Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Sưu tầm: Trang Sử Việt: Nguyễn Du


Nguyễn Lộc Yên

(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần).
________________
                                                                  NGUYỄN DU
                                                                  (1766 - 1820)
.
Nguyễn Du quê Hà Tĩnh, là một “Đại thi hào dân tộc”. Hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, tự Tố Như. Khi 12 tuổi, ông bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với người anh là Nguyễn Khản. Ông mài miệt học tập, thơ văn rất lỗi lạc. Tổ tiên của ông đời đời làm quan cho nhà Lê nên ông không muốn ra làm quan cho triều đại Tây Sơn, ông ngao du trên 99 ngọn núi Hồng Lĩnh ở Nghệ-Tĩnh.

.
  Năm 1802, vua Gia Long đã cho người mời mọc ông đôi lần, lúc ấy ông 37 tuổi, ông ngại bị quở trách nên ra làm quan cho triều Nguyễn, lúc đầu ông giữ chức tri huyện Phù Dung rồi Tri phủ Thường Tín. Năm 1805, thăng hàm Học sĩ Điện Đông các, rồi thăng Cần chánh điện Đại học sĩ. Năm 1813, ông làm chánh sứ sang Tàu, một vị quan Tàu đưa ông đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ, chuyên bán sang Việt Nam. Khi xem một số đĩa có vẽ cảnh mai và hạc, quan Tàu nhờ ông cho một câu thơ để làm kỷ niệm. Tố Như liền cầm bút nhúng vào men xanh viết ngay câu thơ bằng chữ Nôm:
     Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân
 .
     Năm 1820, vua cử ông đi sứ nữa, chưa kịp đi thì ông mất. 
     Các tác phẩm chính của ông:
- Chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tập ngâm, Lê quí ký sự.
 - Chữ Nôm: Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh).
Truyện Kiều (Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh), Tố Như đã chuyển dịch cuốn tiểu thuyết “Truyện Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân, thành truyện thơ theo thể lục bát dài 3.254 câu, nói về “tài và mệnh”. Nội dung truyện Kiều đề cao hiếu hạnh, đạo đức. Truyện Kiều là một áng văn  phong phú, từ người bình dân đến người trí thức đều thích thú vì sâu sắc lại dễ hiểu. Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nhật (1949), Tiệp Khắc (1957), Tàu (1959), Pháp (1961), Anh (1963), Đức, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển...  
.
Tố Như tiên sinh, chẳng những là một đại văn hào của Việt Nam, mà tổ chức khoa học và văn học thế giới (UNESCO) đã bầu chọn ông là một văn nhân của thế giới vào năm 1965.
.
 *- Thiết nghĩ: Sáng tác của Tố Như tiên sinh không đồ sộ về khối lượng, nhưng lại đặc biệt thấm đượm sâu sắc vào di sản văn học và văn hóa của dân tộc. Vì sao, vì “Truyện Kiều” lời thơ thâm thúy lại hài hòa với mọi tầng lớp quần chúng, nên từ người bình dân đến trí thức đều thích thú! Từ đấy, sáng tạo ra nhiều hình thức nghệ thuật dân gian, như: Ngâm kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều. đố Kiều...
     Ngày nay truyện kiều còn được phổ nhạc, biểu diễn trên sân khấu... Và có lẽ sau này, trong dân gian sẽ có rất nhiều hình thức về văn học, nghệ thuật khác từ Truyện Kiều.
Truyện Kiều đã được đồng bào đón nhận nồng nhiệt, có khi lại trở thành vấn đề xã hội, đã gây ra cuộc tranh luận với luận đề “Chánh học và tà thuyết” giữa ông Ngô Đức Kế và ông Phạm Quỳnh, Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Truyện Kiều đã thu hút nhiều người của đôi bên cùng bút chiến. Truyện Kiều đã ảnh hưởng đến các bậc vua chúa: Vua Minh Mạng đã đứng ra chủ trì mở văn đàn ngâm vịnh Truyện Kiều. Đến đời vua Tự Đức, nhà vua thường triệu tập các vị khoa bảng trong triều vào Khu Văn Lâu, lập văn đàn ngâm vịnh Truyện Kiều.
.
Ngày nay, tên một số nhân vật trong Truyện Kiều, đã ứng dụng vào đời sống với ý ám chỉ đồng loại:
 - Lầu xanh: nơi chứa gái mại dâm.
 - Tú Bà: chỉ người phụ nữ môi giới, chứa chấp gái mại dâm.
 - Sở Khanh: chỉ những người đàn ông phụ tình.
 - Hoạn Thư: chỉ người đàn bà có máu ghen thái quá.
.
Trong thơ thường có nhạc, thơ của Tố Như chẳng những có nhạc mà còn ẩn chứa cả hoạ. Trong câu thơ tả mùa xuân của tiên sinh, đã vẽ nên bức tranh mùa xuân rực rỡ:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
.
Cảm mộ: Tố  Như
.
Tố Như, danh lợi chẳng mơ màng!
Vâng lệnh vua mời, giữ chức quan!
Phong phú văn thơ, thâm thúy nghĩa
Truyện Kiều, mến mộ khắp dân gian!
.
Nguyễn Lộc Yên 

nguồn: https://vietbao.com/a248037/trang-su-viet-nguyen-du