NHỚ MÃI ĐẠI HỌC VĂN KHOA HUẾ

(Để tặng các bạn cùng thời gian học Đại học Văn khoa Huế: 1968-1972)
Nguyễn Lương Tuấn
Tôi vẫn không quên, không thể nào quên những ngày tháng học Đại học Văn khoa Huế.
Năm 1968, tôi ghi danh học CC Dự bị Văn khoa ban Việt Hán (NK 1968-1969). Đó là khoảng thời gian sau tết Mậu Thân.
Năm đó, trường Đại học Văn khoa Huế tạm di dời để sửa sang lại bàn ghế, phòng ốc. Giảng đường thường xuyên nghe giảng bài, ghi cours vẫn là Viện Hán học, tọa lạc bên bờ sông An Cựu, gần Phú Cam. Nhớ linh mục Nguyễn Văn Thích cao lêu khêu, tuổi đã già vẫn yêu đời thường hay hát cho SV nghe.
Nhớ bài học mở đầu của cha : Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.
Bài học là một thông điệp, công bố rõ tuyên ngôn của đại học. Con đường của đại học chính là làm sáng cái đức sáng vốn có của mỗi cá nhân (nhân chi sơ tính bổn thiện), đào tạo con người mới, đạo đức, đạt tới cùng cái thiện.
Đó cũng là tiêu chí của Đại học Huế, được công bố rõ trong cuốn niên giám: Đào tạo con người toàn diện bao gồm Đức, Trí, Thể, Mỹ, theo tôn chỉ: Nhân bản, Dân tộc và khai phóng. Với thế đứng của Đại học : Hoàn toàn tự trị.
Nhớ cặp mắt to tròn biết nói với mái tóc dạ hương mà tôi vẫn thích ngồi sát nàng để được ngửi hương tóc của nàng, có lần bị cha Thích kéo ra xa, vừa kéo cha vừa nói: nam nữ thọ thọ bất thân.
Nhớ vẻ mặt  ngơ ngác, bở ngỡ của các tân sinh viên. Sinh viên đi học, ra vào giảng đường tự do, không bị giáo sư chú ý, chẳng có điểm danh hay kiểm tra bài. Đang ngồi học, có thể bỏ ra, qua Tổng hội ngồi uống cà phê, hoặc không tiền thì ngồi uống trà chùa. Nhớ mấy đứa Dự bị, làm dáng sinh viên, đi đến giảng đường, thắt mực khô, thuốc lá phì phèo như Lê H. H, Lê T, nhớ H. Đ. Phú, biệt danh Phú đồ nho, rất lập dị, có khi đi guốc mộc đến giảng đường. Nhớ Miên một lần chở tôi đi lên Dòng Thiên An ngồi mơ mộng, nhìn đồi thông, Miên hỏi: Mi thích rừng hay biển?. Câu hỏi khá bất ngờ làm tôi lúng túng. Tôi nói: Tau cũng không biết nữa, nhưng tau thấy biển vừa lạnh lùng vừa cuồng nộ. Còn rừng thì ngoài sợ thú dữ tau lại thích cái vẽ dịu dàng pha chút vừa hoang dại vừa ấm áp.
Nhớ mấy đứa bạn đố nhau chữ Hán, nhớ Nguyễn Văn Lơ, Trần Công Chiến, hai đứa chơi rất thân nhưng lại hay cãi nhau. Nhớ cặp bài trùng Nguyễn Xuân Hoa, Ng.  Khắc Duyệt. Sau 1975, Hoa làm lớn vì là sinh viên nằm vùng. Còn Duyệt đi làm công nhân, và từ chối... cuộc sống.
Nhớ sáng mùa đông tháng chạp, ngày 25, sinh viên tổ chức đêm dự bị văn khoa, lúc ấy có thầy Trương Văn Chình từ Sài Gòn về dạy Ngữ học tham dự. Khi sinh viên mời phát biểu, thầy nói : Thấy các anh chị vui xuân hớn hở, tôi cảm thấy buồn vì một năm đi qua thì tuổi càng già thêm. Tôi ước mong sao chiến tranh chóng kết thúc, để gặp lại quê hương, cội nguồn.
Sự mong chờ của GS Trương Văn Chình đã hiện thực 7 năm sau. Tôi không hiểu, sau 1975, thầy Chình có mãn nguyện ? Thầy có vui vì đất nước thống nhất một nhà ? Khi viết những giòng này, tôi nghĩ GS Chình đã ra người thiên cổ. Nếu còn sống thì thầy đã trên 100 tuổi. Điều này hiếm thấy.
Nhớ giờ học triết tổng quát, tại giảng đường Viện Hán học, hôm ấy bài giảng của thầy Lâm Ngọc Huỳnh kết thúc sớm. Thầy hỏi có anh, chị nào lên hát một bài nào đó giúp vui. Ô ! Đây là một điều hết sức lạ lùng. Có bao giờ chúng tôi được có không khí như thế này với thầy Huỳnh ? Lúc đó một sinh viên nam lên hát bài « Giọt nước mắt cho quê hương » của Trịnh Công Sơn. Tôi nhớ đó là bạn Nguyễn Văn Thừa tự là Hồ Hải. Lời bài hát, giọng ca của bạn SV hôm ấy đã làm cho cả giảng đường im phăng phắc. Hình như thầy Huỳnh cảm động, mắt đỏ hoe :
  «  Giọt nước mắt thương con, con ngủ me mừng. Giọt nước mắt thương sông, ấp ủ rêu rong. Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong. Giọt nước mắt thương mây, mây ngủ trên ngàn. Giọt nước mắt thương cây, cây ngả trên non. Giọt nước mắt thương anh, khô giòng máu châu thân. Giọt nước mắt quê hương, ôi còn chảy miên man.  Ôi! giòng nước mắt chảy hoài. Giòng nước mắt đời đời. Giọt nước mắt thương ai. Ôi giòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn. Nửa đêm gọi đến mình.  Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng. Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang. Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh. Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương ... »
Nhớ những giờ dịch văn với giáo sư Bùi Thế Cần. Thầy Cần đi xe Honda dame màu đỏ, chiếc cặp dày cộm. Mùa đông ở Huế dài đằng đẳng. Cơn gió mang theo hơi lạnh từ bờ sông An Cựu hắt vào căn phòng chúng tôi học. Thầy Cần giọng đọc đều và nhỏ. Thầy luyện chúng tôi dịch cuốn « Le Livre de mon ami », văn phong nhẹ nhàng và cảm động của Anatole France cộng với chất giọng của thầy Cần đã làm chúng tôi chìm đắm trong kỉ niệm.
Giáo sư Bùi Thế Cần còn sống, hôm kia lên mạng, tôi thấy chân dung thầy. Thầy hiện đang sinh hoạt trong một câu lạc bộ môn võ thuật ở TP.
Ôi ! Nhớ, nhớ những thầy đã giảng dạy lớp dự bị ban Việt Hán năm 68-69. Thầy Hồ Đắc Định, thầy  Hàn, thầy Trần Như Uyên, thầy Nguyễn Châu, phụ khảo cho GS Nguyễn Văn Trung môn phương pháp mới trong phê bình văn học, ...
Nhớ thầy Nguyễn Văn Dương dạy môn lịch sử chữ Hán, các bài giảng của thầy nhắc quá nhiều về ông Hứa Thận làm cho thầy có biệt danh là Hứa Thận…
Nhớ thầy Trần Như Uyên dạy môn lịch sử văn học Việt Nam, với tiếng đệm « thì », « mà » làm mấy đứa bạn ngồi cạnh tôi cứ cười khúc khích mỗi khi nhái giọng ông.
Năm sau, khi đã xong dự bị, tôi ghi danh theo học các chứng chỉ thì trường dời về lại KS Morin, tầng 2, nằm trên ngã tư đường Lê Lợi, Thuận Hóa, đầu cầu Trường Tiền. Ấn tượng nhất với tôi là cầu thang đi lên tầng 2, Chiếc cầu thang nhỏ, hẹp với những cấp bằng gỗ, rất ấm cúng, rất thân tình. Đã biết bao bàn chân, gót ngọc đã dẫm bước lên cầu thang của một thời hoa mộng, nay đã bị xóa hẳn dấu vết.
Nhớ làm sao các GS dạy triết: Thầy Lâm Ngọc Huỳnh, khoa trưởng dạy môn Xã hội học của Auguste Comte, K. Marx, Cha Nguyễn Ngọc Lan, môn Luận lý học hình thức, thầy Nguyễn Đình Hoan, phó khoa, môn Siêu hình học, Bà Trần Thị Như Quê, GS dạy CC Tâm lý học, bộ môn xác suất, thống kê, cha Nguyễn Tiến Huynh - GS Linh mục, Hiệu trưởng trường Thiên Hựu mà đang dạy môn tâm thuyết nửa chừng phải bỏ dỡ để thay thế Linh mục Nguyễn Văn Thành dạy môn phân tích tâm lý nhân vật qua các tác phẩm của Mai Thảo. Nhớ thượng tọa Thích Mãn Giác với bài giảng đạo đức học Phật Giáo. Thầy Giản Chi-Nguyễn Hữu Văn môn triết học Trung Quốc, người đã quy tiên cách đây mấy năm.
Các Giáo sư đều có năng lực, kiến thức uyên bác, đỗ bằng tiến sĩ ở các đại học nổi tiếng nước ngoài như Sorbonne, Belgique, Harward, ...hoặc là những học giả đã viết sách rất có giá trị.  Mỗi giáo sư giảng dạy đều có một tính cách, một phong thái đặc biệt. GS Lâm Ngọc Huỳnh, chiếc kính cận hơi trệ xuống mũi, phong thái uy nghi, nụ cười khả kính. Các bài giảng của thầy trong sáng rõ ràng, nhưng có điều thầy ít dành thời gian để sinh viên đối thoại. Ngược lại, thầy Nguyễn Đình Hoan, các giờ lên lớp của thầy kéo dài bằng những cuộc đối thoại bất tận. Thầy đặt câu hỏi và sinh viên trả lời. Phương pháp của thầy Hoan mang phong cách của Socrate.
Có lần sinh viên Nh. Ng hỏi thầy Huỳnh : sao bài giảng của thầy em thấy trong sáng dễ hiểu, ngược lại bài giảng của thầy Hoan lại rắc rối, khó hiểu. Thầy khoa trưởng mỉm cười dí dõm : Tư tưởng tôi đi theo đường thẳng, còn thầy Hoan đi theo đường tròn. Sinh viên Nh. Ng. đã có gia đình mà vẫn chuyên cần đi học. Nhớ những lần đèo Nh. Ng trên chiếc xe mobylette Pháp đưa nàng về ở đường Lê Văn Duyệt (Nhật Lệ) trong Thành Nội. Nàng ngồi phía sau, tay quàng qua bụng rất tự nhiên.
Với cha Nguyễn Ngọc Lan, thì tính cách nhạy bén, linh động trong những giờ triết học gây nhiều ấn tượng cho SV nhất. Chiếc áo dòng màu đen ngã màu, tóc hơi rối, chiếc kính cận dày, Micro cài ở giây thắt lưng áo dòng. Trong giảng đường, gần hai trăm sinh viên nhìn cha Lan đứng trên bục giảng, cha Lan đã biến giờ triết lý khoa học khô khan thành bài giảng hấp dẫn nhất, nhờ sự khôi hài, dí dõm khi cha  liên hệ minh họa bằng những mẫu chuyện thời sự nóng bỏng.
Nhớ đêm nghe nhạc qua máy magnétéphone tại nhà của anh chị Vĩnh Thái ở Thành nội, ly cà phê của Chị Nhung pha cho từng người đã làm cha Lan vui, cha nói: nếu lần nào về dạy cũng được uống cà phê của Nhung pha thì tôi phải tăng giờ dạy.
Cha Nguyễn Ngọc Lan là một người thầy, đồng thời lại là người bạn, người anh rất hòa đồng. Nhưng phải chăng nếu có một cái nhìn bi quan về cha thì đó là vì những động cơ mang tính chính trị. Sau năm 1975, cha tuyên bố cởi áo dòng và lập gia đình.
Cha đã về nước chúa mang theo những ảo vọng tốt đẹp. Tờ báo Đối diện của cha một thời là vũ khí sắc bén chống chế độ Sài Gòn, chống Mỹ - Sau năm 1975, tờ báo được đổi tên là "Đứng dậy", nhưng ra mắt được mấy số lại được ông nhà nước đổi tên lần nữa, tờ báo bị "nằm xuống".
Với Giáo sư Lê Tôn Nghiêm thì mãi mãi là một nhà giáo đam mê tư tưởng triết học. GS Nghiêm ngồi trên ghế, hai tay chống lên bàn, mười ngón tay đan nhau, GS giảng Heidegger với một sự say mê thích thú, quên hết thế giới chung quanh.
Khi nghỉ 15 phút, tôi nghe GS Hoan vẫn gọi GS Nghiêm một tiếng cha, hai tiếng cha rất mực trân trọng. Tôi được biết GS Nghiêm nguyên là linh mục, thời gian giảng dạy tại Đại học Đà Lạt thầy đã yêu một ni cô. Cuối cùng hai người đã kết hôn, rũ bỏ cảnh giới tu hành. GS Lê Tôn Nghiêm về nước chúa đã lâu mà cuốn « Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương » của người vẫn còn mới. Ngày nay, thỉnh thoảng tôi vẫn còn đọc, mỗi lần đọc là một ý nghĩ mới, một khám phá không cùng.
Và một người thầy nữa mà tôi nhớ mãi, đó là thượng tọa Thích Mãn Giác. Thầy dạy môn Đạo đức học Phật giáo. Nụ cười hiền lành của người, bàn tay của người khi dạy, vừa nói thủng thẳn vừa xoa xoa cái đầu của mình. Thật là vui khi nhớ lại câu chuyện cô lái đò bên bến đò Thừa Phủ.
Các giáo sư đại học, các vị thầy quý mến của tôi có nhiều chuyện bên lề hấp dẫn nhưng qua những chuyện đó, với tôi, đó là sự tự do của các thầy. Tôi mãi mãi kính trọng các thầy. Hình tượng các thầy là năng lực dồi dào, là trí tuệ miên viễn, là tính uy nghiêm , đạo đức của nhà giáo, không tham lợi, không màng quyền lực. Yêu chân lý và sống vì chân lý.
Các thầy, cô của tôi, một số đã nằm xuống vì tuổi già, một số còn lại, người ra đi nước ngoài, người ở lại, bây giờ ở đâu ?...
Các bạn sinh viên các Chứng chỉ triết chỉ đếm được trên đầu ngón tay bây giờ mỗi người mỗi phương trời. Nữ sinh viên lại càng ít.  Tôi nhớ các sinh viên tu xuất. Các bạn giỏi, uyên thâm, lại có phong thái uy nghiêm, đàng hoàng. Nhớ các bạn trong nhóm "Terre des hommes" các bạn Đoàn Tường, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Ngữ. Các bạn: Đỗ Tư Nghĩa biệt danh Nghĩa-Cogito, Phạm Viết Vinh, biệt danh Vinh-Cố vấn, rồi Hồ Việt Tuấn, Huỳnh Kim Ri, Hà Thúc Giáo, Hoàng Toán, Nguyễn Văn Đáng. Rồi các thầy dạy tại Quốc học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi ghi danh học thêm như thầy Đồng, thầy Du, bác Thái Quang Cự, ... Không thể nào quên được mấy nữ sinh viên rất thân tình : Nguyễn Thị Sửu với nụ cười dễ mến, Nh. Ng. với tà áo dài thướt tha màu tím. Một người khác, miệng luôn ngậm omai đó là Hoàng Thị Mỹ Lợi. Nhớ mãi bạn Trần Duy Anh ở Đà Nẵng ra Huế thuê nhà trọ học, thường hay chở tôi đi học bằng chiếc xe Yamaha đỏ đàn ông, người bạn mà đầu tháng thì hút Salem, cuối tháng thì hút Bastos, tiền bố già gửi ra Huế chu cấp để học, nhưng có khi ngủ đò liên tục ... , hết tiền lại bỏ về nhà tôi tạm trú để qua cơn "ngặt nghèo". Mỗi khi tôi rủ Trần Duy Anh đi dọc theo đường Lê Lợi để ngắm mấy em nữ sinh Đồng Khánh thì câu đầu lòng của Anh bao giờ cũng là: "Mất uy tín!". Có lần Trọng-Thượng đế cười ngất nói với Trần Duy Anh: "Uy tín mi còn mô nữa mà mất!".
Nhớ Nguyễn Hữu Hoàng Trang, xướng ngôn viên đài Truyền hình Huế, học Việt Văn, phong thái rất tự nhiên, có lần nàng rớt kẹp cột tóc, gặp lúc tôi đi qua, nàng kêu: "Tuấn! cột tóc lại cho Trang với nì". Tôi cột tóc cho nàng mà có cảm giác như mình vừa trúng số!.
Nhớ những lần trước mỗi đầu giờ, đứng ở hành lang Văn khoa chờ nhìn mấy em tân dự bị Văn khoa đến học ở giảng đường, ngắm mãi không chán người đẹp chân ướt chân ráo từ Đồng Khánh sang...Quên làm sao được chiếc robe ngắn, để lộ đôi chân dài mà bước chân nện mạnh trên hành lang của người đẹp Bạch Mai biệt danh Milène Démongeot. Nhớ đêm tất niên Triết-Văn-khoa, tôi với vai trò người tổ chức, chìu mấy nàng quá cở. Đêm ấy thầy Đồng, GS phụ giảng hát bài "Thơ ngây" của Anh Việt Thanh. Vẫn nhớ mãi Túy triết năm1, đêm tất niên đã tàn, chở nàng về bằng chiếc Honda PC, đường Thành Nội vắng vẻ, nhìn nàng khuất bóng sau cánh cửa, tự nhiên cảm thấy buồn...
Ôi! nhớ...
Vinh quang thay cho tôi được theo học với các thầy cô một thời. Từ cô giáo lớp tiểu học trong xóm cho đến các thầy cô từ cấp trung học đến đại học! Hạnh phúc làm sao thời gian được vui vẻ học tập với các bạn cùng lớp, cùng chứng chỉ!
Bây giờ, mỗi khi buồn bã, tuyệt vọng, tôi nghĩ về các thầy cô như một chút níu kéo, hy vọng, giúp tôi vượt qua những khó khăn, những phản cảm của xã hội hôm nay.
Đã trên 45 năm, tôi kiêu hãnh, hạnh phúc vì đã được sống, được ươm mầm trong môi trường giáo dục ngày ấy.
Một số thầy mà chúng tôi cập nhật, được biết là đã qua đời: Linh mục Nguyễn Văn Thích, LM Nguyễn Tiến Huynh, LM Nguyễn Văn Thành, GS Nguyễn Ngọc Lan,  GS Lê Tôn Nghiêm, Thượng tọa Thích Mãn Giác,  Cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn,  Cụ Vương Hồng Sển, GS.  Trần Như Uyên, Cụ Phan Văn Dật, ...
Một số thầy ngày ấy, niên kỷ đã quá cao. Chẳng biết bây giờ còn hay đã mất: Cụ Hàn, Cụ Hồ Đắc Định, cụ Trương Văn Chình,