UỐNG CÀ PHÊ "CHUI", NGHE NHẠC "CHUI"

Nguyễn Lương Tuấn

Đã 41 năm ! …
Tôi vẫn còn nhớ trước 75, ngoài việc đi dạy, tôi có thú gặp bạn bè, rủ nhau cùng đi nghe nhạc, uống cốc cà phê. Những đêm thứ bảy, sáng chủ nhật không có niềm vui nào bằng ngồi với một, vài người bạn tại quán cà phê Lộng Ngọc đường Phan Đình Phùng hay một vài quán cà phê hộp thanh lịch nhẹ nhàng như cà phê Dũng ở đường Độc Lập, cà phê Loan, cà phê Paloma, …
Thế nhưng sau 1975, uống cà phê cũng như nghe nhạc đều bị cấm hẳn.
Sau năm 1975, số phận của cà phê cũng long đong và trôi nỗi không kém gì thân phận của những người miền Nam Việt Nam.
Cà phê được liệt vào loại hàng bị cấm kinh doanh đi liền với nhạc Việt Nam mà nhà nước CS gọi là nhạc vàng. Như vậy, các quán cà phê bây giờ chỉ được bán nước ngọt, chanh, cam, trà, …không được bán cà phê, không được phát nhạc Việt Nam.
Với tôi cà phê đi liền với thú nghe nhạc. Nếu bỏ một trong hai thứ thì đâu còn thú vị gì nữa.
Khi họp tổ dân phó, người ta giải thích là nhà nước cấm kinh doanh mặt hàng cà phê là vì các quán bán cà phê là một loại hình dung túng những người trốn lao động.
Giải thích lí do cấm nghe nhạc đang phổ biến tại miền Nam Việt Nam, người ta giải thích: “Đây là một loại nhạc nhằm ru ngủ thanh niên, làm cho ta tê liệt lòng yêu nước, lòng yêu lao động. Nhạc gì mà nghe xong là muốn trùm chăn ngủ. Còn đâu là sức kháng chiến, còn đâu là sức lao động!”.
Nhớ dạo đó, sau khi chờ dài cổ ở Ty Tiểu học, đường Yên Báy để xem mình có trúng tuyển, nghĩa là được đi dạy lại hay không? kết quả: tôi dính, nghĩa là được đi dạy lại với quyết định là giáo viên lưu dung (lưu ý dung ở đây là dung tha), cấp 2, dạy tiếng Pháp. Tôi được lãnh lương mỗi tháng 50 đồng, cọng thêm tem phiếu tiêu chuẩn hàng tháng tôi được mua với giá rẽ như đường thuốc lá, dầu hỏa, vải, ... Cuộc sống cay nghiệt. Tôi tìm vui ở mấy đứa bạn cùng số phận.
Có những chiều, thèm cà phê quá. Tôi cùng đứa bạn đi uống chui.
Tại sao lại gọi là uống chui?
Vì lúc đó người ta cấm tiệt cà phê, bảo rằng đây là loại hàng do nhà nước quản lý.
Ngã tư đường Hùng Vương, Yên Báy Đà Nẵng, có một tiệm may, tên là nhà may Viên, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, nhà may đóng cửa. Thế mà thằng bạn dẫn tôi đến. Nó gõ cửa. Một người thanh niên xuất hiện. Bạn tôi giới thiệu xong, liền nói:
- Cho hai cốc cà phê đen đá nghe!
Tôi nhìn quanh, không có bàn, không có ghế. Chỉ là một bộ ngựa, gỗ đen bóng. Tôi thấy có một thanh niên đang xếp bàn ngồi nhâm nhi cà phê, với điếu thuốc trên tay. M, bạn tôi nói:
- Mình ngồi đây!
Thế là chúng tôi cũng leo lên ngồi xếp bàn trên bộ ngựa, trông y như dân Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Và hai ly cà phê được mang ra. Chúng tôi nhâm nhi cà phê như “trà đạo”. Kể cũng hay:
- Cà phê đạo!
Sau này, khi nghỉ dạy, về Huế chơi tôi cũng  đi uống cà phê chui trong những biệt thự, có vườn xanh, vòm lá, tỏa bóng mát ở đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, khu vực gần nhà ga, chúng tôi cũng ngồi trên bộ ngựa và được nghe rất nhỏ, văng vẳng những bản nhạc của Phạm Duy, của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Thái Thanh, Khánh Ly, …
Thật tuyệt vời khi được uống cà phê chui, nghe nhạc chui!
Như tâm lý của con người, cái gì vụng trộm cũng thú vị hơn là được công khai, cho phép. Như thuở bé, cầm sào hái trộm quả ổi nhà bên cạnh, ăn vào thấy ngon, ngọt, thích ghê. Nhưng chị đi chợ mua cho ăn, chẳng thấy thích bằng! Tôi có tâm trạng như thế và tôi lấy làm thích thú được sống với những cảm giác vụng trộm đó.
Nghe nhạc cũng là một sự vụng trộm, vì đã bị cấm.
Nhưng điều này thì dễ thực hiện.Trước 1975, tôi có máy cassette, có băng nhạc với nhiều bài hát giá trị. Nhiều lần tôi được biết cán bộ ở tổ dân phố kêu gọi ai có nhạc vàng đồi trụy, phản động thì phải đem nộp, hoặc thì tự hủy. Nếu không thì sẽ chịu trách nhiệm lấy, … Nhưng tôi thây kệ, liều. Tôi cất giữ kỹ một số băng mà tôi ưa thích.
Lúc bấy giờ, thường là ban đêm, tôi nằm nghe, điều chỉnh volume, tầng số nhỏ, tiếng hát Thái Thanh với tình khúc vượt thời gian. Tiếng hát Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 9, băng nhạc Ngô Thụy Miên, …Tha hồ nghe! Và không những tôi nghe một mình, tôi còn rủ thêm hai thằng bạn Y khoa Huế, bây giờ vào làm tại bệnh viện Đà Nẵng, cả hai ở nội trú, ban đêm mò về ở lại với tôi trên cái gác xép ọp ẹp.
Trở lại chuyện cà phê.
Sau khi ra lệnh cấm kinh doanh mặt hàng cà phê một thời gian, người ta thấy trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh xuất hiện cà phê. Các quán cà phê bị tịch thu, biến thành các cửa hàng, và bây giờ xuất hiện trở lại cà phê, cà phê phin.
Khách uống cà phê, mua phiếu, trả tiền trước, về chỗ ngồi, chờ mậu dịch viên mang cà phê đến. Các loại hình cà phê có nhạc bắt đầu xuất hiện, lúc đầu là nhạc Việt Nam hòa tấu, nhạc nước ngoài một số bài được phát thoải mái, thỉnh thoảng người ta thấy xuất hiện một số bài hát như Chiều của Dương Thiệu Tước, Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, chơi ở hải ngoại, nhịp điệu nhanh hơn, sôi động hơn.
Thời đó vào mậu dịch quốc doanh mua một phiếu cà phê phin sửa, phải trả 5 hào, tức 50 xu tiền mới (tiền vừa đổi 500đ lấy 1đồng).
Tôi nhớ có một kỉ niệm vui: Tại Trung tâm thương nghiệp, gần nhà tôi ở, có một quầy bán cà phê. Trưởng pha chế cà phê tôi quen. Thế là mỗi sáng tôi qua mua, trả tiền, lấy phiếu, tôi mang theo một cái phin cà phê. Khi vào cho người quen làm cà phê, anh ta bỏ cà phê cho tôi đầy luôn cả cái phin. Tôi mang về nhà, chia ra làm 3 lần, uống mới hết. Các bạn hãy đặt mình vào giai đoạn đó, mới thấy cà phê rất quý. Mua bên ngoài không có bán, chỉ có ở quốc doanh mà nếu có thì chỉ là cà phê dỗm trộn trong đó toàn xác cau, bắp rang cháy.
 Sau dần dần, tôi có bà chị lấy chồng, lập nghiệp ở Kontum, hai vợ chồng đi buôn, thường mỗi lần về Đà Nẵng, bà chị quẳng cho tôi khi 5 kg, khi 10 kg. Bấy giờ tôi bắt đầu có sáng kiến tự rang lấy cà phê để uống. Rất đơn giản, mỗi lần, tôi lấy 50 gram cà phê sống, tôi bỏ vào trong một cái son nhôm. Đưa lên lò dầu hỏa, tôi tự rang tay như các bà nội trợ vẫn thường rang đậu. Tôi dùng đũa quậy liên tục. quậy cho đến khi hạt cà phê bắt đầu ngã qua màu nâu nâu là tôi xem chừng để dừng quậy. Khi khói bắt đầu bốc kèm theo mùi thơm cà phê nồng nặc. tôi dừng lại, tắt rề sô (réchauffer). Tôi bỏ vào cà phê đang nóng hực một muổng bơ (loại muổng canh), môt thìa nhỏ muối rang. Tôi dùng đũa quậy đều. Thế là hạt cà phê bấy giờ có màu nâu đen, bóng loáng, rất đẹp và hấp dẫn.
Bây giờ còn một thao tác tiếp theo là xay. Tôi dùng cái xay tiêu, tôi quay tay, mỗi lần một ít. Thế là có cà phê bột để dùng.
Tôi pha phin cà phê đầu tiên bằng tác phẩm của tôi. Chao ôi! Ngon tuyệt. Nếu ai đã uống cà phê của tôi, họ sẽ thấy rằng cà phê bán chui ngoài xã hội là cà phê trộn. Họ trộn đủ thứ: hạt cau, bắp cháy, …miển sao uống vào có loại nước đen đen, đắng đắng là được, còn hậu quả thế nào, người ta bất kể. Thời đó có người bảo uống nước đen đen, ngụ ý là cà phê dổm.
Tại sao không mang ra các tiệm để nhờ xay? Tôi đã làm thử nhưng phát hiện cà phê có triệu chứng bị tráo đổi. Do đó không bao giờ tôi đem đi nhờ xay nữa. Thời kỳ bao cấp – Đó là thời kỳ mà lòng tin bị xuống cấp. Bất kỳ cái gì cũng lo, cũng nghi ngờ, đêm ra mỗ xẽ. Thắc mắc, nghi vấn, …
Ngày nay, Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bao cấp, đất nước đã mở cửa, gia nhập kinh tế thị trường, gia nhập WTO. Uống cà phê không còn là một tội nữa mà là một thú vui, một nhu cầu mang tính cách văn hóa. Hạt cà phê đã trở lại với giá trị của nó. 
Các quán cà phê với nhiều loại hình: Cà phê hộp, cà phê cốc, cà phê vườn , cà phê chuồng, cà phê ôm, cà phê internet, …mọc ra như nấm.
Riêng tại chỗ tôi ở, con đường Đống Đa, ngày trước là Cường Để, chỉ một đoạn đâu có 200 mét, sát với KS Đà Nẵng, tôi đếm đã có vô số quán cà phê.
Tuy nhiên một điều lạ lùng, cũng như các  mặt hàng khác, cà phê chịu chung số phận, đó là người ta trở lại dùng chất phụ gia, hóa chất để đưa vào làm cho cà phê vừa ngon, vừa thơm, vừa kẹo kẹo rất quyến rũ khẩu vị, trong khi thực chất hàm lượng cà phê thực sự của nó rất ít.
Và, … các quán cà phê tại Đà Nẵng bây giờ treo bảng hiệu quảng cáo ghi rất rõ:
- Cà phê sạch!
U chao! Chết rồi, chúng ta đang sống trong thời đại mà bất kể thức ăn, nước uống gì cũng đều phải tự cảnh báo:
- Coi chừng bị nhiễm độc
Do đó, trong nhiều bài viết tôi vẫn thường tiếc rẽ, biết tìm đâu thời hoàng kim của thế hệ chúng ta:
“Thu ăn ,măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”