Cảm nhận bài hát: QUÊ NHÀ TÔI

Nguyễn Lương Tuấn

Nếu ngôn ngữ là kí hiệu để giúp con người hiểu nhau thì âm nhạc là một loại ngôn ngữ kì diệu. Nó làm cho con người gần nhau, hòa nhập nhau trong sự đồng cảm. Tôi thích âm nhạc mang phong cách nhẹ nhàng của những bản nhạc cổ điển, bán cổ điển Tây phương của một số tác giả : Beethoven, Shubert, Chopin, Brahm, Verdi, J. Strauss,... cũng như những bản nhạc Việt Nam trước năm 1953 mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến của một số tác giả như: Từ Phát, Thiện Tơ, Doãn Mẫn, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, …Bên cạnh đó là những bản tình ca phản ảnh thân phận con người trong cuộc chiến của các tác giả như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Uyên và Phương, …
Tôi cảm nhận âm nhạc dưới góc độ một khán giả, nghe hát, xúc động, hòa mình được với bài hát, chứ không phải là một nhà phê bình âm nhạc, phân tích nhạc lí, phân tích các cung đoạn bởi một lẽ dễ hiểu là tôi dốt đặc về lãnh vực này …
Mỗi bản nhạc, với tôi là một kỉ niệm.Kể từ thuở còn thơ, tôi đã mê những bài hát tiền chiến. Đặc biệt, những bài hát ca ngợi quê hương, làng xóm một thuở thanh bình. Quê hương chúng ta hiền hòa, từ con sông, đường làng, lũy tre, hàng rào già tàu xanh mướt bao bọc các ngôi nhà, các con đường. Những bài hát làm ta nhẹ lòng, xúc cảm, thưở thanh bình quá đẹp.
Bài “Quê nhà tôi” của Anh Hải mãi mãi là lời ru dịu ngọt:
“Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm. Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên. Sáo dịu êm nào khác lời thơ. Lúa vàng reo tựa như sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê, chiều xao xuyến êm đềm. Đợi chờ con mắt trông về chốn trời xa”.
Anh Hải đã phác họa bức tranh quê nhà thời thanh bình. Tôi nghe ca sĩ Quỳnh Giao hát bài này đâu đó khoảng năm 1971 trong băng nhạc Jomarcel. Tiếng hát nàng trong, rõ, vừa hồn nhiên vừa sang trọng, điệu valse của bài hát được nàng chuyển tãi làm tôi hình dung được cảnh thanh bình, mọi người hợp quần nhảy múa. Lời của bài hát trong sáng rõ ràng, mộc mạc: Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Nắng chiều với Anh Hải, êm đềm chạy dài trên khóm tre, ở đó có đàn chim hót ríu rít, tiếng sáo dịu êm, tiếng lúa vàng reo, tựa như sóng nhấp nhô. Thiên nhiên, phối trí với sinh hoạt của người dân: Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm. Chuyện trò chung với nhau. Anh Hải cảm xúc cảnh chiều quê, buổi chiều êm đềm, xao xuyến, ở đó có con mắt đợi chờ, ước vọng người đi sẽ về. Đó là đời sống thần tiên. Đó là thời hoàng kim, thời của ngắn ngủi như một giấc mơ.
Quê hương của chúng ta bây giờ đã xây dựng nhiều, đô thị hóa đến chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự sang trọng mà trị giá của nó là cả triệu đô Mỹ, tiếp nữa là những con đường bóng loáng với hai hoặc bốn lằn đường kiêu sa, cùng với những chiếc xe hơi bóng lộn sang trọng hàng tỉ bạc chạy như chóng chóng làm ta chóng mặt, những hàng cây xanh mát rượi, những cây cầu hiện đại hòa nhập với thế giới, những chiếc cầu vượt giải quyết nạn ách tắt xe cộ rất hoành tráng.
Thế nhưng bên cạnh đó là những cái gì? Đất đai mầu mở cho người nông dân dần dần biến mất. Người nông dân không còn đất để sống. Vòng đai xanh của rau trồng, của hoa trái không còn. Còn đâu nữa chiếc nôi “quê nhà”. Đất đai lần lượt bị khan hiếm trong lãnh vực sản xuất. Đất nông nghiệp biến thành đất thành thị. Người ta chia lô để bán, để kinh doanh. Dần dần môi trường sống cạn kiệt, kể cả những dòng sông, kênh lạch cũng bị lắp đất để xây nhà. Nạn triều cường trở thành mối đe dọa khủng khiếp thường trực với người dân. Không phải “có một dòng sông đã qua đời” như Trịnh Công Sơn kêu cứu mà rất nhiều dòng sông bị tấn công, cạn kiệt, ô nhiễm. Cá cũng không sống được trong những dòng sông, nơi cư ngụ của chúng: Sự kiện cá chết hàng loạt mới đây tại Vũng Áng Hà Tỉnh (báo chí loan tin 21.4.2016) do một công ty nước ngoài (Đài Loan) thải chất ô nhiễm mang hàm lượng cực độc là một điển hình nóng hổi nhất!
Người nông dân, những người trồng trọt, chăn nuôi vì ham lợi đã dùng bất cứ thủ đoạn nào (hóa chất vô tội vạ) để thu nhập càng nhiều càng tốt. Đó là lý do giải thích người tiêu thụ thức ăn bẩn phải chết vì bệnh ngày càng tăng. Đây cũng là biểu hiện của tính vô cảm do tính vụ lợi lên ngôi.

Đối diện với đất nước chúng ta hôm nay, chúng ta nhớ về quê hương, làng xóm chúng ta một thời còn nghèo. Nhà cửa, đường sá còn thô sơ, xe cộ phương tiện đi lại còn khiêm tốn. Nhưng diễm phúc thay đó là một xã hội đất lành, môi trường sinh thái trong sạch, con người sống với nhau hiền hòa thân ái như thông điệp mà Anh Hải đã gửi gắm.
Nhạc và lời của Anh Hải trong sáng, giản dị như đời sống của người nông thôn - hồn nhiên, chấc phác, sống hòa mình với thiên nhiên.