Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Marseille phần III – II Đại Linh

Marseille phần III – II Đại Linh

  

FORT SAINT JEAN
Fort Saint Jean bao gồm Tour Carré (còn gọi là Tour du Roi René), Tour du Phare (còn gọi là Tour du Fanal) và các thành luỹ (fortifications) mà nhiệm vụ là trấn giữ cửa bắc của cảng và là nơi xưa nhất của thành phố.
Vào thế kỷ XIII, ở lối vào cảng (Port), ở ngay chỗ mà ngày nay là Tour Saint Jean đã có một tháp canh gọi là Maubert. Sau khi Marseille bị cướp phá bởi quân của Alphonse Aragon năm 1423, vua René quyết định cho xây một công trình quan trọng hơn để thay thế Tour Maubert : đó là Tour Carré và Tour du Phare (nhìn ra biển).

Vào thế kỷ XVII, các thành lũy mới được xây dựng và bao gồm hai tháp này trong một tổng thể gọi là Fort Saint Jean.
Vào thời đó, việc xây dựng các thành lũy Saint Jean cũng như Saint Nicolas là nhằm hai mục đích : răng đe dân marseillais (có tiếng hay làm loạn) và bảo vệ cảng chống ngoại xâm.Việc chống xâm lăng thì chưa bao giờ xảy ra vì vậy pháo đài chỉ đóng vai trò răng đe đối với dân chúng mà thôi. Ngày nay Fort Saint Jean còn có một lối đi dạo dọc theo thành mà từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng Jardin du Pharo ở bờ nam đối diện.
FORT SAINT NICOLAS
Vào thời trung cổ ở đây có một nhà thờ nhỏ gọi là Chapelle Saint Nicolas và một tháp phòng ngự (tour de défense) được vua Charles d’Anjou cho xây vào thế kỷ XIII.Vào thế kỷ sau đó, tháp được làm lớn ra và thành lũy được xây dựng thêm.Tháp này nằm đối diện với một tháp khác ở bờ bắc của Vieux Port gọi là Tour Maubert (Fort St. Jean). Cả hai tháp có nhiệm vụ bảo vệ lối vào cảng.Năm 1660 sau khi khuất phục được Marseille, vua Louis XIV cho xây một pháo đài hình sao thay cho tháp phòng ngự cũ.
Pháo đài Saint Nicolas được xây dựng từ năm 1660 đến 1664.Cũng như Fort Saint Jean và Fort du Château d’If, pháo đài Saint Nicolas chỉ đóng vai trò răng đe đối với dân Marseille và chưa bao giờ được sử dụng để chống lại ngoại xâm. Mặc dầu bị cắt đôi bởi Boulevard de l’Empereur năm 1862, Fort Saint Nicolas vẫn là thành trì đẹp nhất của vùng Provence.
PALAIS DU PHARO
Mãi đến thế kỷ thứ 19, các du khách tham quan Marseille đặc biệt sững sốt về sự thiếu vắng các công trình nghệ thuật trong thành phố. Có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng nguyên nhân thường nêu lên là các thương gia giàu có chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà không nghĩ đến vẻ yêu kiều của thành phố.Theo tục lệ thời đó ở Marseille mọi gia đình giàu có sẽ mua một bastide (nhà nhỏ ở nông thôn miền nam nước Pháp) ở ngoại vi thành phố, đôi khi với giá cao.
Dưới sự thúc đẩy của Louis Bonaparte (muốn tìm cách mua chuộc Cảng Marseille không muốn ông làm Hoàng Đế) thành phố Marseille bắt đầu thấy nở rộ các cung đình và các dinh thự tuyệt vời. Những đại lộ lớn như Le Prado và La Corniche được mở ra. Để nêu gương, Louis Bonaparte đã dùng phí tổn riêng để xây cho mình Palais du Pharo (1858-1860) ở mỏm đá Pharo ngay trên eo cảng (passe du port).
Việc xây dựng dinh thự này là do ước nguyện của Louis Bonaparte thời đó muốn có một ngôi nhà có đôi chân trong nước (résidence les pieds dans l’eau) và đã giao phó cho Hector (kiến trúc sư của Điện Louvre) thiết kế thi công.
Nhưng sau đó hoàng đế không bao giờ đặt chân trong dinh cơ này và đã tặng palais cho vợ mình là Hoàng Hậu Eugénie. Sau khi Napoléon đệ tam mất Hoàng Hậu tặng dinh cơ này cho Thành Phố. Ngày nay, Palais du Pharo có một công viên, một thính đường 900 chỗ ngồi và nhiều phòng hội họp.
HÔTEL DE VILLE
Nằm ở Quai du Port, được xây dựng bằng đá hồng (pierre rose) năm 1663. Ở chỗ mà bây giờ là Hôtel de Ville trước đây ngay từ thế kỹ XIII là Maison de Ville, nơi hội họp của các thương nhân và các quan chấp chính (consuls).
Chỉ từ thế kỷ XVII, Hôtel de Ville mới được chính thức xây dựng do lệnh của Louis XIV.Tượng bán thân vua Louis XIV ở chính diện tòa nhà là công trình của nhà điêu khắc marseillais Nicolas Galinier.Trước Hôtel de Ville là Ferry-Boat (mà các tác phẩm của Marcel Pagnol đã làm nổi tiếng), thực hiện nhiều lần trong ngày việc đưa khách từ Quai du Port qua Place aux Huiles.
BOUILLABAISSE
Ở Marseille người ta thường hay nói rằng : Les poissons vivent dans l’eau et meurent dans l’huile d’olive (cá thì sống dưới nước còn chết trong dầu olive). Quy tắc này được áp dụng đúng nghĩa đối với món Bouillabaisse nổi tiếng này.
Chữ Bouillabaisse phát xuất từ tiếng provençal Bouiabaisso có nghĩa là “ ça bout et on abaisse le feu ” (sôi thì bớt lửa lại). Một lời giải thích kỳ cục hơn cho rằng nước canh (bouillon) này là do một nữ tu sĩ tạo ra. Khởi thủy món ăn này là món ăn của dân chài cá mà thành phần bao gồm những con cá quá nhỏ hay bị hỏng không bán được ở chợ cá. Bouillabaisse do đó vốn là thức ăn của người nghèo. Nhưng ngày nay để ăn món Bouillabaisse thứ thiệt ở restaurant giá ít nhất phải 40 Euro mỗi người !! Có một bài hát ca : Pour faire une bonne bouillabaisse, il faut se lever de bon matin (để làm một món bouillabaisse ngon lành, phải thức dậy thật sớm vào buổi sáng). Nếu có thể phải đặt mua trước những poisssons de roche..Người ta sẽ dọn cho bạn trước hết là món canh với rouille (sauce rouge du pigment d’Espagne) và các croutons, sau đó là cá luộc sôi và nung đỏ hoe với dầu olive. Hương vị cũng quan trọng như cá : muối, tiêu, hành, cà chua, nghệ, tỏi…Trên Quai du Port này có restaurant Miramar nổi tiếng.Từ hơn 50 năm nay, người ta đến restaurant này để ăn món bouillabaisse thứ thiệt !Tất cả các chính khách của Marseille gặp nhau ở đây và các ngôi sao quốc tế tiếp tục vào cái temple du poisson này để thưởng thức món đặc sản bouillabaisse.
ĐẠI LINH
(8/7/2016)
LA CANEBIÈRELa Canebière là đại lộ nổi tiếng nhất của Marseille.
Tuy nhiên La Canebière không phải là con đường dài nhất và cũng không phải là cổ nhất của Marseille.
Đại lộ này được xem như là biểu tượng của Marseille, được đại chúng hóa qua một bài hát của Vincent Scotto : “ elle part du Vieux Port, et sans effort, elle va jusqu’au bout de la terre, notre Canebière ”
Thật vậy đại lộ chạy dài từ Vieux Port (từ đây các con tàu với các thủy thủ sẽ xuất phát để đi khắp năm châu bốn bể) theo một đường dốc thoai thoải lên đến l’Eglise des Réformés.Sở dĩ đại lộ được gọi là Canebière là vì trước khi trục lộ được khai thông vào hậu bán thế kỷ XVII thì đây chỉ là một vùng đất đầm lầy trên đó mọc các cây gai dầu (canabis hay canebe theo tiếng provençal).Từ các sản phẩm thu hoạch các tù nhân khổ sai sẽ dệt thành các dây thừng, vải buồm tàu. Dọc đại lộ không bao giờ có cây mà chỉ có những ngọn đèn (lampadaires) mà thôi. La Canebière đã từng là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân và văn sĩ.
Joseph Conrad, đã từng sống ở Marseille ba năm rưỡi, đã gợi lại đại lộ này trong hồi ký của ông : “ Pour moi, la Canebière a été une rue qui menait vers l’inconnu ”.Và đối với Edmond About : “ La Canebière est une porte ouverte sur la Méditerranée et sur l ‘univers entier ; car la route humide qui part de là fait le tour du monde ”. Vào hậu bán thế kỷ 20 với sự cáo chung các thuộc địa, đại lộ mất đi vẻ hào nhoáng ngày xưa.Phần dưới đại lộ trước khi đến Vieux Port là Palais de la Bourse (trong tòa nhà này là Phòng Thương Mãi cổ nhất của nước Pháp và có thể nói của toàn thế giới), tọa vị ở Place du Général De Gaule.
LE PALAIS DE LA BOURSE
Là Phòng Thương Mãi và Công nghiệp (Chambre de Commerce et d’industrie) của Marseille. Nằm ở Place du Général de Gaule, trên đường nối dài của Đại Lộ La Canebière. Đây là Phòng Thương Mãi cổ nhất thế giới, được thành lập năm 1599.
La Bourse, ngoài những hoạt động kinh tế, còn là nơi tọa vị của Viện bảo tàng hàng hải và hải ngoại (Musée de la marine et d’outre-mer).
Dinh thự này là công trình được xây dựng theo phong cách Đệ Nhị Đế Chế của kiến trúc sư marseillais Pascal Xavier Coste. Đây là tòa nhà đầu tiên được thực hiện với sườn nhà bằng kim loại. Là dinh thự đầu tiên được xây dựng dưới thời Đệ Nhị Đế Chế, Palais de La Bourse mở đầu một thời kỳ vô tiền khoáng hậu xây dựng các công thự ở Marseille.
Ông Hoàng Louis Napoléon Bonaparte đã đặt viên đá đầu tiên ngày 26 tháng 9 năm 1852. Mặt tiền được trổ bởi 5 arcade và được trang trí bởi những biểu hiện của hàng hải, thiên văn, nông nghiệp, thương mãi và công nghiệp.Trang trí điêu khắc này hoàn toàn dành cho lịch sử vinh quang của nền thương mãi của thành phố Marseille.
OPERA
Vào năm 1919, một đám cháy tàn phá tòa nhà. Hầu như chẳng còn lại gì từ Nhà Hát Lớn (Grand-Théâtre) cổ được khánh thành năm 1787. Chỉ có những cột trụ ionique và toàn bộ mặt tiền tân cổ điển là chống lại được ngọn lửa mà thôi. Từ năm 1921 den 1924, các kiến trúc sư Gaston Castel và Raymond Ebrand ra sức tái tạo lại tòa nhà hoàn toàn theo kiểu Art déco. Hàng năm nhiều nhạc kịch được trình diễn ở nhà hát kịch này.

ĐẠI LINH
(6/7/2016)