Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Huế : niềm nhớ không phai !

*********************************************************************************



chualinhmu-thapphuocduyen




HUẾ : niềm nhớ không phai !

Riêng tặng NT để tìm lại chút dư âm của Huế!


Suốt bao năm dài lưu vong nơi xứ người, tôi đã trăn trở, khắc khoải nhớ thương Huế - nơi tôi đã sống những ngày bình yên và thanh thản với tất cả tấm lòng ngây thơ của người con gái mới lớn.


Hình ảnh Huế đẹp và thơ đã hiện về thường xuyên như một nhắc nhở trong tâm tưởng, trí nhớ, giấc ngủ và cơn mơ của đời tôi !
Huế mãi mãi vẫn là một vùng thánh địa thiêng liêng, bất khả xâm phạm trong góc sâu thăm thẳm của trái tim tôi. Kỷ niệm về tuổi trẻ vô tư, người tình đầu đời, bạn bè thân ái, những chốn hẹn hò rong chơi, ngôi nhà cũ, mái trường hồng vôi tím, những con đường đầy bóng mát từng chứng kiến cảnh gặp gỡ đầy yêu thương.
Hoài niệm bao giờ cũng đẹp ! Những ngày sống xa quê hương, lắm lúc xót xa, chới với, ngột ngạt, tưởng chừng như chịu hết nổi, tôi lại vội vàng trốn chạy vào một nơi đã xa mà niềm êm ái vẫn an ủi được tôi, xoa dịu ngọt ngào, đó là những người bạn dễ thương mà không một lần tìm thấy ở đâu ngoài xứ Huế thân yêu.
Biết bao nhiêu điều để nhớ, để thương, đủ để làm bâng khuâng cả tấc lòng ! Hàng cau thôn Vỹ thân vút cao sang, mỗi lúc nắng thật sự đã tắt trên ngàn cây ngọn cỏ, hàng cây vẫn giữ trên đầu ngọn ánh vàng rực rỡ. Từ khi rời xa Huế, không nơi nào tôi nhìn lại được dáng dấp hàng cau như thế. Hàng cau thôn Vỹ với những dây trầu quấn quít thân cây thân mật dễ thương như tình cảm ngọt ngào của lứa đôi !
Cùng với nắng chiều, những đồi Sim dưới chân núi Ngự Bình, bên chùa Trà Am mang một màu tím ngan ngát dịu mắt và nên thơ gợi nhớ một thời thắm thía nỗi xót xa trữ tình của „những đồi hoa Sim“. Rồi những hoa „bâng khuâng“ màu tím tươi non dịu hiền bên cạnh đồi, trong khu vườn nhỏ, trên bãi cỏ trường Đồng Khánh đã thực sự làm bâng khuâng lòng người… Nghĩ gì ? Nhớ gì ? Thương ai ?... Chờ ai ?...
Có khi nào dừng chân bên đồi Vọng Cảnh mà không man mác buồn với từng cụm hoa lau trắng phau mềm mại nghiêng nghiêng gió trưa, bên dòng Hương Giang bắt đầu khúc quanh của điện Hòn Chén thì rõ ràng không một nơi nào có được bức tranh thủy mạc của bờ lau bên dòng nước biếc của những ngày áo trắng lang thang.
Huế là tất cả những gì yêu thương nhất của tôi, giọng Huế, người Huế cũng như sông Hương núi Ngự, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của tuổi học trò cho nên gặp lại người Huế dù chỉ mới lần đầu mà lòng vẫn cảm thấy như thân thiết nhau tự bao giờ.
Mùa Xuân dòng sông mềm mại hiền hòa, phẳng lặng như một tấm gương, mặt nước âu yếm in bóng mây trời và thuyền xuôi ngược suốt một dòng sông dài ! Sông lững lờ nhẹ nhàng chảy qua thành phố Huế cổ kính, nước trôi hữu tình qua miệt Bao Vinh.
Tôi nhớ mãi những đốm đèn lung linh, mờ ảo ở đầu các khoang thuyền, bập bềnh trong màn sương huyền hoặc, liêu trai trên sông Hương nửa đêm về sáng. Những điệu Nam Ai, Nam Bình, Hành Vân, Lưu Thủy chơi vơi, bồng bềnh trên sông nước, khi chiều xuống, lúc về đêm dễ khiến lòng người man mác, cảm hoài. Thuyền đã lặng lẽ đi xa, tiếng hò à ơi vẫn còn trải dài, gờn gợn trên sóng nước, tiếng hò như quyến luyến, quấn quít theo người.
Nhắc đến mùa Xuân là nhắc đến những cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Mùa Tết nào trên quê hương tôi ngày xa xưa đó cũng tràn ngập hạnh phúc từ tình thương yêu của gia đình, ngày Tết được chuẩn bị trước từ tháng Chạp. Tôi yêu cái xôn xao rộn ràng của những ngày giáp Tết, các bà mẹ, các cô gái say sưa làm khéo trổ tài, nào là phơi hoa quả để làm dưa món, tỉa từ những trái đu đủ, những củ cà-rốt, những lát thơm, su-su, củ cải trở thành những hoa trái xanh tươi để hoàn thành một thẩu dưa món với nước mắm nấu đường trong như hổ phách.
Rồi thì cứ bắt đầu khoảng 28 tháng Chạp mỗi năm, nhà nào cũng lo sắm sửa mọi thứ để gói bánh chưng, bánh tét. Chúng tôi thường ngồi quanh nồi bánh, lửa bập bùng soi sáng những khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt như sáng hơn, những đôi má hồng ấm hơn bên ánh lửa lập lòe ấm cúng.
Ôi thôi! Có quá nhiều thứ để nhớ nhung ngậm ngùi; tôi vẫn mơ ước được hưởng một cái Tết ấm cúng ở quê nhà, chờ đợi có một ngày sẽ đọc tiếp câu chuyện bỏ dở trên quê hương yêu dấu bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng, bánh tét trong những ngày Tết thanh bình.
Và tôi biết, tôi vẫn còn thiếu những ngày Xuân trọn vẹn !

Huế của tôi khi Hè đến ngập tràn hoa phượng đỏ, những cánh phượng rung rinh, chập chờn trong nắng hạ mang lại cảm giác vừa náo nức vừa bâng khuâng. Tôi thường cùng bạn bè đi tản bộ dọc theo bờ sông, thích thú ngắm dòng sông mang một chiếc áo đỏ rực. Suốt một dải sông dài, huyết phượng rưng rưng, uể oải nằm lắng nghe nhạc ve râm ran trong cây lá.
Hoa Phượng, loài hoa mang nhiều kỷ niệm của tuổi học trò; trong cặp sách của tôi và của các bạn, luôn luôn cắt giấu những cánh bướm phượng vỹ xinh xinh, mềm mại, nằm e ấp mong manh. Những trưa hè tan trường, cả một dòng sông áo trắng trôi về các ngả Từ Đàm, Long Thọ, Bến Ngự, An Cựu, qua Lê Lợi về Đập Đá, Kim Long, Thành Nội, Gia Hội, Bao Vinh…
Về mùa Thu, sông Hương trở nên âm thầm, buồn hiu hắt, những sáng thu ẩm ướt mưa ngâu, sương mù mờ mịt giăng kín mặt sông, Hương Giang như rộng ra trải dài chẳng thấy bến bờ; nhà cửa, lâu đài, thành quách, cây cối… trở nên hư ảo bồng bềnh.
Huế với những chiều thu lành lạnh gió heo may, không gian tím ngắt thật thơ mộng, thật lãng mạn để chợt nghe lòng thương nhớ vu vơ! Những đêm trăng trên sông Hương thật kỳ ảo, về khuya trăng sáng vằng vặc, sương xuống lạnh lùng, cả một dải sông trắng mờ mờ ảo ảo !
 Bắc qua sông Hương là cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, là niềm tự hào kiêu hãnh của người dân cố đô. Mỗi „vài“ cầu là nửa mảnh trăng non màu trắng bạc, tất cả tập hợp thành những đường cong mềm mại, uốn lượn như một dải lụa bạch vắt qua hai bờ sông Hương thơ mộng. Cầu có duyên đưa đón các cô cậu học trò Đồng Khánh, Quốc Học ngày hai buổi đi về và cũng đã từng in dấu bước chân tôi qua hai mùa mưa nắng.
Những buổi sáng tinh sương đi học, tíu tít qua cầu tinh nghịch áp má vào thành cầu để cảm nghe cái mát lạnh thấm dần qua da thịt sau một đêm dài cầu ngấm sương.
Chiều xuống, xa xa núi Ngự mờ dần, cầu Tràng Tiền mấy nhịp mờ sương khiến lòng người cảm thấy u hoài, mênh mông một nỗi buồn nhớ mông lung.

Mùa Đông, cầu đứng chơ vơ, im lìm buồn bã dưới những cơn mưa dai dẳng trắng cả bầu trời.
Qua chiến tranh, qua tang thương dâu bể, chiếc cầu thân yêu của dân Huế đã gãy mất một nhịp, khiến người dân đất Thần Kinh phải ngậm ngùi. Giờ đây cầu đã được sửa chữa nhưng không còn như xưa nữa!

Tôi yêu Huế miền sông Hương núi Ngự, thành phố cổ kính có nắng hạ giữa mùa thu, với dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong, con dốc Nam Giao trải dài thương nhớ, với thôn Kim Long ngõ trúc quanh co, bến đò Tuần xanh biếc ngàn dâu. Vỹ Dạ với những khu vườn „mướt xanh như ngọc“ ngan ngát hương bưởi hương cau và Nội Thành những ngày thu rải nắng hanh vàng.

Tôi thương Huế những ngày nắng chang chang thiêu đốt thịt da, những ngày mưa thúi đất, mưa thì thầm dai dẳng rã rời. Huế với những ngày đông thật lạnh, thật buồn, không có buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều rõ rệt, chỉ có ngày và đêm như Bùi Bích Hà đã viết. Và những ngày đông gió xé thịt cắt da, gió hun hút luồn qua nhiều lớp áo dày làm cho người phải run lẩy bẩy.

Tôi nhớ Huế những ngày gió heo may đầy trời bàng bạc mây trắng, những chiều rả rích mưa ngâu, những đêm hè với muôn ngàn vì sao lấp lánh trên nền trời đen thẫm mênh mông.
Nhớ „những đêm trăng ướt lá dừa“, những khu vườn nhỏ vùng Ngự Viên, Gia Hội, Thành Nội đêm về nồng nàn quyến rũ hương oanh trảo, dạ lan, nguyệt quế…

Huế còn rất nhiều thứ để nhớ để thương.
Huế, thành phố ở thì buồn, thì khổ, thì đau thương nhưng đi xa thì lòng vời vợi nhớ thương tiếc nuối.
Huế giờ đây thật xa mà cũng thật gần, một cái gì thật bé nhỏ mà cũng thật mênh mông, tôi nghĩ về Huế dấu yêu với tất cả tấm lòng nhớ thương tha thiết:

Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ,
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông.
Trong nỗi nhớ một cũng là tất cả,
Khi thương yêu tất cả sẽ vô cùng! “.


(Thơ: Trần Kiêm Đoàn)



Nguyên Hạnh HTD
Điều không thể quên nếu một lần đến Huế 

Thứ ba, 03 Tháng 2 2015 
Huế đẹp. Ai cũng đồng tình. Nhưng nhiều vẻ đẹp của Huế vẫn chưa được du khách tỏ tường. Không phải đền đài, lăng tẩm uy nghi mà chính những điều bình dị như góc phố yên bình, những cơn mưa dầm dề hay giọng nói ngọt ngào đã để lại nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng du khách. Đến Huế để cảm nhận nét đẹp dịu dàng, thơ mộng của một thành phố hàng trăm năm tuổi với những dấu ấn khó phai.
Mưa Huế - nỗi niềm khó quên

Mưa Huế thường kéo rất dài, dầm dề và lê thê, như nhà thơ Nguyễn Bính đã lột tả: Trời mưa ở Huế sao buồn thế / Cứ kéo dài ra đến mấy ngày. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi / Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên. Hay tác giả Trần Văn Toản trong bài “Mưa Huế, giọt nhớ, giọt thương” thì viết: “Hạt mưa Huế vừa nặng, vừa sâu, từ từ, chầm chậm, trong khi đó cơn mưa Sài Gòn rộ lên rồi tắt làm người ta chưa kịp nhận ra độ nặng nhẹ của giọt mưa. Mưa xứ Bắc thì phơi phới bay, thiếu đi độ nặng, độ dày. Huế vào mùa mưa, đất trời tắm mình trong muôn ngàn hạt dong”.
Cứ thế, mưa trở nên thân thuộc và rất gần gũi với cuộc sống của người dân Huế. Con người Huế sống với mưa, từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất đến cả hoạt động văn hóa giải trí - một điểm khác lạ so với các vùng miền khác ở Việt Nam. Do đó, đúng như tác giả Trần Văn Toản đã khẳng định: “Ai đó đã nói rất đúng rằng đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm: đến Huế mà chưa được dong duổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm thì cũng coi như chưa một lần đến Huế”.
Cảnh Huế - "kho vàng" chưa mở
Huế không chỉ là sông Hương núi Ngự đã đi vào thơ ca và lòng người. Huế còn là cả một kỳ quan thiên nhiên tươi đẹp. Một trong số đó là Vườn Quốc gia Bạch Mã và khu đầm phá Tam Giang độc nhất vô nhị tại Đông Nam Á.
Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 60km về phía Nam. Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành. Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát... Đặc biệt, khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do gần biển nên nhiệt độ mùa Đông không bao giờ xuống dưới 4ºC, và nhiệt độ cao nhất vào mùa Hè ít khi vượt quá 26ºC. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá Bạch Mã là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ ở vùng núi Đông Dương.
Đầm phá Tam Giang là khu mặt nước rộng 22 nghìn hecta. Đây là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Có lẽ sẽ rất khó có thể tìm thấy ở Việt Nam một nơi giống ở đây, nơi buổi sáng có thể đón bình minh và chiều lại đón hoàng hôn ở cùng một chỗ. Những người làm du lịch đã ví phá Tam Giang - Đầm Cầu Hai như là “kho vàng” chưa mở của du lịch Huế.
Người Huế - ngọt lịm mê say
Huế là một vùng đất đậm địa linh nhân kiệt vào loại bậc nhất Việt Nam. Đối với tính cách người Huế, nhiều nhà nghiên cứu về Huế gọi đó là "chất Huế". Tuy nhiên, cho đến nay, không một nhà nghiên cứu Huế nào đạt được một định nghĩa vuông tròn mang tính hạn định về "chất Huế" cả. Đây phải chăng chính là lý do một nhạc sĩ nổi tiếng đã quyết xem Huế là tình yêu của cuộc đời mình, như một người tình chỉ có thể gặp trọng mộng và khẳng định rằng: Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư… khi ông đến thăm Huế?
Vẻ đẹp của người con gái Huế đã khiến nhiều bậc quân tử đắm say. Có rất nhiều giai thoại và không ít lời ngợi khen về điều này. Chẳng hạn, các cậu học trò thường ngâm câu thơ “học trò trong Quảng ra thi, thấy o gái Huế chân đi không rời” để châm chọc các cô gái Huế, cũng là để được mấy cô đỏ mặt, tức lên mà chú ý đến mình.
Hay câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi” đã đi vào lòng người Việt Nam bao thế hệ với hình tượng vua Thành Thái triều Nguyễn vi hành đến Kim Long hỏi vợ. Trong bài hát “Rất Huế” của mình, nhạc sĩ Võ Tá Hân cũng thừa nhận con gái Huế Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say / Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ / Và hơi thở mềm sương khói bay.
Ẩm thực Huế - Dân dã kiểu... quý phái
Nếu người con gái Huế đẹp, dịu hiền khiến nhiều người “hồn xiêu phách lạc” thì những món ăn Huế lại càng khiến du khách chân không muốn rời. Theo thống kê, Huế chiếm 1300/1800 món ăn tại Việt Nam. Do đó, hiếm có nơi nào ở Việt Nam mà du khách có thể thoải mái trong lựa chọn khẩu vị như ở Huế. Đến Huế có lẽ ai cũng muốn thưởng thức một món ăn hết sức dân dã nhưng đầy thi vị, đó là cơm hến. Cơm hến sẽ cho ta cảm nhận được vị ngọt của hến, vị đậm đà của ruốc, vị chua của khế, vị chát của trái vả, chuối xanh và cay nồng của ớt, và gần 20 chất liệu khác.
Ngoài cơm hến, Huế còn nổi tiếng về các loại bánh: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc và cơm Âm phủ, một món ăn có sự tích đến lạ lùng. Bún bò Huế cũng là món ăn nổi tiếng và được nhiều khách phương xa biết đến, có gốc tích từ thời các chúa Nguyễn. Ăn bún bò Huế để cảm nhận cái chất ngọt thanh với đủ mùi gia vị. Mùi sả, mùi ruốc, mùi xương hầm, mùi thịt luộc, mùi chanh, mùi rau, mùi tiêu hành, nước mắm... quyện vào nhau tạo thành đặc sản bún bò có sức hấp dẫn lạ lùng, rất riêng của Huế.
Đến Huế, du khách cũng đừng quên tìm hiểu món cơm cung đình, hay còn gọi là cơm vua, là món ăn độc đáo, không chỉ làm cho khách ta mà cả khách Tây ngẩn ngơ, thán phục bởi thực đơn cơm vua được chọn từ 8 đến 10 món đặc sắc trong hàng trăm món ăn đặc sắc của Huế. Cơm vua không chỉ biểu hiện cái tài nấu nướng của người Huế, còn biểu hiện nghệ thuật trang trí món ăn đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao của cư dân mảnh đất Thần Kinh.