Ngày tháng xót xa!
Nguyên Hạnh HTD
Có những kỷ niệm tưởng rằng sẽ mờ
nhạt theo tháng ngày tất tả, trôi xuôi đến tận cùng triền dốc của
cơm áo xứ người. Nhưng không, mỗi khi trời đất đổi mùa thì lòng
người lại bâng khuâng, ký ức lại hiện về rõ nét, dù đó là một
khoảng thời gian đã qua, một ký ức đã xa... Chỉ còn lại trong tim
nhưng cũng đủ xót xa lòng khi nhớ đến!
Hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu,
ngồi cô đơn trong căn chòi tranh rách nát, vào một buổi chiều âm u
buồn thảm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi, nhớ đến là bồi hồi xao
xuyến cả tâm can. Buổi chiều ở Đồng tháp Mười buồn quá sức, buồn
đến não nuột xót xa, một chòi tranh nằm chơ vơ bên con lạch nước đục
ngầu, không người qua lại, xung quanh chỉ có tiếng ếch nhái than van!
...
Ngày đó, thăm con trong trại giam, ra
về đã hết đò. Gọi là đò nhưng đó chỉ là những chiếc "tắc
ráng" rất hẹp, lót ngang bằng những thanh gỗ nhỏ, phải ngồi co
chân lại mới đủ chỗ. Đã vậy những khi tắc ráng chạy trong các kinh
lạch nhỏ, gặp lúc nước rút xuống lại càng khổ thân hơn, hành khách
phải trụt xuống lội sình từng bước; còn tắc ráng phải neo lại chờ
con nước lên mới tiếp tục chạy được. Tắc ráng thì nhỏ mà lại chuyên
chở quá nhiều, có lúc phải ra sông lớn thật nguy hiểm, do đó cứ mỗi
chuyến đi tôi hay
dặn dò đứa con trai còn
lại ở nhà: " Lỡ me đi không về thì sao!? ".
Ngồi bó gối hơn nửa ngày trời, tứ
chi ê ẩm quá chừng! Con đường vào Đồng tháp Mười gian truân vô cùng!
Thăm xong thời mới thấy lo, đò đâu mà trở về, đường bộ không có; xin
ngủ lại nhà khách vãng lai trong trại, họ không cho làm con tôi trở
về trại giam, chân đi không đành, ánh mắt nhìn tôi lo lắng xót xa đến
não lòng!
Tôi lại lang thang, thất tha thất
thểu, chân bước vô hồn, chưa biết sẽ qua đêm ở đâu khi chiều tối đang
xuống dần. Quanh tôi không một bóng người! Đến khi đi ngang qua một
chòi tranh xác xơ, chỉ có một bà cụ già ngồi trên một cái chỏng
tre, không mùng mền; tôi đánh liều xin vào tá túc qua đêm, không ngờ
bà cụ gật đầu ưng thuận ngay. Chòi
tối om, chẳng thấy đèn đuốc gì cả, hỏi thăm tình hình mới biết cụ
đang sống với con dâu, đi mót lúa chưa về.
Khi hỏi mua lại một ít gạo để nấu
cơm tối, than ôi! Nhà chỉ có một chum muối hột mà thôi; thì ra ngày
nào con dâu ra đồng kiếm được cá mới có gạo mà ăn, còn không thì
đành nhịn đói. Tôi đã đi khắp xóm tìm mua một ít gạo hoặc nếp cũng
được nhưng họ chỉ có toàn khoai sắn. Dân làng nghèo quá, không làm
sao tả xiết được, từng chòi tranh xơ xác nằm hai bên con kinh nước đục
ngầu nhưng là nguồn nước mạch sống của họ.
Những tưởng sẽ nhịn đói qua đêm, may
sao có một chiếc đò dọc bán hàng rong đi ngang qua, tôi mua được một
ít nếp đậu, nấu một nồi xôi thật lớn để dành cho bà cụ được no
trong vài ngày.
Trời càng về chiều quang cảnh càng
thê lương ảm đạm, tiếng ếch nhái than van nghe càng não nuột, lại thêm
mỗi nhà chỉ thắp một ngọn đèn leo lét trông như ánh ma trơi giữa
đồng không mông quạnh. Chao ôi! đến thế kỷ 20 rồi mà ánh sáng văn minh
chưa hề len lỏi về đây. Cuộc sống
của người dân quá tăm tối
lầm than, họ nghèo quá rách tươm như những tàu lá chuối tả tơi trong
gió.
Đêm đến chỉ biết đập muỗi liên hồi,
ngủ không được tôi lại ra sau chòi ngó vọng vào trại giam. Tôi đứng
nơi này lòng nát tan từng mảnh, con tôi trong đó phải chịu đựng bao
cực hình; biết bao nỗi buồn phiền cứ gặm nhấm tâm hồn tôi đến mõi
mòn!
Giã từ bà cụ ra về, tôi nhét vội vào tay bà cụ một ít tiền
mà nước mắt cứ muốn ứa ra. Tôi quá xót xa cho hoàn cảnh nghiệt ngã
của cụ và cũng không biết đến bao giờ tôi mới trở lại nơi đây để
nói thêm một lời cám ơn cụ đã cho tôi tá túc dù chỉ một đêm thôi!
Và thời gian vẫn không làm xóa nhòa được hình ảnh bà cụ đứng tựa
cửa trông theo bước chân tôi cứ xa dần...
Con ở tù, mẹ làm sao an tâm được.
Rồi tôi lại tiếp tục lặn lội đi thăm con. Mỗi lần đi là một lần ê
chề cay đắng, chen chúc giành giựt rồi cũng chỉ mua được vé xe đò
với giá chợ đen, dù rằng đã đi từ lúc 3 giờ sáng mà nhiều lúc chỉ
bám vào hông xe, hai vai mang nặng, sinh mạng con người rẻ như bèo!
Có một lần cứ yên chí sẽ đi và về
trong một ngày nên tôi không dự trữ thức ăn cho các con ở nhà. Không
ngờ khi đến nơi, chỉ đọc được một tờ thông báo là đã đưa tù nhân về
một trại giam khác ở vùng Đồng tháp Mười sau khi đã kêu án 3 năm tù
về tội vượt biên. Tôi dò hỏi dân chúng ở vùng đó, họ cho hay cứ hai
người còng chung tay lại và đưa đi hồi 2 giờ sáng. Tôi nhất quyết đi
tìm con vì nếu phải đợi đến nửa tháng sau mới đến kỳ thăm nuôi, con
tôi sẽ lấy gì mà ăn? Vậy là tiếp tục cuộc hành trình, lần mò qua
đò qua sông, họ chỉ cho tôi hãy tìm cách về đến Cao Lãnh rồi sau đó
sẽ có "tắc ráng" là phương tiện duy nhất để đi vào trại
giam. Lặn lội ngược xuôi,
khi đến nơi thì đã hết đò vì mỗi ngày chỉ có một chuyến mà
thôi.
Cho
đến bây giờ mỗi lần nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió là tôi lại
nhớ đến bến đò hiu hắt năm xưa với hình ảnh một ông già mù ngồi kéo
cây đàn cò não nuột dưới gốc cây bàng xơ xác lá.
Dân hàng quán ở hai bên cũng xót xa
cho hoàn cảnh của tôi nên đã chỉ dẫn cho tôi đến trình diện phường
công an gần đó rồi nhờ họ giới thiệu cho phòng trọ để ngủ qua đêm
chứ không được ở khách sạn hạng sang vì chỉ dành cho cán bộ cao cấp
mà thôi.
Gọi là phòng trọ nhưng trời ơi! Khi
bước vào mới thấy xây xẩm cả mặt mày. Họ chỉ cho tôi một tầng trệt
nhỏ xíu, dơ dáy không thể tưởng tượng được; mùng thì cũ rích với
một cái giường tre ọp ẹp! Tôi không dám đặt lưng xuống, chỉ lấy cái
áo mưa lót mà ngồi, đến khi buông mùng xuống, tôi muốn chết khiếp
luôn, rệp bu đen cả cái mùng! Thế là tôi đành ngồi bó gối suốt đêm,
không dám nhúc nhích vì sợ chạm vào cái mùng là rệp bu tới ngay.
Lâu nay chúng thiếu hơi người mà! Đã thế, chuột lại chạy rần rần,
chúng cứ muốn chui vào lục lọi các giỏ thức ăn.
Thật chưa bao giờ tôi mong cho trời
mau sáng từng giây từng phút như cái đêm hãi hùng đó!
Trời chưa sáng tỏ, sương đêm còn phủ
ướt cỏ cây, hơi lạnh còn bàng bạc trong không gian, tôi lại thất thểu
ra đi, bước thấp bước cao trên những nẻo đường lầy lội!
Chính trong cái im vắng của đất
trời mới cảm thấy lòng mình chùng xuống và cô đơn đến tận cùng!
Những ngày vui bao giờ cũng qua mau
còn những ngày buồn cứ kéo dài dai dẳng theo tháng năm!
Làm sao quên được hình ảnh gầy gò,
ốm yếu, ghẻ lở của con tôi nắm chặt tay mẹ không muốn rời xa khi tôi
phải ra về! Lặn lội mong cho đến nơi để được gặp con, khi thấy con
bằng xương bằng thịt, núm ruột mà tôi banh da xẻ thịt sinh ra, nước
mắt tôi đã trào ra như nước vỡ bờ! Còn con tôi nhìn lại mẹ mặt mày
bơ phờ, hốc hác quần áo lấm tấm vấy sình bùn biết mẹ phải lặn
lội cực khổ; qua đò qua sông, lội mương lội sình, nhịn đói nhịn khát
không dám rớ đến giỏ đồ ăn mang cho con mới đến được trại giam nên
càng xót xa đến sa nước mắt!
Lòng tôi lại càng nặng trĩu u hoài
vì hình ảnh cô đơn của bà cụ trong nhà tranh, đúng là một mảnh đời
rách nát tả tơi. Không làm sao trở về thăm bà cụ dù chỉ một lần và
cũng không biết nhờ ai trở về nơi đèo heo hút gió đó để thăm bà cụ
giùm tôi!
Tháng ngày xa xưa ấy mỗi khi chợt
trở về trong ký ức là mỗi lần tôi lại suy ngẫm để xót xa cho thân
phận những bà mẹ Việt Nam trong
bối cảnh tang thương của đất nước; không phải chỉ riêng bà mẹ như tôi
mà còn biết bao hoàn cảnh những bà mẹ khác phải bôn ba lặn lội gian
nan vì con; kẻ xách mang thăm con tù tội nơi heo hút hoang vu vì vượt
biên tìm Tự do, người gồng gánh thăm nuôi con trong lao tù Học tập
chốn rừng thiêng nước độc và trên bước đường phiêu bạt ấy đôi khi bắt
gặp những ân tình tuy nhỏ nhoi như hình ảnh bà cụ già nua ốm yếu
trong mái tranh nghèo xơ xác bên dòng kinh ngầu đục, nhưng nó thể hiện
được tình người còn sót lại trong cái xã hội biến chất tưởng rằng
đã đảo điên!
Nguyên Hạnh HTD
( 2015)