Thơ Văn về Huế

Huế : niềm nhớ không phai !



chualinhmu-thapphuocduyen

HUẾ : niềm nhớ không phai !

Riêng tặng NT để tìm lại chút dư âm của Huế!


Suốt bao năm dài lưu vong nơi xứ người, tôi đã trăn trở, khắc khoải nhớ thương Huế - nơi tôi đã sống những ngày bình yên và thanh thản với tất cả tấm lòng ngây thơ của người con gái mới lớn.


Hình ảnh Huế đẹp và thơ đã hiện về thường xuyên như một nhắc nhở trong tâm tưởng, trí nhớ, giấc ngủ và cơn mơ của đời tôi !
Huế mãi mãi vẫn là một vùng thánh địa thiêng liêng, bất khả xâm phạm trong góc sâu thăm thẳm của trái tim tôi. Kỷ niệm về tuổi trẻ vô tư, người tình đầu đời, bạn bè thân ái, những chốn hẹn hò rong chơi, ngôi nhà cũ, mái trường hồng vôi tím, những con đường đầy bóng mát từng chứng kiến cảnh gặp gỡ đầy yêu thương.
Hoài niệm bao giờ cũng đẹp ! Những ngày sống xa quê hương, lắm lúc xót xa, chới với, ngột ngạt, tưởng chừng như chịu hết nổi, tôi lại vội vàng trốn chạy vào một nơi đã xa mà niềm êm ái vẫn an ủi được tôi, xoa dịu ngọt ngào, đó là những người bạn dễ thương mà không một lần tìm thấy ở đâu ngoài xứ Huế thân yêu.
Biết bao nhiêu điều để nhớ, để thương, đủ để làm bâng khuâng cả tấc lòng ! Hàng cau thôn Vỹ thân vút cao sang, mỗi lúc nắng thật sự đã tắt trên ngàn cây ngọn cỏ, hàng cây vẫn giữ trên đầu ngọn ánh vàng rực rỡ. Từ khi rời xa Huế, không nơi nào tôi nhìn lại được dáng dấp hàng cau như thế. Hàng cau thôn Vỹ với những dây trầu quấn quít thân cây thân mật dễ thương như tình cảm ngọt ngào của lứa đôi !
Cùng với nắng chiều, những đồi Sim dưới chân núi Ngự Bình, bên chùa Trà Am mang một màu tím ngan ngát dịu mắt và nên thơ gợi nhớ một thời thắm thía nỗi xót xa trữ tình của „những đồi hoa Sim“. Rồi những hoa „bâng khuâng“ màu tím tươi non dịu hiền bên cạnh đồi, trong khu vườn nhỏ, trên bãi cỏ trường Đồng Khánh đã thực sự làm bâng khuâng lòng người… Nghĩ gì ? Nhớ gì ? Thương ai ?... Chờ ai ?...
Có khi nào dừng chân bên đồi Vọng Cảnh mà không man mác buồn với từng cụm hoa lau trắng phau mềm mại nghiêng nghiêng gió trưa, bên dòng Hương Giang bắt đầu khúc quanh của điện Hòn Chén thì rõ ràng không một nơi nào có được bức tranh thủy mạc của bờ lau bên dòng nước biếc của những ngày áo trắng lang thang.
Huế là tất cả những gì yêu thương nhất của tôi, giọng Huế, người Huế cũng như sông Hương núi Ngự, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của tuổi học trò cho nên gặp lại người Huế dù chỉ mới lần đầu mà lòng vẫn cảm thấy như thân thiết nhau tự bao giờ.
Mùa Xuân dòng sông mềm mại hiền hòa, phẳng lặng như một tấm gương, mặt nước âu yếm in bóng mây trời và thuyền xuôi ngược suốt một dòng sông dài ! Sông lững lờ nhẹ nhàng chảy qua thành phố Huế cổ kính, nước trôi hữu tình qua miệt Bao Vinh.
Tôi nhớ mãi những đốm đèn lung linh, mờ ảo ở đầu các khoang thuyền, bập bềnh trong màn sương huyền hoặc, liêu trai trên sông Hương nửa đêm về sáng. Những điệu Nam Ai, Nam Bình, Hành Vân, Lưu Thủy chơi vơi, bồng bềnh trên sông nước, khi chiều xuống, lúc về đêm dễ khiến lòng người man mác, cảm hoài. Thuyền đã lặng lẽ đi xa, tiếng hò à ơi vẫn còn trải dài, gờn gợn trên sóng nước, tiếng hò như quyến luyến, quấn quít theo người.
Nhắc đến mùa Xuân là nhắc đến những cái Tết đầm ấm ở quê nhà. Mùa Tết nào trên quê hương tôi ngày xa xưa đó cũng tràn ngập hạnh phúc từ tình thương yêu của gia đình, ngày Tết được chuẩn bị trước từ tháng Chạp. Tôi yêu cái xôn xao rộn ràng của những ngày giáp Tết, các bà mẹ, các cô gái say sưa làm khéo trổ tài, nào là phơi hoa quả để làm dưa món, tỉa từ những trái đu đủ, những củ cà-rốt, những lát thơm, su-su, củ cải trở thành những hoa trái xanh tươi để hoàn thành một thẩu dưa món với nước mắm nấu đường trong như hổ phách.
Rồi thì cứ bắt đầu khoảng 28 tháng Chạp mỗi năm, nhà nào cũng lo sắm sửa mọi thứ để gói bánh chưng, bánh tét. Chúng tôi thường ngồi quanh nồi bánh, lửa bập bùng soi sáng những khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt như sáng hơn, những đôi má hồng ấm hơn bên ánh lửa lập lòe ấm cúng.
Ôi thôi! Có quá nhiều thứ để nhớ nhung ngậm ngùi; tôi vẫn mơ ước được hưởng một cái Tết ấm cúng ở quê nhà, chờ đợi có một ngày sẽ đọc tiếp câu chuyện bỏ dở trên quê hương yêu dấu bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng, bánh tét trong những ngày Tết thanh bình.
Và tôi biết, tôi vẫn còn thiếu những ngày Xuân trọn vẹn !

Huế của tôi khi Hè đến ngập tràn hoa phượng đỏ, những cánh phượng rung rinh, chập chờn trong nắng hạ mang lại cảm giác vừa náo nức vừa bâng khuâng. Tôi thường cùng bạn bè đi tản bộ dọc theo bờ sông, thích thú ngắm dòng sông mang một chiếc áo đỏ rực. Suốt một dải sông dài, huyết phượng rưng rưng, uể oải nằm lắng nghe nhạc ve râm ran trong cây lá.
Hoa Phượng, loài hoa mang nhiều kỷ niệm của tuổi học trò; trong cặp sách của tôi và của các bạn, luôn luôn cắt giấu những cánh bướm phượng vỹ xinh xinh, mềm mại, nằm e ấp mong manh. Những trưa hè tan trường, cả một dòng sông áo trắng trôi về các ngả Từ Đàm, Long Thọ, Bến Ngự, An Cựu, qua Lê Lợi về Đập Đá, Kim Long, Thành Nội, Gia Hội, Bao Vinh…
Về mùa Thu, sông Hương trở nên âm thầm, buồn hiu hắt, những sáng thu ẩm ướt mưa ngâu, sương mù mờ mịt giăng kín mặt sông, Hương Giang như rộng ra trải dài chẳng thấy bến bờ; nhà cửa, lâu đài, thành quách, cây cối… trở nên hư ảo bồng bềnh.
Huế với những chiều thu lành lạnh gió heo may, không gian tím ngắt thật thơ mộng, thật lãng mạn để chợt nghe lòng thương nhớ vu vơ! Những đêm trăng trên sông Hương thật kỳ ảo, về khuya trăng sáng vằng vặc, sương xuống lạnh lùng, cả một dải sông trắng mờ mờ ảo ảo !
 Bắc qua sông Hương là cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, là niềm tự hào kiêu hãnh của người dân cố đô. Mỗi „vài“ cầu là nửa mảnh trăng non màu trắng bạc, tất cả tập hợp thành những đường cong mềm mại, uốn lượn như một dải lụa bạch vắt qua hai bờ sông Hương thơ mộng. Cầu có duyên đưa đón các cô cậu học trò Đồng Khánh, Quốc Học ngày hai buổi đi về và cũng đã từng in dấu bước chân tôi qua hai mùa mưa nắng.
Những buổi sáng tinh sương đi học, tíu tít qua cầu tinh nghịch áp má vào thành cầu để cảm nghe cái mát lạnh thấm dần qua da thịt sau một đêm dài cầu ngấm sương.
Chiều xuống, xa xa núi Ngự mờ dần, cầu Tràng Tiền mấy nhịp mờ sương khiến lòng người cảm thấy u hoài, mênh mông một nỗi buồn nhớ mông lung.

Mùa Đông, cầu đứng chơ vơ, im lìm buồn bã dưới những cơn mưa dai dẳng trắng cả bầu trời.
Qua chiến tranh, qua tang thương dâu bể, chiếc cầu thân yêu của dân Huế đã gãy mất một nhịp, khiến người dân đất Thần Kinh phải ngậm ngùi. Giờ đây cầu đã được sửa chữa nhưng không còn như xưa nữa!

Tôi yêu Huế miền sông Hương núi Ngự, thành phố cổ kính có nắng hạ giữa mùa thu, với dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong, con dốc Nam Giao trải dài thương nhớ, với thôn Kim Long ngõ trúc quanh co, bến đò Tuần xanh biếc ngàn dâu. Vỹ Dạ với những khu vườn „mướt xanh như ngọc“ ngan ngát hương bưởi hương cau và Nội Thành những ngày thu rải nắng hanh vàng.

Tôi thương Huế những ngày nắng chang chang thiêu đốt thịt da, những ngày mưa thúi đất, mưa thì thầm dai dẳng rã rời. Huế với những ngày đông thật lạnh, thật buồn, không có buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều rõ rệt, chỉ có ngày và đêm như Bùi Bích Hà đã viết. Và những ngày đông gió xé thịt cắt da, gió hun hút luồn qua nhiều lớp áo dày làm cho người phải run lẩy bẩy.

Tôi nhớ Huế những ngày gió heo may đầy trời bàng bạc mây trắng, những chiều rả rích mưa ngâu, những đêm hè với muôn ngàn vì sao lấp lánh trên nền trời đen thẫm mênh mông.
Nhớ „những đêm trăng ướt lá dừa“, những khu vườn nhỏ vùng Ngự Viên, Gia Hội, Thành Nội đêm về nồng nàn quyến rũ hương oanh trảo, dạ lan, nguyệt quế…

Huế còn rất nhiều thứ để nhớ để thương.
Huế, thành phố ở thì buồn, thì khổ, thì đau thương nhưng đi xa thì lòng vời vợi nhớ thương tiếc nuối.
Huế giờ đây thật xa mà cũng thật gần, một cái gì thật bé nhỏ mà cũng thật mênh mông, tôi nghĩ về Huế dấu yêu với tất cả tấm lòng nhớ thương tha thiết:

Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ,
Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông.
Trong nỗi nhớ một cũng là tất cả,
Khi thương yêu tất cả sẽ vô cùng! “.

(Thơ: Trần Kiêm Đoàn)
***********
Thẹn thùng cô gái Huế

Lưu Vĩnh Hạ

Em - cô gái miền trung thôn Vỹ Dạ
Mới vào Nam nên vẫn nón bài thơ
Nắng nghiêng che hay đứng lặng thẫn thờ
Khi ai đến làm quen bên phượng vĩ.

Cái ông ni ! Sao mà không biết dị
Hỏi chi hỏi miết, tôi mới vừa mười lăm
Đứng xa đi không khéo họ nghĩ lầm
Mạ tui biết, sẽ rầy la tui chết.

Cái ông ni, tui đây nào quen biết
Học chung trường, ừ... chỉ biết vậy thôi
Gan lạ chưa sao dám ghé tai mời
..."Tan học nhé, đợi em nơi quán nước"...

Chiều hôm ấy bỗng chân sao chùn bước
Lá si vàng rơi rụng trước thềm sân
Lòng cứ vờ nhưng lại thấy bâng khuâng
Tay cặp vở hôm nay sao là lạ

Trưa hôm nay người trao thư một lá
Có gì đâu mà cặp lại nặng thêm
Hình như là chân bước cũng nghiêng nghiêng
Tà áo trắng bay trong chiều gió nhẹ

Đừng có ngoắc, gọi tên tui cho khẽ
Cái ông ni, không biết dị chưa tề
Người ta nhìn làm tui ốt dột ghê
Thôi hãy để tui về chiều kẻo muộn

Đừng có hẹn với hò trao hoa phượng
Tui còn khờ, đâu có biết chi mô
Đọc thư tình mà vẫn cứ ngây ngô
Lòng tự hỏi... lời chi nghe lạ rứa!


(Ốt dột: mắc cỡ - tiếng địa phương)
#################
CHI LẠ RỨA

                                        Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
                                        Nhìn chi tui - đồ cỏ mọn hoa hèn
                                        Ngó chi tui - đồ đom đóm trong đêm
                                        Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch

                                        Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích
                                        Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
                                        Rồi ngó tui, chi lạ rứa: hững hờ
                                        Ghép yêu mến, vô duyên và trơ trẽn

                                        Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn
                                        Bởi vì răng? Ai biết được người hè!
                                        Nhưng mà chiều đã rủ bóng lê thê
                                        Ni với nớ có khi mô mà gần gũi

                                        Chi lạ rứa! Răng cứ làm tui tủi
                                        Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau
                                        Cảm tình câm nên không sắc không màu
                                        Và vạn thuở chẳng nên tình luyến ái

                                         Chi lạ rứa? Người cứ làm tui ngại
                                         Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời
                                         Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi
                                         Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể

                                         Tui không muốn khóc chi những giọt lệ
                                         Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình
                                         Bên ni bờ hoa thắm hết tươi xinh
                                         Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy


                                         Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy
                                         Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều
                                         Đau chi mô! Có lẽ hận cô liêu...
                                         Mà chi lạ rứa hè? Ai hiểu nổi!

                                         Tui không điên, cũng không hề bối rối
                                         Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương
                                         Tui biết tui là hoa dại bên đường
                                         Không màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí

                                        Tui cũng muốn có một người tri kỷ
                                        Nhưng đường đời như rứa đó, biết mần răng?
                                        Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
                                        Chờ tui với! A, cười chi lạ rứa?

                                        Tui không buồn, răng mắt mờ lệ ứa!
                                        Bởi vì răng tui có hiểu chi mô
                                        Vì lòng tui là mặt nước sông hồ
                                        Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc...

                                                           


''''''''''''''''''''''''''''

Huế “ chay ” , Huế “ lai ” và Huế “ chướng ” !!!
Nhiều nhà thơ, học giả viết rất nhiều về Huế đẹp và thơ. Còn Huế "chay", Huế "lai" và Huế... "chướng", Huế như đó là một điều "tối kỵ", ai cũng né tránh. Chuyện như thể nói đụng đến người Do Thái, đụng đến người Huế là họ hùng hổ bênh vực nòi giống quý của Huế, và cái "chướng" của các ngài.
Tôi cũng xin mạo muội chia ra Huế "chay" và Huế "lai" và Huế "chướng" cho nó dễ nói chuyện. Bởi vì Huế cũng "ba bảy đường Huế". Cảnh Huế thì rất đẹp, sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm, nhưng người Huế thì lai, chay và chướng. Điều này không có nghĩa là Huế lai thì không đẹp, mà Huế chay thì tốt, và Huế chướng thì đáng ghét.
Tại sao lại Huế chay? Chay có nghĩa là chay tịnh như nghĩa "tôi nay chay tịnh" không còn biết đờn bà nữa! Hay chay là dưa, muối, rau và nước lã? Thế là Huế chay là Huế ăn toàn rau, dưa muối và uống nước lã! Mà đúng vậy, người Huế chay (100% Huế) là người chỉ dùng những thức ăn mộc mạc, không ăn kiểu cọ, xa xỉ. Chỉ nói những điều thành thật, phát xuất từ một tâm hồn thật là lương thiện, không thích bon chen. Ngôn từ của người Huế chay rất là Huế, rất nặng chất Huế, rất là địa phương tính, "Hai thương ăn nói dịu dàng mà lại có duyên" là chỗ đó! Người Huế chay trang phục cũng rất giản dị, không theo thời trang cho lắm (trừ Linda Trang Đài ra!). Món ăn thì ăn chắc mặc bền "dầu lai dưa muối cũng dài lâu". Thú vui của người Huế chay rất ư là thanh nhã: túi thơ trăng gió, tự hào về một thời quá khứ hoàng kim, an phận cái gì có được, không cầu tiến. "Kiểu như đói ăn rau, đau uống thuốc". Nói về đi đứng, thì Huế chay không chịu rời quê cha đất tổ. Huế chay cứ quanh quẩn với vừng cau, với tiếng gà gáy trưa, với tiếng kinh kệ (Huế chay nổi tiếng mộ đạo lắm), với bóng tối triền miên. Chàng Huế chay rất gắn bó với "vua", với "miếu", với "thành". Muôn đời vẫn thế! (Em ra đi nơi này vẫn thế). Cố đô có loang lổ rêu phong vẫn để mặc! Huế chay rất ung dung tự tại - Nếu chàng Huế chay có dzợ, thì cũng dzợ hiền (:-))), mà càng ở lâu với "bả" thì chàng Huế chay này sẽ biến thành Huế "chướng". Tại sao thì xin mời bạn cứ đọc... tiếp! Hấp dẫn lắm! Bởi vì "chướng" chưa đủ, còn "ngẳng" nữa! Đấy bạn đã bắt đầu thấy hấp dẫn chưa!
Thế thì chàng "Huế" lai thì sao? Trước hết phải nói chàng Huế lai là lai ở cái chỗ lấy dzợ không phải Huế, đem thân "trâu ngựa" cho dzợ miền khác "xài". Mặc sức ăn rau muống, giá sống cho đến chết. Mà muốn sống thì thường lén đi ăn bún bò Huế "Đông Ba" thì họa may ngắc ngoải...
Huế lai là người đành đoạn bỏ Huế mà đi. Đi đâu thì không biết, nhưng thường đi là đi luôn! "Thẳng cò o ngón", dzông luôn một mạch, bỏ xứ mà đi, "tha phương cầu thực". Đó là Huế lai. Huế lai lấy dzợ về già ít khi "chướng", hay nói cho rõ là không dám chướng. Vì làm răng mà chướng cho được nếu không muốn ăn "đòn" dài dài. Bởi vì chỉ có dzợ người Huế thì còn được chìu chuộng, chứ đã "lai" rồi thì còn khuya! Lơ tơ mơ là bỏ đói là bỏ mạng sa thành, nhất là về già mà không có "cơm bưng nước rót" là "tiêu" sớm! Đó, bạn thấy "lai" tai hại chưa?
Vậy thì Huế lai thường biết thân phận lưu đày, lo tu tâm sửa tánh.
Huế lai hay thích sửa tiếng, sửa giọng, vì không muốn ai biết gốc gác của mình, lại nữa là cũng muốn che đậy cái thổ âm "quê mùa của Huế". Huế lai thường ăn nói nhỏ nhẹ, năn nỉ, ngoại giao chứ không ăn nói "thẳng như ruột ngựa", chắc như "củ khoai sắn" như Huế chaỵ . Huế lai ăn uống cũng không dám đòi hỏi, không có chướng, chê này nọ. Riết rồi có khi theo phe dzợ cho món Huế là quá "cay", quá "mặn", quá "tỉ mỉ" mà quên luôn món Huế.
Nói về "mười thương em giữ cương thường", thì Huế chay là số dzách. Huế chay rất là nề nếp gia phong, trên dưới phân cấp rõ ràng, ăn nói, xưng hô cho đúng tam cương ngũ thường. Trái lại chàng Huế lai ít khi để ý đến các điểm này, mà có để ý cũng là đại khái! Với ý là muốn gột bỏ cái "chất Huế mặn mà" đi. Nhưng có một điều chắc chắn là chàng Huế chay không dám tự hào là mình "khá" hơn Huế lai. Vì sự thật là đa số Huế lai đều "khá" cả. Khá ở đây hiểu theo nghĩa là thành công. Tỷ dụ rất nhiều ký giả, luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, bác học... hỏi ra là Huế... lai cả đó ạ! Chỉ cần tiêm đúng vào nọc độc "Huế của ta đây, phe mình đây" là "cong đuôi con nòng nọc" mà... cãi! Thế nhưng Huế lai mà gặp Huế chay thì đố bạn sẽ như thế nào? Huế chay sẽ chỉ huy Huế lai, sẽ "lợi dụng" Huế lai... Còn Huế lai thì chỉ biết vâng lời thôi...
Đặc biệt Huế chay thì hay chia rẽ, mỗi người là một ông vua con.
Còn Huế lai thì muốn "đoàn kết", luôn luôn kêu gọi đoàn kết... làm ra vẻ là "hướng về quê mẹ", thích đoàn kết lắm lắm. Bệnh này thì còn dễ trị hơn là bệnh của Huế chay (chia rẽ và đố kỵ). Thuốc chữa là các món ăn hương vị Huế, xắt ra, tán nhỏ, sắc khô uống trong ba đêm ba ngày, sáng ngày thứ ba đi dự "Ngày nhớ Huế" thật sớm là lành bệnh ngay!
Còn Huế chướng là sao? Huế chướng là Huế chay hóa lão.
Huế chướng không bao giờ bằng lòng với cái mình đang có, luôn luôn so sánh cái hiện có với quá khứ vàng son, khuôn vàng thước ngọc thuở xa xưa mà chướng. Chẳng hạn "đoài" nghe "ca Huế" ở xứ Mỹ này, nghe xong là chê, là anh Huế chướng. Chẳng hạn đòi ăn trái vả, ăn khế, với bắp chuối non, các thứ đó phải có trong cơm hến, nếu không có là chê là anh Huế chướng. Chẳng hạn muốn cưới con gái Huế mà không thuận lòng từ người trên kẻ dưới, mà cứ nhè dưới mà đi lên là bị ngay ông già vợ Huế chướng từ khước ngay. Bởi vì nay con đặt đâu cha mẹ ngồi đó, chứ ở đó mà chướng!
Huế chướng càng về già càng ít có lãng mạn như hồi trẻ, không chịu nắm tay nắm chân, tệ hại là đụng nhau, cọ nhau một chút thì nhăn nhó la làng lên! Là anh Huế chướng.
Anh Huế chướng mà vợ bỏ thì càng chướng thêm. Và sẽ không bao giờ lấy vợ thứ hai được. Vì đã chướng mà còn độc tài nữa.
Không có thuốc chữa trị cho bệnh chướng này. Vô phương! Tôi xin thách đố bạn nào mách nước cho tôi cách trị chứng bệnh nan y thời đại này! Khi Huế chướng tỏ vẻ trẻ trung thì hóa ra "ngẳng".
Nói đến Huế ngẳng thì phải nói đến cụ Cẩn. Cụ đã chướng, nhai trầu bỏm bẻm, mà lại hay ra bờ sông để "tè". Cậu Cẩn là một sự phối hợp tuyệt diệu của Huế ngẳng.
Trong các loại người Huế, có một loại người Huế mà tôi không biết liệt họ vào nhóm nào. Đó là những người "Huế mà không ở Huế". Đó là những người Huế sống ở Nha Trang, sống ở Đà Lạt..., nói tiếng Huế chay, nhưng không biết "Huế" là cái chi, Huế đẹp ở mô, không biết chi về Huế cả. Nghe mà phát giận không! Tôi không biết xếp họ vào loại Huế nào? Gọi họ là Huế lai thì cũng không đúng! Vì toàn thể gia đình vợ con là gốc Huế, nói tiếng Huế rặt. Chỉ tội là không ở Huế ngày nào cả! Không biết sông Hương, núi Ngự, Dạ Lê, Thanh Thủy, nói chi đến Nguyệt Biều. Không biết một cái chi... hết về Huế (giọng tức tối!). Mấy người Huế "huế" này các bạn có thể gặp dễ dàng ở... hành lang hay ngoài hậu trường trong ngày nhớ Huế. Bởi vì "mần răng" mà biết nghe được nhạc Huế, ca Huế, thơ Huế, kịch Huế, v.v... Có ở Huế "mô" mà biết hay, biết đẹp. Thôi "tảng lờ" là quốc sách! Tôi xin tạm gọi họ là "Huế huế". Huế tĩnh từ ở đây có nghĩa rất dễ hiểu là "chút chút, sơ sơ, phiếm diện, bề ngoài", chỉ nói được tiếng Huế chứ không phải Huế!... Huế mà không phải Huế (diễn tiếng miền Nam là "thấy dzậy mà hổng phải dzậy"). Bạn đừng để tôi gặp hành lang kêu Huế huế nhé! Tôi biết bạn không mất gốc Huế, mà có khi gốc Huế của bạn còn bự hơn tôi nữa. Nhưng đối với người Huế sau đây, tôi chắc bạn đồng ý với tôi nên gọi họ là những người "Huế gốc k..h..á..c". Tại vì sao? Tôi đố bạn đấỵ Này nhé, họ cũng ở Huế lâu năm nhé, cũng nói tiếng Huế trọ trẹ nhé, cũng biết Huế đẹp, Huế thơ nhé... nhưng mà lại gốc... T..à..u. Huế rặt mà gốc T..à..u mới nguy! Thì phải gọi họ là "Huế gốc k..h..á..c" là đúng chứ còn gì nữa, phải không bạn? Mấy người này chắc chắn là không phải "Huế gốc v..ả..". Thì có ai xa lạ đâu: gia đình chú Xồi chuyên làm "Mè Xửng Huế" ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu là những người anh em "Huế gốc k..h..á..c". Mà sao không chừng chữ "xửng" của mè xửng cũng do chú Xồi, người "Huế" anh em "mà k..h..á..c gốc" chế ra!!
Hóa ra, Huế chay, Huế lai, Huế chướng, Huế ngẳng, chưa đủ, lại còn Huế "gốc k..h..á..c" và Huế "huế" nữa, các bạn thấy có vui không!?!?
Như vậy sau khi phân tích người Huế "nát nước" ra như vậy, chắc có nhiều vị tự động xếp mình vào cột nào rồi, hiểu mình hơn nữa, lo tu thân tích đức, sửa đổi tánh tình cho hợp tình hình. Thế là chúng ta có một tập thể mạnh, thích chỉ trích nhau nhưng yêu thương nhau, thích kèn cựa nhau nhưng hãnh diện về nhau. May thay, một tập thể như vậy luôn được bồi đắp bằng, và nhắc nhở bằng những giá trị văn hóa của Huế, qua những nét đẹp, những truyền thống dễ thương của Huế.
Và cuối cùng, cũng chính trong cái tập thể yêu quí đó, chúng ta vẫn tìm ra được những cái buồn cười, những cái ngộ nghĩnh, có đôi khi "kỳ cục" của con người Huế, mà tiêu biểu là Huế chay, lai và chướng.
Bạn thuộc loại Huế nào? Chay, Chướng, Ngẳng hay Lai? Đừng lo! Tôi vẫn cứ chơi với bạn. Tin tôi đi. Ta hẹn nhau ở ngày NHỚ HUẾ. 


Khuyết danh


*******************
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc. hỉ… KC?
  
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

**
Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn !

***
Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi !

****
Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi ?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau !
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái !

Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời ?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy.

Muốn lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy,
Nhưng thân đau nên chẳng dám đánh liều.
Đau chi mô có lẽ hận cô liêu,
Mà chi lạ rưá hè, ai hiểu nỗi !

Tui không điên cũng không hề bối rối,
Ngó làm chi thêm tủi nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại bên đường,
Không hương sắc, lạ rứa hè, người hỉ ?

Tui cũng muốn có một người tri kỷ,
Nhưng đường đời như rứa biết mần răng !
Tui muốn kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng:
Chờ tui với ! A, cười chi lạ rứa

Tui không buồn sao mắt mờ lệ ứa,
Bởi vì răng tui có hiểu chi mô !
Vì lòng tui là mặt nước sông hồ,
Chi lạ rứa, bên ni bờ tui khóc.

Nguyễn Thị Hoàng



Tiếng Huế pho tu đây 1

Đi đâu thi` nói “đi mô”
“O nớ” ám chỉ “Cái Cô” chung trường
“Ốt dột” khi tui nói thương
Có nghĩa “mắc cỡ” má vương nụ hồng.
“Khôn” là đồng nghĩa với không
Chẳng muốn lấy chồng, “khôn muốn lấy dôn”
“Đoản hậu” là “Ác” en ni
Tui đã … im lặng cứ đi theo hoài
Nhà tui còn khoảng đường dài
Có chi noái nấy, ngày mai hết rồi
Trên cao thì nói “trên côi”
“Đi rượng” là lúc sóng đôi như chừ
“Phủ phê” là lúc thặng dư
Như là tình cảm “đã nư”, no đầy
“Như ri” có nghĩa như vầy
… Mô Tê Răng Rứa, em quây … mòng mòng
(khuyết danh)

Tiếng Huế for today 2

“Ở nể” đồng nghĩa ở không
Trai hông lí dzợ., không chồng “ế dôn”
Ngu ngu thì nói “khôn khun”
Dại dại mô tả “đù đù” mặt ra
Còn trẻ thì nói chưa “tra”
Tới tuổi già già khú đế là “ôn”
Có cô thiếu nữ lấy “dôn”
Lấy được ông chồng thăng chức “mụ o”
“Răng chừ” đồng nghĩa “khi mô”
“Khi mô” có nghĩa khi nào đó thôi
“Khi mô” có cặp có đôi
“Răng chừ” hết cảnh tuổi đời bơ vơ
Đơn côi “cái trốt” dật dờ
Là ôm đầu bạc “cà ngơ” một mình
Lặng yên thì nói “mần thinh”.
Để nghe len lén duyên tình giăng tơ.
“Mua lửa” thì thật phải lo
Vì là mua chịu ai cho “lửa” hoài
“Mắc lửa” là thiếu nợ dài
“Lửa” chi không thiếu, chẳng phai “lửa tình”
“Sáng mơi” là lúc bình minh
Của ngày kế tiếp, nong tình đem phơi
“Bữa tê” em hẹn lại chơi
Quên bẵng cái việc em mời bữa kia
“Bữa tề” mang lịch ra chia
“Bữa tể” là trước bữa kia hai ngày
“Bữa ni” là bữa hôm nay
Là lúc đương nói hàng hai đây nì
“Mần chi” ai hỏi làm chi
Em muốn làm gi`, “răng hoải mần chi?”
Thế này thì nói “ri nì”
“Rứa tề”, thế đó mần chi đây hè?
Cái cây thì noái cái “que”
Còn ở trước hè lại nói cái “cươi”
Cái “ôn” bản mặt tươi tươi
Ưa đi tán bậy là người “vô duyên”
(khuyết danh)

Sông Hương Có Nói Chi Mô


Tác Giả: Đoàn Thạch Biền


    Tôi đã đến Huế hai lần, lần nào cũng vội vã vì bận công việc nên chỉ ở lại một hai ngày. Huế vốn thâm trầm, thầm lặng, nên chẳng thể hiểu vội vã được. Tôi đã liều viết cái phần mình chưa hiểu về Huế nên không tránh khỏi sự hiểu lầm. Rất mong bạn đọc gốc Huế lượng thứ. 
    
- o O o -

    Tường dắt tôi đi thăm lăng Tự Đức. Vốn là dân Huế nên Tường rành rọt, chỉ cho tôi biết nơi nhà vua xem hát bộ, nơi cung nữ ở... Khiêm Lăng to lớn này được xây dựng trong ba năm và vua thường đến đây vừa nghĩ ngơi vừa chiêm ngưỡng nơi sẽ chôn cất mình. 
    Ngồi nghỉ chân dưới bóng mát một cây sứ cổ thụ, bên ngôi mộ xây bằng đá cẩm thạch của vua, tôi tò mò đọc bài thơ chữ nôm của vua Tự Đức in trên tấm vé bán vào thăm lăng. "Khôn dại cùng chung ba tất đất, Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tôi thầm hỏi: "Vua đã viết được như vậy, sao còn làm khổ người dân xây chung quanh "ba tấc đất" của vua nhiều ngôi nhà to lớn như một cung điện? Phải chăng từ xưa đến nay, giữa viết và làm thường khác xa nhau?" 
    Trưa hè ở Huế trời nắng gắt. Khi rời khỏi lăng vua Tự Đức, tôi cảm thấy đói bụng. Tôi nói Tường chở tôi đi ăn một món ăn Huế. Tường nói sẽ chở đến quán bánh khoái. Nơi đó cô gái bán hàng biết mười ngoại ngữ. 
    Tôi tin là Tường nói thật. Người Huế vốn ham học. Cô gái hàng ngày phải giao dịch với nhiều khách du lịch nước ngoài nên có thể em đã học được một số ngoại ngữ. Nhưng biết được mười ngoại ngữ thì cũng đáng nể, tôi hối thúc Tường chạy xe Honda thật nhanh để được gặp mặt cô gái. Vừa "no mắt" vừa no bụng. 
    Tường dừng xe trước một quán bán bánh khoái gần chợ Đông Ba. Khách ra vào tấp nập. Nhiều nhất vẫn là khách du lịch nước ngoài mặc quần soọc vai mang balô. Phải đợi một lúc, chúng tôi mới có ghế ngồi. Những chiếc bánh khoái nóng hổi được đem đến. Chúng giống như bánh xèo ở Sài Gòn nhưng chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay và được chiên vàng rụm. Đặc biệt bánh khoái ăn với tương chứ không phải nước mắm chua ngọt. Ăn xong một chiếc bánh khoái mùi rau húng quế còn thơm ngát trong miệng, tôi hỏi Tường: 
    - Cô gái biết mười ngoại ngữ đâu? 
    Tường cười chỉ cô gái mặc áo thun đỏ, váy trắng (điều hiếm thấy ở các cô gái Huế) đang đứng nói chuyện với một ngoại kiều cách chỗ tôi ngồi hai cái bàn. Em đứng quay lưng lại nên tôi không nhìn thấy khuôn mặt em. Hai người đang trò chuyện vui vẻ, rất tiếc họ đứng hơi xa nên tôi không nghe rõ họ nói tiếng nước nào. 
    Một khách nước ngoài ngồi gần bàn tôi, gõ đũa vào miệng chén. Cô gái quay lại nhìn rồi bước đến tính tiền. Lúc này tôi mới nhìn rõ khuôn mặt em. Một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt to đen láy và cái miệng luôn cười. Người khách chỉ những đĩa thức ăn trên bàn. Cô gái gật đầu nhẩm tính rồi ghi vào phiếu tính tiền đưa cho ông ta xem. Người khách chỉ vào một cái đĩa và giơ hai ngón tay. Cô gái cười ghi thêm vào phiếu tính tiền. Người khách móc tiền ra trả và cười nói: "How old are you?". Đáp lại, cô gái xòe hai bàn tay ra hai lần, lần sau em cụp lại một ngón cái. 
    Bây giờ tôi mới hiểu Tường đã "chơi chữ". Cô gái bị câm và phải nói chuyện bằng 10 ngón tay. Uống một ngụm bia Huda, tôi hỏi Tường: 
    - Cô gái bị tật hồi nhỏ à? 
    Tường gật đầu rồi nói: 
    - Cả ba chị em đều bị câm. 
    - Bệnh di truyền? 
    - Không, ba mẹ mấy cô đều nói năng bình thường. Người ta đồn rằng mộ ông nội của mấy cô táng trúng lưỡi rồng nên gia đình làm ăn phát đạt, bù lại con cháu đều bị câm. Nếu dời mộ đi chỗ khác, các cô sẽ nói được nhưng bù lại gia đình sẽ nghèo mạt ba đời. Cô chị đang đứng đổ bánh khoái đó. Cô thứ hai đi tính tiền, còn cô út ở trên lầu lâu lâu xuống phụ việc. Cũng may ba chị em tuy không nói được nhưng vẫn nghe được và họ viết chữ rất đẹp. 
    Tôi không biết đấy có phải là điều "may" hay càng khốn khổ hơn khi người ta nghe được mà không nói được? 
    Đợi quán thưa khách, tôi gọi cô gái đến tính tiền để có dịp trò chuyện. Cô gái đếm những đĩa bánh khoái và hai chai bia trên bàn rồi em viết phiếu tính tiền. Tôi hỏi: 
    - Em tên gì? 
    Cô gái cười nhìn quanh rồi chỉ bức tranh vẽ hồ sen Tịnh Tâm treo trên tường. 
    Tôi nói: 
    - Em tên Liên? 
    Cô gái gật đầu. Tôi hỏi tiếp: 
    - Nhưng gì... Liên? 
    Em viết trên phiếu tính tiền chữ Diệu. 
    - Diệu Liên! Tên hay quá. Đóa sen huyền diệu. 
    Cô gái e thẹn cúi đầu. Tôi bắt đầu kể lể: Tôi ở Sài Gòn mới ra thăm Huế lần đầu. Đến một nơi nào xa lạ, tôi nghĩ không phải chỉ đi xem thắng cảnh hay đi dạo phố xá mà hiểu được nơi đó. Cần phải thưởng thức những món ăn đặc sản và nhất là phải làm quen với một cô gái, nhờ vậy mình sẽ hiểu nơi đó hơn. Tôi đã ăn bánh khoái Huế rất ngon. Tôi muốn em giúp tôi hiểu Huế thêm một chút nữa được không? 
    Cô gái nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Cũng may vì vội vã khi ra Huế, tôi đã bỏ quên đôi kính cận một độ của mình ở Sài Gòn nên nhìn đôi mắt tôi lờ đờ như đôi mắt cá ươn rất "vô tư", cô gái đã thương hại gật đầu. 
    Buổi tối mùa hè, Huế đã mát nhờ những hàng cây hai bên đường rì rào tiếng lá. Tôi chở Diệu Liên trên chiếc xe Honda mượn của Tường. Em ngồi sau chỉ đường bằng cách vỗ vai phải, vai trái của tôi và tôi sẽ quẹo phải hay quẹp trái. 
    Nhờ em tôi mới biết hồ Tịnh Tâm với ngôi nhà ngồi hóng mát bị sụp đổ một bên, không còn nguyên vẹn như trong bức tranh vẽ treo ở quán em. "Đường phượng bay" xanh rì bóng lá vì mùa hoa phượng đã tàn. Bánh cuốn ở Kim Long khác hẳn bánh cuốn ở Sài Gòn. Và chè thịt heo quay ngon hơn chè sâm bổ lượng ở Chợ Lớn. 
    Tôi hỏi: Em hãy chỉ tiếp cho tôi biết nơi nào bán cơm hến, bánh ướt, chè bắp? 
    Em che miệng cười khúc khích. Tôi đưa cuốn sổ tay cho em và em viết: Ông tham ăn quá. Những món ăn ngon, ông ăn cùng một lúc, chúng cũng sẽ hết ngon. 
    Tôi nói: Nhưng ngày mai tôi phải về Sài Gòn rồi. Làm sao tôi có thể thưởng thức những món ăn kia? 
    Em viết: Chúng sẽ mãi còn ngon khi ông còn háo hức muốn ăn? 
    Tôi nói: Thôi bây giờ chúng ta đi uống càphê. Tôi muốn biết cà phê ở Huế ngon cỡ nào. 
    Em gật đầu và tôi tiếp tục chở em đi. Cầu Tràng Tiền đang sửa chữa lại, em chỉ tôi chạy xe qua cây cầu mới. Chúng tôi vào một quán cà phê lộ thiên ở sát bờ sông Hương, ngay phía trước trường Quốc Học. 
    Tôi chọn một cái bàn đặt ngay dưới bóng đèn điện sáng choang. Chẳng phải tâm hồn tôi ưa thích sự trong sáng mà vì ngồi ở nơi sáng sủa, tôi mới có thể đọc được những câu em viết trả lời. 
    Tôi gọi cho em một ly đá chanh và cho tôi ly cà phê đen. Rất bất ngờ tôi được nghe lại giọng ca Tuấn Ngọc với bài "Chiều một mình qua phố" của Trịnh Công Sơn ở quán cà phê này. Diệu Liên mấy máy đôi môi hát theo. Tôi hỏi: 
    - Em cũng biết bài hát này à? 
    Diệu Liên gật đầu và môi em tiếp tục mấy máy. Tôi buồn muốn khóc khi thấy em say sưa hát một bài ca không thành lời. Im lặng là vàng, đúng vậy. Nhưng im lặng mãi sẽ là đất đá. Tôi không muốn em là đất đá. Tôi thầm cầu mong cho em một lần được nghe giọng hát của chính mình. Bài hát dứt, môi em vẫn còn run run vì xúc động hay vì lời ca "ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên?" 
    Không ngăn được tò mò, tôi hỏi em câu chuyện người ta đồn về gia đình em mà Tường đã kể cho tôi nghe lúc trưa. 
    - Chuyện đó có thật không? 
    Em gật đầu. Ôi "ba tấc đất" của người chết đã làm khổ người sống quá nhiều! "Giàu sang chưa chín một nồi kê". Tại sao người ta bắt im lặng mãi? Tự nhiên tôi nổi sùng nói: 
    - Em hãy cho tôi biết mộ ông nội em nằm ở đâu? Tôi sẽ thuê người ta dời mộ để em nói được. Em cần phải nói, phải hát. 
    Em khẽ nắm tay tôi lắc lắc. Rồi em cúi xuống viết vào cuốn sổ tay tôi để trên bàn: Ông cần em phải nói, ông mới hiểu? Sông Hương có nói chi mô mà người ta cũng hiểu nó. 
    Viết xong, em ngẩng lên nhìn dòng sông Hương lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng không gợn sóng. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi. Tôi nhìn vào đôi mắt em đang mở lớn. Đôi mắt cũng lấp lánh ánh trăng nhưng có nói chi mô. Đôi mắt đó câm hay tâm hồn tôi điếc?
  


Cao Bá Tuấn