Ký ức Huế


Nguyễn Lương Tuấn
(Viết đề nhớ cha tôi)
1
Thuở còn bé tý, tôi mê chè. Chè thường do gia đình nấu cúng nhân các ngày rằm, lễ tết, kỵ giỗ. Tôi vẫn thuộc lòng các câu vần: “Vừa đi vừa nói lầm thầm, bửa ni mười bốn mai rằm chè xôi”.
Tôi chờ các ngày có cúng:
-           Rằm tháng giêng ai siêng nấy coải
-           Rằm tháng bảy ai coải nấy ăn
-           Rằm tháng mười mười người mười coải.
Đó là 3 ngày rằm có cúng xôi chè, còn ngày 5 tháng 5, tết đoan ngọ, ngày lễ Phật Đản 15 tháng 4, và các ngày kỵ, kỵ mẹ tôi, ôn nội tôi, ngày tết sáng mồng một, rồi cúng đất, ... người ta vẫn thường nói: Huế là thành phố của cúng coải, thật là không ngoa. Tôi ngồi nhẩm tính và chờ dịp cúng để có cơ hội được ăn chè. Mặc dù tôi biết rằng mỗi khi cúng kỵ, cha tôi không bao giờ tha cho tôi, những việc vặt: Quét dọn, lau chùi bàn thờ, đồ đồng, bát nhang. Phải lo chuẩn bị đồ cúng trên bàn thờ như bông, chuối, …
Lẽ cố nhiên ngày bình thường, thỉnh thoảng cha tôi vẫn cho nấu chè để ăn, thường là chè đậu đen nước hay chè đậu xanh hột nước để nguyên vỏ. Nhưng tôi thích ăn chè đậu xanh đánh hơn.
Chẳng hiểu tôi mê chè đậu xanh đánh vì hương vị ngọt mịn thơm lừng của đậu hay vì tôi có cái thú mỗi lần múc chè vào chén xong, bà nội tôi hay chị dâu vẫn thường kêu tôi vào để nhờ tôi cảm phiền thanh toán dùm chè còn dính chặt vào đáy nồi, chung quanh nồi mà chỉ có tôi là chịu khó dùng chiếc muổng inox cạo sạch chè. Chè đậu xanh đánh dính vào thành đáy nồi thường có độ cứng, dẻo, khi đưa vào miệng tôi cảm thấy tất cả hương vị tinh túy của chè dường như đang ngấm dần vào cổ, vào bụng tôi. Thú vị biết bao!



Đặc điểm của chè Huế nói chung và chè đậu xanh đánh nói riêng, là rất đơn giản, không cầu kỳ, ít dùng hương liệu. Tôi đã từng quan sát bà chị dâu đải vỏ đậu xanh. Thật là tài. Tôi không hiểu sao mà khi đậu xanh sôi nửa chừng, bà chị cho đổ vào trong một cái rổ. Bà dùng tay chà , xát rồi thả trong thau nước lạnh. Chốc sau, vỏ đậu xanh nổi bềnh bồng trên mặt nước. Bà chị vớt đậu. Cứ thế bà chị làm đâu hai ba lần thì rổ đậu xanh vàng tươi, không còn một cái vỏ. Kể cả khi ngồi đánh đậu xanh, cũng là một kì công. Đậu xanh và đường được trộn đều và bà chị bắc lên lò lửa, lửa không mạnh, chỉ vừa phải. Tôi thấy đôi đũa bếp to và dài bằng tre chị đưa quậy đều. Động tác khoan thai, không nóng vội. Tôi nhìn một chốc đã thấy nãn, vội bỏ đi chơi, cho đến khi tôi nghe tiếng chị gọi, tôi biết chị đã múc chè xong và giao cái nồi không cho tôi thanh toán số chè bị dính ở nồi.
Khi nồi đã sạch bóng chè, ấy là lúc tôi đã “bưa” chè. Tôi nghĩ thầm, cúng xong, chắc là mình không ăn chè nữa. Thế nhưng tôi đã không giữ được lòng mình. Trong bửa ăn xôi chè, tôi đã ních luôn hai chén chè đậu xanh to, loại chén Long ẩn xưa của Tàu. Còn xôi tôi chỉ ăn chút đỉnh.
Chỉ là đậu xanh và đường, không có hương liệu nào khác, không thêm dầu chuối hay bột va ni vậy mà tôi thấy chè thơm và ngon quá trời.
Tôi thích những chén chè đậu xanh xinh đẹp và hấp dẫn từ màu sắc của chè đến màu sắc của những chiếc chén. Tôi vẫn còn nhớ như in những chiếc chén mà thành chén mỏng dính như vỏ trứng. Trên miệng chén có đường viền bằng đồng hay vàng tôi không biết. Chỉ thấy rằng chung quanh thành chén là những con rồng, con công màu xanh đang uốn lượn. Mãi sau năm 1975, khi mà những chén bát và đồ đoàng trong nhà tôi bị mất sạch. Lúc đó tôi mới biết rằng đó là những chiếc chén Long ẩn, thuộc loại đồ cổ, rất có giá, người ta đã bỏ ra hàng chục triệu để mua một cái chén loại đó.
Ôi! Cuộc đời phù vân! Người còn không giữ được, giữ làm sao được của cải vật chất.
Trở lại chuyện chè, ăn chè thì chóng ngán nhưng ít ngày sau lại thích ăn, nhưng tôi không mấy khi được gặp lại chén chè đậu xanh đánh vào ngày thường. Những khi công việc vất vã suốt ngày, cha tôi thường cho nấu chè nếp, có bỏ gừng cho thợ ăn và cả nhà ăn cùng. Chè nếp ăn nóng có gừng, nếu là đúng ngày mưa lạnh thì thật là tuyệt vời. Nấu chè nếp đơn giản, mau chín do nếp chóng rền, và chỉ cần đổ đường vào đánh đều, đập gừng vào, chờ sôi lại là đã có chè ăn.
Có một số loại chè khác mà tôi vẫn thường ăn nhưng không phải do gia đình nấu mà là chè của láng giềng mang cho. Đó là dịp người ta cúng đất. Họ mang qua biếu chè, xôi, có khi cả bánh ít hay bánh lá gai, bánh phu thê. Và tôi bao giờ cũng thích thú chén chè khoai tía từ bên nhà bác Tư hay nhà bác Tri. Chè khoai tía, nếu gặp là tía thơm thì quá ngon. Khoai tía nấu nhanh hơn đậu xanh đánh. Sau khi gọt vỏ xong, người ta cho khoai vào nồi nấu chin. Khi khoai đã chín, người ta cho đường vào, rồi dùng đủa quậy hoài cũng như đậu xanh vậy. Chè khoai tía màu tím rất đẹp, bóng loáng. Tôi đưa muổng múc nhẹ. Chè nằm trong muổng thành hình khối hấp dẫn. Chè ngọt lại thơm mùi như lá dứa. Vị chè vào trong miệng, đi đâu ta như cảm nhận đến đó.



Ăn chè ngon nhưng cảm giác thích thú nhất với tôi vẫn là một lúc nào đó, bụng muốn ăn vặt, thèm chè mà bắt gặp được chén chè còn bỏ quên trên trang thờ thì quá ư là tuyệt vời. Đúng là đang buồn ngủ mà gặp chiếu hoa. Khi cúng, cha tôi thường đưa chè lên trang thờ, do quá cao lại đưa vào bên trong khuất tầm tay, do đó chuyện sót lại chè trên trang thờ là bình thường. Và tôi vẫn có cái thú là đi tìm những chén chè bị bỏ quên.
Cha tôi vẫn thỉnh thoảng chở tôi trên xe gắn máy vào buổi chiều để đưa tôi đi ăn cùng ông. Nhưng những món ăn vẫn không phải là chè. Thường thường là quán bún Mụ Luân ở Chùa Bà, bên tay trái, sát bờ sông Hương của đường Chi Lăng. Đến nơi, ông dừng xe, tắt máy, rồi dựng xe dưới gốc cây đa già mà bóng những tàng lá che kín cả một khoảng sân cỏ rộng. Tầm mắt nhìn ra xa một chút, là mặt nước sông Hương lấp lánh màu xanh trong chiều chạng vạng tối. Tôi vẫn có cái thú được cùng ông ngồi ăn trên cái ghế băng dài mà chiếc bàn để sát cửa sổ, ngó ra đường Chi Lăng. Kí ức tôi như thấy rõ ngọn đèn điện bóng tròn không đủ sáng và chúng tôi ngồi ăn trong không gian buồn bả nhưng ấm cúng đó. Ngoài ra khi đi uống nước thì ông đưa tôi lên Phu Văn Lâu ngồi và gọi nước mía để mang đến cho hai cha con.
Dạo ấy tại múi cầu Đông Ba, góc đường Nguyễn Du-Võ Tánh có quán chè ông Thân rất nổi tiếng. Từ quán chè ông Thân ngó qua bạn sẽ thấy phủ Tùng Thiện vương. Mùa hè trời nóng, người ta đi hóng mát, ngồi ăn chè tại đó đông nượp. Chè ông Thân nổi tiếng ngon là nhờ hột đậu xanh ông hấp chin mà vẫn giữ nguyên hột. Nước lại trong xanh, không đục, khi ăn vị chè ngọt thơm thanh cổ. Nhất là trời nóng nực lại nốc một ngụm chè đá thì quá ư là hạnh phúc.
Một điều làm tôi ngạc nhiên là cha tôi không khi nào đưa tôi đến đó ăn. Sau này, một đôi lần tôi được anh Hiền tôi dẫn đi ăn. Anh tôi tính tình kì lạ, ít khi anh hỏi han, săn sóc tôi. Ông chỉ nhìn tôi ăn và mĩm cười. Mãi cho đến sau này khi tôi vào học lớp đệ thất tại trường trung học Nguyễn Du thì quán chè ông Thân trở thành nơi chốn mà ngày nào khi đi học tôi cũng phải nhìn ngó. Đó là thời điểm từ năm 1959 đến năm 1963, giai đoạn tôi học trung học đệ nhất cấp. Một kỉ niệm buồn cười tôi nhớ mãi, năm học lớp đệ tứ, ông thầy dạy Việt văn là Tôn Thất Dương Tiềm (ông nầy hoạt động cho CS, có ông anh là Tôn Thất Dương Kỵ đã được VNCH thả cho ra miền Bắc) đã nhìn một đứa bạn là Hồ Ngọc Soạn nói đùa:
-       Trò Soạn có khi mô ra quán chè ông Thân ăn ba ly, giấu bớt một ly dưới gầm bàn chưa?
Càng lớn lên, tôi càng ít ham ăn chè, không sôi nổi với chè như ngày còn bé. Tuy vậy vẫn thích chè hơn các món khác. Mấy bà o của tôi ở làng Hiền Lương và Mỹ Chánh mỗi bận về thăm bà nội tôi thì quà của họ vẫn là những bao đậu đen hay đậu xanh, đó là cơ hội cho tôi được ăn chè. Chè đậu đen hương vị đậm đà hơn đậu xanh. Có điều, vì là đậu đen, nên mỗi khi nấu, bà chị dâu tôi lại cho nấu với đường đoại (đường bánh đen, rẻ hơn). Tuy vậy, khi mệt mỏi, được ăn một đoại chè đậu đen thì bạn sẽ thấy khoan khoái, nhẹ hẳn người.
Những năm học đại học, tôi có cái thú được đi ăn chè ở Cồn Hến với Linh mục GS Nguyễn Ngọc Lan. Cha Lan dạy tôi học các chứng chỉ Luận lý và siêu hình, chứng chỉ lịch sử triết học. Mỗi khi học xong, cha rủ cả bọn sinh viên chúng tôi cởi xe Honda xuôi đường Lê Lợi, trực chỉ Đập Đá, về Vỹ Dạ, rẽ trái qua một chiếc cầu nhỏ là đến Cồn Hến, ở đó tha hồ ăn chè bắp. Bạn biết đó, Cồn Hến là một làng được phù sa bồi đắp, nhất là mỗi mùa lũ lụt. Dân Cồn Hến trồng bắp đều khắp. Và những quán chè nhan nhản, rất đẹp, thơ mộng. Quán lộ thiên, trong vườn. Tha hồ ngồi đấu láo, chuyện trò và
…ăn chè. Đương nhiên đặc sản vẫn là chè bắp. Chè bắp vẫn là chè đặc rồi, không thể nào có chè nước. Người ta chọn những trái bắp còn non, xát ra, như người ta bào dừa vậy. Sau đó người ta nấu cho chin bắp, đổ đường vào, quậy đều, chờ rền. Thế là có chè bắp. Nấu chè bắp ít tốn đường, vì bắp Cồn Hến đã sẵn vị ngọt. Cha Lan thích chè bắp Cồn Hến bởi một lẽ chè đã ngon lại chỗ ngồi rất nên thơ, dễ nói chuyện và thời đó thì với lương của cha Lan, bọn tôi tha hồ ăn. Cha dạy luận lý học với khái niệm hàm ngụ, liên kết, khi tôi ăn một lúc 2, 3 ly, cha đùa:
-       Anh Tuấn đã liên kết 2 ly!




 Cồn Hến Huế


Chè bắp có vị dẻo, sệt, không có trộn bột lọc mà ngở như có bột lọc. Vị ngọt của chè bắp thanh, không nồng một phần là hàm lượng đường trong chè bắp ít. Hiện nay tại Đà Nẵng, người ta nấu chè bắp nhiều. Tôi đã ăn một đôi lần nhưng không ngon như chè bắp Huế. Một phần vì bắp không ngọt được như bắp Cồn Hến ngày nào, phần khác, có thể là vì trái bắp bị già, độ ngọt giảm, lại xạp xạp nơi miệng. Nhưng biết đâu ở Huế bây giờ cũng như Đà Nẵng thôi. Tôi nghe Cồn Hến bây giờ đâu còn là làng bắp như ngày xưa!
Tất cả đã thay đổi,.. đất nước, con người!
Có một loại chè mà cha tôi vẫn rất thích, theo lời ông chỉ có vua chúa mới ăn mà thôi. Đó là chè đậu ngự, đậu quyên. Đậu ngự và đậu quyên là hai giống đậu thuộc dạng cây leo. Cả hai đều cho ta thu hoạch bằng trái, trong mỗi trái có nhiều hạt đậu. Khi đậu già, người ta hái và bóc vỏ để lấy hạt. Hạt đậu ngự to hơn đậu quyên và vị bở, béo nhiều hơn. Người ta nấu chè đậu ngự hay đậu quyên bằng cách bóc vỏ áo và đem nấu chin, cho đường vào. Tránh đừng để đậu bấy trong nước, sẽ không ngon và mất đẹp. Chè đậu ngự cho ta hương vị ngọt ngào của hoa, trái. Chè đậu quyên cũng ngon nhưng không bằng đậu ngự.


Từ chè đậu ngự, đậu quyên, tôi lại nghĩ đến một loại chè khác, đó là chè đậu ván. Chè đậu ván màu trắng, hạt nhỏ. Người ta thường nấu chè đậu ván đặc và đậu ván nước. Có khi đậu ván được người ta ran cháy như cà phê rồi nấu như nước chè, bỏ đường để uống.



Đậu ván loại nào cũng ngon. Mỗi kiểu đều có vị ngon riêng của nó. Tôi thích nhất là chè đậu ván đặc. Trong chè đậu ván đặc, khi nấu người ta bỏ thêm bột năng để có vị sệt. Khi múc chè, các hạt đậu ván dính lẫn vào nhau trong một màng khối của bột lọc, cho ta một sự thống nhất hấp dẫn, đẹp mắt. Ngoài ra có một loại chè khác cũng hấp dẫn không kém, đó là chè bột lọc. Chè này được nấu đặc hay nước. Người ta vo bột lọc thành những hột tròn trong đó có nhân là đậu phụng đã rang chín hay nhân là tựa của dừa. Khi nhai, bột lọc vừa dai vừa sực sực của dừa hay vừa dòn của đậu phụng cho ta một cảm giác ngọt béo tuyệt diệu. Nhắc đến chè Huế, ta không thể không nghĩ đến chè bán dạo. Hình ảnh của người phụ nữ ban ngày gánh chè đi bán hay ban đêm tay xách dóng chè, tay xách đèn gió bán chè dạo trở thành một nếp văn hóa biểu tượng cho sự cần cù của người Phụ nữ Huế.
Tôi thích ăn chè của mấy chị gánh chè từ bên Nam Phổ qua Chợ Dinh bằng một chuyến đò ngang buổi chiều để đi bán dạo từ đường Chi Lăng, qua cầu Gia Hội để bán quanh các con đường của chung quanh phố Huế như Trần Hưng Đạo đến chân cầu Trường Tiền, Phan Bội Châi quanh ra phố Bạch Đằng của đường Huỳnh Thúc Kháng. Hình như buổi chiều họ đi bán quanh nội mấy con phố đó là xem như hết hàng. Khi chuyến đò cập bến, tôi đứng nơi cửa hông nhà nhìn xuống bến đò, dõi mắt tìm chị bán chè. Tôi đã quá quen thuộc với từng khuôn mặt của từng người. Với đôi gánh mà một đầu có lộ chiếc nồi đồng tròn là tôi biết ngay là có chè qua. Tôi kêu một tiếng. Người bán chè dừng lại. Chị dọn đồ để đè lên hai nắp trẹt làm hai cái nắp đậy chè. Biết tính tôi thích ăn chè đậu ván đặc, chị mở nắp trẹt. Hơi nóng nồi chè tỏa ra thơm ngào ngạt. Chén chè đã múc xong. Tôi thích thú nhai đậu ván, vừa béo, vừa ngọt. Kỉ niệm chén chè gánh từ bên kia Nam Phổ mãi mãi khó quên cho đến một ngày, tôi tìm về thăm lại ngôi nhà xưa, cảnh cũ vẫn còn lưu dấu vết. Những ngôi nhà của xóm Chợ Dinh có thay đổi phần nào nhưng tôi vẫn còn bắt gặp một vài vết tích cũ, những mãnh tường, bờ rào, ..., cái am của bến đò biến mất, …và ...hởi ôi! Bến đò xưa nay đã không còn. Một cây cầu bắc ngang qua sông. Cầu xây bằng ciment, từng mảng ciment thô bạo. Và dè chừng để tiết kiệm bớt tiền đền bù, móng, chân cầu nằm ngay gần sát nhà dân xem ra rất nặng nề, nguy hiểm khi xảy ra sự cố.
Tôi ngậm ngùi thầm hỏi, những người xưa, con đò bây giờ đâu rồi nhỉ?!
Như đã nói Huế có thời là biểu tượng của Phật Giáo , sau năm 1963, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phật Giáo trở thành một tôn giáo hãnh diện vì niềm tự hào ấy nhưng lịch sử đã lần hé lộ, Phật giáo chẳng qua chỉ là một con cờ bị lợi dụng…
Thôi không nói chuyện đó nữa các bạn nghe, chúng ta chỉ nên nói về chè Huế. Chè Huế còn nhiều lắm nói bao giờ cho hết. Tôi muốn kết thúc chuyện chè bằng bài viết nói về chè hạt sen. Với tôi chè hạt sen vẫn luôn và bao giờ cũng gợi nhớ tôi kỷ niệm về ngày lễ Phật Đản 15/4. Có thể vì chỉ có ngày đó cha tôi mới cho nấu chè hạt sen
Người ta dùng hạt của đài sen. khi hoa sen tàn để lại đài, đài sen cho ta những hạt sen, để già, người ta lấy hạt sen để nấu chè. Lưu ý trước khi nấu, ta bóc lớp vỏ màu xanh đục bao quanh hạt, tiếp đến, dùng que nhỏ như que tăm để lấy tim sen. Hạt sen màu trắng, tim sen màu xanh. Nấu chín hạt sen (cho lửa vừa), đưa đường vào, quậy nhẹ, cho sôi lại.
Múc chè hạt sen đưa vào chén. Những hạt sen màu trắng xinh xắn nằm giữa lòng nước trong gợi cho bạn một cảm giác nhẹ nhàng, khó tả.



Chè hạt sen, nếu là sen Huế, nhất là sen thu hoạch từ hồ Tịnh Tâm, bạn sẽ thấy vị sen thơm, bỡ và có vị béo thanh khiết. Người ta vẫn bảo chỉ có chè hạt sen Huế mới ngon. Đà Nẵng cũng có hạt sen nhưng quái lạ, sen không bỡ và không thơm. Có khi bị sượn. Chè hạt sen rất tốt cho sức khỏe, nó giúp ta dễ ngủ. Một điểm nữa, tim sen, người ta dùng làm trà để uống dành cho người bị bệnh mất ngủ. Tim sen rất đắng, nếu không quen dùng sẽ không uống nổi. Nhìn từ sen, ta thấy sen rất công dụng, lá sen dùng để ủ hương. Người Hà Nội dùng lá sen để gói cốm như trong bài "Paris có gì lạ không em", Nguyên Sa đã nhắc:
"...Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chã biết tay ai làm lá sen?"
Cha tôi vẫn dùng nhụy hoa sen còn tươi trộn chung với trà Đỗ Hữu để pha trà. Bình trà nóng hổi bốc hương sen ngào ngạt, dễ chịu lắm bạn ạ. Các nhà pha chế trà đã dùng hương liệu sen để ướp trà gọi là trà sen.
Tôi vẫn nhớ ngày lễ Phật Đản 15 tháng tư, trên bàn thờ bao giờ cha tôi cũng cho cắm hoa sen. Chị tôi mua chục hoa sen ở chợ Đông Ba, họ bảo là sen từ Hồ Tịnh Tâm. Chục hoa sen được bọc bằng lá sen, khi lấy ra, hoa sen đang còn búp, sang ngày rằm, sen nở hàm tiếu, đẹp tinh khiết vô ngần. Có lần, tôi hỏi cha tôi, tại sao trong các hình ảnh về Đức Phật, ta thấy Phật luôn luôn đứng hay ngồi trên đài sen? Cha tôi bảo: Sen tượng trưng cho diệt dục?
Dù thế nào, ngày lễ Phật Đản, sau khi cúng Phật, tôi ăn chén chè hột sen, cảm thấy lòng mình tinh khiết, thánh thiện vô cùng. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối về cuộc sống chừng như tan biến. Đúng là Tịnh Tâm!
Món ăn Huế dàn trải bốn mùa, phong phú, đa dạng. Mỗi món có sắc thái riêng cho mỗi mùa. Nhưng với chè, các mùa bạn đều thấy thích hợp. Khi đến Huế, nếu gặp mùa mưa lạnh, bạn gọi chén chè nóng, ăn vào, bạn cảm thấy ấm lòng, tình yêu quê hương dạt dào, mãnh liệt. Nhưng bạn ạ, tuổi trẻ thì tha hồ dung nạp vị ngọt. Nếu bạn là người đã trung niên, đã “thất thập cổ lai hi” thì tôi xin can bạn, ăn chè ít lại vì viễn ảnh bệnh tật.
Phải vậy không bạn!

KÝ ỨC HUẾ
Tôi thích những con đường nhỏ, cũ kỹ của Huế.
Những con đường lưu dấu từ thời Pháp thuộc mãi đến nay tưởng chừng vẫn chưa bao giờ được ngó ngàng đến. Nó bị bỏ phế, mặt đường lổ chổ, ổ gà, do tráng nhựa lâu ngày không được tu bỗ. Những con đường không có lề, vắng người qua lại. Những con đường cỏ dại mọc tự do, xen lẫn sõi đá mà hai bên đường là những hàng cây thầu đâu, phượng vĩ.
Đã nhiều lần tôi cùng bạn đi bộ, rảo bước, hít lấy sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, lòng không vướng bận. Mắt nhìn hai bên, những ngôi nhà núp kín trong vườn cây xanh lá, những cây sầu đông, sắc hoa tim tím thoảng nhẹ hương thơm về đêm, …
Đâu rồi, trưa, chiều mùa hè, Tiếng ve kêu vang. Lòng rộn ràng khôn xiết, tôi đã nhiều lần cầm sào, trên đầu ngọn là mủ mít cùng người anh len lõi vô sâu trong các khu vườn, theo tiếng ve để đưa sào lên, rất nhẹ, không gây tiếng động. Khu vườn yên ắng, chỉ nghe tiếng thì thầm của gió, tiếng xào xạc của lá. Khi chiếc sào dí vào được cánh ve. Lòng tôi sung sướng biết bao nhiêu. Chú ve vùng vẫy, nhưng vô ích, đôi cánh đã dính mủ, không thể nào bay được ? Tôi mĩm cười sung sướng. Lòng hân hoan hạnh phúc, …
Những chiều có gió, Trời nổi sấm sét, chuẩn bị mưa giông, tôi chạy ù lên nhà bà Chánh. Ở đó là một vườn đào. Những cây đào to, già. Cây nào cũng đầy trái. Một cơn gió thổi, đào thi nhau rụng lộp bộp. Tôi tha hồ lượm. Khi những chiếc túi đã đầy. Khi đào đã được thả trong áo mà bụng dầy cộm lên như người có bầu, ấy cũng là lúc tôi mang về nhà, để đào đầy trên bàn. Nhìn thành quả lao động của mình. Vui lắm, nhưng ăn thì chả bao nhiêu.
Khi cơn mưa giông buổi chiều mùa hạ ào ào đổ xuống. Con đường như được tắm gội. Bao nhiêu ưu phiền, bao nhiêu mệt mõi như tan biến. Nước chảy mạnh trong những mương cống, trong ao rãnh, tôi, bạn, những trẻ con trong xóm, chúng ta đã cùng nhau vui đùa trong mưa. Bạn nhớ không? những con nhựa được bọc cùng với cây kẹo mà chúng ta mua để dồn chơi đồ hàng, chơi ô, chơi bắn cao su như con voi, con cá, tàu thủy, tàu bay, …đã được chúng ta thả dưới ao nước theo dòng chảy để đua xem con nhựa của đứa nào về nhanh nhất.
Đó là những con đường kỉ niệm, những con đường đã đi qua tuổi thơ tôi, những con đường mà tôi khó lòng quên được, kí ức vẫn gọi nhớ…
Tôi nhớ con đường Võ Tánh, Ôn Như Hầu, Gia Hội (Chi Lăng) về thẳng Bãi Dâu, … mà những sáng, những trưa, những chiều, tôi vẫn đi lại . Mắt tôi ghi đậm cảnh vật, sinh hoạt, của hai bên đường. Tôi nhớ từng hàng cây ngọn cỏ, nhớ từng bụi tre, nhớ cây đa góc đường, nhớ quán hớt tóc trong sân của ngôi chùa Tàu ở Chùa Bà mà mỗi lần ngồi hớt tóc là tôi nghe ông bình luận chuyện thời sự : Chuyện Mỹ đem quân sang tham chiến tại Việt Nam càng ngày càng nhiều, chuyện chính phủ Thiệu Kỳ đàn áp Sinh viên, học sinh, …Chuyện Việt Cộng thắng lớn các trận Bình Giả, Khe Sanh, …
Nhớ quán bán bún thịt nướng của bà vợ ông thợ hớt tóc, nơi tôi từ kiệt Cây Gòn bước ra mà thỉnh thoảng cha tôi vẫn đưa tôi đến ăn chiều. Nhớ khuôn hội An Lạc đầu tiên còn nằm trong khuôn viên của mấy anh em nhà Tôn Thất ở Phú Hậu, mà những đêm rằm hay ngày có lễ Phật, bọn tôi vẫn thường đến để nghe các Thầy thuyết pháp, kể chuyện « Mục Liên,Thanh Đề », chuyện « Cây dao trong tâm », …. Nhớ những cánh đồng trồng rau : rau muống, rau khoai, rau xa lách, … Nhớ những vườn hoa  mà người ta trồng hoa để bán của những gia đình ở đường Phú Hậu, Võ Tánh. Nhớ những chiều mùa hè về tắm Bãi Dâu, …
Ôi ! tôi nhớ, nhớ thằng bạn tên Võ Văn Đôn, cháu cụ Võ Tánh, nhớ con đường đất nhỏ theo lối mòn đến nhà anh Lê Văn Sâm, bạn học của anh tôi và anh đứa bạn. Con đường đi tới nhà anh Sâm, hai bên là những đám rau muống. Ở đó là vườn ổi Xa lỵ, anh Sâm đã cho chúng tôi tha hồ hái, ăn thoải mái. Khi trở về, còn cho mang theo. Vườn nhà anh Sâm nằm sát phía sau chùa Tăng Quang Tự, ngôi chùa áo vàng mà bây giờ mỗi lần nhắc lại người ta nghĩ ngay đến biến cố tết Mậu Thân, những người bị chôn sống hàng loạt tại đó. Tuy nhiên trong kí ức tôi vẫn là hình ảnh những nhà sư áo vàng, hai tay bê bình bát đặt phía trước bụng, chân để trần, dáng đi khoan thai.
Phía bên kia đường, sau hồ nước rộng là trường Trung học Gia Hội, đây nguyên trước kia là phủ của ông hoàng Mười, rộng rãi, trang nghiêm, được bộ Giáo dục mua lại và trùng tu, trở thành trường học. Mỗi lần trước khi vào nhà bạn, tôi vẫn ném tầm mắt nhìn qua, ở đó, học sinh nam nữ lô nhô trong sân trường, sâu hút sau hàng tre xanh. Tôi nhớ nhà văn Túy Hồng, bà dạy tại đó, được cấp cho một phòng, sát phòng bác cai trường để ở, và bà ăn cơm tháng tại nhà Võ Văn Đôn.
Trường trung học Gia Hội cũng là dấu tích mà người ta không bao giờ quên. Nơi diễn ra phiên tòa của lòng thù hận, sự trả thù nhỏ nhen mà những người chủ phiên tòa là những sinh viên, học sinh, giáo sư. Kết quả : chôn sống ! Những hố người khi phát hiện, đào lên, trong tư thế ngồi, khuôn mặt thảng thốt.
Ôi ! Huế của tôi ! Huế của những bi kịch ! Huế của những biến cố nghiệt ngã. Huế của những hồi ức buồn bã.
Vậy mà tôi vẫn nhớ Huế, thích được lâu lâu trở về Huế, thăm lại cảnh cũ, gặp mặt mấy thằng bạn ngày xưa, ngồi uống cốc cà phê, bên ly bia sủi bọt, nhắc lại kỷ niệm một thời. Tuổi học trò trong trắng, những mơ mộng ấp ủ về một người mình thương mà không bao giờ dám tỏ.
Xa rồi bạn ơi !
Nhưng mà vẫn gần biết mấy !
Huế ngày tôi bé tý trở thành Huế của thuở hồng hoang. Cái gì của Huế cũng đẹp cũng dễ thương. Đẹp từ con đường, dòng sông, cây đa đầu ngõ, bụi trúc đầu làng. Huế không lớn, Huế nhỏ và vì vậy con người Huế trở nên gần gũi. Huế như có sợi dây cột chặt người này với người kia. Cái gì, ở đâu ? xa mấy người Huế cũng đều biết… và người ta truyền tụng nhau những câu chuyện ly kỳ, thú vị đầy trí tưởng tượng.
Là dân Huế, có ai chẳng một lần nghe chuyện ma, được kể cho nghe chuyện ma. Bao giờ cũng thế,  khởi đầu trước khi vào chuyện, đây là chuyện có thật 100% ! Mùa đông Huế ngày ngắn, đêm dài. Trời lạnh như cắt, tưởng chừng nước có thể đông đá. Về đêm, gia đình tôi quây quần bên bếp rèn còn rực than hồng. Và rồi cha tôi kể chuyện ma. Càng về khuya, câu chuyện của cha tôi kể càng rùng rợn. Tôi sợ hải, không dám đi tiểu, nín tè. Tôi hình dung con ma le mà cha tôi kể : cái lưởi nó phải dài lắm, bởi vì ban đêm, chặng đường đi qua cống Phác Lác, người ta không dám lai vảng. Họ đồn có con ma le. Thế nhưng bửa nọ, người đàn ông trong vùng, không tin là có ma. Ông ta muốn đi kiểm chứng thực tế.  Trời mưa dầm, lạnh cóng, Người đàn ông cầm đuốc và đi. Khi đến cống, quả y như thế. Một người đàn bà mặc áo quần trắng toát, chận đường ông ta và xin lửa mồi thuốc. Mồi xong, người đàn bà hỏi :
- Ông đã khi mô thấy ma le chưa rứa?
Người đàn ông trả lời :
- Ma le? làm chi có.
Người đàn ông vừa dứt lời, người đàn bà le cái lưởi dài, đỏ ngầu. Nhanh như chớp, người đàn ông đưa tay chặt mạnh vào cái lưởi đỏ ngầu. Con ma le biến mất.
Thế nhưng, cha tôi kể tiếp, ít lâu sau, người đàn ông bệnh mà chết.
Tôi hỏi cha tôi :
- Rứa chú có tin đó là chuyện thật không?
- Làm chi có chuyện như rứa !
- Rứa răng chú kể ?
- Vì nó hấp dẫn, kể cho con nín đái luôn.
Cha tôi cười chọc quê.
Mặc dù nói vậy, nhưng ông vẫn kể chuyện ma, những câu chuyện của ông bao giờ cũng hấp dẫn, có địa chỉ hẳn hoi. Buồn cười nhất là chuyện ma rà mà lại chịu không nổi sự lạnh, về khuya thường tập trung vào bếp rèn của ông bác tôi tại bến đò ở làng Minh Hương. Một bửa nọ, bác tôi dùng loại « cức sắt » còn đỏ hồng, lùi dưới tro. Khuya ấy, ma rà vào ngồi trong bếp rèn, bất ngờ trúng sắt nung đỏ, hui cháy mông ma rà khét rẹt, nghe tiếng xèo xèo, mấy con ma nhảy xuống sông nghe bỏm, bỏm.
Cả nhà cười ngất nghe cha tôi kể chuyện, những câu chuyện của ông lôi cuốn sự tò mò của bọn chúng tôi, có khi quá khuya mà vẫn chưa ngủ.
Trời quá lạnh, cha tôi cho làm lò than vùi tro, đặt dưới giường cho bà nội ngủ. Ban ngày tôi nhớ, bà nội có cái lồng ấp nhỏ, đan bằng tre, phía trong là cái trách bằng đất sét để than hồng trong đó, mặt trên khỏa tro. Bà nội mặc chiếc áo dài. Vạt áo che kín hai tay bà nội bê lồng ấp để trước bụng.
Trở lại câu chuyện về ma, tôi chưa bao giờ thấy ma và khi tôi hỏi mọi người, có ai thấy ma chưa? Câu trả lời bao giờ cũng là chưa. Và theo tôi, ma là do tâm ta kiến tạo nên. Như người đi đêm, nếu tâm không vững, lo sợ suy nghĩ lung tung, sẽ cảm thấy như có người đang đuổi theo ta đằng sau. Nếu ta càng bước nhanh, ta lại thấy bước chân đuổi theo ta  càng nhanh hơn. Phải vậy không bạn?
Không thấy ma, nhưng đi xem ma, chứng kiến hiện trường nơi người ta quả quyết ma hiện về thì tôi đã trực diện. Tôi nhớ ở Đò Cồn, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chặng cuối, gần ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm – Võ Tánh, có ngôi biệt thự cũ, nằm sâu hút bên trong, phía trước là khu vườn rộng bát ngát. Vườn được bao quanh bởi hàng tre dày. Trước sân là ngôi mộ, chung quanh mộ là cỏ xanh rờn. Ngôi mộ đó là con gái của chủ nhà, qua đời đã lâu. Chủ nhà chắc hẳn kế thừa bất động sản của cha để lại. Dạo ấy, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đông nghẹt người, họ đến xem ma. Mọi người bàn tán, ban đêm, người bán hột vịt lộn nghe có tiếng kêu mua hột vịt. Người bán dừng lại, thấy có cô gái đứng chờ. Cô gái nói bán cho cô 2 cái hột vịt lộn. Sau khi trả tiền xong, người bán thối tiền thừa xong lại đi. Điều lạ lùng là người bán phát hiện tiền mà mình nhận được toàn là giấy. Ngày hôm sau quay trở lại để tìm người mua, thì thấy trên ngôi mộ trong sân, hai cái hột vịt lộn nằm đó cùng với tiền thối của người bán. Câu chuyện được truyền đi rất nhanh và tôi cũng  hòa trong làn sóng người đó để đến xem. Nhưng thời điểm ấy, thú thật, tôi cố gắng lắm cũng không chen chân vào được. mãi mấy hôm sau, tôi và Võ Văn Đôn đi bách bộ đến. Ngôi vườn trước mặt chúng tôi và ngôi mộ nằm đó. Trên đó, tôi thấy một cái dĩa để trái cây và cây hương đang cháy.
Ngày nay, ngôi biệt thự cũ vẫn còn, sân cỏ rộng thênh vẫn còn và ngôi mộ của người con gái năm xưa vẫn còn đây. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong số đông người lũ lượt đi xem ma năm xưa bây giờ đã rất nhiều người nằm xuống.
- Họ có gặp được cô gái kêu mua hột vịt lộn năm nào ?
Nơi tôi ở đang chuyển mùa, bây giờ là tháng của tựu trường. Mùa thu trở về. Buổi chiều thường có mưa, những trận mưa xối xả kèm theo sấm sét rồi kết thúc nhanh. Cơn nóng những ngày hè tan biến. Trời mát dần.
Nhà văn Anatole France đã hồi ức về hình ảnh cậu bé đi đến trường. "Cặp sách trên vai, con vụ trong túi, cậu đi ngang qua công viên Luxembour trong những ngày đầu tháng mười. Bầu trời lúc ấy buồn hơn bao giờ hết. Lá vàng rơi trên vai những pho tượng. Cậu vừa đi vừa nhảy nhót như một con chim sẻ. Ý tưởng gặp lại bạn bè làm cho lòng cậu vui vui…"
Cậu bé ấy là tác giả, là tôi, là bạn, là những người đã đi qua những tháng ngày đẹp dưới mái trường cùng bạn bè, thầy, cô…
Những con đường của Huế, ở đó, mỗi ngày đi học làm sao tôi quên được.
Tôi nhớ ngôi trường đầu tiên ấy, là ngôi nhà vườn của một gia đình quan lại mà cha tôi vẫn gọi là Cụ Chưởng. Tôi học với người con gái đầu của cụ, cô Bích, Tôi nhớ lớp học của cô. Phòng rộng, tường xây vách, lợp tôn, có đóng trần và một sân vườn rộng, dài, thoáng mát. Chung quanh là những cây xanh vươn cao, tỏa bóng mát dịu với những cây mít, cây dừa, cây khế, cây bưởi, những bụi chuối, …
Lớp học của cô Bích nhiều trình độ. Có bạn lớp ba, có bạn lớp tư, có bạn lại còn quá bé, học lớp vở lòng. Tôi và một số bạn học lớp nhì. Lớp đông người nhưng cô vẫn đảm đương được. Cô phân loại trình độ rồi chia thành nhóm, ngồi theo từng cụm để dễ kiểm soát. Dù thế nào, cô cũng vất vã vì phải theo dõi từng bạn, ra bài, chấm bài, viết bài cho các bạn học, …
Kỉ niệm ngày tháng học với cô Bích đến với tôi như những giọt nước ngọt, mát lịm trong hồn. Ở đó là con đường Kiệt Cây Gòn tôi đi hàng ngày và những bụi già tàu chạy dài, ngôi vườn màu xanh với những ô cửa sổ. Một điều lạ lùng, ngày ấy, tôi bé tý, vậy mà sao vẫn thích nhìn cô bé Tùng xinh xinh đi cùng, chiếc cổ cao, đôi mắt to ngơ ngác, chiếc áo trắng giản dị, cái quần đen mộc mạc.
Tùng được cô Bích chọn làm lớp trưởng. Khi tôi lách mình từ đường Chi Lăng để rẽ qua Kiệt, gặp được Tùng cùng đi, tôi vui biết bao. Tùng nói huyên thuyên, kể đủ thứ chuyện và tôi chỉ nghe. Thỉnh thoảng, gặp chỗ thú vị, cả hai cười khúc khích. Nhưng thích nhất, vẫn là một đôi khi, cô bé rút từ trong cặp, hột ô mai và đưa cho tôi. Tôi cảm nhận hơi ấm từ bàn tay cô bé với một cảm giác lâng lâng, nhẹ nhàng …
Từ nhà tôi đến lớp học của là một quãng ngắn. Tôi dọc theo đường Chi Lăng (Gia Hội) gặp kiệt Cây Gòn, rẽ vào, đi chừng 100 mét là đến. Trên đoạn đường ấy, tôi chừng như quen thuộc từng ngôi nhà, cái quán, khuôn mặt từng người một. Tôi thích nhìn qua sân nhà ông Đại úy Biên để  ngắm mấy chậu cây nở đầy hoa mà đại úy Biên cất công chăm bón, nào hoa mồng gà, hoa thược dược, hoa do (hoa nho) và dàn Ti Gôn hai màu trắng, đỏ,  Một đôi khi, anh Châu, con ông đại úy, nhìn tôi nở nụ cười, ngoắc tôi vào, cho tôi mấy cây kẹo que. Tôi thích lắm. Lại nữa, nhà chú Hượt bên kia đường, có ông ba Tàu thuê bán phở. Mỗi sáng, mùi nước phở xông ngào ngạt làm tôi thèm ăn, nhưng khó lòng thỏa mãn. Và rồi nhà bác Uyển, nhà bác Siêu làm từ thiện. Nhà bác Siêu có hai người con gái, Cẩm Vân, Cẩm Du thảy đều xinh đẹp, đoan trang. Hai chị vẫn thường qua chơi nhà cùng chị tôi nói chuyện huyên thuyên. Hai bà chị có người em trai út lại bị bệnh trì độn, không phát âm được tiếng nói, chỉ nghe ồm oàng. Đó là Lộc bị thần kinh, đi đứng không ổn định, thường trần truồng, tay cầm chim tồng ngồng, nhiều phụ nữ đi ngang trông thấy sợ quá la ré, bỏ chạy. Sau này bác Siêu phải trói ở cửa. Vợ bác Siêu đi bán trên chợ Đông Ba tối mới về. Còn bác Siêu thì đi làm việc thiện, quyên gạo đem phát cho người nghèo nên vắng nhà thường xuyên.
Bác Siêu như một vị Bồ Tát sống, thế mà ở với bà vợ không bao giờ yên thân, thỉnh thoảng, cả xóm vẫn được dịp nghe giọng the thé nhiếc mắng của bà vợ bác Siêu. Nhưng rồi một chốc lại im ắng ngay vì bác Siêu gái nhận ra chỉ mình bác độc thoại nên chán và thôi.
Tôi vẫn thầm nghĩ hai chị em gái Cẩm Vân, Cẩm Du chắc là buồn lắm vì cảnh nhà như thế.
Rồi đến nhà bác Dẫn với vườn cây lá xanh, sát Chợ Dinh ; nhà bác Sáu ở góc kiệt ;  nhà cậu Cơ, kế nhà bác Sáu ; …
Một hôm, là buổi sáng, Trời mưa nhẹ, mát dịu, tôi đi học, lúc rẽ qua kiệt, tôi bắt chợt bên hông nhà bác Sáu. Cửa sổ mở, một chiếc lưng trần. Tôi đứng sững nhìn, da thịt màu trắng hồng, láng như có bôi mỡ. Từ vai đến bụng, như toát ra hơi ấm. Mắt tôi dừng lại ở bờ eo, rất thon, nhỏ. Quá đẹp. Một sự thích thú dâng trào. Thì ra chị Madeleine đang trần truồng đứng soi gương để chiêm ngưỡng dung nhan của mình ! chị Madeleine, vợ của anh Tòng, con trai của bác Sáu. Chị làm việc trên nhà đèn. Anh Tòng làm thư ký cho trường Đại học Sư phạm. Tôi nghe anh tôi nói như thế. Chị Madeleine là con lai, khuôn mặt tây đến 90%. Tôi vẫn thường bắt gặp chi nhai củ cà rốt ngon lành.
Tôi đem chuyện tôi thấy chị Madeleine ở truồng soi gương kể lại với cô bé Tùng một cách tự nhiên. Tùng cười khúc khích. Cô bé nói : Sướng quá rồi! Mấy ai được như rứa! Tôi cười hỏi lại :
- Răng lại sướng?
Tùng nguýt tôi một cái:
- Chỉ giả bộ!
Một chốc sau, Tùng chợt hỏi:
- Ê ! mà ấy có thấy phía trước không?
Tôi ngạc nhiên:
- Nghĩa là răng, tui không hiểu?
- Là có thấy chỗ ni không nì.
Vừa nói Tùng vừa đưa tay chỉ ở chỗ đó. Tôi phì cười:
- Không, tại lúc đó tui ham nhìn sau lưng, mô có nhìn chi vô gương!
Điều con bé Tùng nói làm tôi tự hỏi : sao lúc ấy mình không nhìn vô gương thử. Nhưng mà người ấy đứng soi gương thì đã che luôn gương soi làm sao mình thấy được.
Tuổi lên 10, có những ý tưởng tò mò, thích thú được nhìn người khác giới. Tôi hồn nhiên, thoải mái khi nói về đề tài cấm kỵ. Ở con bé Tùng, có một chút gì người lớn. Thỉnh thoảng, những sắc hồng phớt nhẹ trên hai má rồi chợt biến, để lại màu trắng mịn trên khuôn mặt thánh thiện. Nhìn Tùng, tôi nghĩ đến những cánh hoa hồng nở hàm tiếu trước sân nhà.
Lớp học cô Bích rồi cũng qua. Năm học mới lại bắt đầu. Tôi phải từ giã lớp học đầu tiên, từ giã những kỉ niệm ngọt ngào với những người bạn ngây ngô chất phác. Tôi được cha tôi gửi tôi vào học trường tiểu học bồ Đề Thành Nội Huế.
Dần dần tôi quên cô bé Tùng, quên chiếc cổ cao, đôi mắt mở to ngây thơ vô tội, quên những lần Tùng khám vệ sinh, khám vở và báo cáo lại cô Bích. Quên nụ cười tinh nghịch của Tùng khi giã vờ đưa thước lên dọa khẻ bàn tay tôi và bảo là tay tôi dơ, …
Tôi lại bắt đầu một năm học mới khác, một nơi chốn khác…

TIẾNG CHIM
 Tôi yêu tiếng chim hót buổi sáng. Những lúc thiếu ngủ, tôi lười biếng, cố nằm ráng; nhưng tiếng chim líu lo bên ngoài - thảnh thót, nhẹ êm như một bản nhạc cổ điển đã lôi cuốn tôi. Tôi nhìn ra ngoài, có con chim sâu đang chuyền cành rồi một con khác xòe cánh trên khóm hoa Tử vi đỏ chói kêu chiêm chíp. Chúng là đôi uyên ương đang mặn nồng.
Trời trong xanh, cây cao, hoa lá chen chúc trong một không gian thoáng mát… một bức tranh tổng thể, sắc màu của khu xóm Chợ Dinh -  những hàng rào già tàu xanh mướt, chia từng ô trong đó mỗi ô mỗi ngôi nhà xinh xắn, khu vườn đầy hương sắc và những chú chim thánh thót kêu vui.
Tôi ngồi trên tầng cấp, trước hiên. Cây mít ngày xưa ở nơi góc vườn, nhìn qua nhà Hảo, những chiều mùa hè leo lên cây tìm kiếm, thử xem có trái nào chín. Niềm vui rộn rã khi tôi được thỏa mãn. Những múi mít chín màu vàng sẫm, tựa dày, hột nhỏ, khi cắn, dòn cứng, vị ngọt thanh lan từ lưỡi vào tận cổ họng thú vị biết bao. Rôi hai cây vú sữa trước sân, những trái chín lủng lẵng, làn da bóng láng như có thoa mỡ. Cái bể cạn, mỗi chiều tôi vẫn phải trộn xi măng cho cha tôi đứng hàng giờ say sưa làm hòn non bộ, …
Bây giờ cây mít, hai cây vú sữa không còn, hòn non bộ xác xơ, …
Cảnh vật thay đổi, người xưa đâu rồi...
Nhưng rồi tiếng chim, tiếng chim thánh thót, thúc dục. Ký ức tôi rộn ràng. Tôi men theo, như có sức hút, … tôi tìm đến ngôi nhà hàng xóm, ngày xưa tôi đã từng chơi đùa trong sân bạn.
Một góc vườn bên hông nhà. Không gian mát dịu, những táng cây màu xanh, cho bóng mát dịu nhẹ. Trước mắt tôi là khoảng sân vuông, ngày xưa tôi và các bạn Hảo, Thảo, Tú thường ngồi chơi đủ trò, có khi chui qua mấy bụi hóp để vào nhà ông Chái xem dán lồng đèn cho mùa Phật Đản, … Bây giờ khoảng sân là một lớp học thu nhỏ. Khoảng mươi em, mấy cái bàn ghế dài, học sinh đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Hảo, vẫn là cô giáo, mặc dù đã về hưu trên 11 năm nay.
Thấy tôi, Hảo đứng dậy. Hảo xem đồng hồ, nói:
- Còn mấy phút nữa. Thôi! Cô có khách, cho các em về sớm tí!
Tôi ngồi với Hảo trên bộ ngựa trong ngôi nhà xưa ở căn dưới. Có hai bà dì của Hảo. Hai bà nhìn tôi vẫn nhận ra:
- Gớm Cu Em ngày xưa đây mà.
Tôi cười:
- Già quá rồi vẫn Cu Em!
Dì Giá cười:
- Kêu như rứa cho dễ thương.
- Mới ngày nào mà răng quá mau như rứa chị! nét thanh xuân của chị vẫn còn nguyên trong ký ức em . Vậy mà …
Đến đây chị Giá đổi cách xưng hô:
- Chú biết không? Bây giờ tui đã 88 tuổi rồi đây nè. Còn Phát đây, 82 tuổi. chưa kể chị Lục mẹ con Hảo đã 92 rồi. Khiếp thật!
Tôi sững sờ:
- Trời ơi! Tuổi tác cao như rứa mà hai chị đây vẫn còn đi đứng bình thường, không chống gậy, giọng nói vẫn chưa run, còn trong, thật là kỳ diệu!
Đến đây Hảo mới chen lời:
- Tuấn biết không, mấy dì vẫn còn đọc báo, xem TV bình luận nữa.
Hảo vừa nói vừa mở cửa tủ chỉ một chồng báo.
Tôi nói:
- Phải vậy mới chống được chứng mất trí nhớ của người già.
- Mẹ mình 92 tuổi vẫn còn đọc báo và phê bình, nhận xét từng sự kiện đó.
Tôi nhìn Hảo, khuôn mặt không thay đổi, nhưng da mặt đã nhám sùi, ngâm đen. Một nỗi buồn nhen nhúm. Cả tôi và Hảo đã già, có người đã gọi là ôn, mệ rồi.
Tôi vẫn thường tư lự triết lý về mình, về thân phận mình, phải chăng nỗi bi đát của của chúng ta, là già về thân xác, sinh lý nhưng tư tưởng, tình cảm, những khao khát cháy bỏng lại vẫn không già. Biết làm sao được! …
Bỗng nhiên có tiếng chim hót ngoài vườn sau lưng. Tôi thấy nhẹ lòng và hứng thú.
Tôi nói:
- Tiếng chim hót nghe quyến rũ ghê, còn hay hơn cả một bản nhạc, Hảo thấy không?
Hảo cười nhẹ:
- Chim có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của nó. Khi gọi bạn thì tiếng hót líu lo thúc dục, khi cho con ăn thì lại chiêm chiếp như vỗ về.
- Ngày xưa có Dã Tràng, nhờ ngậm viên ngọc rắn mà nghe được tất cả ngôn ngữ của muôn loài đó Hảo.
- Tuấn hay nói chuyện cổ tích ghê há!
Tôi cười:
- Cổ tích làm mình trẻ lại.
Hảo nói:
- Nhắc chuyện chim là mình nhớ có lần dì Giá bảo mình kiếm cho dì ít lá chanh để xông. Mình chạy ra góc vườn bên kia nhà Tuấn, có cây chanh, thò tay bứt lá, bỗng có tiếng:
- Đừng có phá! đừng có phá!
Mình giựt mình rút tay về, nhìn qua bên kia, bỗng phát hiện, có con chim đang ở trong lồng. Chính nó là tác giả của tiếng kêu vừa rồi.
Mình buồn cười, nói:
- Tau cứ phá, tau cứ phá
Và bứt một nạm lá chanh trở vô.
Tôi tức cười, nói:
- Hảo kể chuyện hay thiệt
- Chuyện chưa hết mô.
- Rồi sao nữa?
Hảo cười đưa tay che miệng:
- Ít ngày sau, có người đẩy gỗ vô cho thằng Vũ con anh Cự, trong lúc đang hì hục bưng, trao đổi, có một đứa khác, thò tay bắt con chim đi mất!
Tôi trố mắt:
- Tiếc con chim quá ta!
- Anh Cự nói là con chim sáo đó học nói rất nhanh!
- Ừ hay thiệt Hảo há? Chim có loài học được tiếng người.
- Nhưng chỉ học được từng câu thôi.
Tôi nhìn Hảo, khi nàng nói, hai mắt mở to, thỉnh thoảng chớp nhẹ rất linh động. Ôi! cô láng giềng ngày nào, bây giờ đã 65 như tôi. Thời gian khiếp thật. Nhớ ngày nào hai người cùng học chung trường. Một năm tại lớp học bỏ túi với chị Bích ở kiệt Cây Gòn gần nhà và 4 năm tại trường trung học Nguyễn Du. Nhiều người vẫn nghĩ tôi với Hảo có thể là thanh mai trúc mã thế nhưng không hiểu sao hai đứa tôi vẫn chỉ là bạn. Có thể do chơi thân nhau quá, gần nhau quá cũng không khám phá được tình cảm lớn? cho đến khi chúng tôi lên học cấp 3, Hảo học  Đồng Khánh, tôi Nguyễn Tri Phương,  một ngày tôi phát hiện Hảo đi với một sinh viên trường Võ bị Đà Lạt, thuộc khóa đàn em của Thảo, cậu nàng, tôi mới thấy rằng ừ, hình như không phải là tình yêu. Bởi vì nếu có thì mình phải đau khổ buồn bã, đằng này vẫn thản nhiên, bình chân như vại. Vậy thì, đích thị là không rồi.
Rồi một ngày, tôi nhận được tin người yêu của Hảo đã tử trận khi mới ra trường. Lúc đó tôi mới thẩn thờ và nghiệm ra rằng Hảo thật đáng thương. Tôi vẫn mong Hảo có nơi chốn để yên thân đời con gái nhưng chờ hoài, Hảo vẫn vậy. Có nhiều người theo đuổi Hảo nhưng sao vẫn không “có gì mới”. Tôi tự nghĩ, người con gái Huế chung tình quá. Mối tình đầu khó quên vậy sao? Hay tại nàng khó? …
Bỗng Hảo lên tiếng:
- Nì! Làm chi mà thừ người rứa nghe người ta kể tiếp đây.
Rồi Hảo kể tiếp: Ở chùa Bảo Quốc, sư trụ trì có nuôi con giồng. Nó học được một số câu mà theo lời sư trụ trì là do tự phát, nghe người ta nói nó nói theo. Sư kể, có lần một đoàn Phật tử vào viếng chùa, cúng dường. Chim buông câu chào:
- Chào quý khách! Chào quý khách!
Rồi bỗng chim hạ giọng xuống, âm lượng trầm:
- A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!
Mọi người kinh ngạc trố mắt nhìn.
Tiếng chim lại trỗi giọng the thé:
- ĐM mi! ĐM mi!
Cả đoàn Phật tử cười ồ, thích thú. Thật không ngờ, lần đầu tiên nghe chưởi mà lại cười sung sướng, thoải mái.
Riêng nhà sư thì niệm Phật:
- A Di Đà Phật! Xin thứ tội cho bần tăng!
Tôi không nhịn được, cười văng cả nước bọt:
- Chuyện có thiệt hay đùa cho vui đó Hảo?
- Thiết đó! Sư trụ trì đang bối rối không biết xử trí ra làm răng. Nên thả chim hay vẫn giữ?
Tôi nhìn Hảo, hai mắt Hảo vẫn sáng rạng rỡ, mặc dù nét quầng thâm đã ẩn dấu:
- Theo Hảo thì nên thả hay tiếp tục để lại?
- Thả là đúng 100%. Đã là chùa mà lại nhốt chim, như thế là không nhân đạo.
Đúng rôi Hảo, tôi có chú em, tên Sĩ ở trong Thành nội, đường Trần Nhân Tôn. Nhà chú vườn rộng, bà vợ quản lý nhà trẻ. Công việc rất phát triển. Chú nuôi chim thả lồng nhiều. Đủ tiếng chim hót líu lo trong vườn, chim chào mào, chim vành khuyên, chim chích chòe. Rất thơ mộng. Một bửa nọ, một người thợ nề đang tu sửa mấy căn phòng toilette nghe được tiếng chim kêu nhưng tiếng rất ai oán, buồn thảm. Ông ta gọi Sĩ đến, nói nhỏ:
- Anh có nghe tiếng chim không?
- Thì tiếng chim kêu thánh thót là chuyện bình thường, nếu không kêu tôi nuôi làm chi?
- Này! Anh lắng nghe cho rõ đi!
Sĩ im lặng, tập trung nghe. Ông thợ nề nói:
- Nó kêu: Khổ quá! Khổ quá! Phải không?
Sĩ im lặng, quả thật đúng như người thợ nề nói, tiếng chim rất thảm thiết, đúng là âm thanh phát ra tiếng:
- Khổ quá! Khổ quá!
Hảo chen lời:
- Có con chim nó kêu: “Chuyền đi cho hết, chuyền đi cho hết!” đó Tuấn.
Tôi nói:
- Hảo biết không, sau đó Sĩ mang mấy lồng chim lên đồi Vọng Cảnh thả hết. Sĩ đập nát luôn mấy lồng chim.
Hảo mĩm cười:
- Mấy con chim than khổ là đúng rồi! đang vẫy vùng bay nhảy với những chân trời rộng mở khoáng đạt, tự dưng bị nhốt trong lồng. Ăn cũng chờ người ta cho ăn, uống cũng chờ cho uống. Còn đâu là tự do.
Ha! Ông Sĩ đó đã ngộ ra rồi khi quyết định thả chim.
- Ừ đã ngộ ra được!
Thế còn nhà sư đã ngộ ra chưa?
Đến đây thì chị Giá chen lời:
- Không được, đã là chùa mà nuôi chim như rứa, lại thêm chim nói những lời thô tục.
Tôi mĩm cười, nhìn chị Giá, lấy làm lạ, một người đã 88 tuổi, thân hình gầy gò, vẫn còn khỏe mạnh, nói năng chửng chạc. Xã hội làm thay đổi cách nhìn. Ngày trước không ai gọi là chị mà phải là mệ hay cụ. Ôi! 88 tuổi, thật kỳ diệu. Tự nhiên tôi nhìn cái sân rộng, nhớ lại ngày xưa, mấy gia đình anh chị em nhà bác Tri: Bác Tri (anh đầu), bác Tư (em gái bác Tri) rồi 2 ngừoi em kế tiếp: Cụ Chằng, bác Cử. Tất cả đều đã qua đời và thế hệ kế tiếp, những nguồi con cũng đã lão niên bước qua cửu thập. Vẫn còn sống, vui cười, hiện hữu trên mãnh đất này, ngày này qua tháng nọ.
Tôi nhìn hai bà dì của Hảo: chị Giá, chị Phát. Chị Giá không chồng như Hảo. Còn chị Phát thì chồng bị chôn sống năm Mậu Thân. Cả hai chị, da nhăn, tóc bạc, mắt mờ. Một chút ngậm ngùi, nhớ ngày nào trong sân này, hàng năm, đúng ngày đúng tháng, ban đêm, tôi vẫn say mê qua quan sát buổi lễ “cúng sao” trước sân nhà bác Tri. Các anh em, con cháu đều quây quần chờ xướng tên ra quỳ lạy. Tôi không hiểu tại sao lại cúng sao? Tôi về tò mò hỏi cha tôi và lắng nghe chuyện cha tôi trao đổi với bà nội. Sao là tượng trưng cho người. Mỗi người khi còn sống thì có một vì sao trên trời hiện diện, khi qua đời vì sao sẽ rụng. Cúng sao nghĩa là cầu nguyện cho vì sao bổn mạng của mình tồn tại dài lâu. Trong buổi cúng, các con cháu quỳ rạc chân. Người đứng cúng, tụng kinh cầu nguyện là ông Bát, tu tại gia nhưng xuống tóc, mặc áo cà sa đi cúng. Nhà tôi mỗi khi có kỵ mẹ tôi hay kỵ ôn nội vẫn mời ông Bát lên tụng kinh, cầu siêu. Tôi tò mò nhìn chậu cá, mấy con chim đang bị nhốt trong lồng. Tôi hỏi Thảo con trai bác Tri: “mấy cái này rồi để làm chi?”
- Phóng sinh!
- Nghĩa là răng rứa anh?
- Đem cá thả xuống sông. Đem chim thả cho bay lên trời!
Tôi tò mò hỏi lại Thảo:
- Để làm chi rứa?
- Để cầu nguyện cho mình sống lâu, không bệnh tật!
Nhớ lại chuyện cúng ngày xưa, tôi quay lại hỏi hai chị:
- Chị này, ngày xưa bác Tri vẫn thường hay cúng sao. Hai chị có kế thừa tiếp tục cúng không?
Chị Phát nói:
- Lạy Trời! sau 75, mọi người sợ không dám cúng nên chỉ cầu nguyện, thành thói quen quên luôn rồi!
Tôi mĩm cười nhìn hai chị:
- Bây giờ người ta cúng còn gấp vạn lần ngày xưa. Mà những thành phần cúng lại là chính mấy ông nội đang trị vì đó chị ạ. Họ càng làm việc ác thì họ càng cúng nhiều. Họ cúng để xóa tội, để lương tâm thảnh thơi, sống lâu trăm tuổi để thu hoạch, hưởng giàu sang phú quý.
Tôi nói tiếp:
- Thế nên mấy con chim rất có giá. Người ta bán chim để họ mua phóng sinh.
Đến đây, Hảo xen vào:
Mà chim mô họ bắt nhiều như rứa để có sẵn cho mấy ông mua phóng sinh?
Tôi cười ha hả:
- Thì chỉ mấy con chim đó chứ mô cần nhiều.
Hảo ngạc nhiên, trố mắt:
- Tuấn nói chi lạ rứa! mua chim, phóng sinh. Rôi chim bay đi, còn đâu nữa.
- Mấy con chim đó tự động chui vào lồng lại Hảo ơi!
Hảo cười không tin:
- Đừng có nói chuyện tếu nghe. Chim được thả mừng chết cha đi, nó bay một mạch thẳng cánh. Có ngu răng mà lại chui vô lồng lại!
- Ẩn số là chỗ đó. Tại sao đã thả ra mà lại vẫn chui vào? Hảo thử suy nghĩ đi!
- Nhưng mà có chuyện ni thiệt hở Tuấn?
- Có 100%, Tuấn đang giữ trong tay tài liệu của một nhóm phóng viên không biên giới điều tra tại Chùa Bà Bình Dương. Họ gọi là “Dịch vụ chim phóng sinh”
Hảo tò mò:
- Thôi! Tuấn nói huỵch toẹt ra cho rồi!
Chị Giá xen lời:
- Có thể nó ở quen rồi, không chịu bay đi!
Tôi nhìn chị Giá ngạc nhiên vì tuổi già mà suy luận còn minh mẫn:
- Chị nói gần đúng nhưng chim ở quen lâu rồi mà khi thả không chịu bay đi thì hiếm lắm và chắc chắn là nó không chiu chui vô lồng trở lại mô. ở đây là vì người bán chim đã cho chim ăn một thức ăn có chất gây nghiện. Một loại thuốc phiện nhẹ được trộn trong thức ăn. Và lồng chim của nó cũng được tẫm mùi của chất gây nghiện đó. Chính vì thế mà khi người ta thả chim. Chim không chịu bay đi. Nó sà xuống lượm các thức ăn như gạo, hột nổ mà người cúng cô hồn vất vương vãi trên khắp sân chùa. Rồi từ từ nó tìm đến mùi thức ăn mà nó đã nghiện. Nó chui tọt vô lồng trở lại.
Hảo kêu lên:
- Trời ơi! Ác chi mà ác dữ rứa! Như rứa chính người bán chim đã cố tình làm cho con chim bị nghiện.
- Đúng đó Hảo! Những con chim nhỏ tội nghiệp này trở nên nhút nhát, khờ khạo và ngơ ngác khi được phóng sanh. Chúng không biết mình phải bay đi đâu và cũng không biết rằng để bị bắt và để được thả, đôi cánh nhỏ của chúng, sinh mạng của chúng phải chở cả giấc mộng áo cơm của người bán chim.
Do vậy, với cuộc sống bây giờ, bất kể hành động nào, chúng ta cũng cần phải xem xét cân nhắc trước khi thực hiện. Nếu không, vô tình chúng ta đã tiếp tay cho một lũ ác nhơn.
- Nhưng mà theo Hảo thì người bán chim và người phóng sinh. Ai ác hơn ai?
- Nếu không có người mua thì không có người bán. Mà người mua chim đây thuộc đối tượng mô? Những người tham ô, móc ngoặc, những kể lộng hành, tự tưng tự tác gây nhiều tội lỗi cho người lương thiện. Họ làm việc ác. Họ nghĩ rằng, họ sẽ xóa được những vết nhơ trong lương tâm họ bằng cách lên chùa mua chim phóng sinh, cầu nguyện để thanh tẩy tội lỗi. Thế là xong.
Hảo nheo mắt trả lời, nàng tiếp:
- Biết rồi! mọi người cứ nghĩ: phóng sinh hay làm việc thiện là để được ơn trên đáp trả. Mình sẽ buôn may bán đắt, gặp được mối lớn khác để trúng cho dù làm điều ác, …
- Khốn nạn là ở chỗ đó, thay vì phóng sinh là dịp để con người hướng thiện, làm việc tốt đẹp, đằng này phóng sinh chỉ là cơ  hội thanh tẩy tội lỗi để y tiếp tục việc ác mà không ăn năn vì “ăn nhằm gì, rồi ta sẽ lại đi sám hối, phóng sanh tiếp …"
Và những chú chim tội nghiệp kia, cho dù cửa lồng đã mở, tự do đã đến nhưng vẫn từ chối, để được chui tót vào trong lồng trở lại, được ăn thức ăn đã nghiện.
Khách hành hương lại đến chùa, mua chim, cửa lồng lại mở. Chú chim bay sà xuống đất. Người hành hương thỏa mãn vì lương tâm đã được gột rửa.