Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

10 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SỐT


     Sốt là triệu chứng thường kềm theo các chứng nhiễm trùng và chúng ta có khuynh hướng làm hạ nhiệt ngay. Nhưng đâu là lợi đâu là hại ?

1.SỐT CÓ LỢI ?
Đúng vậy. Sốt là “đồng minh” của cơ thể chúng ta. Để đối phó với virut hay vi khuẩn, cơ thể đã phản kháng bằng cách tăng thân nhiệt để hạn chế sự nhân bản của các tác nhân gây bệnh này. Virut nhân bản nhanh ở nhiệt độ 37oC hơn là ở 39oC. Từ ưu thế này, nhất là ở người lớn, không nên tìm cách hạ nhiệt tức thì. Cơ chế ra sao? Theo GS Jean-Paul Stahl, giám đốc Khoa bệnh nhiễm trùng thuộc Trung tâm nghiên cứu CHU ở Grenoble, Pháp, cho biết hiện tượng tăng thân nhiệt là do các phân tử cytokin kích thích vùng dưới đồi ở vỏ não, gây ra các phản ứng sinh lý bao gồm tăng nhịp tim, dãn mạch máu... làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao.

2. SỐT GÂY RA CO GIẬT ?
Đúng và sai. Co giật kèm theo sốt thường chỉ xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Cảnh tượng chỉ diễn ra khoảng 1 đến 2 phút nhưng rất đáng thương: các cơ của trẻ co cứng lại, mắt trợn ngược... khiễn cho cha mẹ trẻ tưởng rằng trẻ đã chết. Đó là do nhiệt độ tăng cao đột ngột, tuy nhiên chỉ trong chừng mực nào đó thôi chứ không phải khi nào sốt cũng gây co giật. Trong đa số trường hợp, co giật không có tính chất nguy hiểm, trừ phi co giật kéo dài thì có thể làm tổn thương não bộ. Vì sao có một số trẻ thường bị co giật còn những trẻ khác thì không bao giờ ? Nguyên nhân chưa được rõ nhưng có thể là do yếu tố di truyền và do ngưỡng chịu đựng của từng cá nhân đối với sốt cao. Ngược lại, co giật rất hiếm khi xảy ra với người lớn.


3.SỐT CÀNG CAO THÌ BỆNH CÀNG NẶNG ?
Sai. Ở người lớn, không có sự tương quan giữa mức độ sốt và độ trầm trọng của bệnh. Thông thường, trong bệnh cúm, thân nhiệt có thể tăng đến 39,5oC hay 40oC nhưng không phải là bệnh nặng. Biểu đồ hình chữ “V” có thể được nhận thấy: sốt hạ vào ngày thứ 2 hoặc 3 rồi sau đó tăng cao trở lại vào ngày 4 hoặc 5. Ngược lại, ở trẻ sơ sinh cho đến 24 tháng, thật sự nguy hiểm nếu nhiệt độ lên cao 40o bởi vì hệ điều hòa thân nhiệt của bé chưa hoàn chỉnh (nguy cơ mất nước, co giật). Sốt > 41o ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy cơ tử vong. Nên đưa trẻ đi bệnh viện để phòng tránh hậu quả trầm trọng do sốt cao và để tìm nguyên nhân gây ra sốt. Sốt cao ít gây nguy hiểm ở người lớn vì người lớn có sức chịu đựng nhiệt độ cao tốt hơn.


4. SỐT TÁC ĐỘNG ĐẾN TÍNH KHÍ ?
Sai. Chính căn bệnh chứ không phải sốt mới tác động lên tính khí. Do tiến trình chiến đấu với bệnh khiến khiến cơ thể suy nhược, dẫn đến mệt mõi, mất ngủ... làm thay đổi tính tình. Theo GS Philippe Grandsenne thuộc Bệnh viện nhi Saint-Vincent-de-Paul, Pháp, các khớp thần kinh hoạt động kém đi khi xảy ra tình trạng bệnh lý, khiến cho trẻ chậm trở lại trường và người lớn thì chậm trở lại công sở. Sau cơn cúm nặng, thời kỳ dưỡng sức cũng phải kéo dài vài tuần lễ. Sự mệt mõi này cũng có tác động lên tính khí của người bệnh.

5. CÓ PHẢI SỐT TỪ 38oC, CẦN PHẢI DÙNG THUỐC ?   
Đúng và sai. Ở người lớn, trước khi kê đơn thuốc, trước tiên cần phải chẩn đoán bệnh để biết được nguyên nhân gây ra sốt. Sau đó, nếu có triệu chứng đau nhức, đau cơ, đau đầu... thì có thể dùng ngay thuốc paracetamol mà không phải đắn đo. Ngược lại, ở trẻ em, đừng chờ đợi lâu mà nên cho ngay thuốc hạ sốt để tránh nguy cơ co giật. Theo TS Grandsenne, cần khuyến cáo cha mẹ bé cho bé thuốc paracetamol nếu bé sốt từ 38,5oC trở lên. Trong trường hợp bệnh truyền nhiễm, bệnh không thể khỏi nhanh được mà cần giúp cho trẻ bớt khó chịu.
                      

6. ĐỂ HẠ NHIỆT, PARACETAMOL LÀ TỐT NHẤT? 
Đúng. Bởi vì paracetamol vừa có hiệu quả vừa ít độc hại nếu như sử dụng đúng liều lượng. Paracetamol gần như không gây độc, nên là lựa chọn hàng đầu. Paracetamol chỉ gây độc hại với gan nếu sử dụng liều quá cao. Ở người lớn, liều tối đa là 4g/ngày, tức là tối đa 1g mỗi 6 giờ. Theo TS Grandsenne, trong trường hợp sốt quá cao, ta có thể rút ngắn khoảng cách tức là mỗi 4 giờ và liều cuối nên dùng ibuprofen vì nó có tác dụng kéo dài hơn. Ngược lại, không nên sử dụng aspirin vì thuốc có thể gây nên hội chứng Lyelle (hoại tử tế bào da) dù hơi hiếm. Ibuprofen có nhiều tác dụng phụ hơn (như đau dạ dày) và không nên dùng cho trẻ em, tuyệt đối tránh dùng trong bệnh thủy đậu (trái rạ) vì có nguy cơ làm bệnh nặng thêm.
    



                  

7. THÂN NHIỆT THAY ĐỔI TÙY THEO NGƯỜI
Đúng. Bình thường, thân nhiệt cơ bản của con người thay đổi trong khoảng 36,5 và 37,5oC. Khi chạy marathon, thân nhiệt có thể tăng lên 39oC do nhu cầu năng lượng tăng do gắng sức. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt cũng làm thay đổi thân nhiệt. Vậy thân nhiệt có thể tăng cao hoặc hạ thấp trong khoảng giới hạn nào? Thân nhiệt tăng tối đa mà cơ thể chịu đựng được là khoảng giữa 41oC và 42oC; tối thiểu vào khoảng 35-36oC. Theo TS Grandsenne, ở trẻ em, thân nhiệt 36oC có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Cần cảnh giác!

8. CẦN MỞ TẢ BÉ BỊ SỐT VÀ NGÂM TRẺ TRONG NƯỚC ẤM ?
Đúng và sai. Mở tả trẻ bị sốt là rất cần thiết bởi vì hệ điều hòa thân nhiệt của bé chưa phát triển hoàn chỉnh. Theo TS Grandsenne, cần lưu ý cha mẹ bé là đừng quấn tả bé kỷ quá vì có thể làm tăng thân nhiệt của bé. Ngược lại, tắm bé trong nước ấm cũng không phải tốt bởi vì có thể làm cho trẻ khó chịu hơn và run lạnh. Ngoại trừ ở phòng hồi sức cấp cứu, trong trường hợp sốt cao mà không hạ nhiệt được, các chuyên viên có thể tắm ấm để làm hạ nhiệt cho bé.

9. CÓ PHẢI HẠ ĐƯỢC SỐT THÌ ÍT BỊ LÂY NHIỄM ?
Sai. Theo một công trình nghiên cứu ở Canada vào tháng 1/2014, được công bố trên tạp chí “Proceedings of the Royal Society”, các thuốc hạ sốt, thường được kê đơn để hạ sốt, lại làm tăng nhiệt độ trong 5% trường hợp của bệnh cúm. Lý giải cho điều này là do cách hành xử của người bệnh. Bởi vì, trong khi sốt giảm, bệnh nhân thấy dễ chịu và ra viện sớm để về nhà. Chính điều này làm tác nhân gây bệnh lan truyền. Hơn nữa, công trình nghiên cứu còn cho thấy ở những người bị bệnh viêm mũi, cúm thì sự bài xuất virut trong không khí lại tăng mạnh hơn sau khi dùng thuốc hạ sốt.

10. NHIỆT KẾ LỖ TAI LÀ ĐÁNG TIN CẬY NHẤT ?
Sai. Nếu sử dụng đúng cách, tất cả các loại nhiệt kế đều tốt. Dưới nách, dưới lưỡi (cọng thêm 0,5o), trong hậu môn hay trong lỗ tai... tùy bạn chọn lựa. Sai số khoảng 1/10, thật ra không thành vấn đề, điều quan trọng là biết được nhiệt độ “bình thường” hay “bất thường”. Hiện nay, tại các bệnh viện, lấy nhiệt độ bằng đường hậu môn không còn được sử dụng nữa bởi vì có nguy cơ làm nhiễm khuẩn lây lan. Đối với trẻ sơ sinh, nếu lấy nhiệt độ bằng đường hậu môn nhiều lần có thể gây nứt nẻ hậu môn vi thể.

      


                                                                             (Theo Cà M’Interesse, 12/2014)
                                                                                BS NGUYỄN VĂN THÔNG

Đ/C: BS NGUYỄN VĂN THÔNG
         120  CHI LĂNG  HUẾ
Tel: 054.3528624
DĐ: 0985.847.653
Email: DrThong007@gmail.com