8/ KỂ NHỮNG BIẾN CHỨNG QUAN TRỌNG NHẤT CỦA VỠ ĐÁY SỌ
– Thương tổn nội sọ. Tính toàn bộ, khoảng 10-40% các bệnh nhân với một vỡ đáy sọ có một thương tổn nội sọ liên kết. Trong một công trình nghiên cứu, 21% các trẻ em với vỡ đáy sọ và có một trạng thái thần kinh bình thường có một thương tổn nội sọ.
– Các rò dịch não tủy : Do định vị của vỡ đáy sọ, một vết rách màng cứng liên kết có thể dẫn đến rò dịch não tủy qua mũi hoặc tai (chảy nước não tủy mũi hay tai). Rò dịch não tủy xảy ra trong khoảng 15-30% các trẻ em với vỡ đáy sọ.
– Viêm màng não. Rò dịch não tủy có thể dẫn đến tiếp xúc với vi khuẩn (đặc biệt của đường hô hấp) với tiềm năng gây nên viêm màng não. Viêm màng não xảy ra trong 0,7-5% các trẻ em với vỡ đáy sọ ; tỷ lệ là hoặc = 1% đối với các trẻ em với GCS score > hoặc = 13 và không có thương tổn nội sọ.
– Thương tổn dây thần kinh sọ. Biến chứng này xảy ra ở 1-23% bệnh nhân với vỡ đáy sọ. Các dây thần kinh sợ VI, VII, và VIII là thường bị thương tổn nhất. Thương tổn có thể tạm thời hãy vĩnh viễn.
– Mất thính giác. Vỡ đáy sọ làm trật các xương nhỏ của thùng nhĩ (auricular chain), làm vỡ ống tai (otic canal), gây tràn máu thùng nhĩ (hemotympanium), và đè ép hoặc làm thương tổn dây thần kinh sọ VIII. Mất thính giác xảy ra ở hơn ½ các bệnh nhân với vỡ đáy sọ. Mất thính giác có thể do nguyên nhân dẫn truyền (conductive) hay do cảm giác-thần kinh (sensorineural) và vĩnh viễn trong một số nhỏ các bệnh nhân.
9/ RÒ DỊCH NÃO TỦY ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO ?
Hầu hết các rò dịch não tủy qua vết rách màng cứng biến mất ngẫu nhiên không có biến chứng trong vòng 1 tuần và có thể được điều trị bảo tồn. Những can thiệp phẫu thuật có thể cần đến đối với các rò kéo dài. Do tiềm năng phát triển viêm màng não với rò dịch não tủy, nhiều tranh luận chung quanh việc sử dụng kháng sinh dự phòng. Những dữ kiện hiện nay không cho thấy việc sử dụng thường quy các kháng sinh dự phòng làm giảm đáng kể tỷ lệ viêm màng não.
10/ ĐỊNH NGHĨA THƯƠNG TỔN NÃO NGUYÊN PHÁT VÀ THỨ PHÁT.
– Thương tổn não nguyên phát (primary brain injury) là thương tổn thần kinh bị vào lúc chấn thương và có thể được gây nên bởi va chạm trực tiếp của não bộ vào thành trong của sọ, do xương hay vật lạ phóng vào trong não, và do các lực cắt xé phát ra vào đường dẫn truyền chất trắng (white matter tracts).
– Thương tổn não thứ phát (secondary brain injury) là thương tổn thần kinh bị sau biến cố chấn thương khởi đầu, ở các tế bào không bị thương tổn lúc ban đầu. Thương tổn não thứ phát là do nhiều nguyên nhân, gồm có giảm oxy mô, giảm thông máu (hypoperfusion), và những rối loạn chuyển hóa. Bởi vì nhiều nguyên nhân của thương tổn não bộ thứ phát có khả năng ngăn ngừa được, nên mục tiêu chính yếu của nhà lâm sàng là monitoring để tìm và cố gắng ngăn ngừa những biến chứng như thế.
– Những thương tổn nguyên phát xảy ra vào lúc chấn thương và nói chung không thể đảo ngược được. Một điều trị tích cực nhằm ngăn ngừa các thương tổn não thứ phát do thiếu máu cục bộ và giảm oxy mô (hypoxie).
11/ ĐỊNH NGHĨA CHẤN ĐỘNG NÃO (CONCUSSION).
Một chấn động não được định nghĩa như là biến đổi trạng thái tâm thần gây nên bởi chấn thương, có thể hay không mất tri giác.
12/ 3 MỨC ĐỘ CỦA CHẤN ĐỘNG NÃO LÀ GÌ ?
Viện Hàn làm Thần Kinh Học Hoa Kỳ đã định nghĩa 3 mức độ chấn động não :
Mức độ 1 : lú lẫn tạm thời, không mất tri giác, và thời gian của những bất thường trạng thái tâm thần hoặc = 15 phút.
Mức độ 3 : mất tri giác, hoặc là ngắn ngủi (vài giây) hoặc là kéo dài (nhiều phút hay lâu hơn).
13/ HỘI CHỨNG VA CHẠM LẦN THỨ HAI (SECOND-IMPACT SYNDROME) ?
Hội chứng va chạm lần thứ hai (second impact syndrome), một biến cố hiếm hoi, là một tình trạng phù não cấp tính, thường gây tử vong, xảy ra khi bị một chấn động não (concusssion) thứ hai trước khi hồi phục hoàn toàn chấn động não đầu tiên. Sinh lý bệnh lý của hội chứng va chạm lần thứ hai không được hiểu rõ. Cú đánh ban đầu có thể được liên kết với sự biến đổi lưu lượng máu não và làm hỏng sự điều hòa tự động bình thường, khiến cho va chạm thứ hai tàn phá hơn với kết quả sưng phù và gia tăng áp suất nội sọ.
14/ NHỮNG BỆNH NHÂN NÀO CÓ NGUY CƠ BỊ NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA CHẤN THƯƠNG ĐẦU ? KHI NÀO CHỤP CT ĐƯỢC KHUYẾN NGHỊ ?
Nhà lâm sàng xác định những bệnh nhân nào có nguy cơ bị thương tổn nội sọ căn cứ trên những dấu hiệu và các triệu chứng từ bệnh sử và thăm khám vật lý. Nếu thương tổn nội sọ được nghi ngờ, CT được khuyến nghị để nhận diện những biến chứng của chấn thương đầu (ví dụ máu tụ ngoài màng cứng, giập não) với mục đích ngăn ngừa thương tổn não thứ phát (secondary brain injury). Tiếc thay, không có một nghiên cứu nào đã xác nhận một tiêu chuẩn đơn độc hay một số nhỏ các tiêu chuẩn cho phép nhận diện tất cả bệnh nhân với các thương tổn X quang ; tuy nhiên, căn cứ trên các triệu chứng, các bệnh nhân có thể được xem là có nguy cơ cao, nguy cơ trung bình, hay nguy cơ thấp bị các biến chứng.
15/ AI CÓ NGUY CƠ CAO ?
Những bệnh nhân thuộc loại này có khả năng cao bị thương tổn nội sọ (ICI) ; do đó chụp CT scan cấp cứu được khuyến nghị trong tất cả các trường hợp. Những thí dụ gồm có những trẻ với GCS score <15, các liệt thần kinh khu trú, hay bằng cớ vỡ xương sọ. Những tiêu chuẩn thêm đối với những trẻ dưới 2 tuổi gồm có thóp phồng (bulging fontane), co giật, tình trạng dễ bị kích thích (irritability), hay có ưu tư đối với chấn thương. Những trẻ với mửa dai dẳng (hơn 5 lần hoặc lâu hơn 6 giờ) hay mất tri giác trong hơn 1 phút cũng nên thực hiện CT Scan.
16/ AI CÓ NGUY CƠ TRUNG BÌNH ?
Những bệnh nhân này tỉnh táo với thăm khám thần kinh không có dấu hiệu khu trú nhưng có những triệu chứng có thể gợi ý thương tổn nội sọ (ICI). Do đó CT scan nên được xét đến, đặc biệt nếu các triệu chứng mạnh mẽ, dai dẳng, hay nôn mửa. Thí dụ gồm có những bệnh nhân với một bệnh sử mất tri giác tạm thời, mửa (đặc biệt nhiều hơn vài đợt hay kéo dài hơn 6 giờ), đau đầu, tình trạng dễ bị kích thích, thay đổi hành vi, hay co giật. Đối với những trẻ với những triệu chứng nhẹ, quan sát cẩn thận có thể là một phương cách khác, với CT đối với những triệu chứng dai dẳng và nặng dần. Những dấu hiệu gây quan tâm khác nơi các trẻ em dưới 2 tuổi gồm có những máu tụ của da đầu vùng trán, đỉnh, hay chẩm, có thể là những dấu hiệu chỉ gãy xương sọ và được liên kết với thương tổn nội sọ ẩn (occult ICI). Những trẻ như thế có thể được đánh giá với CT hay chụp phim sọ (chụp CT nếu một gãy xương được nhận diện). Những trẻ nhỏ tuổi nhất (đặc biệt là dưới 2-3 tháng) có thể không có những dấu hiệu hay triệu chứng của thương tổn nội sọ, do đó tiêu chuẩn đối với chụp hình ảnh thấp hơn rất nhiều.
17/ AI CÓ NGUY CƠ THẤP ?
Những trẻ có nguy cơ thấp là những trẻ có một thăm khám bình thường và không có triệu chứng (kể cả không mất tri giác). Những trẻ này không cần chụp hình ảnh. Bởi vì tỷ lệ các biến chứng vô cùng thấp nhưng không phải là zero, nên chúng cần được theo dõi bởi những người chăm sóc chu đáo, được cho những chỉ thị thích đáng về những dấu hiệu và triệu chứng của những biến chứng của chấn thương đầu và khi nào phải trở lại để được đánh giá trở lại.
18/ ÁP LỰC TƯỚI MÁU NÃO (CEREBRAL PERFUSION PRESSURE) LÀ GÌ ?
Áp lực tưới máu não (CPP : cerebral perfusion pressure) là hiệu số giữa huyết áp trung bình (MAP : mean arterial pressure) và áp lực nội sọ (ICP : intracranial pressure) : CPP = MAP – ICP. Do đó, một sự giảm đáng kể của MAP hay một sự tăng đáng kể của ICP có thể dẫn đến CPP không thích đáng với thiếu máu cục bộ não và thương tổn não thứ phát (secondary brain injury)
19/ TĂNG ÁP LỰC NỘI SỌ PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO ?
Sau thời kỳ nhũ nhi (khi các đường khớp sọ kết hợp lại), vòm sọ trở nên cứng và độ dẻo kém. Những thành phần bình thường trong sọ gồm có não bộ, máu, và dịch não tủy. Bởi vì thể tích trong sọ không thay đổi, nên bất cứ sự gia tăng thể tích nào của một trong những thành phần này (thí dụ phù não, máu tụ ngoài màng cứng lớn ra) phải được kèm theo bởi một sự giảm tỷ lệ về thể tích của những thành phần kia. Nếu không, áp suất nội sọ sẽ gia tăng.
20/ HỘI CHỨNG TỤT KẸT NÃO LÀ GÌ ?
Xoang sọ được ngăn cách bởi những nếp gấp màng cứng (bao gồm những lều tiểu não, tentoium cerebelli) và những lồi xương thành ba ngăn : hố trước, giữa, và sau. Tụt kẹt não xảy ra khi, do tăng áp lực nội sọ, nhu mô não di chuyển qua một trong vài khoang, vào trong một vùng cơ thể học mà bình thường nó không chiếm chỗ.
21/ DẠNG THÔNG THƯỜNG NHẤT CỦA HỘI CHỨNG TỤT KẸT NÃO ?
Tụt kẹt hồi hải mã (uncal herniation), trong đó hồi hải mã (uncus hay hippocampe : cấu trúc dưới và trong nhất của thùy thái dương) đi xuyên qua khuyết lều (tentorial notch), đi từ hố giữa qua hố sau. Tụt kẹt hồi hải mã có thể là do phù não hay do một thương tổn khối đang nở ra (expanding mass lesion) (thí dụ : máu tụ ngoài màng cứng), đẫy các mô não xuống dưới.
22/ TRIỆU CHỨNG CỦA TỤT KẸT HỒI HẢI MÃ (UNCAL HERNIATION) ?
Những triệu chứng khởi đầu gồm có đau đầu và giảm mức độ tri giác. Khi hồi hải mã (uncus) bị đẫy vào trong và xuống dưới, dây thần kinh sọ số III cùng bên bị đè ép, gây giãn đồng tử cùng bên. Khi tụt kẹt tiến triển, cuống não và bó tháp bị đè ép, gây nên liệt bán thân bên đối diện (mặc dầu liệt bán thân cùng bên có thể xảy ra trong khoảng 20% các trường hợp). Nếu tụt kẹt tiếp tục, đồng tử bên đối diện bị giãn. Khi thân não bị đè ép, sự biến đổi của hô hấp, tim nhịp chậm, và tăng huyết áp toàn thể (tam chứng Cushing) có thể xảy ra. Decerebrate posturing hay liệt mềm (flaccid paresia) có thể xảy ra, nhiên hậu suy thân não có thể dẫn đến ngừng hô hấp, trụy tim mạch, và chết.
23/ CÓ THỂ THẤY NHỮNG HỘI CHỨNG TỤT KẸT NÃO NÀO KHÁC ?
– Hồi đai (cingulate gyrus) : Tụt kẹt của hồi đai của bán cầu đại não dưới liềm não (falx cerebri) bên đối diện.
– Trung tâm xuyên lều (central transtentorial) (di chuyển xuống dưới của cả hai bên não về phía trung tâm xuyên qua khuyết lều (tentorial notch).
– Hố sau : Tụt kẹt của các hanh nhân tiểu não (cerebellar tonsils) qua lỗ chẩm (foramen magnum) vào phần trên ống tủy.
24/ PHÁT HỌA ĐIỀU TRỊ TĂNG ÁP SUẤT NỘI SỌ Ở PHÒNG CẤP CỨU
1. Xử trí ABC. Bước đầu tiên là đảm bảo thích đáng một đường khí, sự thông khí và tuần hoàn. Một đường khí nguyên vẹn và một sự thông khí thích đáng là thiết yếu để tránh giảm oxy mô (hypoxia) và tăng thán huyết (hypercarbia). Việc duy trì tuần hoàn và huyết áp là quan trọng cho một áp lực tưới máu não (CPP) thích đáng.
2. Tránh thương tổn não thứ phát do những nguyên nhân chuyển hóa khác.Những tình trạng làm gia tăng nhu cầu chuyển hóa của não hay làm giảm tưới máu não làm gia tăng phù não và làm xấu tiên lượng. Ngoài giảm oxy mô, tăng thán huyết, và hạ huyết áp (như được ghi chú ở trên), giảm đường huyết, tăng thân nhiệt, và co giật có thể gây nên thương tổn não thứ phát và nên được tránh hay điều chỉnh.
3. Đảm bảo tư thế thích hợp. Chừng nào bệnh nhân không bị choáng và không bị nghi ngờ có chấn thương cột sống, đầu và giường nên được nâng lên 30 độ, và cổ bệnh nhân nên được giữ theo đường chính diện để làm gia tăng dẫn lưu tĩnh mạch. Tư thế này có thể dẫn đến một sự giảm đáng kể của tăng áp lực nội sọ.
4. Ra y lệnh CT đầu cấp cứu. Ở bất cứ bệnh nhân nào với những dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ lúc thăm khám, CT cấp cứu được chỉ định để nhận diện những thương tổn khối (mass lesions) đòi hỏi phải lấy đi bằng phẫu thuật (surgical evacuation).
25/ VAI TRÒ CỦA TĂNG THÔNG KHÍ TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG ÁP LỰC NỘI SỌ ?
Mặc dầu tăng thông khí (hyperventilation) đã từng là yếu tố chính của điều trị cấp cứu đối với tăng áp lực nội sọ, nhưng sự sử dụng nó đã trở nên gây tranh cãi. CO2 là một trong những yếu tố quyết định chính của trương lực tim mạch (cardiovascular tone). Nồng độ thấp gây co mạch và giảm lưu lượng máu, do đó làm hạ áp lực nội sọ. Tuy nhiên, nếu lưu lượng máu giảm quá nhiều, sự phân phát oxy và glucose bị ảnh hưởng và áp lực tưới máu não (CPP) có thể không thích đáng, làm cho phù và thương tổn do thiếu máu cục bộ nặng thêm. Hiện nay, nồng độ tối ưu của giảm thán huyết (hypocarbia) dường như đạt được với áp suất riêng phần của CO2 là 30-35 mmHg.
26/ VAI TRÒ CỦA MANNITOL LÀ GÌ ?
Có thể cho Mannitol để làm hạ áp lực nội sọ. Tiêm truyền mannitol với liều lượng 0,5-1g/kg tạo nên một gradient thẩm thấu giữa khoang trong huyết quản và dịch ngoại bào, rút dịch từ khoang ngoài tế bào và làm giảm dung lượng nước của não và áp lực nội sọ. Mannitol cũng tác dụng như là một thuốc lợi tiểu thẩm thấu (osmotic diuretic), dẫn đến mất nước toàn thể. Các nhà lâm sàng nên sử dụng mannitol một cách thận trọng ở bất cứ bệnh nhân nào với giảm thể tích máu bởi vì nó có thể làm nặng thêm sự bất ổn định huyết động và sự tưới máu não.
27/ KHI NÀO SỬ DỤNG THUỐC AN THẦN LÀ THÍCH HỢP ?
Những bệnh nhân tỉnh táo được làm liệt để nội thông cần phải an thần. Lý tưởng là sử dụng một barbiturate có tác dụng ngắn để giúp làm hạ áp lực nội sọ, ngăn ngừa co giật, và làm giảm chuyển hóa não. Bởi vì barbiturate làm hạ huyết áp, nên chúng bị chống chỉ định trong các bệnh nhân hạ huyết áp. Trong trường hợp này, các narcotic có tác dụng ngắn hay benzodiazepine có thể là những lựa chọn thích đáng.
28/ STEROID CÓ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH ĐỂ ĐIỀU TRỊ TĂNG ÁP LỰC NỘI SỌ HAY KHÔNG ?
Steroid đã không được chứng tỏ cải thiện tiên lượng đối với những bệnh nhân với chấn thương đầu ; do đó, việc sử dụng chúng không được khuyến nghị.
29/ NHỮNG TRẺ EM NÀO CẦN ĐƯỢC NHẬP VIỆN SAU CHẤN THƯƠNG ĐẦU CẤP TÍNH ?
Những trẻ em với thương tổn trong sọ (intracranial injuries) hay vỡ đáy sọ thường cần được nhập viện, Một thầy thuốc ngoại thần kinh nên được hội chẩn về việc xử trí và cho xuất viện. Nhập viện cũng nên được xét đến đối với những bệnh nhân với liệt thần kinh kéo dài (mặc dầu CT scan bình thường), những thương tổn ngoài sọ quan trọng, mửa không thuyên giảm, hay những người coi sóc không đáng tin cậy hay không thể trở lại nếu cần thiết. Bất cứ trẻ nào nghi ngờ bị chấn thương do cố ý cũng nên được xét cho nhập viện.
30/ TẠI SAO NHỮNG CHỈ THỊ XUẤT VIỆN LÀ QUAN TRỌNG ?
Ngay cả những đứa bé dạng vẻ khỏe mạnh với chấn thương đầu và không có bằng cớ bị những biến chứng (cả lâm sàng lẩn X quang) cũng vẫn có một khả năng thấp suy thoái sau đó. Do đó, điều bắt buộc là những người coi sóc có khả năng phải theo dõi đứa bé tại nhà. Họ phải được chỉ dạy về những triệu chứng và dấu hiệu của các biến chứng của chấn thương đầu và được chỉ thị mang đứa bé trở lại để tái đánh giá nếu các triệu chứng gây quan tâm xuất hiện.
31/ KHI NÀO MỘT ĐỨA TRẺ CÓ THỂ HOẠT ĐỘNG THỂ THAO TRỞ LẠI ?
American Academy of Neurology đã đề nghị những khuyến nghị để xử trí chấn động não (concussion) trong thể thao, nhằm ngăn ngừa hội chứng va chạm lần hai (second-impact syndrome).
Chấn động não độ I : không thể thao cho đến khi nào bệnh nhân không còn triệu chứng. Nếu một chấn động não độ I xảy ra, không hoạt động thể thao nào cho đến khi bệnh nhân không có triệu chứng trong một tuần.
Chấn động não độ II : không thể thao cho đến 1 tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Nếu một chấn động não độ 2 xảy ra cùng ngày với chấn động não độ I, đứa trẻ không nên hoạt động thể thao cho đến khi không có triệu chứng trong hai tuần.
Chấn động não độ III : không thể thao trong 1-2 tuần sau khi các triệu chứng biến mất, tùy thuộc vào khoảng thời gian mất tri giác. Đối với chấn động não độ 3, không hoạt động thể thao cho đến khi bệnh nhân không triệu chứng trong 1 tháng. Nếu bệnh lý trong sọ được phát hiện với CT hay MRI, không hoạt động thể thao trong thời gian còn lại của mùa. Vận động viên trong tương lai không nên trở lại những môn thể thao va chạm (contact sports).
Reference : Pediatric Emergency Medicine Secrets. 2001
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(14/5/2011)
(update 4/4/2016)