Tết Hoa


Nguyễn Lương Tuấn

Đã gần qua một mùa đông lạnh buốt. Trời đã có nắng vàng nhẹ, ấm. Mùa xuân sắp về, ngày tết sắp đến. Vậy mà những cây và hoa nhà tôi không có một dấu hiệu chuyển mình, hy vọng.
Tôi có một góc vườn nho nhỏ. Ở đó Hoàng H, nhà tôi vẫn thư giản bằng sự chăm bón một số cây mà nàng đã mua về.
Cây mai vàng, trồng trực tiếp dưới đất, từ một tháng nay, nàng đã cẩn thận bứt lá, để giúp nó ra hoa đúng dịp. Nhưng không được rồi! Đã 26 tháng chạp mà mai vẫn chỉ trơ những cọng và cọng. Cách đây hai hôm, anh tôi từ Huế đã gởi cho một chậu mai Huế. Mai đã có hoa nhưng đang còn trong vỏ bọc đen cứng, biết bao giờ mới nở.
Còn lại những cây khác, dàn lan đủ loại toàn lá, không có một nụ hoa. Hoa hồng thoái hóa không đương đầu nổi với khí hậu khắc nghiệt đã trơ cành. Mấy chậu bông trang chỉ trức chồi, hé nụ, sau khi nhà tôi cho để sát hàng rào, bên đường.
Chán quá, nhà tôi nói:
- Năm nay em sẽ không mua hoa nữa. Tiết kiệm, để tiền mua gạo!
Tôi nói:
- Do thời tiết quá lạnh, con người còn không chịu thấu, làm sao mấy cây hoa của em tươi tốt được.
Tuy nhiên có một điều lạ, hai chậu hoa trà mà nhà tôi mua: một cách đây 2 năm, một đã 4 năm, lại ra hoa nhiều.
Mấy năm qua, hai gốc trà này vẫn có hoa và chúng tôi chờ đợi, nhưng rồi thất vọng. Hoa không chịu nở, nhất là cây trà mi đỏ mua cách đây 4 năm. Lần nào cũng thế, hoa chỉ dừng lại ở nụ búp, he hé chút đỏ, chưa kịp hàm tiếu đã khô và rụng.
Một hôm, có đứa bạn của con trai tôi đến chơi, nó bảo:
- Nhà con cũng có một cây y như thế, sau đó ba con được một ông bạn bày là phải giúp để nó được nở.
Tôi hỏi:
- Giúp thế nào.
Đứa bạn trả lời:
- Khi hoa he hé màu đỏ để kịp hàm tiếu thì ta gỡ các đài hoa đi, lúc đó nó mới đủ sức nở.
Nghe lời, tôi thực hiện. Quả nhiên sau đó nụ trà mi đỏ từ từ nở, màu đỏ đậm tươi như một cánh hoa hồng. Quá đẹp. Tuy nhiên bỏ công gỡ đài cho hoa dễ nở, làm mãi tôi thấy mệt, vả lại cái được, cái bị hỏng nên tôi không thấy ham.
Nhà tôi nói:
- Hãy để tự nhiên hay hơn.
Thế rồi, Cách đây 2 năm, vào dịp tháng giêng, tôi đèo nhà tôi trên xe Honda ra chợ hoa, cây kiểng ở tuốt ngoài Thanh Khê, nhà tôi bắt gặp một chậu trà mi khác. Người bán nghĩ rằng không ai mua nên nhét vào trong một góc khuất sau các vòm cây khác. Khi kéo ra, chúng tôi thích quá, thấy có một nụ trà mi nở trắng rất dễ thương. Thế là chúng tôi hỏi giá và mua. Có lẽ vì thấy khó bán và có lẽ ít ai mua nên hôm đó nhà tôi mua với giá rất rẽ.
Tôi còn nhớ, trên đường chở về nhà, có một cậu thanh niên thấy được, phóng xe đến hỏi:
- Cô mua cây trà nầy ở đâu thế?
Nhà tôi trả lời và cậu thanh niên nói:
- Em thích lắm mà không có cơ hội.
Chúng tôi cười.
Vậy là chúng tôi có được hai cây trà mi: Một trắng và một đỏ. Cây trà mi chúng tôi mua về hoa nụ búp nhiều. Chúng tôi hy vọng hoa sẽ nở.
Nhưng rồi, chúng tôi lại thất vọng
Hai cây trà mi nhà tôi chăm bón với hy vọng hoa sẽ nở, nhưng khó quá. Nhà tôi nói:
- Khí hậu không thích hợp.
Thấy nhà tôi buồn, tôi đùa, chọc nàng:
- Xem kìa lại bị cây trà làm mất hồn. Anh nghĩ em là lão Hoa Si trong truyện Kim Cổ Kỳ Quan.
Nàng tò mò:
Hoa Si là nhân vật nào vậy? Mà em còn trẻ thế này, anh lại so sánh với ông lão?
Tôi phì cười:
- Ừ nhỉ, anh xin lỗi. Em đâu đáng gọi là bà lão. À mà này! Thì ra em chưa đọc tác phẩm Kim Cổ Kỳ Quan?
- Làm sao em được như anh!
- Thôi để anh kể tóm tắt, Có ông chủ vườn trồng hoa nổi tiếng. Vườn hoa của ông quanh năm đua sắc, nào hồng, thược dược, cúc, hải đường, trà mi, mẫu đơn, nguyệt quế, …Người đi ngoài xa, chưa tới vườn hoa đã nghe hương hoa thơm ngào ngạt.
Một điểm đặc biệt, ông không bán hoa, chỉ trồng để ngắm, khuây khõa. Người ta vẫn tự hỏi không biết ông sống bằng cách gì?
Một hôm, có một cậu công tử, con vị quan, vốn ác bá trong vùng, dẫn một đám du côn vào vườn hoa đòi xin cây bẽ cành. Lão Hoa si cương quyết không chịu khuất phục, chống cự. Thế rồi bọn mất dạy xúm vào đánh ông chủ vườn chết, phá nát vườn hoa của ông.
Nhà tôi buột miệng:
- Trời ơi! Đúng là quỷ. Thế rồi sao nữa anh?
- Các loài hoa bị phá nát, khu vườn nát như tương. Đêm nọ, một đoàn thiếu nữ xuất hiện trong vườn hoa. Mỗi cô mặc một màu áo. Cô nào cũng xinh đẹp. Giọng nói, tiếng cười thánh thót, rất mê đắm lòng người.
Một cô nói:
- Chúng ta phải trả thù!
Mọi người đồng thanh:
- Phải trả thù!
Ngày hôm sau, bỗng nhiên vườn hoa của lão Hoa si trở lại như xưa, hương hoa tõa thơm ngát.
Tiếng đồn vang xa, cậu công tử mất dạy lấy làm kỳ, cởi ngựa đến xem. Bước vào vườn hoa thì quả y như vậy. Đang ngạc nhiên, bỗng một đoàn con gái xinh đẹp ùa chạy đến bao vây cậu ta. Tưởng trúng số, cậu công tử mặt mày rạng rỡ, đưa tay ôm lấy một cô. Nào ngờ một bại phân người bay tới đập vào mặt cậu. Cậu hoa mắt. Chốc lát, mỗi cô mỗi cào cấu. Không bao lâu cậu ngất đi.
Ngày hôm sau, người ta khám phá xác cậu công tử trong vườn hoa tan nát. Cả thân hình cậu ta bị nhúng chìm trong thùng phân của lão Hoa Si.
Nhà tôi mĩm cười:
- Anh chỉ tài đặt truyện!
- Không bao giờ!
Năm nay, hai cây trà hoa búp vẫn nhiều, chúng tôi không quan tâm vì đã mấy mùa xuân có bao giờ tôi được thấy hoa trà tự thân nở rộ.
Nhưng một buổi sáng, nhà tôi reo lên mừng rỡ vì khám phá hoa trà đã bắt đầu nở và lại là gốc trà trắng. Hoa nở to, tròn, màu sắc trắng tinh, rất thuần khiết. Hiện nay gốc trà này đã nở được 5 hoa to, quá đẹp. Còn gốc trà đỏ đang hé nụ hàm tiếu, tôi nghĩ rằng, tết này sẽ nở rộ.
Như vậy là hên rồi phải không bạn? Tôi vẫn thắc mắc, trong truyện Thiên long bát bộ của Kim Dung, khi Đoàn Dự lạc vào Mạn Đà Sơn Trang, lãnh địa của Phu nhân Đoàn Chính Thuần, mẹ của Vương Ngọc Yến thì đúng tên gọi là "hoa Trà", nhưng trong Kim Vân Kiều, cụ Nguyễn Du lại gọi là Trà mi: "Tiếc thay một đóa Trà mi. Con ong đã tỏ đường đi lối về" để chỉ người đẹp đã bị vùi dập? Tôi không hiểu hoa Trà đây có phải là Trà mi?.
Giống hoa trà cây phát triển và lớn thành từng bụi, đẹp, như một vòm, thân cứng nhưng không quá to, lớn như thân cây mộc, lấy gỗ. Lá dẹp, hình bầu, nhọn, dày, màu xanh đậm. Cây ra nụ ở kẻ lá. Có kẻ lá phát triển ra hai hoa đâu lưng nhau, rất ngộ, như hiện nay tôi đang có.
Nói chung, nhìn hoa trà, tôi liên tưởng đến hoa mẫu đơn (bông trang) vì nó hơi giống nhau.

Một điều lạ mà tôi quan sát, thấy được, là hoa trà mi đỏ mọi năm, khi nở, tôi không thấy nhụy vàng., sao lần này trà mi đỏ lại có thêm nhụy vàng và trong một hoa không những một nhụy mà lại hai nhụy hoặc ba nữa, thật lạ. Trong lúc đó trà mi trắng lại nở to như cục bông gòn, trắng ngần, tinh khiết, và khi cánh hoa bắt đầu thoái hóa, ngã vàng, tôi thấy tuyệt nhiên không có nhụy.
Như vậy, phải chăng hoa trà không nhụy, còn trà mi mới có nhụy.
Tôi quan sát, thấy hai cây đều giống nhau từ cành, lá, màu của thân, lá.
Tôi nghĩ rằng cây màu trắng đúng là hoa trà, như tromg hoa trà ở Mạn Đài Sơn Trang của Kim Dung trong truyện Thiên Long Bát Bộ. Còn cây có nhụy là trà mi, như trong câu của Nguyễn Du; “Tiếc thay một đóa trà mi…”
Dù sao gốc vườn của tôi đã có hoa trà nở. Phải chăng hoa trà đã cảm động trước lòng hoài vọng của nhà tôi về viễn ảnh hoa trà nở rộ.
Trà đã đáp ứng và tôi nghĩ rằng nhà tôi sẽ vui lắm.
Mặt khác bên cạnh còn có chậu Anh tú màu đỏ tươi mà buổi sáng thức dậy, ngồi uống trà, tôi phảng phất nghe mùi hoa hồng
thoang thoảng. Lạ thật anh tú lại có hương hoa hồng.
Còn nữa, hoa cẩm tú cầu nở tươi, màu màu xanh ngọc bích cao sang, quý phái làm mê đắm nhà tôi, nhưng khí hậu thành phố chúng tôi ở không thích hợp cho cẩm tú cầu. Quê hương của cẩm tú cầu là Đà Lạt rất xa và rất gần như kỉ niệm. do đó mà năm nào cũng vậy nhà tôi đều không quên được cẩm tú cầu, mặc dù nó sẽ tàn tạ sau một mùa hoa nở.
Bên cạnh đó có giống Đỗ Quyên màu đỏ và vàng nhưng không bền, khó chăm bón nâng niu. Vậy mà nhà tôi vẫn mê nó.
Với tôi thì một số loài hoa rất dân dã, mộc mạc luôn là một ấn tượng khó phai lạt. 

Ngày ấy, sau 25 tháng chạp âm lịch, tôi theo cha, lon ton đi ngắm cảnh chợ hoa những ngày trước tết. Khu chợ hoa vẫn là tại Công viên Phu Văn Lâu, người bán hoa cành như hoa mai hay hoa chậu đã tập trung từ múi cầu Trường Tiền, họ đứng sát vĩa hè, chạy dọc lên Thương Bạc. Đây là nơi người mua tha hồ chọn. Đủ loại hoa, hoa chậu như cúc, thược dược, hồng, hải đường, vạn thọ, mẫu đơn, …và nhất là mai cành. Rất nhiều, rất nhiều.
Thường vẫn như mọi năm, cha tôi mua vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược, mỗi loại 4 chậu và một cành mai vàng.
Việc mua cành mai, đối với cha tôi, ông cho là quan trọng nhất vì ông phải chọn cành mai nào có thế, theo ông mai phải có các cành đều vươn lên và nhất là cành không bị đứt đoạn.
Các chậu hoa, cha tôi thường để sắp hàng trên lan can, quanh bồn cỏ trước sân nhà.
Và làm sao tôi quên được cây bông trang mà sự liên kết kỉ niệm trong tôi trở thành mộng mị. Tôi nhớ mẹ và tôi nhớ nàng, cuộc tình tội nghiệp mà nhiều lần tôi cầu nguyện, mong mẹ an ủi.
Ôi! nhớ cây bông trang, ngày cuối năm đi chạp mộ mẹ. Cây bông trang mà chị tôi đã trồng bên cạnh mộ mẹ ngày xa xưa ấy.
Tất cả bây giờ đã không còn.
Nhưng kỉ niệm thì mãi mãi …