Cảm nhận âm nhạc

THU HÁT CHO NGƯỜI

Các bài hát Việt nam về mùa thu rất nhiều, trong đó phải kể những nhạc phẩm nổi tiếng của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Cụ thể những bài hát của ông như Thu quyến rũ, Gởi gió cho mây ngàn bay, Tà áo xanh, Lá thư, ...
Sau năm 1954, tại miền Nam thời kỳ VNCH kéo dài đến 1975, rất nhiều bài hát về mùa thu ra đời, có thể kể đến một số tác giả như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên và Phương, Vũ Thành An, Phạm Trọng, Cung Tiến, ...”
Nhạc sĩ Phạm Duy có bài hát bất hủ “Mùa thu chết” phổ theo một bài thơ của thi sĩ Pháp Apolinaire đã một thời được bạn trẻ ưa thích:
“Ta hãy ngắt một chùm hoa thạch thảo.
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”
Mùa thu đã chết rồi hay cuộc tình ta đã chết?
Với nhạc sĩ Phạm Trọng, mùa thu không chết nhưng mùa thu không bao giờ trở lại.
“Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”
Mùa thu không trở lại hay em sẽ không trở lại?
Với hai bài hát trên đây, một giai thoại rất thú vị về quan điểm của mấy ông đỉnh cao trí tuệ, cho rằng tính phản động hàm ngụ trong hai bài hát khi dùng hình ảnh mùa thu để đả phá cách mạng. Mùa thu đã chết hay cách mạng đã chết? Mùa thu không trở lại hay cách mạng không trở lại? !!!
Từ Công Phụng kinh nghiệm tình yêu là kinh nghiệm cô đơn và nỗi cô đơn choáng ngợp tâm hồn ông thể hiện qua ngoại giới, mà theo ông, "kể từ em mang cô đơn mọc trên phố vắng":
“Một chiều êm, tay đan tay dìu nhau trên lối, đưa em đi nhẹ nhàng vào đời. Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc, đưa em vào ngày tháng vỗ về. Kể từ em mang cô đơn mọc trên phố vắng...”
Trịnh Công Sơn “nhìn những mùa thu đi” qua đời mình và ý thức một cách sáng suốt sự tàn phá của thời gian mà con người chỉ là một tĩnh vật cô đơn rồi sẽ đi dần vào quên lãng:
“Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng. Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng”.
Cung Tiến nhìn mùa thu với lòng “hoài cảm” về một người tình đã ra đi, bỏ lại ông với những kỉ niệm vàng son:
“...Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa. Một mùa thu xa vắng. Như mơ hồ về trong đêm tối. Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?...”




(Phụ bản tranh Đinh Cường)

Tuy nhiên có một nhạc sĩ người ta biết tới ông là nhờ bài “Thu hát cho người”.
Tôi muốn nói đến nhạc sĩ kiêm thi sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Trước năm 1975, tôi tình cờ đọc được một tuyển tập thơ của nhiều tác giả, in và phát hành nội bộ qua hình thức quay ronéo, trong đó có tên Vũ Đức Sao Biển, bây giờ tôi không còn nhớ tên tập thơ ấy nữa.
Rồi một tình cờ khác, sau 1975, tôi mượn được một băng cassette cũ tuyển chọn những bài hát từ các băng nhạc như Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương, Shotguns.
Tôi nghe băng nhạc và chợt xúc động bởi tiếng hát của ca sĩ Anh Ngọc qua giai điệu mở đầu: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa”
Giai điệu chậm, rời rã ôm lấy ca từ bài hát như một lời kể lể, một tiếng nấc nghẹn ngào, nhớ thương một người tình đã bỏ ra đi.
Bài hát đó, tôi vẫn nhớ mãi.
Rất nhiều ca sĩ đã hát bài hát này.
Nghe “Thu hát cho người”, bạn hãy để lòng mình tĩnh lặng, một chút bâng khuâng hoài cảm, một nỗi nhớ không đâu, và nhất là đúng thời điểm, đó là một cái nền cho bài hát, một profond với tiết trời mùa thu, trời chuyển mùa, gió mạnh, mưa nhiều. Tiếng động cơn mưa như bước chân giã từ mùa thu. Trời se lanh và màn đêm bao bọc lấy bạn!
Thu hát cho người, nghĩa là mùa thu hát về người hay nỗi lòng của một người nhớ về một người tình đã ra đi biền biệt.
Văn học VN, âm nhạc VN vẫn dùng mùa thu để làm nền cho câu chuyện tình buồn.
Chẳng có ai bên tôi. Không gian lạnh và rách nát. Tôi rùng mình mong ước có người, cho dù chỉ là một thoáng qua rồi mất hút. Gió lùa mạnh đóng sầm cánh cửa cuối cùng của căn phòng. Sẽ không còn ai, không còn ai, ...
Tôi ôm lấy nỗi cô đơn hiện hữu. Ý thức về nàng là ý thức nỗi tuyệt vọng. Nàng đã ra đi biền biêt trên một dòng sông. Nhưng dòng sông nào, dòng sông nào đã cướp mất nàng trong cuộc đời tôi. Tôi như bến bờ mong đợi một lần nào gặp nàng:
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.
Tác giả dùng hình ảnh dòng sông để hàm ngụ về sự thất bại của chủ thể, của tôi (le sụjet) đã không chiến thắng được nghịch cảnh. Dòng sông là dòng đời, là ý thức thời gian. Làm sao con người vượt qua được những giới hạn của thời tính. Làm sao em mãi mãi là em một hôm nào gặp anh, mắt trao mắt giữa tiết trời lạnh giá, mưa phùn? Dòng đời đã đi qua đời em, đời anh. Chúng ta đã lạc nhau, xa biền biệt.
Tôi đã mong chờ biết bao nhiêu mùa thu? ý thức mùa thu là ý thức mong manh về sự mong chờ một lần nào nàng quay gót.
Và em như tiên nữ cởi chim Hoàng hạc bay mãi, bay mãi bỏ lại mình tôi với một trời mơ ước.
Tác giả đã rất tài tình khi đưa điển tích chim Hoàng Hạc trong Hoàng Hạc lâu để nói lên tâm sự của mình.
Hoàng Hạc lâu là một bài thơ của thi sĩ Thôi Hiệu đời nhà Đường, trong đó có câu: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ. Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thi tải không du du”.
Tạm dịch: Người xưa đã cởi hạc vàng bay đi mất rồi. Lầu hạc vàng còn trơ lại đây. Hạc vàng một khi đã bay đi thì không bao giờ trở lại. Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoài...
Hãy tan đi những dự phóng trong tôi. Hãy tan đi những lâu đài trên cát. Và tôi, một mình, chiều nay về đồi sim nhớ người vô bờ.
Các cụm từ “đi biền biệt”, “nhớ người vô bờ” đã làm tăng nỗi cô đơn và ý thức tuyệt vọng về nàng.
“Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệc”/ “Về đồi sim ta nhớ người vô bờ”.
Nếu “Dòng sông” là hàm ngụ về dòng đời, là ý thức về thời gian, thì “đồi sim” là không gian, nơi chốn hạnh phúc nhất, là nơi chất chứa kỉ niệm cuộc tình, là những viên ngọc lắp lánh của nước mắt, nụ cười của những khoảnh khắc hoan lạc, những dằn vặt đớn đau.



Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
Các mỹ từ pháp “đêm nguyệt cầm”, “sáng linh lan” là cặp đối tài tình của tác giả. Tác giả tôn vinh ban “đêm”, buổi “sáng” bằng các từ “nguyệt cầm”, “linh lan”.
Nguyệt cầm, linh lan 2 từ bổ thăng hoa kỉ niệm về cuộc tình.
“Linh lan” phải chăng có nghĩa lung linh, lay động và lan tõa. Tác giả muốn hàm ngụ đôi mắt người yêu?
Về chữ “Nguyệt cầm”. Ta không xa lạ gì với bài thơ “Nguyệt Cầm” của Xuân Diệu
4 câu mở đầu của Xuân Diệu:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hởi trăng ngần
Đàn buồn đàn chậm ôi đàn lặng
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Cung Tiến thổi nhạc vào thơ Xuân Diệu:

Đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta
Ngập ngừng xa...suối thu dồn lá úa trối qua
Sàu thu, sầu lên vút mịt mùng, mà e nhớ hương mùa thu
Trăng Tầm Dương lunh linh bóng sáng, từng thoáng lệ ngân, mà hồn phân vân cuồng điên nhớ
Lonh lanh tiếng Nguyệt Cầm, tiếng đàn trầm
Ai nhớ nương tử một đêm nao trăng thanh trong lời hát... chết theo nước xanh... chết theo nước xanh...
Ôi! đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh...
Vậy phải chăng đêm nguyệt cầm là hình tượng đêm tôn vinh tình yêu vỉnh cửu bằng sự chết, bằng ý thức tuyệt vọng về một người tình đã ra đi mãi mãi.
Tình yêu đó với tác giả mãi là kỉ niệm không bao giờ phai nhạt. Từng đêm, từng sáng em đã cho tôi hạnh phúc. Kỉ niệm đó như những tiếng đàn làm tan vỡ hồn anh, như những sáng nào mắt em lung linh ngời sáng tình yêu rạng rỡ và mãi mãi người ơi trên đồi sim ngày ấy và bây giờ ta vẫn chờ em vẫn hoài mong bước chân em về, hái tặng em một đóa đẫm tương tư.
Từ “đẫm” trong “đẫm tương tư” quá gợi hình ảnh, gợi tình cho một tình yêu nồng nàn.
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay
Tất cả đều qua đi, tất cả đều tan biến nhưng ta vẫn một mình chờ em giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín, khóc cho tuổi thơ bay.
Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi
Nhặt hoài mong, ta hát vì xa người
Thu hát cho người...Người yêu ơi!
Và con người vẫn là một thực thể cô đơn, yếu đuối trước thời gian, luôn luôn và mãi mãi nhớ mong một cuộc tình miên viễn.
Mùa thu đã về rồi đó. Hởi em! em có biết anh đang hát ngợi ca tình yêu, tình yêu của chúng ta.

Được biết Vũ Đức Sao Biển tên thật là Vũ Hợi, sinh ngày 12 tháng 2 năm 1948 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Ông là nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình âm nhạc.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về Vũ Đức Sao Biển trên trang điện tử Google.

(Nguồn: Đặc Trưng - Tác giả: Tuấn Nguyễn - tức Nguyễn Lương Tuấn)