Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Cấp cứu tim mạch số 88 – BS Nguyễn Văn Thịnh

TIM NHỊP NHANH TRÊN THẤT (SUPRAVENTRICULAR TACHYCARDIA)
Adam J.Rosh, MD
Assistant Professor
Department of Emergency Medicine
Wayne State University School of Medicine
Detroit, MI
TEST 1
Một người đàn ông 32 tuổi không có tiền sử y khoa đến khoa cấp cứu với hồi hộp. Từ hai ngày qua bệnh nhân cảm thấy yếu và trong 6 giờ qua bệnh nhân đã ghi nhận rằng tim của ông ta đang đập thình thịch. Bệnh nhân không đau ngực hay khó thở. Bệnh nhân không bao giờ cảm thấy như vậy trước đây. Nhiệt độ là 98,9 độ F, HA là 140/82 mmHg, tần số tim là 180 đập mỗi phút, và tần số hô hấp là 14 hơi thở mỗi phút. Khám vật lý bình thường. Anh nhận được dải điện tâm đồ sau đây.Điều trị ưu tiên một đối với bệnh nhân này :
a. Chuyển nhịp đồng bộ với 100J
b. Adenosine 6 mg tĩnh mạch trực tiếp
c. Adenosine 12 mg tĩnh mạch trực tiếp
d. Thao tác Valsalva
e. Verapamil 3mg tĩnh mạch trực tiếp
Câu trả lời đúng là d
Bệnh nhân này có tim nhịp nhanh trên thất, một tim nhịp nhanh đều phức hợp hẹp. Tim nhịp nhanh trên thất được gây nên bởi một vòng vào lại (reentry) hay một ectopic pacemaker ở những vùng tim trên bó His, thường ở tâm nhĩ. Những sóng P đều sẽ hiện diện, nhưng có thể khó phân biệt vì tần số quá nhanh. Trong trường hợp này bệnh nhân có những dấu hiệu sinh tồn và thăm khám bình thường và do đó ổn định. Điều trị ưu tiên một đối với một bệnh nhân với tim nhịp nhanh trên thất ổn định là những thao tác gây cường phế vị để làm chậm dẫn truyền và kéo dài refractory period ở nút nhĩ-thất. Thao tác Valsalva có thể được thực hiện bằng cách yêu cầu bệnh nhân rặn như thể bệnh nhân đang bị bón và giữ rặn trong 10 giây. Những thao tác gây cường phế vị khác gồm có xoa xoang cảnh (carotid sinus massage) (sau khi thính chẩn tìm những tiếng thổi động mạch cảnh) và nhúng mặt vào nước lạnh.
(b) Nếu thao tác gây cường phế vị thất bại, bước kế tiếp là adenosine, một thuốc chẹn nút nhĩ-thất có tác dụng rất ngắn. Khởi đầu, adenosine 6 mg được tiêm nhanh qua tĩnh mạch ở vị trí gần tim nhất có thể được. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu trong vài giây, gồm đau ngực và phừng mặt lúc nhận adenosine.
(c) Nếu bệnh nhân vẫn tim nhịp nhanh trên thất, một liều adenosine thứ hai 12 mg được cho.
(e) Nếu liều thứ hai adenosine thất bại và bệnh nhân vẫn ổn định, những thuốc chẹn kênh canxi tác dụng ngắn (verapamil), những thuốc chẹn beta giao cảm, hay digoxin có thể được cho.
(a) Nếu vào bất cứ lúc nào bệnh nhân được xem là không ổn định (hạ huyết áp, phù phổi, đau ngực dữ dội, biến đổi trạng thái tâm thần, hay những dấu hiệu đe dọa mạng sống khác), chuyển nhịp đồng bộ (synchronized cardioversion) nên được thực hiện tức thời.
Reference : Emergency Medicine. PreTest
Đọc thêm : Cấp cứu tim mạch số 78
BS NGUYỄN VĂN THỊNH
(6/7/2016)