Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

KÝ ỨC HUẾ & PHÁC THẢO MỘT CHÂN DUNG

Nguyễn Lương Tuấn

Tôi thích những con đường nhỏ, cũ kỹ của Huế.
Những con đường lưu dấu từ thời Pháp thuộc mãi đến nay tưởng chừng vẫn chưa bao giờ được ngó ngàng đến. Nó bị bỏ phế, mặt đường lổ chổ, ổ gà, do tráng nhựa lâu ngày không được tu bỗ. Những con đường không có lề, vắng người qua lại. Những con đường cỏ dại mọc tự do, xen lẫn sõi đá mà hai bên đường là những hàng cây thầu đâu, phượng vĩ.
Đã nhiều lần tôi cùng bạn đi bộ, rảo bước, hít lấy sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, lòng không vướng bận. Mắt nhìn hai bên, những ngôi nhà núp kín trong vườn cây xanh lá, những cây sầu đông, sắc hoa tim tím thoảng nhẹ hương thơm về đêm, …
Đâu rồi, trưa, chiều mùa hè, Tiếng ve kêu vang. Lòng rộn ràng khôn xiết, tôi đã nhiều lần cầm sào, trên đầu ngọn là mủ mít cùng người anh len lõi vô sâu trong các khu vườn, theo tiếng ve để đưa sào lên, rất nhẹ, không gây tiếng động. Khu vườn yên ắng, chỉ nghe tiếng thì thầm của gió, tiếng xào xạc của lá. Khi chiếc sào dí vào được cánh ve. Lòng tôi sung sướng biết bao nhiêu. Chú ve vùng vẫy, nhưng vô ích, đôi cánh đã dính mủ, không thể nào bay được ? Tôi mĩm cười sung sướng. Lòng hân hoan hạnh phúc, …
Những chiều có gió, Trời nổi sấm sét, chuẩn bị mưa giông, tôi chạy ù lên nhà bà Chánh. Ở đó là một vườn đào. Những cây đào to, già. Cây nào cũng đầy trái. Một cơn gió thổi, đào thi nhau rụng lộp bộp. Tôi tha hồ lượm. Khi những chiếc túi đã đầy. Khi đào đã được thả trong áo mà bụng dầy cộm lên như người có bầu, ấy cũng là lúc tôi mang về nhà, để đào đầy trên bàn. Nhìn thành quả lao động của mình. Vui lắm, nhưng ăn thì chả bao nhiêu.
Khi cơn mưa giông buổi chiều mùa hạ ào ào đổ xuống. Con đường như được tắm gội. Bao nhiêu ưu phiền, bao nhiêu mệt mõi như tan biến. Nước chảy mạnh trong những mương cống, trong ao rãnh, tôi, bạn, những trẻ con trong xóm, chúng ta đã cùng nhau vui đùa trong mưa. Bạn nhớ không? những con nhựa được bọc cùng với cây kẹo mà chúng ta mua để dồn chơi đồ hàng, chơi ô, chơi bắn cao su như con voi, con cá, tàu thủy, tàu bay, …đã được chúng ta thả dưới ao nước theo dòng chảy để đua xem con nhựa của đứa nào về nhanh nhất.
Đó là những con đường kỉ niệm, những con đường đã đi qua tuổi thơ tôi, những con đường mà tôi khó lòng quên được, kí ức vẫn gọi nhớ…
Tôi nhớ con đường Võ Tánh, Ôn Như Hầu, Gia Hội (Chi Lăng) về thẳng Bãi Dâu, … mà những sáng, những trưa, những chiều, tôi vẫn đi lại . Mắt tôi ghi đậm cảnh vật, sinh hoạt, của hai bên đường. Tôi nhớ từng hàng cây ngọn cỏ, nhớ từng bụi tre, nhớ cây đa góc đường, nhớ quán hớt tóc trong sân của ngôi chùa Tàu ở Chùa Bà mà mỗi lần ngồi hớt tóc là tôi nghe ông bình luận chuyện thời sự : Chuyện Mỹ đem quân sang tham chiến tại Việt Nam càng ngày càng nhiều, chuyện chính phủ Thiệu Kỳ đàn áp Sinh viên, học sinh, …Chuyện Việt Cộng thắng lớn các trận Bình Giả, Khe Sanh, …
Nhớ quán bán bún thịt nướng của bà vợ ông thợ hớt tóc, nơi tôi từ kiệt Cây Gòn bước ra mà thỉnh thoảng cha tôi vẫn đưa tôi đến ăn chiều. Nhớ khuôn hội An Lạc đầu tiên còn nằm trong khuôn viên của mấy anh em nhà Tôn Thất ở Phú Hậu, mà những đêm rằm hay ngày có lễ Phật, bọn tôi vẫn thường đến để nghe các Thầy thuyết pháp, kể chuyện « Mục Liên,Thanh Đề », chuyện « Cây dao trong tâm », …. Nhớ những cánh đồng trồng rau : rau muống, rau khoai, rau xa lách, … Nhớ những vườn hoa  mà người ta trồng hoa để bán của những gia đình ở đường Phú Hậu, Võ Tánh. Nhớ những chiều mùa hè về tắm Bãi Dâu, …
Ôi ! tôi nhớ, nhớ thằng bạn tên Võ Văn Đôn, cháu cụ Võ Tánh, nhớ con đường đất nhỏ theo lối mòn đến nhà anh Lê Văn Sâm, bạn học của anh tôi và anh đứa bạn. Con đường đi tới nhà anh Sâm, hai bên là những đám rau muống. Ở đó là vườn ổi Xa lỵ, anh Sâm đã cho chúng tôi tha hồ hái, ăn thoải mái. Khi trở về, còn cho mang theo. Vườn nhà anh Sâm nằm sát phía sau chùa Tăng Quang Tự, ngôi chùa áo vàng mà bây giờ mỗi lần nhắc lại người ta nghĩ ngay đến biến cố tết Mậu Thân, những người bị chôn sống hàng loạt tại đó. Tuy nhiên trong kí ức tôi vẫn là hình ảnh những nhà sư áo vàng, hai tay bê bình bát đặt phía trước bụng, chân để trần, dáng đi khoan thai.
Phía bên kia đường, sau hồ nước rộng là trường Trung học Gia Hội, đây nguyên trước kia là phủ của ông hoàng Mười, rộng rãi, trang nghiêm, được bộ Giáo dục mua lại và trùng tu, trở thành trường học. Mỗi lần trước khi vào nhà bạn, tôi vẫn ném tầm mắt nhìn qua, ở đó, học sinh nam nữ lô nhô trong sân trường, sâu hút sau hàng tre xanh. Tôi nhớ nhà văn Túy Hồng, bà dạy tại đó, được cấp cho một phòng, sát phòng bác cai trường để ở, và bà ăn cơm tháng tại nhà Võ Văn Đôn.
Trường trung học Gia Hội cũng là dấu tích mà người ta không bao giờ quên. Nơi diễn ra phiên tòa của lòng thù hận, sự trả thù nhỏ nhen mà những người chủ phiên tòa là những sinh viên, học sinh, giáo sư. Kết quả : chôn sống ! Những hố người khi phát hiện, đào lên, trong tư thế ngồi, khuôn mặt thảng thốt.
Ôi ! Huế của tôi ! Huế của những bi kịch ! Huế của những biến cố nghiệt ngã. Huế của những hồi ức buồn bã.
Vậy mà tôi vẫn nhớ Huế, thích được lâu lâu trở về Huế, thăm lại cảnh cũ, gặp mặt mấy thằng bạn ngày xưa, ngồi uống cốc cà phê, bên ly bia sủi bọt, nhắc lại kỷ niệm một thời. Tuổi học trò trong trắng, những mơ mộng ấp ủ về một người mình thương mà không bao giờ dám tỏ.
Xa rồi bạn ơi !
Nhưng mà vẫn gần biết mấy !
Huế ngày tôi bé tý trở thành Huế của thuở hồng hoang. Cái gì của Huế cũng đẹp cũng dễ thương. Đẹp từ con đường, dòng sông, cây đa đầu ngõ, bụi trúc đầu làng. Huế không lớn, Huế nhỏ và vì vậy con người Huế trở nên gần gũi. Huế như có sợi dây cột chặt người này với người kia. Cái gì, ở đâu ? xa mấy người Huế cũng đều biết… và người ta truyền tụng nhau những câu chuyện ly kỳ, thú vị đầy trí tưởng tượng.
Là dân Huế, có ai chẳng một lần nghe chuyện ma, được kể cho nghe chuyện ma. Bao giờ cũng thế,  khởi đầu trước khi vào chuyện, đây là chuyện có thật 100% ! Mùa đông Huế ngày ngắn, đêm dài. Trời lạnh như cắt, tưởng chừng nước có thể đông đá. Về đêm, gia đình tôi quây quần bên bếp rèn còn rực than hồng. Và rồi cha tôi kể chuyện ma. Càng về khuya, câu chuyện của cha tôi kể càng rùng rợn. Tôi sợ hải, không dám đi tiểu, nín tè. Tôi hình dung con ma le mà cha tôi kể : cái lưởi nó phải dài lắm, bởi vì ban đêm, chặng đường đi qua cống Phác Lác, người ta không dám lai vảng. Họ đồn có con ma le. Thế nhưng bửa nọ, người đàn ông trong vùng, không tin là có ma. Ông ta muốn đi kiểm chứng thực tế.  Trời mưa dầm, lạnh cóng, Người đàn ông cầm đuốc và đi. Khi đến cống, quả y như thế. Một người đàn bà mặc áo quần trắng toát, chận đường ông ta và xin lửa mồi thuốc. Mồi xong, người đàn bà hỏi :
- Ông đã khi mô thấy ma le chưa rứa?
Người đàn ông trả lời :
- Ma le? làm chi có.
Người đàn ông vừa dứt lời, người đàn bà le cái lưởi dài, đỏ ngầu. Nhanh như chớp, người đàn ông đưa tay chặt mạnh vào cái lưởi đỏ ngầu. Con ma le biến mất.
Thế nhưng, cha tôi kể tiếp, ít lâu sau, người đàn ông bệnh mà chết.
Tôi hỏi cha tôi :
- Rứa chú có tin đó là chuyện thật không?
- Làm chi có chuyện như rứa !
- Rứa răng chú kể ?
- Vì nó hấp dẫn, kể cho con nín đái luôn.
Cha tôi cười chọc quê.
Mặc dù nói vậy, nhưng ông vẫn kể chuyện ma, những câu chuyện của ông bao giờ cũng hấp dẫn, có địa chỉ hẳn hoi. Buồn cười nhất là chuyện ma rà mà lại chịu không nổi sự lạnh, về khuya thường tập trung vào bếp rèn của ông bác tôi tại bến đò ở làng Minh Hương. Một bửa nọ, bác tôi dùng loại « cức sắt » còn đỏ hồng, lùi dưới tro. Khuya ấy, ma rà vào ngồi trong bếp rèn, bất ngờ trúng sắt nung đỏ, hui cháy mông ma rà khét rẹt, nghe tiếng xèo xèo, mấy con ma nhảy xuống sông nghe bỏm, bỏm.
Cả nhà cười ngất nghe cha tôi kể chuyện, những câu chuyện của ông lôi cuốn sự tò mò của bọn chúng tôi, có khi quá khuya mà vẫn chưa ngủ.
Trời quá lạnh, cha tôi cho làm lò than vùi tro, đặt dưới giường cho bà nội ngủ. Ban ngày tôi nhớ, bà nội có cái lồng ấp nhỏ, đan bằng tre, phía trong là cái trách bằng đất sét để than hồng trong đó, mặt trên khỏa tro. Bà nội mặc chiếc áo dài. Vạt áo che kín hai tay bà nội bê lồng ấp để trước bụng.
Trở lại câu chuyện về ma, tôi chưa bao giờ thấy ma và khi tôi hỏi mọi người, có ai thấy ma chưa? Câu trả lời bao giờ cũng là chưa. Và theo tôi, ma là do tâm ta kiến tạo nên. Như người đi đêm, nếu tâm không vững, lo sợ suy nghĩ lung tung, sẽ cảm thấy như có người đang đuổi theo ta đằng sau. Nếu ta càng bước nhanh, ta lại thấy bước chân đuổi theo ta  càng nhanh hơn. Phải vậy không bạn?
Không thấy ma, nhưng đi xem ma, chứng kiến hiện trường nơi người ta quả quyết ma hiện về thì tôi đã trực diện. Tôi nhớ ở Đò Cồn, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chặng cuối, gần ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm – Võ Tánh, có ngôi biệt thự cũ, nằm sâu hút bên trong, phía trước là khu vườn rộng bát ngát. Vườn được bao quanh bởi hàng tre dày. Trước sân là ngôi mộ, chung quanh mộ là cỏ xanh rờn. Ngôi mộ đó là con gái của chủ nhà, qua đời đã lâu. Chủ nhà chắc hẳn kế thừa bất động sản của cha để lại. Dạo ấy, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đông nghẹt người, họ đến xem ma. Mọi người bàn tán, ban đêm, người bán hột vịt lộn nghe có tiếng kêu mua hột vịt. Người bán dừng lại, thấy có cô gái đứng chờ. Cô gái nói bán cho cô 2 cái hột vịt lộn. Sau khi trả tiền xong, người bán thối tiền thừa xong lại đi. Điều lạ lùng là người bán phát hiện tiền mà mình nhận được toàn là giấy. Ngày hôm sau quay trở lại để tìm người mua, thì thấy trên ngôi mộ trong sân, hai cái hột vịt lộn nằm đó cùng với tiền thối của người bán. Câu chuyện được truyền đi rất nhanh và tôi cũng  hòa trong làn sóng người đó để đến xem. Nhưng thời điểm ấy, thú thật, tôi cố gắng lắm cũng không chen chân vào được. mãi mấy hôm sau, tôi và Võ Văn Đôn đi bách bộ đến. Ngôi vườn trước mặt chúng tôi và ngôi mộ nằm đó. Trên đó, tôi thấy một cái dĩa để trái cây và cây hương đang cháy.
Ngày nay, ngôi biệt thự cũ vẫn còn, sân cỏ rộng thênh vẫn còn và ngôi mộ của người con gái năm xưa vẫn còn đây. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong số đông người lũ lượt đi xem ma năm xưa bây giờ đã rất nhiều người nằm xuống.
- Họ có gặp được cô gái kêu mua hột vịt lộn năm nào ?
Nơi tôi ở đang chuyển mùa, bây giờ là tháng của tựu trường. Mùa thu trở về. Buổi chiều thường có mưa, những trận mưa xối xả kèm theo sấm sét rồi kết thúc nhanh. Cơn nóng những ngày hè tan biến. Trời mát dần.
Nhà văn Anatole France đã hồi ức về hình ảnh cậu bé đi đến trường. "Cặp sách trên vai, con vụ trong túi, cậu đi ngang qua công viên Luxembour trong những ngày đầu tháng mười. Bầu trời lúc ấy buồn hơn bao giờ hết. Lá vàng rơi trên vai những pho tượng. Cậu vừa đi vừa nhảy nhót như một con chim sẻ. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho lòng cậu vui vui…"
Cậu bé ấy là tác giả, là tôi, là bạn, là những người đã đi qua những tháng ngày đẹp dưới mái trường cùng bạn bè, thầy, cô…
Những con đường của Huế, ở đó, mỗi ngày đi học làm sao tôi quên được.
Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên ấy, là ngôi nhà vườn của một gia đình quan lại mà cha tôi vẫn gọi là Cụ Chưởng. Tôi học với người con gái đầu của cụ, cô Bích, Tôi nhớ lớp học của cô. Phòng rộng, tường xây vách, lợp tôn, có đóng trần và một sân vườn rộng, dài, thoáng mát. Chung quanh là những cây xanh vươn cao, tỏa bóng mát dịu với những cây mít, cây dừa, cây khế, cây bưởi, những bụi chuối, …
Lớp học của cô Bích nhiều trình độ. Có bạn lớp ba, có bạn lớp tư, có bạn lại còn quá bé, học lớp vở lòng. Tôi và một số bạn học lớp nhì. Lớp đông người nhưng cô vẫn đảm đương được. Cô phân loại trình độ rồi chia thành nhóm, ngồi theo từng cụm để dễ kiểm soát. Dù thế nào, cô cũng vất vã vì phải theo dõi từng bạn, ra bài, chấm bài, viết bài cho các bạn học, …
Kỉ niệm ngày tháng học với cô Bích đến với tôi như những giọt nước ngọt, mát lịm trong hồn. Ở đó là con đường Kiệt Cây Gòn tôi đi hàng ngày và những bụi già tàu chạy dài, ngôi vườn màu xanh với những ô cửa sổ. Một điều lạ lùng, ngày ấy, tôi bé tý, vậy mà sao vẫn thích nhìn cô bé Tùng xinh xinh đi cùng, chiếc cổ cao, đôi mắt to ngơ ngác, chiếc áo trắng giản dị, cái quần đen mộc mạc.
Tùng được cô Bích chọn làm lớp trưởng. Khi tôi lách mình từ đường Chi Lăng để rẽ qua Kiệt, gặp được Tùng cùng đi, tôi vui biết bao. Tùng nói huyên thuyên, kể đủ thứ chuyện và tôi chỉ nghe. Thỉnh thoảng, gặp chỗ thú vị, cả hai cười khúc khích. Nhưng thích nhất, vẫn là một đôi khi, cô bé rút từ trong cặp, hột ô mai và đưa cho tôi. Tôi cảm nhận hơi ấm từ bàn tay cô bé với một cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng …
Từ nhà tôi đến lớp học của là một quãng ngắn. Tôi dọc theo đường Chi Lăng (Gia Hội) gặp kiệt Cây Gòn, rẽ vào, đi chừng 100 mét là đến. Trên đoạn đường ấy, tôi chừng như quen thuộc từng ngôi nhà, cái quán, khuôn mặt từng người một. Tôi thích nhìn qua sân nhà ông Đại úy Biên để  ngắm mấy chậu cây nở đầy hoa mà đại úy Biên cất công chăm bón, nào hoa mồng gà, hoa thược dược, hoa do (hoa nho) và dàn Ti Gôn hai màu trắng, đỏ,  Một đôi khi, anh Châu, con ông đại úy, nhìn tôi nở nụ cười, ngoắc tôi vào, cho tôi mấy cây kẹo que. Tôi thích lắm. Lại nữa, nhà chú Hượt bên kia đường, có ông ba Tàu thuê bán phở. Mỗi sáng, mùi nước phở xông ngào ngạt làm tôi thèm ăn, nhưng khó lòng thỏa mãn. Và rồi nhà bác Uyển, nhà bác Siêu làm từ thiện. Nhà bác Siêu có hai người con gái, Cẩm Vân, Cẩm Du thảy đều xinh đẹp, đoan trang. Hai chị vẫn thường qua chơi nhà cùng chị tôi nói chuyện huyên thuyên. Hai bà chị có người em trai út lại bị bệnh trì độn, không phát âm được tiếng nói, chỉ nghe ồm oàng. Đó là Lộc bị thần kinh, đi đứng không ổn định, thường trần truồng, tay cầm chim tồng ngồng, nhiều phụ nữ đi ngang trông thấy sợ quá la ré, bỏ chạy. Sau này bác Siêu phải trói ở cửa. Vợ bác Siêu đi bán trên chợ Đông Ba tối mới về. Còn bác Siêu thì đi làm việc thiện, quyên gạo đem phát cho người nghèo nên vắng nhà thường xuyên.
Bác Siêu như một vị Bồ Tát sống, thế mà ở với bà vợ không bao giờ yên thân, thỉnh thoảng, cả xóm vẫn được dịp nghe giọng the thé nhiếc mắng của bà vợ bác Siêu. Nhưng rồi một chốc lại im ắng ngay vì bác Siêu gái nhận ra chỉ mình bác độc thoại nên chán và thôi.
Tôi vẫn thầm nghĩ hai chị em gái Cẩm Vân, Cẩm Du chắc là buồn lắm vì cảnh nhà như thế.
Rồi đến nhà bác Dẫn với vườn cây lá xanh, sát Chợ Dinh ; nhà bác Sáu ở góc kiệt ;  nhà cậu Cơ, kế nhà bác Sáu ; …
Một hôm, là buổi sáng, Trời mưa nhẹ, mát dịu, tôi đi học, lúc rẽ qua kiệt, tôi bắt chợt bên hông nhà bác Sáu. Cửa sổ mở, một chiếc lưng trần. Tôi đứng sững nhìn, da thịt màu trắng hồng, láng như có bôi mỡ. Từ vai đến bụng, như toát ra hơi ấm. Mắt tôi dừng lại ở bờ eo, rất thon, nhỏ. Quá đẹp. Một sự thích thú dâng trào. Thì ra chị Madeleine đang trần truồng đứng soi gương để chiêm ngưỡng dung nhan của mình ! chị Madeleine, vợ của anh Tòng, con trai của bác Sáu. Chị làm việc trên nhà đèn. Anh Tòng làm thư ký cho trường Đại học Sư phạm. Tôi nghe anh tôi nói như thế. Chị Madeleine là con lai, khuôn mặt tây đến 90%. Tôi vẫn thường bắt gặp chi nhai củ cà rốt ngon lành.
Tôi đem chuyện tôi thấy chị Madeleine ở truồng soi gương kể lại với cô bé Tùng một cách tự nhiên. Tùng cười khúc khích. Cô bé nói : Sướng quá rồi! Mấy ai được như rứa! Tôi cười hỏi lại :
- Răng lại sướng?
Tùng nguýt tôi một cái:
- Chỉ giả bộ!
Một chốc sau, Tùng chợt hỏi:
- Ê ! mà ấy có thấy phía trước không?
Tôi ngạc nhiên:
- Nghĩa là răng, tui không hiểu?
- Là có thấy chỗ ni không nì.
Vừa nói Tùng vừa đưa tay chỉ ở chỗ đó. Tôi phì cười:
- Không, tại lúc đó tui ham nhìn sau lưng, mô có nhìn chi vô gương!
Điều con bé Tùng nói làm tôi tự hỏi : sao lúc ấy mình không nhìn vô gương thử. Nhưng mà người ấy đứng soi gương thì đã che luôn gương soi làm sao mình thấy được.
Tuổi lên 10, có những ý tưởng tò mò, thích thú được nhìn người khác giới. Tôi hồn nhiên, thoải mái khi nói về đề tài cấm kỵ. Ở con bé Tùng, có một chút gì người lớn. Thỉnh thoảng, những sắc hồng phớt nhẹ trên hai má rồi chợt biến, để lại màu trắng mịn trên khuôn mặt thánh thiện. Nhìn Tùng, tôi nghĩ đến những cánh hoa hồng nở hàm tiếu trước sân nhà.
Lớp học cô Bích rồi cũng qua. Năm học mới lại bắt đầu. Tôi phải từ giã lớp học đầu tiên, từ giã những kỉ niệm ngọt ngào với những người bạn ngây ngô chất phác. Tôi được cha tôi gửi tôi vào học trường tiểu học bồ Đề Thành Nội Huế.
Dần dần tôi quên cô bé Tùng, quên chiếc cổ cao, đôi mắt mở to ngây thơ vô tội, quên những lần Tùng khám vệ sinh, khám vở và báo cáo lại cô Bích. Quên nụ cười tinh nghịch của Tùng khi giã vờ đưa thước lên dọa khẻ bàn tay tôi và bảo là tay tôi dơ, …
Tôi lại bắt đầu một năm học mới khác, một nơi chốn khác…


PHÁC THẢO MỘT CHÂN DUNG 
(tiếp theo ký ức Huế)
          Huế với tôi, 4 mùa đầy ắp kỉ niệm, nhưng sự chuyển tiếp chu kì khí hậu từ nóng qua mát rồi lạnh quay quắc thì ta không thể không nghĩ đến mùa thu kéo dài qua đông.
        Ai đã từng ở Huế, sống lâu ở Huế, sẽ khó lòng quên được mùa đông ở Huế với cái lạnh da diết và mưa dầm thúi đất.
Tôi rời xa Huế đã 38 năm. Chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, nhưng Đà Nẵng không mang lại cho tôi một cảm giác khó quên của mùa màng, thời tiết.
 Đà Nẵng, trời ít mưa, mỗi năm vào giao mùa, có thể có mưa gió dữ dội, kéo theo bão nhưng rồi sau đó, khí hậu mát, những ngày mưa lạnh, không nhiều, vẫn có những ngày trời nóng không chịu được. Mùa đông Đà Nẵng,  khí hậu ít ẩm ướt, mưa không dai dẳng như Huế.
Người ta vẫn bảo, chỉ cách nhau bởi đèo Hải Vân mà khí hậu hai miền sao khác lạ.
        Và mùa đông ở Huế với tôi bây giờ trở thành một kí ức.
        Kí ức mở cửa. Nụ cười Huế chợt tắt.
Mùa đông ở Huế là sự giận dữ, buồn bã mà ngày tháng luôn luôn ướt sũng nước mắt trên khuôn mặt của nàng.
Tôi nhớ mùa đông ở Huế với chân dung như thế.
        Nhưng mùa đông ở Huế được phác họa qua kí ức trẻ con mà bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi cảm nhận một cái gì rất dịu dàng, một nỗi đau êm ái.
        Kỉ niệm mùa đông được chắp nối từ chu kỳ thời gian với mùa thu, sự náo nức của mùa tựu trường, những kỉ niệm của thời học trò, bài “La rentrée de la Classe” của Anatole Franc làm sao tôi quên được:  “Tôi sắp nói cho các bạn biết, điều mà hàng năm, bầu trời rún rẩy của mùa thu, những buổi cơm chiều dưới ánh đèn, tôi sắp nói cho các bạn biết điều mà tôi thấy được, mỗi khi tôi đi ngang qua công viên Luxembourg trong những ngày đầu tháng mười, điều mà tôi thấy lúc bấy giờ là một cậu bé, cái cặp trên vai, con vụ trong túi, cậu vừa đi đến trường vừa nhảy nhót như một con chim sẽ…”
        Đó, cái kỉ niệm êm đềm ấy, tôi cất dấu và giữ mãi trong tâm hồn, không để cho vuột mất, không để cho phai mờ cho dù đó là một nỗi đau rất ngọt ngào. Lần đầu tiên, tôi được đi đến trường: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn tôi đi trên một con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã nhiều lần đi lại nhưng lần này tôi thấy lạ, cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính trong lòng tôi đang có sự thay đổi lớn…”
        Đoạn văn của Thanh Tịnh viết về ngày tựu trường, tôi học thuộc lòng đã nửa thế kỉ, vậy mà bây giờ tôi vẫn nhớ mồn một. Ôi sự mật ngọt của tuổi thơ, sự đắng cay của kỉ niệm!
        Người ta vẫn thường bảo, mùa thu là mùa của nỗi buồn, ở đó bầu trời thường xám xịt, trên các cành cây, lá đã dần hết diệp lục tố, màu xanh mất dần, trở nên vàng, lìa cành rụng đầy trên những lối đí. Không gian như thế chỉ là nguồn cảm hứng cho các văn, thi sĩ sáng tác viễn mơ. Nhưng với tuổi học trò, thì đó là mùa của niềm vui, của hạnh phúc vỡ òa. Sự nôn nao gặp lại bạn bè, gặp lại thầy, cô, như Xuân Diệu đã tả mùa thu của Huế: “lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã trở về”.
        Với tôi, đứa bé 11, 12 tuổi gì đó, học lớp 5 tiểu học, buổi sáng dậy thật sớm, áo quần gọn gàng, chemise trắng, quần short, vải kaki xanh đen, chân đi sandale, ôm cặp đến trường, lòng rộn ràng vừa lo, vừa vui. Con đường từ nhà tôi đến trường xa lắc xa lơ. Đó là trường Bồ Đề Thành Nội, bao gồm vừa tiểu học, vừa trung học. Dãy trường tiểu học nằm bên hông trường Trung học. Trường tiểu học gồm 5 lớp, các phòng học đều làm bằng ván.
Tôi thấy rõ, cậu bé đi trên con đường Võ Tánh để đến trường.
        Từ nhà, tôi đi một đoạn khoảng 100 mét trên đường Chi Lăng, tôi rẽ phải gặp kiệt Cây Gòn, hết kiệt chừng 200 mét, là con đường Võ Tánh quen thuộc. Buổi sáng sương mù, tôi nhìn hai bên đường, những đồng rau muống xanh rờn của làng Phú Hậu, những ngôi nhà vườn phủ màu xanh cây lá còn ngái ngủ, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những chiếc xe GMC chở những người lính, khi tôi vượt qua cầu Đông Ba, quẹo phải vào cửa Đông Ba, thẳng đường Đinh Bộ Lĩnh là y như tôi chắc hẳn mình đã gần đến trường. Đó cũng là giờ khắc mà xe cộ, người đi lại tấp nập.
Tôi thích nhìn sinh hoạt của quán cà phê cốc trên vĩa hè đường Đinh Bộ Lĩnh buổi sáng, cốc cà phê bốc khói, bình trà nóng hổi, những người ngồi uống cà phê, tờ báo trên tay, dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn né on. Tự nhiên một cảm giác ấm áp len nhẹ vào hồn. Tôi rùng mình nhớ mẹ. Nếu mẹ tôi còn sống, có thể người sẽ dẫn tôi đi học.
        Tuy nhiên, ấn tượng khó quên nhất vẫn là không khí lớp hoc. Cô giáo lớp 5 ngày ấy tôi vẫn còn nhớ tên. Cô Lê Thị Hồng Ngữ, người thon, gọn, mái tóc cắt ngang vai, chiếc áo dài của cô, muôn thuở thường là hai màu,  xanh lá cây hoặc màu hồng phấn. Nụ cười luôn luôn nở trên môi. Hình ảnh của cô để lại ấn tượng trong tôi vẫn là một lần cô gọi lên đọc bài, cô cho điểm với nụ cười chúm nở: “tốt lắm! em rất ngoan”. Khi về chỗ ngồi, tôi để vở trên đầu bàn, hàng chữ cô ghi trên góc vở, làm tôi giật mình: “nhãn vở của em đâu?” thì ra vừa mới bao lại tờ bao vở, tôi đã quên, chưa dán nhãn vở.
        Tôi ôm nỗi buồn bị cô giáo nhắc nhở như thế, muốn lên gặp cô để xin lỗi, nhưng rồi tôi không đủ can đảm. Một hôm, tôi phát hiện cô giáo có mang, bụng cô to quá cở, “sao bụng cô to thế?”, tôi thì thầm hỏi bạn, thằng ngồi bên cạnh tôi, nó thì thào: “cô Ngữ ăn phải củ khoai bị to bụng!”. Tôi nhớ cảm giác của tôi khi nghe thằng nhóc nói, sự giận dữ, pha lẫn chút thất vọng, bởi vì lúc đó tôi cũng hiểu sơ qua về giới tính. Tự nhiên trong tôi có một nỗi buồn man mác. Tôi không hiểu mình buồn vì cô Ngữ có mang hay vì lời nói của thằng bạn. Và rồi cảm giác đó tiếp tục đè nặng trong tôi mỗi khi tôi thấy chồng cô chở cô đến trường.
        Ngoài ra tôi còn được học với ni sư Diệu Lam giờ Phật pháp. Chiếc áo dài màu lam cùng với khăn quàng lam từ đầu xuống hai vai để lộ khuôn mặt hiền từ, nhân ái. Tôi thích nhìn ni sư, có lẽ bởi đôi mắt của cô sáng quá.
Tôi vẫn nhớ mãi những câu chuyện đạo mà mỗi lời kể của cô là những nốt nhạc êm nhẹ, lắng đọng. Cô tổ chức lớp theo liên đội. Liên đội có tên là Anôma, lớp có 4 đội: sen hồng, sen trắng, sen vàng, sen xanh. Mỗi lần ni sư vào lớp, tất cả học sinh đứng dậy, bạn lớp trưởng, Hồ Ngọc Tô hô lớn: A nô ma!. Lớp đồng loạt: Thanh tịnh!. Ni sư dịu dàng:các em ngồi xuống!
        Chương trình Giáo dục làm tôi dần khôn lớn, trưởng thành. Tôi thích những bài Quốc văn Giáo khoa thư, chuyện kể về Nhị thập tứ hiếu, …Giờ Lịch sử học qua sách của Trần Đinh, mỗi bài học đếu có hình minh họa, khí khái thay Trần Bình Trọng, Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc. Hiên ngang và uất khí thay cậu bé Trần Quốc Toản, không được dự việc bàn quốc sự, ngồi bên ngoài nghe  mà uất khí bùng lên, bóp nát quả cam lúc nào không hay. Và lòng đau đớn, ngậm ngùi, rơi lệ khi đọc những trang sử viết về sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn, …
        Giờ toán học với những bài toán trong sách của Trần Tiếu, toán động tử đồng chiều, nghịch chiều, …mang lại cho tôi nhiều thích thú, pha lẫn nỗi lo sợ bài làm không được.
        Nhớ làm sao, giờ thủ công tự do, tôi làm hòn non bộ, hồn thả theo sự tưởng tượng để làm nên những ngọn núi, khe suối, ở đó có hai ông Tiên ngồi đánh cờ dưới góc cây. Tôi nhớ ánh mắt chớp nhẹ của bạn Trần Thị Trà Mai, nhìn hòn non bộ tôi bê trên tay, ngõ lời khen đẹp: ê đẹp ghê tề! Tuấn cho M được không? Nhưng tôi đã ngu ngơ lắc đầu từ chối.
        Tôi nhớ những con đường ở thành nội, những con đường nhiều ngã, đưa đến trường, những lúc ra chơi, hay những lúc được nghỉ để chuẩn bị cho chủng đậu mùa, …tôi cùng mấy đứa bạn đi chơi trên đường. Đường đầy những lá vàng, bước chân tôi đạp lên trên xác lá, mắt tôi chợt thích thú, nhìn bóng áo đầm ca rô xanh trắng của bạn Thái Thị Thanh Xuân. Bước đi rất nhẹ, cô bé lách vào ngôi biệt thự sau sân vườn xanh lá. Lúc đó tôi đã nghĩ: nàng cao sang quá, dịu dàng quá, làm sao mình quen được với nàng?
        A ha! Tuổi học trò lớp 5 tiểu học với những rung động đầu đời đẹp trong suốt như pha lê. Giờ đây, ngồi nhớ lại, tôi vẫn hình dung lại được khuôn mặt của cô bé. Mái tóc cắt ngắn kiểu demie garcon, đôi mắt to, tròn với hàng lông mày cong đậm, mủi nhỏ thẳng và miệng hơi rộng nhưng môi mỏng, hồng,  khi cô bé cười , tôi cảm nhận không gian sáng rực đến độ trên khuôn mặt của cô bé, tôi thấy được những sợi lông tơ rất nhỏ, mịn tạo thành một màu da trắng pha chút mơ mơ sang đẹp quý phái.
        Mùa thu dần qua, trong thu đã chớm mầm mống mùa đông, cơn lạnh nhẹ nhàng nhường chỗ cho sự cuồng nộ của mùa đông, mùa đông dần đến, kéo theo những ngày mưa. Tháng bảy nước nhảy lên bờ. Tháng mười chưa cười đã tối.
        Khổ nhất là những ngày mưa, tôi đi học, con đường xa quá, tôi phải dậy thất sớm để chuẩn bị, khi tôi bước ra đường, rúc mình trong chiếc áo mưa, co ro đi dưới cơn mưa  tầm tã. Có khi buổi trưa tôi trở về, trời tạnh khô, tôi chạy vội ra cổng trường, về tới nhà, mới nhớ rằng mình đã quên áo mưa. Tôi sợ cha tôi đánh đòn, nín khe không nói, nhưng rồi cơn mưa trút xuống, tôi im lặng sao được. Thế là tôi bị mắng một trận. Cha tôi lại mua cho tôi cái áo khác.
        Tôi mong một ngày nắng ấm để đi học được thong dong khô ráo, nhưng khó lắm mùa đông của Huế.
Tôi nhớ như in, buổi sáng, tung chăn vùng dây, bước xuống nhà dưới đánh răng để đi học là đã thấy nước xấp xĩ trên mép đường Chi Lăng rồi. Tôi hồi hộp, thích thú, như mừng rỡ nữa mới kì lạ. Tôi nghĩ đến chung quanh xóm sẽ được bao phủ bởi một một màng nước đục màu phù sa . Và thích nhất là trên đường những chiếc đò đưa khách từ bên kia Nam Phổ sang bên này sẽ đỗ ngay trước nhà tôi. Con nước xấp xĩ trên đường, người dân vẫn mặc, vẫn họp chợ để buôn bán kiếm tiền sinh kế. Giòng nước sông Hương lúc đó cuồn cuộn và kéo theo rất nhiều thứ, gỗ, củi, đồ đạc nhà người ta bị trôi, gà, vịt, heo ...tạo nên một quang cảnh vừa hung bạo vừa lạnh lùng.
Tôi phục nhất là bác chèo đò, một mình chèo chiếc đò giữa cơn sóng nước, cuốn trôi kéo phăng không biết bao nhiêu thứ từ đâu trên thượng nguồn. Tôi tưởng tượng, nếu con đò bị sóng hất nhào thì làm sao? Thế mà bác vẫn bình thường chèo đò, đưa khách qua sông. Những ngày lụt thế này, tiền chèo đò trả gấp bội.
Nhà tôi thuộc loại cao nhất trong xóm. Tôi nhớ có cơn lụt hầu hết các nhà trong xóm đều gần tới mái, mọi người leo lên mái ngồi vừa đánh phen la vừa la lên cầu cứu, chờ máy bay trực thăng đến bốc, lúc ấy nhà tôi nước chỉ vừa lên ngang đà bộ ván ngựa. Do đó mỗi lần lụt lớn là nhà tôi đông nghẹt người.
 Trong thời điểm ấy, tôi và một số trẻ trong xóm, gom các thân cây chuối bị đốn ngã, kết lại bốn năm thân làm thành bè. Thế rồi cả bọn cùng đứng trên bè chuối, chống bè đi quanh xóm, vừa đi chơi vừa chở đồ nhu yếu cho một số gia đình lấy đó làm thích thú, mặc dù cả người tôi và bọn trẻ ướt sẫm. Thích nhất là chiếc bè chúng tôi vượt qua các hàng rào già tàu và bè lướt sóng tôi và cả nhóm vừa đi vừa nhặt các đồ của gia đình bị lụt cuốn trôi.
  Và năm nào cũng vậy, mỗi lần giao mùa, báo hiệu cho lập đông, thường kéo theo cơn bão, rồi mưa liên tục, tiếp theo nước lên bờ và người dân xứ Huế lại khốn đốn chống lũ. Nhưng mỗi năm không phải lũ chỉ một lần, thường thì 2, 3 đợt. Lũ vừa rút xuống được ít hôm, mưa trút xuống vài ngày sau lại thấy lũ dâng. Cứ thế người dân mãi chống lũ, khổ nhất là công việc vét bùn non. Nước vào khi rút đi để lại những lớp bùn non màu vàng sẫm, dày tới 20-25 cm, thế là phải dọn lớp bùn non đó đi, bằng cách vừa giội nước vừa quét bùn trong thời điểm nước rút mà vẫn còn xấp xĩ để khỏi mất công lấy nước.Tuy nhiên lớp bùn non nầy để lại màu mỡ cho những người trồng trọt.
 Lụt rút, Huế thường có những cơn mưa xối xã, thường gọi là mưa xã bùn non. Đó cũng là thời điểm Huế bắt đầu lập đông, ngày ngắn đêm dài, ban đêm, nằm nghe mưa là một sự thú vị. "Đêm mưa buồn lắng không gian. Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn".
Mưa Huế dai và kéo dài hàng tháng. Có khi cả tháng chưa có được một ngày nắng ấm. Tôi nhớ sân nhà mọc đầy rêu xanh. Có ở Huế và sống, lớn lên, trưởng thành mới thấy được nỗi buồn của những ngày mưa Huế. Vậy mà tôi vẫn thích. Buổi chiều trời mưa lâm râm cùng thằng bạn đội áo mưa, hai đứa đi dọc theo đường Chi Lăng và rồi dừng lại trước rạp chiếu bóng Châu Tinh. Khi gặp được phim hay, mua vé hạng chót (10đ tiền cũ), vậy là rúc mình vào rạp, tuyệt vời. Đi xem cinema cũng là một loại sinh hoạt văn hóa. Hãy tưởng tượng, chiều thứ báy, chủ nhật, thanh niên nam, nữ, sinh viên, học sinh đứng đông nghẹt trên vĩa hè đường Chi Lăng,Trần Hưng Đạo để chờ vào xem phim tại các rạp Châu Tinh, Khải Hoàn, Tân Tân, Hưng Đạo mới thấy được đi xem phim trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu được của Huế. Vậy mà ngày nay còn đâu, "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo..."
 Rạp Châu Tinh bây giờ trở thành một nơi để cho thuê các dịch vụ cưới, phía trước phòng chờ trở thành một tiệm bán bún bò, còn rạp Khải Hoàn bị bỏ hoang, cánh cửa sắt gãy xệ không ai buồn sửa chửa...
Tôi nhớ thằng bạn, sau này khi tôi đã lên học trung học , ban đêm, tôi thường đạp xe lên nhà nó ở đường Võ Tánh. Cả hai đứa đi bộ vào tận Thành Nội, trời mưa nhẹ, cả hai đều mặc áo măng tô. Trời lạnh, khi đi xuyên qua cửa Đông Ba, tôi nhìn lên trên thành, thấy thấp thoáng vài ánh đèn đêm, hai đứa đi dọc theo các con đường nhỏ trong Thành Nội, mà bước chân của tôi có khi nghịch ngợm hất những chiếc lá khô kêu lách tách , vừa đi tôi và thằng bạn vừa nói chuyện, trao đổi đủ thứ chuyện, chuyện các cô gái, chuyện về các nhà văn thơ tiền chiến, hiện đại,...khi đi ngang qua ngôi biệt thự nhà nàng, cô bé Thái Thị Thanh X, thuở lớp 5, tôi rảo mắt nhìn vào, lòng ngậm ngùi mong được thấy hình bóng nàng, nhưng tôi hoài công, khung cửa sổ nhà nàng đóng kín, ánh sáng le lói từ những ô cửa kính chiếu ra khu vườn, đem lại cho tôi một cảm giác cô đơn buồn bã. Người bạn nói với tôi: Thành công là một sự kiên nhẫn lâu dài. Nếu yêu nàng, mày phải can đảm, đẹp trai không bằng chai mặt. Hi, hi vui ghê!
Đúng là một thời tuổi trẻ lãng mạn, nhìn người mình yêu như thần tượng, đi ngang qua nhà nàng, không dám nhìn vào.
Thời gian … Khát vọng …
Đã bao năm qua, tôi đã đi tìm, phác thảo chân dung nàng.
Đã bao lần, tôi hình dung khuôn mặt nàng, nụ cười, nước mắt nàng, đôi mắt trong sáng ngày nào hồn nhiên thánh thiện, …
Nhưng tôi thất vọng. Huế của tôi ngày xưa, bây giờ không còn nữa.
Huế đã mất tất cả …
Xin được gởi yêu thương cho kỉ niệm, cho những người đã một thời tôi được sống cùng, sống với…