Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Cát biển

Nguyễn Lương Tuấn

Mỹ Khê, biển chiều
Âm nhạc, những bài hát – Nó là một phần đời sống của tôi và tôi nghĩ cũng là của chúng ta. Nó không thể thiếu và càng không thể bị bắt buộc hay gò bó phải nghe bài hát này, không được nghe bài hát kia, lại càng không thể định hướng cho người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn … nói tắt lại cả hai đều tự do.
Tự do là tất yếu cho nghệ thuật cất cánh, trong đó có âm nhạc.
Đà Nẵng một ngày nắng nóng. Đêm về, đứa cháu dâu từ Sài Gòn mời gia đình đi nghe nhạc. Tối đó chúng tôi chọn quán Tiếng Dương Cầm.
Đêm nghe nhạc thật thú vị. Các ca sĩ trình diễn trẻ có, trung niên có. Những bài được hát đều là nhạc trước 75. Một điều mà từ lâu tôi vẫn thầm nghĩ, thì ra những bài hát cũ không bao giờ bị quên lãng, vẫn là những bài ca đi cùng năm tháng, bất tử, mãi mãi, cho dù một thời bị lên án, bị hạ bệ, bị càn quét, … Mở đầu là một bài hát của Trần Thiện Thanh rất dễ thương được cặp nam nữ cùng hát “tình là tình như không mà có” rồi một bài hát của Phạm Duy “Chỉ chừng đó thôi” qua giọng ca nữ, tiếp đến là bài của Trầm Tử Thiêng “Mộng sầu” rồi “Mơ hoa”, “Nụ tầm Xuân”,…nói chung bài nào cũng hay và các nhạc công hòa âm rất tuyệt.


Người phục vụ đưa cho tôi một tờ giấy. Đứa cháu dâu nói: “chú à, chú đề nghị bài hát nào đó để họ đáp ứng cho mình”. Tự nhiên tôi nhớ mấy ngày trước tôi nghe “Cát biển” của Lê Trọng Nguyễn và Y Vân trong một đĩa đơn của ca sĩ Quang Tuấn, giai điệu và ca từ dễ thương nhẹ nhàng và tôi chọn bài này. Có thể vì Đà Nẵng mấy ngày này quá nóng, có thể vì Đà Nẵng là một thành phố biển, Đi đâu cũng thấy biển, biển chạy dài bao bọc: Mỹ Khê, Thanh Bình. Thanh Khê, Xuân Thiều, Nam Ô, Liên Chiểu. Biển mênh mông vô tận cùng bãi cát mịn, trắng chạy dài. Hình như Lê Trọng Nguyễn Làm bài hát này vì ông là người Đà Nẵng. Ông mê biển, và cát biển.
Bài hát yêu cầu đã lâu, mà vẫn không thấy đáp ứng. Chờ mãi sốt ruột, tôi nghĩ bài này ít phổ biến nên ca sĩ chưa tập dợt.. Cháu tôi nói: Bài chú yêu cầu chắc họ chưa từng hát rồi?
Bỗng nhiên một nam ca sĩ mà trước đó tôi rất thích bước lên sân khấu. Anh giới thiệu bài hát “Cát biển” theo yêu cầu của một khán giả. Nhạc công chơi nhạc để anh bắc giọng:
“Kể từ một chiều vắng tuổi mộng ước chưa tròn,…” thế nhưng anh bắt nhịp không được, là bị thấp. Anh ngưng và ngỏ lời xin lỗi, xong nhạc công lại chơi nhạc dẫn và tôi thấy người chơi trống đưa tay vừa bắt nhịp vừa hát nhỏ để anh làm lại.
Thật vui! Vẫn chưa được.
Anh lại xin lỗi và làm lại lần thứ ba. Lần này thành công và người ca sĩ hát rất mượt mà, không sai nhịp, sai từ. Thật lạ. Như vậy đây cũng là bài hát quen của anh. vậy mà anh bắt nhịp vào bài rất khó khăn. Có thể là vì anh chưa hát nhiều?
Nghe bài hát, tôi thấy hay, lôi cuốn. Giai điệu, ca từ nhẹ nhàng, dễ thương: Có thể là vì tác giả dùng những hình ảnh sinh động: Biển chiều, sóng dạt dào, xô bờ cát, và hình ảnh con còng xe cát lấy từ điển tích: “Dã tràng xe cát biển đông. Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Nội dung bài hát đượm một chút triết lý làm cho mình cảm thấy cuộc đời thật vô thường nhưng không vì thế mà chán đời, ngược lại yêu đời hơn như trong câu hát kết thúc: “chim trời một lối .. riêng có em và tôi”
Kể từ một chiều vắng tuổi mộng ước chưa tròn,
Một mình nhìn cồn sóng hôn bờ cát hoa.
Thường hay mơ ước tìm người bạn đường,
Bàn tay êm ái nụ cười dịu dàng,
Làm đẹp cuộc sống của những ngày gió sương.
Rồi một chiều vàng bỗng nàng là áng mây ngà,
Chẳng hẹn mà cùng đến bên bờ cát hoa.
Kề vai sánh bước biển dài nhịp nhàng,
Bàn chân trên cát đều đặn một hàng.
Nào ngờ làn sóng .... xô đến phai mờ luôn.
Mấy ai nào ngờ hợp - tan có lâu gì.
Hôm nay sánh vai kề rồi ngày mai thương nhớ
Buồn vui cách nhau không xa
Nếu như loài người chẳng thương nắm xương gầy,
Chôn theo cát bụi đời hẳn là không mơ ước tình yêu lứa đôi.
Dã Tràng ngoài biển cát ôm mộng vẫn xe hoài.
Tình người thường một lối, không hề thiếu ai
Thành xưa xây đắp đổ một nụ cười.
Bàn chân trên cát thủy triều dập vùi.
Chim trời một lối ... riêng có em và tôi.
Khán phòng im phăng phắc chìm trong bài hát như chia sẻ với tâm sự của người nhạc sĩ. Tác giả mơ ước có một người bạn đường sánh vai cùng ông với buổi chiều trên cát biển với bàn tay êm ái, với nụ cười dịu dàng. Hình ảnh đó thật đẹp, xóa tan phần nào những phiền muộn, gió sương của cuộc sống.
Kể từ một chiều vắng tuổi mộng ước chưa tròn,
Một mình nhìn cồn sóng hôn bờ cát hoa.
Thường hay mơ ước tìm người bạn đường,
Bàn tay êm ái nụ cười dịu dàng,
Làm đẹp cuộc sống của những ngày gió sương.
Cho dù hạnh phúc chỉ là ảo ảnh. Nàng đến rồi nàng sẽ đi. Nàng chỉ là một áng mây ngà. Những khoảnh khắc chúng ta sánh bước trên biển. Bàn chân trên cát đều đặn một hàng. Nhưng rồi sóng sẽ xô dạt vào bờ cát, xóa tan những dấu chân của chúng mình. Hạnh phúc rồi sẽ chỉ còn là dư vị, ký ức.
Hình ảnh của Dã Tràng nói lên sự tuyệt vọng. Dã tràng bốc từng nắm cát vứt xuống biển với ước mơ làm cho biển cạn, để tìm cho ra viên ngọc quý. Viên ngọc mà nhờ nó Dã Tràng đã nghe được, hiểu được ngôn ngữ của muôn loài.
Dã tràng đánh rơi ngọc quý dưới biển. Mất ngọc, con người mất đi niềm thông cảm. Dã tràng chết biển thành con còng xe mãi cát với giấc mộng tìm lại sự thông cảm giữa con người với con người, giữa con người với muôn loài.
Khó lắm, phải không bạn?
Dã Tràng ngoài biển cát ôm mộng vẫn xe hoài.
Tình người thường một lối, không hề thiếu ai
Thành xưa xây đắp đổ một nụ cười.
Bàn chân trên cát thủy triều dập vùi.
Chim trời một lối ... riêng có em và tôi.
Tác giả dùng điển tích nụ cười Bao Tự làm đổ thành nói lên nỗi cô đơn của con người. Nàng Bao Tự với khuôn mặt diễm lệ nhưng không bao giờ cho vua U Vương được một nụ cười. Muốn cho Bao tự cười, vua bày trò theo hiến kế của một vị quan, cho nổi lửa, đánh trống liên hồi ở Phong hỏa đài, đảo Ly Sơn. Tiếng trống vang xa, vang xa, ra tận biên thùy, đến các nước chư hầu. Họ kéo quân đến tiếp viện, bao vây ngoài biên thùy, ngước mắt nhìn lên nhưng chẳng thấy gì. Bao Tự thấy vậy tức cười. Vua U vương sung sướng quá.
Thế nhưng sau đó, gặp lúc giặc đến tấn công thành thật sự, vua cho đánh trống, yều cầu cứu thành thì các nước chư hầu ngỡ là trò đùa của vua, không đến nữa. Thành đổ, mất nước!
Nụ cười của Bao Tự quý làm sao!
Tất cả chỉ là ảo ảnh, là vô thường như bàn chân của chúng ta in dấu trên cát biển chỉ một làn sóng là xóa nhòa đi tất cả, như tình yêu của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta rồi một ngày sẽ không còn. Chúng ta xây lâu đài trên cát, chỉ một làn sóng biển, một cơn thủy triều thì sẽ cuốn phăng tất cả ...Danh vọng vật chất chỉ là ảo ảnh, đời người chỉ là vô thường.
Cát biển là cảm hứng của nhiều nhạc sĩ. Tôi thích bài “Nha Trang ngày về” của Phạm Duy cũng như bài "Biển nhớ" của Trịnh Công sơn. Mỗi bài hát có một giai điệu, một air nhạc riêng của từng nhạc sĩ.
“Cát biển” của Y Vân, Lê Trọng Nguyễn, tôi đã nghe từ thuở bé tý
, khi còn học đâu lớp đệ thất, đệ lục, trên đài phát thanh Sài Gòn qua giọng ca của ca sĩ Quang Minh, ngày đó tôi đã mê và thích. Bài hát nhẹ nhàng, êm ái cả về giai điệu lẫn nội dung.

Bài hát kết thúc, tôi bước lên bục hát, tặng hoa cho người ca sĩ với nụ cười cảm ơn của cả hai!