Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Y Hoc 05.2015 BS Nguyễn Văn Thông


               1
ĐỈNH CAO CỦA PHẪU THUẬT :

PHẪU THUẬT GEN

Đưa các chất cực nhỏ vào trọng bộ mã gen của người để các chất này đóng vai trò của những phẫu thuật gia phân tử xử lý các gen bị đột biến : đó là niềm hy vọng vào liệu Ngồi trên một cai ghế cao, cằm và trán được giữ chặc, cậu bé Guillaume 9 tuổi rưỡi, kiên nhẫn chờ đợi cuộc thử nghiệm khởi sự. Cậu bé liếc nhìn các ống kim tiêm bằng điện, bộ dây ống và các thiết bị y khoa khác nằm trên bàn trước mặt cậu. Cậu bé biết rất rõ diễn biến của cuộc thử nghiệm được mệnh danh là “Định lượng sự khác biệt về hiệu thế xuyên thượng bì mũi”. Trong vài tháng qua, cậu bé đã chịu 6 lần thử nghiệm, luôn luôn ở trong căn phòng “Thăm dò qua đường mũi” ở tầng 3 của Bệnh viện Necker ở Paris. Không giao động, mặc dầu bắt buộc phải ngồi yên trong vòng một tiếng rưỡi, với một ống thông nhỏ đặt vào trong một lỗ mũi vài centimet. Cuộc thử nghiệm này là một yếu tố then chốt để đánh giá hiệu quả của một loại thuốc đang thử nghiệm.


Guillaume bị chứng bệnh nhầy nhớt (mucoviscidose), một chứng bệnh di truyền gây ra các rối loạn tiêu hoá cho cậu và buộc cậu phải “nốc” khoảng 19 viên thuốc mỗi ngày. Cậu bé đã phải thuyết phục cha mẹ cậu để chấp thuận cho cậu tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc mới, PTC124 này. PTC124, nhìn bề ngoài cũng chỉ là một chất bột trắng bình thường, uống một ngày 3 lần nhưng thực sự là một chất chống biến đổi gen với độ chính xác đáng kinh ngạc. Đây thực sự là một thiết bị cực nhỏ có khả năng xâm nhập vào bộ máy tổng hợp protêin của Guillaume để ép buộc bộ máy này phải thực hiện việc điều chỉnh lại sự đột biến gen, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.  
2

Sửa chữa một gen bị bệnh hơn là thay thế nó, đó là mục tiêu đầy tham vọng của kỹ thuật mới, được gọi là “phẫu thuật” gen. Liệu pháp này được ra đời cách đây 10 năm, đã thu hút rất nhiều công trình nghiên cứu trên toàn thế giới. Thực vậy, từ 20 năm nay, với liệu pháp gen cổ điển thì các nhà nghiên cứu chỉ có thể tìm cách thay thế một gen bị suy thoái bằng một gen lành mạnh đúng tiêu chuẩn. Hàng trăm thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực các bệnh di truyền, truyền nhiễm và ung thư. Tuy nhiên, kết quả thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sự tiến bộ vượt bực trong công việc giải mã gen và sựu đột biến gen đã mở ra một kỷ nguyên mới. Từ đây, các nhà phẫu thuật phân tử, thuốc điều trị có thể “sửa lỗi” gen một cách chọn lọc. Các nhà phẫu thuật có thể cắt bỏ phần gen bị tổn thương và thay vào đó phần gen hoàn toàn mới… Những sự can thiệp đó, tuỳ theo trường hợp có thể thực hiện trên ADN, ngay giữa các nhiễm sắc thể; trên ARN truyền tin hoặc ngay khi giải mã trong 
protêin. (xem hình)

3
Cho đến bây giờ, phần lớn các kỹ thuật phẫu thuật gen chỉ mới đặt chân vào giai đoạn sơ bộ của công trình nghiên cứu, ngoại trừ PTC124, phân tử mà cậu bé Guillaume đang thử nghiệm. Tại Pháp, có khoảng 6.000 – 7.000 người bị chứng bệnh nhầy nhớt (mucoviscidose) giống như nó, một chứng bệnh gây ra do thiếu gen CFTR, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hoá và hô hấp. Nhưng Guillaume lại thuộc vào nhóm 15% bệnh nhân chịu sự đột biến gen đặc biệt, được gọi là “non sens” hay “ codon stop”. Và chính sự đặc biệt này lại là niềm hy vọng có được hiệu quả của PTC.
4
TS Isabelle Sennet-Gaudelus, người phối hợp thực hiện công trình nghiên cứu này trên 30 đứa trẻ, đã giải thích hiện tường này như sau: Tất cả các gen truyền tin đều có một tín hiệu ngừng (codon stop) để dừng sự chế tạo protêin khi đã hoàn thành. Ở bệnh nhân này lại có tín hiệu ngừng sớm, nên sự chế tạo protêin dừng quá sớm. Protêin bị “xén” bớt đó sẽ bị cho vào “thùng rác” bởi hệ kiểm soát chất lượng tế bào. PTC che dấu tín hiệu ngừng “trật chìa” này đi. Hiện tượng kỳ lạ này, được gọi là “ sự chuyển mã tín hiệu ngừng”, đã được theo dõi cách đây 10 năm bằng một loại kháng sinh cổ lỗ, đó là gentamycine. Tuy nhiên, gentamycine có thể gây ngộ độc nếu dùng trong thời gian dài, nên công trình bị gián đoạn. Để tìm chất thay thế cho gentamycine, Công ty dược phẩm PTC Therapeutics của Hoa Kỳ đã phải sàng lọc khoảng 800.000 hoá chất trước khi tìm ra PTC124 vào năm 2004. Để tái lập tiến trình tạo ra chất CFTR, một loại protêin chủ yếu trong việc điều hoà sự trao đổi ion clo ngoại bào, Cty PTC đã có thể khắc phục được các hậu quả của sự biến đổi gen: chất tiết niêm mạc dày và dính, tắc nghẽn đường hô hấp và tiêu hoá. Có điều chắc chắn là phân tử PTC124 này không thể có tác dụng hoàn toàn với tất cả các tế bào bị bệnh. Chỉ cần 5-10% protêin hoạt động là đủ để đạt được hiệu quả đối với tét thử nghiệm bằng mũi này. Trong vài năm nữa, liệu pháp gen này không những có thể thay đổi tận gốc chứng bệnh nhày nhớt với đột biến gen “non sens” mà còn có thể thay đổi cả các chứng bệnh khác như các bệnh về cơ hay các bệnh về di truyền khác, kể cả ung thư. Bởi vì PTC124 không phải đặc thù cho một chứng bệnh mà cho sự đột biến gen.



(Theo Science&Vie)
BS NGUYỄN VĂN THÔNG


 ĐEM LI XÚC GIÁC CHO
                      BÀN TAY GIẢ


    Lần đầu tiên, một thiết bị của bàn tay sinh học có khả năng cung cấp xúc giác cho kẻ mang nó, đã được thử nghiệm thành công ở bệnh nhân bị cụt cẳng tay.


    Bệnh nhân Dennis Aabo, được bịt kín mắt, tai nghe nhét vào lỗ tai, đã cảm nhận được tròn hay vuông, cứng hay mềm khi chạm vào vật được đặt vào trong bàn tay trái. Người đàn ông Đan Mạch này đã bị mất cảm giác từ 9 năm nay. Cảm giác đã được truyền vào bàn tay nhân tạo được gắn vào mõm cụt của cẳng tay, đã bị cắt cụt sau tai nạn vào năm 2004. Được giới thiệu rộng rải từ năm 2014, dự án Lifehand2 của châu Au đã gặt hái được thành quả. Cho đến bây giờ, chưa có thiết bị nào có khả năng truyền cảm giác cả.  
   
KỸ THUẬT TINH TẾ
   Theo TS Nathanael Jarrasse thuộc Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, Paris, cho biết trong những năm gần đây, các phòng thí nghiệm về robot đã có thể thực hiện việc gắn vào tay các thiết bị có khả năng thực hiện các thao tác phức tạp. Gây ấn tượng nhất là thiết bị “Luke Arm” do công ty Deka chế tạo, có khả năng nắm được một hạt cà phê. Nhưng các thiết bị này rất khó điều khiển. Hơn nữa, những người được gắn các thiết bị này vẫn không có cảm giác khi nắm một vật.
   Sau gần 30 năm, các nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm robot của Trường cao đẳng Sant’Anna ở Pise, Ý, đã tìm được cách khác phục vấn đề này. Theo GS Silvestro Micera cho biết nhóm nghiên cứu đã mô phỏng theo những gì xảy ra trong một bàn tay thật để chế tạo một thiết bị mà bệnh nhân có thể kiểm soát được các cử động thông qua hệ thần kinh của người bệnh và sau đó hệ thần kinh sẽ tạo ra cảm giác như ở bàn tay thật.
    Với sự trợ giúp của các nhà khoa học Ý, Thụy Sĩ và Đức, nhóm nghiên cứu của GS S. Micera đã vượt qua giai đoạn đầu tiên nằm trong khung dự án Lifehand vào năm 2008. Hai điện cực dưới dạng sợi dây, được đặt dọc theo 2 sợi dây thần kinh của cánh tay của bệnh nhân bị cụt tay, để truyền tín hiệu vận động đến một bàn tay giả. Bàn tay này không gắn vào cánh tay mà được đặt ở vị trí không xa lắm. Nhóm nghiên cứu có thể khiến cho bệnh nhân có thể mở đóng bàn tay hay kẹp một vật giữa ngón tay cái và ngón trỏ.
   Dự án Lifehand2 với nhiều tham vọng hơn đã được khởi sự. Với sự hợp lực của 9 phòng thí nghiệm của châu Au, họ đã tiến hành thử nghiệm một thiết bị được kiểm soát bới hệ thần kinh trung ương, có khả năng gởi tín hiệu cảm giác của các ngón tay về não bộ của bệnh nhân.
        


CÁC THIẾT BỊ THU TÍN HIỆU Ở ĐẦU CÁC NGÓN TAY
   Với mục đích này, bàn tay giả nguyên thủy đã được cải tiến. Các kỹ sư đã trang bị cho bàn tay, ở ngay đầu các ngón tay, các đầu thu tín hiệu đặc biệt, có khả năng cảm nhận xúc giác như của da. Làm thế nào để có thể truyền tín hiệu thu được từ các đầu thu này vào dây thần kinh cảm giác của bệnh nhân với một vận tốc vừa đủ để người bệnh có thể điều chỉnh cử động theo cảm giác. Đó là thách thức mà các nhà khoa học quan tâm.
    Để đạt được điều đó, nhóm nghiên cứu của TS Thomas Stieglitz thuộc Viện đại học Fribourg-en-Brisgau, CHLB Đức, đã chấp nhận các điện cực thế hệ mới, được gắn thẳng góc trong dây thần kinh. Dưới dạng sợi, các điện cực này được cung cấp 16 vùng tiếp xúc điện trên dây thần kinh.
    Vào ngày 26/01/2013, TS Dennis Aabo Sorensen đã thực hiện cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Gemelli ở Rome, Ý. Trong cuộc phẫu thuật này, các nhà phẫu thuật đã trang bị 2 điện cực cho dây thần kinh giữa của cánh tay có chức năng điều khiển các cử động của ngón cái, ngón trỏ cũng như cảm nhận về xúc giác và dây thần kinh tay trụ có chức năng như trên đối với ngón đeo nhẫn và ngón út. Một điện cực ở gần khớp nối để điều khiển vận động và một ở xa hơn để truyền cảm giác.


               


   Tháng tiếp đó là một giai đoạn tập luyện gian khổ. Trong phòng thử nghiệm, mỗi ngày trong 14 ngày liên tục, các điện cực nhô ra từ cánh tay của bệnh nhân được nối với bàn tay nhân tạo thông qua một thiết bị điện tử nặng nề. Nhờ thiết bị điện tử này, các nhà nghiên cứu đã tinh tế hóa sự “đối thoại” giữa các đầu thu tín hiệu và các dây thần kinh cảm giác của người bệnh rồi giữa dây thần kinh vận động và bàn tay giả.


THIẾT LẬP ĐỐI THOẠI   
    Một khi đã thiết lập được đối thoại giữa điện cực và hệ thần kinh cảm giác, các nhà khoa học tiếp tục cài đặt đối thoại về vận động. Vào năm 2008, người ta đã có thể điều khiển bàn tay từ xa. Lần này, các phẫu thuật viên đã đặt bàn tay giả lên trên mõm cụt. Thật đáng tiếc, do ở gần các điện cực được gắn trong cánh tay, các mạch điện tử của bàn tay đã bị chồng chéo với các điện cực ở gần hơn mà các điện cực này lại truyền tín hiệu vận động! Điều bất ngờ này đã buộc các nhà nghiên cứu phải thay các điện cực này bằng các điện cực khác được đặt ngay ở trên da. Các điện cực này không ghi các tín hiệu đến từ dây thần kinh vận động mà từ sự co cơ.
    Điều bất ngờ này không làm hỏng sự thành công của cuộc phẫu thuật. Rất nhanh chóng bệnh nhân đã phát triển được một sự khéo léo và cảm nhận được những cảm giác sơ đẳng: mắt bịt kín và tai nghe nhét vào lỗ tai, người bệnh thực hiện được khoảng một trăm tét thử nghiệm. Cuối cùng, người bệnh đã nhận ra được độ chắc của những đồ vật khác nhau : cứng, hơi cứng hay mềm trong 79% trường hợp; hình tròn, vuông hay hình thuẩn trong 88% trường hợp. Những cảm giác này đã cho phép người bệnh nhận thức được hình dạng của vật đang cầm trong tay và người bệnh có thể điều chỉnh được cách nắm.
     Trong khi chờ đợi, toàn bộ hệ thống cần phải được tiểu hình hóa và vấn đề về chồng chéo tín hiệu cần phải được giải quyết. Dự án Handbot, do Viện đại học Rome, Ý, chủ trì, kế thừa dự án Lifehand2. Thiết bị mới sẽ được thử nghiệm vào năm 2016.
   (Phỏng theo LaRecherche)
            BS NGUYỄN VĂN THÔNG

                                                                                                   DrThong007@gmail.com  


10  ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ
                                                    MÙI CƠ THỂ
      Mùi cơ thể, kẻ ưa người ghét. Có kẻ tắm 3 lần mỗi ngày vẫn không hết mùi. Trong khi có người 3 ngày không tắm vẫn không thấy mùi. Tại sao?

1. Chính m hôi gây ra mùi ?
       Sai. Ra mồ hôi chủ yếu là nước. Theo TS Roland Salesse, GĐ Viện quốc gia Nghiên cứu NoMI, mùi phát ra do hàng tỉ vi khuẩn sinh sôi nẩy nở trên da. Chúng được nuôi dưỡng bởi các acid béo và protein hiện diện trong mồ hôi và tiêu hóa các chất này tạo ra mùi. Ngoài ra, không phải mồ hôi ra đầm đìa là mùi càng nồng bởi vì có nhiều nước nên các chất tạo ra mùi hòa tan trong nước.
       Vùng nách và bẹn tập trung nồng độ mùi bởi vì các hạch tiết mồ hôi nằm ở các vùng này tiết ra các acid béo và protein trong khi ở các nơi khác của cơ thể các tuyến ít tiết ra các chất đó hơn.
       Các chất khử mùi tác động theo 3 cách:
-       Bít các lỗ chân lông để tránh ra mồ hôi bằng các chất như muối aluminium.
-       Khử các vi khuẩn bằng thuốc kháng khuẩn.
-       Dùng nước hoa để khử mùi.
             


2. Càng tm k càng có mùi ?
       Sai. Theo TS Gilles Boetsch, nhà sinh vật học, GĐ Trung tâm nghiên cứu CNRS, Pháp, cho biết càng tắm rửa nhiều thì càng sạch. Bởi vì tắm rửa làm giảm lượng vi khuẩn bám trên da của chúng ta. Nhưng về phương diện vệ sinh chỗ kín thì rửa thái quá có thể mất quân bình hệ khuẩn lạc của âm đạo. Khử chúng có thể dẫn đến sự hình thành của các loài không mong muốn. Tốt nhất, theo Roland Salesse, là sử dụng các loại xà phòng có độ pH trung tính, ít có tác dụng khử khuẩn.

3. An quá nhiu gia v làm tăng mùi ?
       Đúng. An quá nhiều măng tây có thể tạo ra một mùi đặc biệt trong nước tiểu. Các thực phẩm nặng mùi như tỏi, gia vị khiến cho mồ hôi có mùi.
       Nồng độ các acid béo và các sản phẩm chứa lưu huỳnh dễ dàng bị phân hủy trong nước tiểu hơn là trong mồ hôi vì nước tiểu có nhiều nước hơn. Nhưng thông thường mùi trong nước tiểu và mồ hôi giống nhau bởi vì đều có nguồn gốc từ máu.

                          


4. Bàn chân có mùi, thường do di truyn ?
       Đúng! nhưng không hoàn toàn. Theo TS Roland Salesse, mùi mồ hôi có liên hệ chặc chẽ với gen. Thật vậy, chất trimethylamin, có mùi đặc trưng, được gọi là “Hội chứng mùi cá thối”, là một bệnh biến dưỡng do di truyền. Măc dù là di truyền nhưng cũng phải thông qua vi khuẩn bởi vì từ lúc mới chào đời, bé đã bị nhiễm các loại vi khuẩn từ người mẹ, khu trú trên da, trong ruột, ở các lỗ tự nhiên của cơ thể…
       Ở bàn chân, do ra mồ hôi nhiều nhưng lại bí, thiếu thông thoáng, nên nóng và ẩm, nên dễ trở thành “thiên đường” của vi khuẩn. Tuy nhiên, một vài mùi ở lòng bàn chân lại liên quan đến nấm, thường có biểu hiện như da nổi vân, màu hồng và ngứa.

5. Lông làm tăng mùi ca m hôi ?
       Đúng. Nhiệt độ của cơ thể có thể làm tăng sự tiết mồ hôi và nhờ vậy tránh được sự gia tăng thân nhiệt. Mặc dầu nước bay hơi nhưng các phân tử vẫn lắng đọng lại. Vi khuẩn sẽ phân hủy các phân tử này tạo ra mùi. Bản thân lông cũng giúp sự bay hơi bằng cách tăng diện tích lan tỏa. Tuy nhiên, diện tích càng lớn thì vi khuẩn càng nhiều và như vậy … mùi càng nồng! Thật tệ hại! Lông cũng giống như vải của áo quần giữ lại các phân tử gây ra mùi.

6. Mt s người có mùi thơm t nhiên ?
       Đúng và không. Theo TS Gilles Boetsch, ta chỉ nên nói “dễ chịu và khó chịu” mà thôi. Văn hóa và sự giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn như liên quan đến vấn đề vệ sinh: mùi mồ hôi nhẹ có thể làm cho người này khó chịu nhưng lại làm cho kẻ khác ưa thích.
       Nếu vài yếu tố như thức ăn, nước uống tạo ra một sự khác biệt, thì đó là những khác biệt về sinh lý. Một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Nature” năm 2006 cho thấy có một loại gen phụ trách về vận chuyển các acid béo và protein trong các tuyến mồ hôi. Một số dân tộc vùng Viễn đông lại không có gen này, nên họ ít có mùi thân thể hơn.

7. Khi yêu thì yêu c mùi ?
       Đúng. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng khi cho một người hít mạnh cái áo thun của người yêu thì mùi sẽ gây nên một cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn. Cũng vậy, các nhà nghiên cứu đã cho thấy trong công trình khác: khi người yêu vắng mặt thì người ta có thể ngủ ngon với mùi của áo quần ngủ của người yêu. Như vậy, mùi làm cho kẻ khác ưa thích hay ta ưa thích mùi đó vì ta yêu kẻ đó ? Thật khó nói đối với TS Gilles Boetsch nhưng có lẽ do cả hai. Mùi chủ yếu là do các chất pheromon tạo ra. Đây là các chất đặc biệt có khả năng thu hút kẻ khác phái của đồng loại. TS Roland Salesse, theo “chủ nghĩa hoài nghi”, lại cho rằng cơ quan thụ cảm xương lá mía của mũi là nơi cảm nhận chủ yếu các chất pheromon ở loài vật, nhưng đã bị teo đi ở loài người. Niêm mạc mũi cũng có thể cảm nhận được các pheromon nhưng rất khó khảo sát ở người bởi vì con người không có các phản ứng được lập trình sẵn như ở loài vật. Pheromon cũng đóng một vai trò quan trọng về khứu giác ở người. Chẳng hạn như trong giai đoạn rụng trứng thì người phụ nữ lại bị lôi cuốn bởi mùi của phái nam và ngược lại.

8. Ta không cm nhn được mùi riêng bit?
       Đúng vậy. Bởi vì não bộ đã học được cách loại bỏ các loại mùi này. Cũng như các hệ cảm giác khác, bộ não phải thực hiện việc chọn lọc trong vô số những thông tin mà não nhận được. Và khi một kích thích hiện diện thường trực thì bộ não sẽ “phớt lờ” không nhận biết.

9. Mùi cơ th xut hin tui trưởng thành ?
       Sai. Theo TS Gilles Boetsch mùi luôn luôn hiện diện nhưng chúng thay đổi theo tuổi. Ở tuổi trưởng thành, các thay đổi về hoc-môn ảnh hưởng đến sự biến dưỡng, làm biến đổi thành phần của mồ hôi nhưng vi khuẩn lại thích hợp với việc đó. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả: thức ăn cũng thay đổi, hệ lông xuất hiện và vấn đề vệ sinh cũng phải thích ứng theo và như vậy làm cho mùi biểu hiện nhiều hơn. Nhưng sự thay đổi không phải là “độc quyền” của tuổi thành niên.
       Một công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ được công bố vào năm 2012 trên tạp chí “Plos One” cho thấy mùi cơ thể thay đổi theo độ tuổi. Các mẫu nghiệm mùi được lấy theo các nhóm tuổi khác nhau: nhóm 20-30, nhóm 45-55 và nhóm 75-95 tuổi và được cất giữ trong lọ đối chứng với nhóm chứng. Kết quả cho thấy mùi có liên quan đến các độ tuổi khác nhau.

10. Nng mùi du hiu ca tình trng sc khe xu?
       Đúng vậy! Nấm da thường kèm theo mùi khó chịu, đôi khi đó lại là dấu hiệu đặc thù để chẩn đoán. Hơi thở cũng được xem là dấu chỉ điểm về tình trạng của hệ tiêu hóa hay răng miệng. TS Roland Salesse cho biết chứng bệnh tâm thần phân liệt thường kết hợp với mùi mồ hôi rất đặc biệt do rối loạn biến dưỡng. Như vậy, mùi cơ thể, hơi thở và nước tiểu đã tạo thành “bộ ba” giúp cho việc chẩn đoán.  
         
                                                                                    (Phỏng theo Çà M’Intéresse)
                                                                                  BS NGUYỄN VĂN THÔNG

                                                                      DrThong007@gmail.com


                 LẤY LẠI HƯƠNG VỊ XƯA


        Cà chua là loại cây trái được nuôi trồng với diện rộng trên toàn thế giới, sản lượng mỗi năm đạt 140 triệu tấn, xếp hạng 6. Đây là loại cây trái được các bà nội trợ Pháp ưa chuộng nhất, hơn cả xà lách và dưa leo.
    Cà chua, ngày xưa được gọi với cái tên đầy trìu mến “trái lê tình yêu”, được nhập vào châu Au từ các vùng Nam Mỹ, do nhà nhà khai hóa của thế kỹ XVI đem về. Tuy nhiên, phải đến thập niên 1990, việc nuôi trồng cà chua và sản xuất mới thực sự “cất cánh” nhờ các công trình nghiên cứu của các nhà nông học đã thành công trong việc biến đổi gen RIN (Ripening Inhibitor) đã kéo dài được thời gian bảo quản nhưng lại làm mất mùi vị của cà chua. TS Pierre Diot, nguyên chủ tịch của Hội AOPn, cho biết từ lâu nay các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm đến việc cải thiện chất lượng cà chua về hình thái bên ngoài chứ không tìm cách bảo lưu mùi vị. Việc chọn lựa và kỹ thuật nuôi trồng khiến cho cà chua chắc hơn nhưng độ chín kém đi, nên không phát triển được các nhân thơm. Kết quả là cà chua trở nên nhạt nhẽo. Từ đó, các nhà nghiên cứu tìm cách kết hợp chất bảo quản tốt nhất với một vị ngon nhất tạo ra một loại cà chua hoàn hảo hơn.

                 


   Hiện nay, điều này đang được cụ thể hóa bằng một sản phẩm cà chua đầy hương vị và đa dạng hơn. Như vậy, các loại cà chua có dáng tròn cổ điển dần dần biến mất khỏi các giõ xách của các bà nội trợ mà thay vào đó là những quả cà chua dạng chùm nho, dạng dài thon, dạng quả anh đào hay hình trái tim…

                 

                                              Cà chua dạng cerise

                 

                                                 Cà chua xanh

               

                                                 Cà chua trái tim

              

                                                 Cà chua dài

400 CHT BAY HƠI TO NÊN HƯƠNG V
    Cà chua lúc chín chứa khoảng 90-95% là nước và 5-10% là chất khô. Tính chất đặc trưng của cà chua là vừa ở màu hoe tươi và kết cấu của nó. Độ chắc và tính dễ tan tùy thuộc vào bề dày và độ đàn hồi của lớp vỏ cà chua. Ruột cà chua nằm trong các ngăn, chứa các hạt của cây và góp phần tạo ra các thành phần có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Và cuối cùng, vỏ và ruột cà chua chứa hơn 400 chất dễ bay hơi, tạo ra hương vị của trái cây này. Các nhân thơm này chỉ tỏa ra ở cuối giai đoạn chín muồi. Vì vậy, cà chua không nên thu hái quá sớm để giữ hương vị thơm ngon. Bảo quản trong tủ lạnh cũng làm hư hại các nhân thơm này do lạnh làm thoái hóa.    

CÔNG NGH GEN TR LI HƯƠNG V
    Bộ mã gen của cà chua đã được giải mã hoàn toàn vào năm 2012. Các nhà khoa học đã sử dụng chọn lọc một số gen để tái tạo lại hương vị cho cà chua. Phương pháp này chủ yếu kết hợp một loại có hương vị với một loài khác có sản lượng cao và đề kháng đối với sâu. Sau đó, các nhà nghiên cứu tìm cách xác định trong bộ mã gen của cà chua lai giống này, các gen tương ứng với các tính chất của chúng. Như vậy, với bản đồ gen này, các nhà khoa học sẽ phát triển các chủng loại có nhân thơm và cho năng suất cao. 
  
TRÁI CÂY MÀ ÍT ĐƯỜNG
    Cà chua được xem như một loại trái cây theo tiêu chuẩn thực vật. Mặc dù thành phần khô bao gồm một nửa là đường, chủ yếu là fructose, glucose và một ít saccharose, nhưng độ ngọt vẫn không cao. Lượng đường tương đối thấp, tính theo tỉ lệ phần trăm đối với toàn bộ phần tươi (kể cả nước). Đối với phần còn lại, chất khô của cà chua bao gồm:
                 - ¼ protein, pectin, cellulose và hemicellulose    
                 - ¼ Acid amin, khoáng chất (kali, photpho) và lipid
                 - Acid hữu cơ.
    Acid citric (chiếm 70% lượng acid) đã khiến cho cà chua có vị chua. Vị chua cao khi trái bắt đầu chín và giảm dần độ chua song song với sự tăng sắc đỏ của cà chua.

VAI TRÒ TRONG PHÒNG CHNG BNH
    Vitamin C là nguồn cung cấp chủ yếu của cà chua và 2 loại sắc tố thuộc họ carotênoid: lycopen và â-caroten kích thích “lòng tham” của các nhà khoa học. Lycopen chiếm từ 80-90% sắc tố của cà chua và làm cho cà chua có màu đỏ trong khi â-caroten là nguồn cung cấp vitamin A hay retinol, lại khiến cho cà chua có màu vàng cam.
             


           



    Thực vậy, các vi chất này đã tác động sự thích nghi của cây với môi trường, đặc biệt là sức chịu đựng đối với các kích thích đa dạng như mầm bệnh, côn trùng, khô hạn, lạnh giá hay tia cực tím.
    Tác dụng bảo vệ, được gọi là chống oxy-hóa, đã khiến các nhà khoa học thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về hiệu quả phòng ngừa bệnh tim mạch cũng như ung thư tiền liệt tuyến của chất lycopen. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những công trình trong phòng thí nghiệm. Để thử nghiệm lâm sàng, vấn đề có vẻ “gai góc” hơn vì phải thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa sự tiêu thụ cà chua và nguy cơ mắc bệnh. Các công trình nghiên cứu trên người đến giờ vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

TÍNH CHT DINH DƯỠNG THAY ĐI THEO LOI
    Cà chua không phải là một loại trái cây có thành phần đồng nhất và tính chất dinh dưỡng của nó thay đổi theo kích thước và sự đa dạng, có liên quan trực tiếp đến lượng chất khô mà nó chứa. Hàm lượng vitamin C có thể thay đổi từ 13 - 44mg/100g. Còn lycopen và â-caroten, thường nằm ở ngoài vỏ và trong hạt, có nhiều trong những trái cà chua có màu đỏ sậm và kích thước nhỏ (cà chua dạng oliu, dạng xơ-ri ).
   Tuy nhiên, việc chế biến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng. Nếu nấu chín sẽ làm hư hại vitamin C nhưng ngược lại nó lại làm cơ thể dễ hấp thu các chất carotenoid hơn. Bằng cách bẻ gãy cấu trúc tế bào cà chua, nhiệt độ sẽ giải phóng các sắc tố tan trong mỡ mà không gây hư hại. Các sắc tố này kết hợp với chất béo và dễ dàng đi vào máu.

                              

                                                        Cà chua sống

   Tóm lại, tốt nhất là chúng ta ăn lần lượt cà chua sống để lấy vitamin C rồi sau đó nấu chín để có được các chất sắc tố chống oxy-hóa.
                                                                                      (Phỏng theo Sciences&Avenir)
                                                                                        BS NGUYỄN VĂN THÔNG  
                                                                                           DrThong007@gmail.com


                            CÔN TRÙNG ,
                      THỰC ĐƠN CỦA TƯƠNG LAI


    Bạn hãy quên đi bánh xăng-uýt (sandwich), bip-têt (beefsteak), thịt heo hay các loại thịt khác : từ đây, chỉ có con nhộng và châu chấu cho mọi người! Phải đặt những con vật bé nhỏ này vào thực đơn để tương lai mọi người sẽ ăn khi đói.


      Hôm nay, đó là thời khắc mà bạn làm cho cả gia đình kinh ngạc khi bạn chuẩn bị bữa ăn sáng. Thực vậy, bạn có một món ăn đặc biệt cho dịp này. Vẫn là các thành phần cũ: sôcôla, đường, trứng, bơ, bột… nhưng đặc biệt là một lượng lớn con nhộng! Có thể mẹ bạn không hứng thú với sự thay đổi này nhưng cái dòn tan của những ấu trùng này cũng mang hương vị riêng.
                                

     Nếu mọi người chấp nhận thực đơn này thì sẽ là một giải pháp tối ưu để chống lại nạn đói sẽ xảy ra trên hành tinh của chúng ta. Tổ chức lương nông của Liên hiệp quốc (FAO) đã xác định điều đó trong công trình nghiên cứu hợp tác với Viện đại học Wageninger, Hà Lan : đưa côn trùng vào thực đơn của chúng ta để đảm bảo là mọi người sẽ phải ăn chúng trong tương lai. Từ 7 tỉ người hiện tại, dân số thế giới sẽ vượt quá 9 tỉ trong vòng 40 năm nữa. Hiện nay, theo thống kê đã có khoảng 900 triệu người đang bị đói. Theo các chuyên gia, con số này có khả năng bùng nổ. Với 2 tỉ miệng ăn tăng thêm, hậu quả là cần tăng thêm khối lượng thịt, ngũ cốc và rau xanh hàng năm. Vấn nạn: không còn đủ đất để trồng trọt hay chăn nuôi cũng như nguồn nước để cung cấp.
    Vì tất cả những lý do trên, Tổ chức Lương nông của LHQ (FAO) đã khuyến khích ăn côn trùng thay cho thịt động vật trên khắp hành tinh. Dân số thế giới sẽ gia tăng đáng sơ, thêm khoảng 2 tỉ người vào năm 2050. Diện tích đất đai để trồng trọt, chăn nuôi có giới hạn, không thể đáp ứng cho nhu cầu sản xuất đủ lượng thịt để nuôi sống con người.

TỐT CHO CHÚNG TA VÀ TRÁI ĐẤT
    Thật vô ích khi quay trở lại biển cả: con người đã đánh bắt cá đến nổi nguồn dự trữ cá không thể sinh sôi để bù với lượng đánh bắt. Cũng như về vẫn đề nuôi trồng thủy sản: không những gây ô nhiễm môi trường mà người ta còn bắt cả cá hoang dã để … nuôi cá nuôi! Vì vậy, Tổ chức Lương-nông của LHQ (FAO) đã tuyên bố: giải pháp duy nhất, đó là côn trùng. Trên Trái đất chúng ta hiện nay có cả một lượng rất lớn côn trùng có thể ăn được mà trong đó khoảng 1900 loại đã được tiêu thụ.
    Phải nói rằng những con vật bé nhỏ này đem lại rất nhiều lợi ích. Trái ngược với gia súc, chúng ta có thể nuôi côn trùng với khối lượng “khủng” trong một không gian nhỏ hẹp: chỉ cần một chuồng đất đơn giản dung tích 90 lít, ta có thể nuôi từ 300 đến 500 con châu chấu! Hơn nữa, chúng không phải là loại háu ăn, nên tốn rất ít thức ăn cho chúng. Sau đây là con số rất thuyết phục: chỉ cần 1,7kg thức ăn là có thể nuôi được 1kg châu chấu trong khi chúng ta phải tiêu tốn 4kg thực phẩm để tạo ra 1kg thịt lợn và đến 12 kg thực vật để có 1kg thịt bò!

           


      Không phàm ăn, nên cũng ít tiêu tốn lượng nước và đất để tạo ra thức ăn cho côn trùng. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nuôi côn trùng rõ ràng là rất lợi về phương diện sinh thái học. Thật vậy, các gia súc được nuôi thường là ổ chứa vi khuẩn, nên có thể làm lên men những gì chúng ăn và tạo ra khí thải. Trong số đó, khí metan và các chất dẫn xuất có khả năng sinh nhiệt và làm nóng bầu khí quyển. Trong khi các côn trùng tạo ra khí thải ít hơn 100 lần so với một con bò cái.
     An châu chấu thay cho bip-tết là chúng ta đã chống lại sự tăng nhiệt Trái đất. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải chuyển sang nuôi côn trùng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT CÔN TRÙNG TẠI PHÁP
    Nằm trong khu công nghiệp Saint-Orens-de-Gameville thuộc vùng Haute-Garonne, Pháp, một nhà kho bỏ hoang có diện tích 700m2, không cửa sổ, được tận dụng để nuôi côn trùng. Trong không gian ẩm ướt và nóng bức, hàng triệu con sâu bò lúc nhúc trên một cái giường phủ bột mì. “Chuồng” của chúng là những cái túi bằng chất dẽo, được sắp xếp từng chục dọc theo các bức tường. Trong nhà kho chính, mát mẻ hơn, hàng ngàn con dế mèn kêu inh ỏi. Chúng được nhốt trong những cái hộp sắp xếp thẳng hàng. 4 kỹ thuật viên đeo khẩu trang, trùm mũ và mặc áo choàng trắng có nhiệm vụ theo dõi nhiệt độ của không khí, làm đầy các bể chứa nước và chăm sóc các con côn trùng. Thực đơn của côn trùng bao gồm: bột mì, cỏ linh lăng, cà rốt, đại mạch và táo tây. Còn trái cây và rau xanh, được nuôi trồng tại chỗ bằng phương pháp sinh học, được bóc vỏ và thái nhỏ. Tất cả để đảm bảo cho sự tăng trưởng của các con vật quý giá này. Khi đã tăng trưởng đúng ngày, 8 tuần đối với dế mèn và 12 tuần đối với sâu thì những côn trùng này sẽ bị “hạ thủ” bằng một phương pháp bí mật. Sau đó, chúng được sấy khô và đóng gói để bán hay được làm “gia vị” cho bánh hạnh nhân, sô-cô-la …    
                            

      Micronutris, cơ sở tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp côn trùng tại Pháp, đi vào hoạt động cách đây 1 năm, bao gồm: dế mèn (Acheta domesticus) và sâu bột (Tenebrio molitor). Các loại côn trùng này được cung cấp qua mạng internet cho các cửa hàng đặc sản chuyên bán thức ăn kiêng, sinh học và một số nhà hàng nổi tiếng như Aphrodite ở Nice, Pháp.

                  


LỢI ÍCH VỀ KINH TẾ, MÔI TRƯỜNG VÀ SỨC KHỎE
      Các tín đồ của “trường phái ăn côn trùng”, từ đây sẽ vững tâm hơn vì đã có những bằng chứng đáng tin cậy về dinh dưỡng, kinh tế và môi trường. Khoảng 2.000 loại côn trùng đặc biệt rất giàu protein mà lại ít mỡ, được nuôi dưỡng khắp thế giới. Hàm lượng protein có thể đạt đến 75% và chất mỡ chỉ có 2,2% ở dế mèn và châu chấu. Một lợi ích dinh dưỡng khác là chúng rất giàu vitamin, sắt, kẽm, omega-3…
    Côn trùng có khả năng tự sinh sản, tự phát triển rất nhanh và cơ thể chúng có thể ăn được gần như vô hại. Chúng ta cần 10kg thực phẩm để có thể sản xuất được 1kg thịt bò hoặc 3kg thịt lợn so với 9kg dế mèn. Thực vậy, trái ngược với động vật có vú, côn trùng không tiêu thụ nhiều năng lượng để phát triển. Hơn nữa, nuôi côn trùng không gây ô nhiễm môi trường như nuôi động vật có vú (lợn, bò, dê…) do chúng ít tạo ra khí thải. Một công trình nghiên cứu của Viện đại học Wageningen, Hà Lan, cho thấy sản xuất 1 kg dế mèn chỉ thải ra 0,09g khí cacbonic (CO2) mỗi ngày so với 7g đối với thịt bò và 28g đối với thịt lợn. Dữ liệu sau cùng: cấu trúc gen của côn trùng khác rất xa với con người, nên nguy cơ bị lây nhiễm bệnh là = 0, so với nguy cơ nhiễm H5N1 hay bệnh SARS… của động vật.

                                                                                   (Tổng hợp từ Çà M’Intéresse
                                                                                          và Science&Vie Junior)
                                                                                      BS NGUYỄN VĂN THÔNG
                                                                             DrThong007@gmail.com